Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

Gia đình dấu yêu 6

10. Hàn gắn

Mẹ tôi rất vui, cái ngày mà trên bàn ăn gia đình có đông đủ vợ chồng chị Mi, tôi và Tôn. Tưởng như rất lâu tôi không thấy mẹ cười nhiều như vậy. Anh rể nói với tôi rằng chính tôi đã tháo được khúc mắc lớn nhất trong lòng chị Mi, anh ấy cám ơn tôi đã trả lại cho anh ấy một người vợ biết yêu anh và cũng biết được anh yêu. Tôi cho rằng tôi chẳng làm gì cả, vì tình yêu của họ đã có sẵn ở đấy và tôi chỉ giúp họ nhận ra trước khi quá muộn. Chị Mi lại nói ý định ly hôn của chị chẳng qua là để thử thách tình cảm của họ, thử thách xong rồi thì lại về với nhau, cho nên tôi chẳng những không có vai trò đáng kể nào mà chính xác lại là kẻ phá bĩnh trò chơi của chị. Mẹ tôi thì nói rằng quan trọng là sóng gió đã qua, những việc còn lại đều không đáng bận tâm. Tôn dạn dĩ tham gia vào câu chuyện của chúng tôi, bông đùa rằng sẽ rất rắc rối nếu chị Mi chia tay với anh rể vì ngoài anh rể ra không ai có can đảm cưới chị về làm vợ. Chúng tôi nhận ra Tôn đã bớt vẻ ít nói, ít cười như trước. Cuộc sống ở nước ngoài đã khiến nó cởi mở và có cái nhìn lạc quan hơn vào cuộc sống. Cho dù nó chỉ về ít ngày, tôi cũng nhận ra cái sức sống mới mẻ mà nó mang về. Nó khiến cho tất cả chúng tôi trở nên tươi mới, trong cách nhìn nhau và cách soi vào tâm hồn mình.

Tôn nói với tôi: Trước khi rời Việt Nam nó muốn đến gặp cha và cảm ơn ông ấy. Nó nói rằng cha tôi đã làm cho chúng tôi rất nhiều việc mà chúng tôi không biết. Ở Úc, một người đàn ông đã đến gặp Tôn, tự xưng là bạn chí cốt của cha tôi. Người đàn ông này đã giúp nó rất nhiều trong việc hòa nhập vào xứ người. Ông ấy cũng kể cho nó nghe tấm lòng của cha dành cho chúng tôi. Rằng cha tôi vẫn âm thầm dõi theo bước chân chúng tôi. Ngày mà Tôn lâm bệnh nặng, lý do cha không thể có mặt vì trong lúc vội vã, ông ấy đã bị một chiếc xe đi ngược chiều tông phải, kết quả là phải nằm viện cả tháng trời. Ngày mà chúng tôi tốt nghiệp cử nhân, ông ấy lặng lẽ chúc mừng chúng tôi ở một góc sân trường. Ngày mà chị Mi kết hôn, cha tôi đã đứng ra thuê biệt thư ở Đà Lạt và âm thầm vui sướng tiễn con về nhà chồng. Mẹ tôi cũng bảo rằng, đã đến lúc chúng tôi phải chính thức nói lời cảm ơn ông ấy. Cha tôi chưa từng rời bỏ cuộc đời chúng tôi cho dù chúng tôi thậm chí muốn gạt bỏ họ của ông ấy ra khỏi họ tên mình.


- Đó vẫn là cha của các con, qua năm tháng, vẫn yêu các con nhiều như lúc còn ở bên cạnh các con. Mẹ đã luôn muốn các con hiểu, cho dù cha và mẹ không sống chung một mái nhà, thì các con vẫn là con của chúng ta, không thay đổi!

- Mẹ đùa sao! Ông ta làm bấy nhiêu việc thật ra là để chuộc lỗi, và biết đâu là để âm mưu cho cái ngày này xảy ra, cái ngày mà bỗng dưng tất cả chúng con phải ân hận vì đã đối xử lạnh nhạt với ông ấy, trong khi ông ấy vẫn luôn là một vị thánh âm thầm che chở cho tất cả! Con đã sống không có bố trong nhiều năm nay và con nhận thấy không cần thiết để phải trở lại là một đứa con có bố.

- Sao chị vẫn cố chấp như thế? – Tôi xen vào bởi những lời lẽ gay gắt của chị Mi đang phá vỡ không khí đầm ấm của bữa ăn và làm cho mắt mẹ tôi bỗng chốc phủ một màu khói ảm đạm.

 - Em không còn là một cô bé nữa, đừng ương bướng quá! Anh cũng muốn gặp bố, một cách chính thức. Chúng ta sẽ đi cùng nhau. Quyết định vậy nhé, cả nhà!

Tôi nhìn chị Mi và tự hỏi, liệu chị có dễ dàng gọi lại một tiếng “bố” sau gần ấy năm oán hận ông ấy cho dù người cha này xứng đáng nhận được tình yêu của chị? Sự thật liệu có quan trọng không khi vết thương trong lòng người ta đã quá sâu?

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...