Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Số phận một cuốn sách



Bản thảo viết tay đề năm 1966. 22 năm sau được trả về cho khổ chủ. Trong 20 năm tiếp theo, vẫn không một nhà xuất bản nào chịu in. Mãi cho đến năm 2010… Tôi đang muốn nói đến Những ngã tư và những cột đèn. Tôi nhẩm tính, năm 2010, nghĩa là Trần Dần đã qua đời được 13 năm. Nghe bảo sách đến tay bạn đọc vào mùa xuân năm 2011. Được ngợi khen nhiều. Và cả giải thưởng. Kiểu như một cú đòn quá khứ gây choáng váng hiện tại… Bản tôi đọc là bản in lần thứ năm, được tái bản vào năm rồi. Tôi nghĩ đến quãng thời gian 44 năm. Một tác phẩm không được biết đến/không được thừa nhận. Và đời sống văn chương như chìm trong quên lãng của cái tên Trần Dần. Lại nghe bảo khi sách ra mắt, báo chí chính thống đó đây tỏ ý dè dặt. Cái gì từng khiến người ta e ngại tác phẩm này đến vậy? Chợt thoảng nghĩ đến đợt ra mắt rầm rộ dạo nào được báo chí thông tin của Sợi xích, tôi tự dưng chạnh lòng. Hình dung quá trình thai ngén và gìn giữ “đứa con tinh thần” của Trần Dần. Quãng thời gian 44 năm. Tôi như nhìn thấy sự muộn phiền của khói thuốc…

Bối cảnh của Những ngã tư và những cột đèn rất xa lạ với tôi. Hà Nội những năm 1954 – 1966, chiến tranh lấp lửng trong hòa bình. Và câu chuyện thuộc về những con người ở bên kia chiến tuyến – những lính ngụy binh cũ thời Pháp thuộc. Có thể nói từ trước đến nay, tôi không biết đến những tác phẩm khai thác tư tưởng của những con người từng là phe địch trong chiến tranh. Để rồi lờ mờ nhận thấy có những chất liệu cuộc sống dường như vẫn bỏ ngỏ trong văn chương Việt Nam. Như lần đọc ở đâu đó, người ta nhắc đến thời kì vượt biên của dân Sài Gòn sau giải phóng, một thời kì hàm chứa sự dữ dội và đau thương – thế nhưng lại nằm ngoài lề văn học. Hay tại vì tôi ít đọc văn học nước nhà? Dù vậy, nếu có điều gì dễ dàng đẩy một tác phẩm văn chương vào số phận nghiệt ngã, kiểu nằm trong ngăn kéo hơn bốn mươi năm, thì sự can thiệp thuộc những thẩm quyền chính trị phải là nhân tố hàng đầu. Tôi không nghĩ có nhà văn nào lại muốn viết một tác phẩm để tồn tại trong tương lai. Nghĩa là khi viết, nhà văn viết cho chính con người và thời đại họ thuộc về. Việc bị hiện tại cấm đoán, phủ nhận nằm ngoài mong muốn của người cầm bút. Trong khi sự tồn tại của tác phẩm ấy kéo dài bao lâu, và tương lai có trả lại sự công bằng lại là một câu chuyện khác… 

Tiết tấu của Những ngã tư và những cột đèn khá nhanh dù như tôi thấy thì tình tiết không nhiều. Chủ yếu vì cách hành văn của tác giả (nhanh, gấp nhưng lại dày đặc những dấu chấm, dấu phẩy ngắt câu. Bạn cảm thấy mình đang ngồi sau một tay đua đang cưỡi một con mô tô trên xa lộ, lúc nào cũng sẵn ở một vận tốc đáng ghờm nhưng hắn lại có cái thú phi xe theo lối phóng nhanh thắng gấp). Một cách viết rất lạ, gọn gàng và hiện đại. Ngoài ra còn có rất nhiều câu văn thường xuyên đảo và điệp từ nhưng tuyệt nhiên không gây cảm giác khó chịu, ngược lại tạo cho tác phẩm văn xuôi một giọng điệu thơ khó lẫn. Không bàn chuyện hay dở vì còn phụ thuộc thị hiếu người đọc, cách viết của nhà văn có thể nói mang dấu ấn sáng tạo rất riêng và hiếm gặp (trước khi đọc cuốn sách này, một giọng điệu khác biệt hẳn như thế tôi chỉ từng bắt gặp ở tác phẩm Tình ơi là tình của Elfriede Jelinek). Nếu không phải lối hành văn ấy, với tôi Những ngã tư và những cột đèn có lẽ chỉ là một tiểu thuyết trinh thám đơn thuần và như thế sẽ thiếu hẳn sự thuyết phục mạch lạc của thể loại này (hãy thử hình dung làm sao một gián điệp hoạt động ngầm lại chọn lối hóa trang dễ để lại ấn tượng sâu đậm trong người khác đến thế. Và dù câu chuyện ban đầu khá khó đoán nhưng rồi không cần đợi đến những trang cuối cùng, bạn cũng biết Nhọn cằm là ai. Tôi hơi thất vọng vì nghĩ nếu Nhọn cằm là người thuộc hàng ngũ cách mạng hoặc một trong những người bạn khác của Dưỡng, có lẽ câu chuyện sẽ để lại dư âm sâu sắc hơn. Mặt khác việc nhà văn chọn cách viết thông qua hồi ức của những nhân vật, đặc biệt việc triển khai diễn biến câu chuyện thông qua những trang nhật ký cũng hàm chứa trong nó sự thiếu mạch lạc. Thú thực là tôi vẫn hơi ù ù cạc cạc về quá trình tóm Nhọn cằm và nhân thân của một vài nhân vật – có cảm giác rằng những trang càng về cuối càng cụt và vội vàng quá). Vậy nên kỳ thực người ta cũng chẳng nên nhấn mạnh Những ngã tư và những cột đèn là một tiểu thuyết trinh thám. Đúng hơn, đây là cuốn sách về những phận người – những người từng thuộc phe địch trong chiến tranh, số phận của họ khi ở lại Hà Nội dưới sự tiếp quản thủ đô của Cách mạng… Và được viết bởi Trần Dần – người vốn được biết đến trước hết với tư cách một nhà thơ, của những câu thơ giờ đây dường như cũng đã trở thành bất hủ:

“Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời”

Ngày nay khi cầm trên tay và đọc Những ngã tư và những cột đèn, tôi không thấy có yếu tố nhạy cảm nào ngăn cản cuốn sách tiếp cận độc giả (thật lạ là đến tận năm 2011 mà vẫn còn tồn tại sự e ngại dành cho tác phẩm). Tôi không biết nếu là người cùng thời tôi có cảm thấy sự “nhạy cảm” của cuốn sách không. Nhưng tôi ao ước không có một cuốn sách nào, hơn 40 năm sau được ca ngợi hết lời, nhưng trong hơn 40 năm trước đó, chịu số phận nằm trong ngăn kéo. Chỉ bởi tự do tư tưởng và dân chủ đích thực là tương lai…


---


Tb:  Một điểm hơi khó chịu không thể phủ nhận đối với tôi khi đọc Những ngã tư và những cột đèn là có những từ ngữ tác giả sử dụng tôi không hiểu (tôi tin là vì bối cảnh viết là những năm 1960 ở miền Bắc) như: tàu bò, dằn di, quần Quan Âm, hốc quịt, xừn xựt, xúvơnia, bicphe sừng bò… nhưng biên tập không ghi chú giải thích nào. Không rõ có phải vì ngày nay ở miền Bắc những từ ngữ  đó vẫn thông dụng hay sách xuất bản cho những độc giả sinh cùng thời, còn với thế hệ sau thì đã có Google???  Nhưng tôi biết rằng tôi không phải là người duy nhất không hiểu những từ ngữ đó…

3 nhận xét:

  1. Đây là ngày
    Thời gian lặp đi lặp lại những chiều vàng vọt như nhau
    Tôi nổi máu điên
    Tôi chồm về ngã Bẩy
    Tôi đứng lầm lầm như một cái chòi đêm
    Tôi cắn chết nhiều ngày mưa
    Tôi đứng xù xụ bến tàu bùn
    Thì hãy lấy mùi soa đêm chùi đôi mắt khổ
    Hơn là mỏi răng nhai ràu rạu vỉa hè.
    -Tôi biết ông qua những vần thơ đầy day dứt !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dường như nhắc đến Trần Dần, người ta nói đến thơ ông đầu tiên...

      Mà mấy vần thơ bạn trích hay đấy...

      Đây là ngày
      Thời gian lặp đi lặp lại những chiều vàng vọt như nhau...

      Xóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...