Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Chìm


Mấy năm trước, đi làm ở công ty cũ, mặt trời đuổi phía sau lưng. Đoạn đường có lẽ cũng tương đương với bây giờ, không gần, cũng không xa. Chỉ những ngày gặp cơn mưa lớn, có khi đứng chờ nước rút đến nửa ngày. Hồi ấy nơi tôi cần đến thuộc một trong những điểm ngập lớn của thành phố. Đó còn là những năm thành phố rộ phong trào làm đường. Đi đâu cũng dễ gặp lô cốt, vừa phải chịu cảnh tắt đường, vừa khó đi hơn mỗi khi trời mưa. Mấy năm nay thấy ít làm đường, chắc vì đường làm mãi cũng hết. Hôm nào trời mưa lớn thì đường vẫn ngập. Những con đường ở trung tâm thành phố cũng không thoát khỏi cảnh sông nước mênh mông. Được cái nước mau rút. Thành phố này chưa từng rơi vào cảnh lụt lội kéo dài mấy ngày liền như Hà Nội. Tôi không biết bơi. Có lần đang ngồi ở công ty trời mưa rất to, lác đác vài đứa bé nhà ai chạy ào ra tắm mưa, vừa chạy vừa hét vang: mưa lớn lên đi, mưa lớn lên đi, ai lùn chết chìm. Cười nghĩ cái vế sau cùng chắc dành cho mình đây.

Đợt trước ảnh hưởng bão, Sài Gòn mưa nhiều. Tôi còn ngỡ năm nay mùa mưa đến sớm. Rồi thì hết bão, Sài Gòn nắng ráo trở lại, vỡ ra mình nhầm. Khoảng 3 năm trước, thành phố có một năm khô hạn kéo dài. Sống ở đây hai mươi năm, lần đầu tiên tôi thấy lịch cúp điện dày đặc đến vậy. Cứ định kỳ chỗ tôi ở, một tuần một lần. Ban đầu còn càm ràm nóng nực, sau biết ở những nơi khác, có bạn mình còn chịu 2 – 3 lần một tuần, nhằm cả vào ngày nghỉ và buổi tối mới hiểu mình may chán. Người ta cứ phải thấy cái khổ của người khác thì mới biết mình sướng. Năm nay khác, có lẽ là một năm của mưa (bão) và những đám cháy. Thật ra mấy năm nay thiên tai địch họa ngày càng nhiều. Nhớ hồi cuối năm 1999 rộ lên thông tin năm 2000 sẽ là năm tận thế. Nhưng rồi Sài Gòn đã tưng bừng đón năm 2000 bằng bài hát thịnh hành dạo bấy giờ, nếu tôi nhớ không nhầm, là “Sài Gòn cô tiên năm 2000”. Sau này thi thoảng vẫn có những lời đồn như vậy nhưng không có ngày hủy diệt nào diễn ra sau đó. Vậy nên tôi không nghĩ sau này và sau này, sẽ có một ngày được đánh dấu là ngày tận diệt của loài người. Chỉ đôi khi nghiền ngẫm, với cách mà con người đối xử với thiên nhiên và đối xử với nhau, kỳ thực mỗi ngày đều có thể là ngày tận thế. 

Sau này mỗi sáng đi làm, mặt trời ở trên cao dõi xuống, ngay đằng trước mặt. Mỗi lần dừng đèn đỏ, tôi tắm trong thứ ánh sáng đang đỏ lửa trong lò rèn, một cách tự nhiên, thường không thể ngẩng đầu nhìn trực diện về phía mặt trời. Đoạn dừng ở ngã tư Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Cừ kéo dài nhất. Đèn đỏ - đèn xanh – đèn vàng do cảnh sát giao thông trực tiếp điều khiển. Xanh - đỏ thường cách nhau đến hơn một phút, thậm chí có hôm hai phút. Khoảng thời gian câm lặng đó, cái thực tại không thể nhúc nhích trước khi đèn chuyển sang màu xanh đó và dáng điệu khẽ cúi đầu dưới ánh nắng mặt trời khi ấy, với tôi như là đang phải nhận lãnh một tội lỗi nào đó và rồi toàn thân bị gột rửa bằng một thứ ánh sáng sạch sẽ đến bỏng rát. Khoảng 50 giây tôi đã bắt đầu sốt ruột, bắt đầu thèm khát những cơn gió mát khi xe di chuyển. Đám đông cũng vậy, chờ đợi hơn 50 giây, bắt đầu nhấp nhổm, bắt đầu gầm gừ. Ngay khi có cảm tưởng đám đông sẽ sôi sục trờ tới, hung hãn vượt qua lằn ranh phân chia những con đường vào khuôn khổ, bất chấp luật lệ, bất chấp những người thi hành luật đang hiện diện thì chỉ trong tích tắc, đèn đỏ tắt đi cùng lúc với tín hiệu đèn xanh bật lên. Nhịp nhàng như thế. Luật là thứ, buông lỏng quá hay thắt chặt quá, cái chúng ta gặt chỉ là những chiến trường.

Tôi đã thuộc con đường mỗi ngày mình  đi nên chỉ còn mỗi việc đi theo thói quen. Không còn tự nhắc mình phải nhớ tên đường. Độ sau này, khi có dịp chỉ đường đến cho ai đó, phát hiện chính những lúc này bản thân lại không còn nhớ chi tiết như những ngày đầu, không tài nào kể ra vanh vách những rẽ trái, rẽ phải, đi qua đường này, cắt ngang đường kia... Thật ra tôi không giỏi nhớ đường và tên đường. Có những con đường từng ngày nào cũng đi, rồi một thời gian không trở lại, sau này không còn chút ký ức. Càng đặc biệt dễ nhầm phương hướng. Nếu tôi từng từ một điểm A đi đến điểm B thì về sau, để đến được điểm B, tôi cũng vẫn phải xuất phát từ điểm A đó. Đó là lý do đi đâu, tôi thường chọn loại đường thẳng để mà đi, cho dù đường thẳng có thể làm tôi mất nhiều thời gian. Người khác chỉ tôi đi đường này đường kia nhưng rồi tôi lại trở lại những con đường quen thuộc. Đi đường khác, tôi lạc đường và như thế thậm chí chẳng có cơ may về đích. Có điều gì đó trong điều này phản ánh con người thất bại của tôi trước cuộc đời. Duy có điều, có rất nhiều việc muốn quên đi dễ dàng như quên một con đường thì tôi lại không làm được. Thường chỉ dồn vào một đáy sâu nào đó. Và phó mặc cho thời gian.

Mong về cuối năm, mọi nan giải lúc này sẽ (tạm) được giải quyết. Không phải tất cả nhưng ít ra cho tôi thấy một điểm sáng nào đó để mà có niềm hy vọng. Nhưng rồi chỉ hai chữ “hy vọng” cũng khiến tôi ngần ngại. Sợ rơi tiếp vào chuỗi những buồn lo. Tôi cứ thấy quanh mình mọi thứ đang chìm, chìm xuống đáy. Như câu nói những đứa trẻ ngoài kia đang hét vang trong trời mưa lớn: mưa lớn lên đi, mưa lớn lên đi, ai lùn chết chìm.

Nghĩ vế sau cùng dành cho mình đây.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...