Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Dòng xuân lan man


Mùa xuân và cái Tết người Việt. Tôi thích Tết, được nghỉ, ăn nhiều, tổng vệ sinh nhà cửa, cảm giác tạm biệt cái cũ, đón cái mới, nghĩa là lại có hy vọng. Tôi cũng ghét Tết. Vì tất cả những lẽ vừa kể, cộng với thêm một tuổi, biết mình và người thân đang già đi, sợ cái "chớt" chia lìa. Có lúc nghĩ về sự bất tử của con người. Nhưng không tìm được độ tuổi nào thích hợp nhất. Có lẽ là ba hay năm tuổi, tuổi này ít biết đến lừa gạt do còn bận ở nhà ăn ngủ ị, khóc cười vô cớ, rất sinh động, ai cũng yêu dù chả yêu ai. Hay mười lăm đến mười chín, tuổi trẻ, đẹp, vui buồn thất thường, tự kỷ già đời nhưng thực ngây thơ, yêu người hơn yêu mình, đối tượng chính bị cuộc đời lừa gạt. Hay hai lăm ba mươi, đã nếm thực mùi đời, thấu nhận tầm quan trọng của  lớp vỏ bên ngoài, bắt đầu thích tiền, học viên đông đảo của những khóa học lừa gạt. Hay sau nữa, ba lăm bốn mươi, tuổi u sầu nhưng chưa hẳn tàn phai, hiểu rõ bản thân, muốn có tất cả, lừa gạt chuyên nghiệp. Hay năm mươi sáu mươi, tuổi thanh nhàn, nhìn đời từ trên cao, vô cùng hiểu biết, những chuyên gia đầu ngành lừa gạt. Hay nên cho con người bất tử ở tuổi chín mươi, tuổi này rất ghét soi gương, ít đi chơi, yêu nhân loại, đạt đến cảnh giới từ bi, hoàn toàn sám hối… Tôi ngờ là nếu có Thượng đế, Thượng đế cũng lúng túng trong việc chọn lựa. Thế nên rốt cuộc con người không thể được định là giống loài bất tử. Hẳn thế.

Mùa xuân năm nay gói bánh chưng. Đó là một việc làm khá vui, cảm giác rất bận rộn tuy có hơi vất vả. Tôi lẩm nhẩm những nguyên liệu cần thiết để ghi nhớ cho những năm sau này, cả cách mẹ chọn lựa và xử lý từng thứ một. Tôi hỏi mẹ: “Mẹ có biết điều gì quan trọng nhất khi gói bánh chưng không?” Mẹ liệt kê vài thứ, không nghĩ điều tôi nói sau đó: “Quan trọng nhất là có mẹ”. Mẹ bận rộn, mẹ nấu nướng và mẹ cúng kiếng. Bao giờ cũng thế. Tôi dọn dẹp, tôi gói bánh và những việc vặt linh tinh. Những nghi lễ giữa người sống với người cõi âm xa lạ với tôi. Tôi tưởng nhớ họ và không chống lại phong tục. Nhưng tôi không mặn mà những lầm rầm khấn vái, những khói nhang nghi ngút. Đứng trước các bệ thờ hay bàn thờ, những suy nghĩ của tôi rời rạc và động tác tôi nghô nghê. Sau tuổi hai mốt hay hai hai, tôi cũng không âm thầm cầu nguyện, ý là với Chúa, dù không theo đạo, có lẽ một vệt ký ức trong tuổi thơ đã khiến tôi biết đến Chúa trước khi biết đến Phật. Nhưng sau những năm tuổi hai mươi, tôi không cầu nguyện nữa. Vài năm trước, một người bạn rủ tôi đi chùa một ngày đầu xuân. Bạn khấn lạy khá chuyên nghiệp, bạn cầu duyên, cầu gia đạo. Tôi lúng túng đứng trước tượng Phật, tôi cũng thắp nhang và làm động tác vái. Nhưng suy nghĩ của tôi lộn xộn, tôi không thể tập trung hướng về các bức tượng nghiêm cẩn trước mắt mình. Khi về, bạn hỏi tôi có khấn vái không. Tôi bảo có, nhưng tôi không biết mình đã nghĩ những gì, thành ra không rõ Phật có hiểu. Bạn cười ồ. Đó là một mùa xuân cũ, và bạn cũ. Bạn chợt nhắn tin chúc Tết vào đầu năm nay. Và tôi chúc lại. Và lạ lùng, chúng tôi lịch sự với nhau như hai kẻ xa lạ. 

Chọn mua một cây tắc trên đoạn đường Hòa Bình, phát hiện cỏ cây hoa lá họp chợ bán trên cung đường này rẻ hơn so với ở công viên 23 tháng 9. Một đoạn xếp dọc dài hai bên đường, rất nhiều tắc và những cây mai, và cúc vàng, vạn thọ, mào gào, hướng dương, hoa giấy… Những chậu mai và tắc,được ưu ái nhiều hơn là những chậu nhỏ đến rất nhỏ, hẳn để dễ bán dễ mua. Năm nay ông anh tặng một chậu ly. Và 30 tết mẹ mua một bó cẩm chướng, vài nhánh sống đời. Sáng mùng một, hoa ly nở, cẩm chướng nở, hoa mai ngoài ban công năm nay không ngắt lá vẫn một màu xanh lá, cây tắc tươi xanh, có những trái ươm vàng. Mỗi ngày, hoa ly nở thêm một bông, cây tắc vẫn tươi xanh, sống đời trước sau vẫn thế. Mùng bảy hoa mai chợt rộ bông, hoa ly vài bông đầu đã úa, mẹ dẹp cẩm chướng từ lúc nào, cây tắc vẫn tươi xanh và sống đời hiên ngang…

Bánh chưng làm ra chưa hoàn hảo, còn đó những thiếu sót không tránh được của lần đầu, tuy thế, chúng tôi vẫn có những cái bánh mà tôi không ngại nói với bạn mình là “ở Sài Gòn rất hiếm”.Tôi cũng nhận thấy tặng ai đó đồ ăn tự làm là một việc khá vui. Có lẽ không bỗng dưng mà những người thích nấu ăn thường thấy hạnh phúc khi người thân của mình ăn những món ăn ấy một cách ngon lành, như mẹ tôi vẫn rất ưa nhìn bản mặt tôi mỗi khi tôi ăn uống, dù cố lắm thì bản mặt ấy cũng dễ thương. Dường như cả người tặng và người được tặng đều dễ có được cái mình muốn từ thức ăn. Với văn chương, điều này rõ ràng bất khả. Chưa ai từng hạnh phúc vì nhận được những dòng viết, kể cả có trút từ máu gan người viết chăng nữa. Mẹ biếu khá nhiều người, bao gồm cả người cho mượn nồi và người nhóm dùm cái bếp than. Tôi thấy nhớ bà ngoại. Có lúc tôi và mẹ đã coi bác H, người chị đầu của mẹ thay thế cho bà. Ở tuổi hơn sáu mươi, thi thoảng có thể thấy từ bác nét phảng phất của bà khi còn sống. Mẹ vô cùng quan tâm bác. Chúng tôi nói về bà ngoại, thi thoảng. Chúng tôi nói mấy chuyện vui. Rồi tiếng cười ngưng bặt ở đâu đó. Khi mùa xuân về, chẳng có ai khiến người ta thương day dứt như những người mẹ. Khi mùa xuân về và tôi biết chẳng phải chim én, chính những người mẹ làm nên mùa xuân…

Mẹ thân yêu, xin mẹ cứ yên lòng…
Hãy quên đi những lo âu, mẹ nhé…
Ánh sáng diệu kỳ vào lúc hoàng hôn
Xin cứ tỏa trên mái nhà của mẹ…

(Thơ Exenin)

2 nhận xét:

  1. ghé thăm bạn .chúc VP luôn có những mùa xuân thật âm áp và hạnh phúc

    Trả lờiXóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...