Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Trên kệ sách (6)


69 (Ryu Murakami, Hoàng Long dịch, NXB Lao Động & Bách Việt, 2016) 

Tôi gần như quên khuấy cuốn này. Không phải vì nó dở hay ít thú vị. Dạo sau này, tôi nghĩ mình ít tập trung vào việc đọc. Đúng ra tôi đọc để tìm kiếm sự tập trung. Sự đọc khi đó dở hơn tự thân nó. Nghĩa là, thay vì hành vi đọc dẫn đến sự tập trung vào việc đọc, một cách tự nhiên thì tôi cố ép buộc mình. Hệ quả là tôi nhanh chóng thấy mệt và quên cái mình đã đọc nhanh hơn hẳn bình thường.

Đó có phải là vấn đề của tuổi tác không? 

Vẫn điên rồ sau bấy nhiêu năm…

Kazuo viết cái dòng ấy cho Ken, sau nhiều năm xa xách. Nàng đã lấy chồng còn chàng trở thành nhà văn. Thi thoảng họ liên lạc với nhau, bằng những cú điện thoại hay thư từ. 

Rồi cuốn sách ngừng ở đó. Dĩ nhiên đó là một cái kết không thể nào đẹp hơn. Bởi lẽ cuốn sách không viết về cái thực tại mà viết về quá khứ. Cái năm 1969, khi họ còn là những cô cậu mười bảy tuổi… 

Không ơ thờ lãng đãng, không u ám thâm trầm, càng không huyền bí siêu thực, Ryu Murakami mang đến cho tôi một cảm giác mới mẻ về văn chương Nhật. Một thời tuổi trẻ sôi nổi, không thiếu ngông cuồng nhưng tươi sáng và khá hài hước được ông gói gọn trong hơn hai trăm trang sách với lối hành văn hiện đại, cái nhìn dí dỏm và một niềm say mê mà hẳn chỉ nhiệt tình tuổi trẻ mới có. 

Bạn có thể là gà, hay là người, nhưng chỉ cần chút nổi loạn là ta biết được đời ta thuộc về chính bản thân ta (trang 234). 

Phong vị tuổi trẻ thấm đẫm trong 69 như thế… 

Gió đùa trong liễu (Kenneth Grahame, Nguyễn Thị Cẩm Linh dịch, NXB Văn học & Đông A, 2017)  

Tôi đặt mua online. Vì vậy khá ngạc nhiên khi sách đến tay. Hình thức rất đẹp, bìa cứng, còn có tranh mình họa. (Dù kỳ thực tôi không thích sách bìa cứng, nó lạc điệu giữa hầu hết sách tôi có, chỉ là loại bìa mềm). Cuốn này hợp với bạn đọc nhỏ tuổi, từ thể thức trình bày đến văn phong và nội dung câu chuyện. Tất nhiên nếu thiếu nhi đọc được thì người lớn cũng là đối tượng có thể đọc (phép loại trừ chỉ diễn ra ở chiều ngược lại?!) 

Bạn sẽ thấy mến Chuột Chũi vì sự trung hậu của cậu, rồi cũng sẽ mến Chuột Sông với sự thông minh nhưng không thiếu trìu mến yêu thương trong cậu… Rồi những nhân vật khác xuất hiện và bạn thấy tất cả đều đáng yêu. Nhưng rất có lẽ cậu Cóc ưa phiêu lưu, cả thèm chóng chán là nhân vật thú vị hơn cả. Một kẻ cuối cùng cũng trưởng thành hơn sau những vấp váp. Nhưng cái thú vị ở Cóc, là một người lớn thì ta chẳng buồn đánh giá cao cái chi tiết cuối cùng ấy (trừ phi ta phải thuyết giảng với mấy bé thiếu nhi), mà ta sẽ thấy thú vị trước những chi tiết nổi loạn, những biểu hiện luôn ở ngưỡng tối đa cảm xúc của cậu. Sự si mê đối với cái xe ô tô, sự lao mình vào thú nguy hiểm mặc kệ mọi lời can ngăn… Một kẻ hay gây rối nhưng lại là tâm điểm để làm câu chuyện bên dòng sông nơi vi vu gió đùa trở nên sống động và tràn đầy tinh thần phiêu lưu hơn…

Tôi có ngó qua ebook – một bản dịch khác, có lẽ là bản Nhã Nam phát hành trước đây, tuy không mượt mà bằng bản của Đông A, nhưng lại đem đến cảm giác văn chương hơn. Tôi nghĩ rất có lẽ bản dịch của Nhã Nam sẽ hợp với người lớn hơn là bản của Đông A.

Tình yêu xanh thẳm (Tracey Garvis Graves, Nguyễn Cẩm Vân dịch, NXB Phụ Nữ, 2016)  

Tôi hơi mệt mỏi với 1Q84 nên thường giữa lúc đọc, tôi tạt sang đọc những cuốn tôi nghĩ sẽ dễ chịu hơn với mình. Trong đó có cuốn này. (Và giờ tôi vẫn chưa đọc xong tập 3 của 1Q84). 

Một cốt truyện y như phim, với chút kịch tính làm nền nhưng tựu trung là một câu chuyện như lời giới thiệu “Nếu bạn đang kiếm tìm cảm giác êm dịu và dễ chịu, cuốn sách này là dành cho bạn”. 

Cũng có thể, nếu bạn thuộc trường phái ưa dựa vào thẩm quyền đạo đức để xét đoán mọi thứ, kể cả sách vở, phần nào đó trong câu chuyện sẽ khiến trán bạn nhăn lại. Tình yêu giữa một phụ nữ lớn tuổi, còn là gia sư, với một cậu bé là học trò của mình, có lẽ không khi nào nhận được sự đồng tình. Có hàng loạt lý do cho điều đó, trong số đó, nhiều cái đúng. Nhưng cũng có khi sai, đấy là khi ta đặt trong một câu chuyện nào đó, một câu chuyện mà trong đó chẳng có gì ngoài hai kẻ yêu nhau (tất nhiên tôi vẫn sẽ muốn nói đến thời điểm, như từng nói khi viết về cuốn Franz và Clara, tình yêu luôn cần một thời điểm để bộc bạch, dẫu nó sẽ phải bắt nguồn sớm hơn cái thời điểm đó, có khi rất nhiều). 

Tác giả xử lý câu chuyện trong Tình yêu xanh thẳm rất khéo léo, sự khéo léo mà vì nó, bạn sẽ không thể tìm thấy một câu chuyện kiểu như trong Người đọc hay Người tình. Nó làm mất đi cái đam mê, ám ảnh và dằn vặt phải có ở một tác phẩm lớn nhưng đem đến cho câu chuyện ánh sáng hạnh phúc, một cái kết không thể nào trọn vẹn hơn. Và có lẽ cả người viết và người đọc, trong bối cảnh xã hội hiện đại thì cũng chẳng tìm kiếm điều gì khác hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...