Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Đối thoại với Trần Khải Ca - Lý Nhĩ Uy


(Những trích dẫn dưới đây thuộc về những chia sẻ của Trần Khải Ca trong những cuộc đối thoại với Lý Nhĩ Uy, liên quan đến các bộ phim đã thực hiện và một số khía cạnh đời sống riêng tư của ông).

Con người không cần thiết phải bận rộn tìm mọi hình thức xã hội hoặc chính trị nào để viện cớ cho hành vi của mình. Bởi xét cho cùng vẫn là sự lựa chọn và quyết định của tính người – tr. 14.

… mơ ước luôn là đặc trưng của trẻ con, còn người lớn chúng ta làm gì có ước mơ – tr. 15.

… dù xã hội biến đổi ra sao, một số thứ vẫn không hề biến đổi, ví dụ như niềm đam mê… Đối với người thực sự mê đắm nghệ thuật, hạnh phúc của anh ta chỉ tồn tại trong nghệ thuật của anh ta. Đó là điểm chung trong cuộc đời của rất nhiều nghệ sĩ. Niềm vui thực sự là được làm thứ mà mình cực kỳ yêu thích – tr. 16.

… con người là sản vật của hoàn cảnh. Nếu người nào có thể vượt qua được sự tác động của hoàn cảnh, họ sẽ trở thành vĩ nhân – tr. 17.

Mọi việc đều tự nhiên như nước chảy theo dòng, vì vậy không thể lôi "đột phá" ra làm khẩu hiệu suông được – tr. 22.

Tôi thấy nghệ thuật là một thứ rất nặng về tình cảm, còn triết lý là thứ mà con người tổng kết nên… Nếu bạn không kể  ra được những câu chuyện mang tính triết lý sẽ luôn cảm thấy mình không đủ mức độ thanh cao. Thực ra nghệ thuật là thứ hoàn toàn cảm tính, không cần thiết phải tống kết thứ gì – tr. 24-25.

… tôi không coi điện ảnh chỉ đơn thuần là phương tiên mưu sinh. Muốn mưu sinh, tôi sẽ đi kinh doanh, cần gì phải làm phim cơ chứ ? Tôi luôn cho rằng điện ảnh sinh ra nhờ khoa học và được tập hợp nhờ tính người. Một thứ như vậy cần phải được đối đãi chân thành  - tr. 27-28.

Có thể nói bố mẹ là bầu trời của con cái. Một khi bố mẹ không còn nữa, bầu trời của con cũng sụp đổ - tr. 45.

Có nhận thức được mình mới nhận thức được thế giới – tr. 48.

Nếu thành công được đổi bằng một cái giá quá cao thì thành công đó cũng không đầy đủ - tr. 58.

Mục đích của con người khi sáng tạo nên văn hóa chính là khiến văn hóa thêm hoàn thiện, nhưng kết quả sáng tạo văn hóa lại luôn khiến con người chịu sự bó buộc của văn hóa – tr.58-59.

Con người sống cả đời trên thực tế là một quá trình phấn đấu vì muốn hoàn thành mục tiêu. Nếu mỗi ngày đều được sống rất tốt và chân thực, bạn không cần mục tiêu nào khác nữa, vì bạn đã có mục tiêu rồi. Vì thế chúng ta đặt ra cho mình quá nhiều mục tiêu, trên thực tế chúng không có liên quan tới bản thân sinh mệnh, vì vậy bạn luôn thấy thất vọng. Nếu bạn có thể sống rất chân thực, mỗi ngày đều làm việc mà bạn cho rằng cần phải làm, như vậy bạn đã tìm được ý nghĩa của sinh mệnh – tr. 59.

… niềm vui thực sự trong đời người chính là được làm những việc mà mình yêu thích. Được sống trong suy nghĩ độc lập và phong phú muôn màu sắc sẽ không chỉ có ý nghĩa hơn việc chỉ theo đuổi cuộc sống vật chất đơn thuần, mà còn vui sướng hơn gấp nhiều lần – tr. 72.

Kẻ theo chủ nghĩa lý tưởng rất khó tránh một số hậu quả trong cuộc sống cá nhân như cảm giác cô đơn, nhưng tôi có quê hương tinh thần của mình. Đó chính là điện ảnh. Tôi trung thành với điện ảnh như một kẻ trung thành với tôn giáo, và yêu điện ảnh như yêu một con người. Còn nỗi cô độc, theo tôi, đó là điều kiện cơ bản của người làm nghệ thuật – tr. 77-78.

Con người không thể tha thứ được cho nhau, không phải là việc sắp xảy ra, mà đã xảy ra, vì những việc đã xảy ra không thể nào cứu vãn được – tr. 96.

… có một số đời người khiến bạn có cảm giác buồn đau không thể nói ra nổi – tr. 106.

… nếu thực sự điện ảnh có sứ mệnh, thì không nằm ở việc tuyên truyền cho kẻ chiến thắng, cũng không nằm ở quá trình tường thuật diễn tiến của chính trị và lịch sử. Thực ra nghệ thuật chỉ có chung thủy với sứ mệnh nhiệt tình – tr. 112.

Một câu chuyện hay nhất thiết phải có thứ phụ kiện tốt nhất kèm theo, tức là những nhân vật có thể khiến con người phải rung động… người làm đạo diễn cần phải hiểu rõ : trên con người nhân vật, bạn đã thực sự phát hiện được thứ gì ? – tr. 125.

Khi nghệ thuật chỉ để chơi mới không có mục đích, chỉ có tài năng không có mục đích mới trở thành tác phẩm nghệ thuật – tr. 127.

… môi trường như thế nào sẽ tạo ra tính cách con người như thế đó. Đối với những kẻ phục tùng môi trường, lấy yêu cầu của môi trường làm tiêu chuẩn sống cho mình, chúng tôi gọi đó là những kẻ phàm nhân. Trái lại, đối với những con người có thể nghi ngờ và thách thức môi trường, chúng tôi gọi đó là những kẻ siên nhân, cô độc, kẻ điên – tr. 132.

Nghệ thuật chính là năm mơ giữa ban ngày, còn các nhà nghệ thuật chính là những người nằm mơ. Càng nhiều những người nằm mơ giữa ban ngày, xã hội càng khỏe mạnh. Nhưng xã hội hiện đại sẽ không có nằm mơ. Đó là một xã hội không có những giấc mơ, vì thế tôi luôn lao vào tường – tr. 132-133.

… trạng thái sáng tác tốt nhất chính là trạng thái không có gì : tôi không có gì cả, không phải gánh trách nhiệm gì, tôi chỉ muốn diễn đạt. Nhưng khi bạn thành công rồi, bạn sẽ có, hơn nữa còn không thể quay trở lại trạng thái như ban đầu. Vì thế lúc này bạn cần phải điều chỉnh. Tức là nói về cơ bản sinh mệnh sáng tác của bạn đã trôi qua – tr. 215.

Thứ mà bạn yêu quý mạnh mẽ hơn trách nhiệm của bạn rất nhiều. Tôi cho rằng, hạnh phúc lớn nhất của nhà nghệ thuật chính là nằm ở chỗ anh ta có hai thế giới. Đối với những người làm công việc thông thường, chỉ có một thế giới vật chất hiện thực, khách quan và trực tiếp. Nhưng đối với những người làm nghệ thuật, anh ta còn có thế giới thứ hai. Đó là một thế giới tưởng tượng, lý tưởng hơn, đẹp đẽ hơn, trong đó có mảnh đất riêng cho mình để phát huy, để diễn đạt, hạnh phúc của những người làm điện ảnh chính là khi đèn bật sáng, bạn sẽ cảm thấy mình như tạo ra một thế giới lại từ đầu – tr. 226-227.

Quan sát cuộc đời, thể hiện nhân tính, đó chính là nghệ thuật. Thứ có thể cảm động con người chính là bản thể con người. Công việc của những nhà nghệ thuật là nghiên cứu cuộc đời – tr. 228.

… nếu hỏi tôi rằng: "Trạng thái sáng tác tốt nhất là gì?", tôi sẽ đáp: "Chính là duy trì được tấm lòng con trẻ, không chút vướng bận. Đừng nhớ tới bạn đã được giải thưởng gì, đã thành danh gì, hãy cứ coi mình như người bình thường. Chỉ cần có thể duy trì được trạng thái của người bình thường, bạn mới có thể tiến lên phía trước" - tr. 229-230.

Trẻ con coi trò chơi quan trọng như cuộc sống, nhưng người lớn phải coi cuộc sống như trò chơi. Tôi thấy xét về bản chất, các nhà nghệ thuật đều là những đứa trẻ ngây thơ. Trong cuộc sống, có thể họ sớm phát triển, nhưng tôi thấy tuổi tác của họ vẫn như trẻ 15 tuổi… Những người làm nghệ thuật thật ra rất nhạt nhẽo, họ chỉ biết vùi đầu vào làm thứ của mình. Những thứ được làm ra có thể có nhược điểm nhưng đặc biệt có ánh sáng lấp lánh – tr. 230.

(Nguyễn Lệ Chi dịch, NXB Văn học và Youbooks, 2008)

2 nhận xét:

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...