Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

Thế nào cũng tốt thôi

Windows XP Pro (2002) SP 3, Pentium 4 CPU 2.6Ghz 1GB Ram.

Đó là cấu hình bộ máy tính để bàn của tôi, hy vọng tôi đã viết đủ thông số.

Sau khi FPT thay đổi đường truyền Internet tốc độ cao kèm tặng một thiết bị modern có phát Wifi (sau nửa năm thông báo), bộ máy tính càng trở nên chậm chạp. Dĩ nhiên tôi có lý do để tin rằng đây là vấn đề thuộc về phần cứng. Khi sử dụng điện thoại để vào mạng, tôi không vấp phải sự ì ạch kinh hoàng như với cái máy tính của mình.

Tôi không nhớ tôi đã mua bộ máy vi tinh` này từ khi nào nhưng hẳn không ít hơn mười năm. Tất nhiên đã có sự sửa chữa và đôi khi nâng cấp. Ví dụ như với monitor, trước đây là một Samsung to đùng thì vài năm trước buộc phải thay bằng một Samsung phẳng phiu.

Có một lần trong toàn bộ thời gian sử dụng, bộ máy tính hư nặng nhất, hư một bộ phận thuộc CPU dẫn đến phải thay đồng bộ theo vài thứ khác. Tôi không có đủ ngân sách để thay một CPU hoàn toàn mới, điều mà chắc chắn tôi sẽ làm nếu có thể bởi vì vào thời điểm đó, không thể tìm được những linh kiện mới cho dòng sản phẩm cũ kỹ mà tôi còn dùng. Tôi thấy hơi xấu hổ nhưng anh thợ ráp và sửa máy vi tính cho tôi từ lúc anh còn là chàng trai độc thân đến lúc đó là người đàn ông một vợ một con (và nghe bảo giờ đây anh đã có thêm một em bé nữa), dù ngờ vực và có vẻ đã cho tôi là một kẻ keo kiệt với công nghệ hơn là một kẻ đang không có tiền, đã tìm và sử dụng những linh kiện còn dùng được trong những bộ máy tính cùng thời để thay thế cái bị hỏng. Từ lần sửa đó, bộ máy vi tính không hư hỏng gì nghiêm trọng hơn. Nhưng nó trở nên bất tiện với những lỗi lặt vặt và gần như mất khả năng kiểm soát virus. Đồng thời, nó chạy chậm và đôi khi ầm ĩ như cái quạt thông gió công nghiệp.

Thật ra nếu so sánh với những bộ máy vi tính tôi từng sử dụng trong quá trình đi làm, bộ máy của tôi chưa phải là tệ nhất. Anh thợ sửa vi tính từng nói rằng những ông chủ Việt Nam không mấy khi chịu chi cho những khoản thiết bị vi tính, bao gồm phần cứng cũng như phần mềm. Và những người phụ trách công nghệ thông tin như anh trong quá trình làm việc gặp nhiều khó khăn vì vậy. Anh nói nhiều thứ khác nữa nhưng tôi đều quên cả rồi. Có lẽ bây giờ anh vẫn còn làm cố định cho một công ty và làm thêm với tư cách cá nhân. Dù tin tưởng anh nhưng phí của anh càng lúc càng cao. Có thể bây giờ đã leo lên tận nóc, với hai đứa con và một người vợ.

Tôi là người dùng vi tính cơ bản, chủ yếu chỉ soạn thảo và lướt web, vọc vẹt phần mềm thìỉ thi thoảng và hầu như là khi tôi còn trẻ và ham hố hiểu biết hơn bây giờ. Bây giờ tôi cũng còn trẻ ( ^.^) và tạm thời nhận thấy hiểu biết cũng là một kiểu gánh nặng; và không có gì kinh dị hơn là hiểu biết đủ thứ. Thế nên cái việc nâng cấp máy vi tính không khiến tôi bận tâm nhiều. Chỉ khi sự chậm chạp của nó, mà đôi lần đánh thức sự nóng nảy trong tôi – tôi luôn cảm thấy rằng tôi sẵn sàng ném cái CPU qua cửa sổ nếu đủ sức, tôi mới cảm thấy có thể đã đến lúc phải thay đổi, nghĩa là lên kế hoạch cho việc ráp một CPU mới, ít nhất phải dùng hệ điều hành Windows 7 – khi nhìn thấy nó trong laptop của chị dâu mình, tôi lúng túng như gà mắc tóc dù tất nhiên, không mất bao nhiêu thời gian để làm quen…

Ngoài những trang tin tức, mà khuynh hướng đọc là đọc lướt và ngày càng không chịu nổi trước những cái tít na ná nhau, những kiểu thông tin không lấy gì làm giá trị dù rất có giá trị trong việc tiêu phí thời gian, tôi ưa đọc những trang blog cá nhân mà tôi tình cờ tìm thấy trên mạng. Không phải trang nào cũng thu hút bạn. Với tôi, đó thường là những trang viết nghiêm túc và theo đuổi những chủ đề gần gũi nhưng không quá riêng tư sướt mướt. Không nhiều lắm hoặc tôi không tìm thấy nhiều. Ngày nay, những trang blog thường xuyên đóng bụi và đôi khi tôi nghĩ, đến lúc nào thì mọi trang blog cũng bị khai tử như với blog Yahoo. Sẽ không có cuộc thương vay khóc mướn nào nữa. Chúng ta chứng kiến một sự lặng lẽ suy tàn. Với cái nhún vai “Tốt thôi”.

Có những blogger viết xuất sắc và dịch cũng xuất sắc không kém. Khá nhiều những truyện dịch mà tôi được đọc và tôi tự hỏi, tại sao chúng chẳng bao giờ xuất hiện trên mặt báo (có những tờ báo dành đất cho truyện dịch). Là vấn đề bản quyền hay bản thân người dịch không mặn mà với việc đăng báo? Dường như nhiều blogger viết giỏi cũng không hào hứng với việc phổ biến tác phẩm của mình trên báo, nơi ta phải đọc nhiều truyện ngắn không khác gì đọc những bản tin, với những hành văn na ná mà tôi không rõ thuộc trách nhiệm của tác giả hay biên tập viên, những chủ đề cũ với phong cách kể chuyện không mới, chúng nhàm chán và đơn điệu. Dĩ nhiên, tôi không đánh đồng tất cả. Suy cho cùng một truyện ngắn xuất hiện trên báo có cái thiệt thòi của nó. Một trong số đó là chúng chỉ là một phần của một tờ báo mà người đọc sẽ quan tâm đến tin tức và các chuyên mục, truyện ngắn dễ dàng trôi tuột đi. Và hành trình của sự xuất hiện đó thông thường vô cùng gian nan. Có thể người ta đã từng thử và rồi phải buông bỏ. Những người viết lách có cái đặc trưng giống nhau. Lòng tự trọng của họ dễ bị thương tổn. Và họ hứng chịu sự bạc đãi nhiều hơn một người làm việc ngày tám tiếng có thể tưởng tượng, dù chỉ những người làm việc ngày tám tiếng mới có thể la to trong sự đồng cảm của xã hội, rằng: “Tôi bị bóc lột”.

Nếu tôi có một thẩm quyền, hẳn tôi sẽ sàng lọc và cho xuất bản những blog mà tôi ghé đến, mà tôi nhận ra tình yêu của người viết với con chữ, mà tôi cảm thấy sự thất vọng và những khát khao của họ hòa quyện trong nhau… Nhưng tôi không có một thẩm quyền nào cả. Và tôi ngờ là, nếu người khác cũng cảm thấy họ viết hay đến thế, có lẽ đã không cần đến một đứa như tôi góp phần vào cục diện xuất bản bằng trí tưởng tượng của mình.

Cho đến ngày blog suy tàn, có lẽ nó vẫn là nơi người ta ghé đến, tìm chút dư vị con người, trong không khí và tiếng nói cá nhân, tránh xa bầy đàn, trước khi bỏ đi với cái nhún vai. Thế nào cũng tốt thôi.

1 nhận xét:

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...