Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Khúc Thụy du



Trong list nhạc của tôi có bài hát này từ lúc nào, tôi cũng không rõ. Vì không rõ nên tôi chắc mẩm tôi đã không yêu bài hát này từ đầu, theo cái kiểu vừa nhìn đã yêu, vừa yêu đã hiểu, vừa hiểu đã biết khó quên. Tôi hoàn toàn không nhớ có một bài hát như vậy trong list nhạc của mình. Mà cũng lâu tôi không nghe nhạc có lời. Tôi bắt đầu thích giai điệu hơn là lời ca. Chúng yên tĩnh, dịu dàng, thuần phục lòng người. Những bản nhạc không lời. Chúng trả tôi về với nội tâm tĩnh lặng, cho dù không phải là cảm giác hân thưởng cuộc đời với niềm vui rạng rỡ, vẫn thấy tự đáy lòng mình một niềm xúc động thiêng liêng. Như có cái gì tươi đẹp vẫn đang dành cho mình, đang vì mình mà ươm mầm đâu đó… Giống như mình, nhiều lúc bi ai như thế, u uất như thế, vẫn có thể trìu mến nhìn những cành hoa tươi tinh khôi trong một tiệm hoa nào đó giữa Sài Gòn. Giữa Sài Gòn bụi bặm, những cành hoa vẫn mang trong mình vẻ đẹp trinh nguyên…

Tôi lại đi xa điểm khởi đầu (nhiều khi tôi vẫn như vậy nhỉ, trong lúc muốn nói về hoa hồng lại sa đà với hoa trà, hoa lựu…hi hi).
Một trang mạng nào đó đã dẫn dắt tôi nghe được bài hát Khúc Thụy du, trong một hay hai tuần trước. Sau đó tôi nghe đi nghe lại vài lần. Tôi nhận ra tôi đã biết bài hát này và sau đó nhìn thấy nó trong list nhạc Việt Nam của mình. Tôi cũng nhớ ra tại sao tôi thờ ơ với nó như vậy. Những bài hát có tên người – như là được viết vì cá nhân đó, cho cá nhân đó – tôi nghĩ nó thích hợp chỉ để người đó nghe. Như là bạn viết một bức thư có người nhận, bức thư ấy phải được đọc bởi đúng người, dù đúng người không chắc đã đúng tri âm. Tôi gọi những bài hát này là những “bài hát cá nhân”. Nhưng kỳ thực có bài hát nào không có tính cá nhân? Những giá trị vĩ đại thường được tô điểm theo thời gian cho một tác phẩm nào đó và tất nhiên không bởi người sáng tạo ra nó. Rất nhiều khi tôi nghĩ, người sáng tạo chỉ đơn thuần cất tiếng nói của lòng mình. Tiếng nói ấy được hiểu đến đâu, thêm thắt thế nào, bản thân họ không thể nào lường được.

Tôi thích nghĩ từ “Thụy” ở nghĩa “một chuyến đi dài” hay là “một giấc mơ”. Nghĩ thế, tôi thấy bài hát này gần gụi với chúng ta hơn, với tôi hơn. Một bài hát buồn. Về tình yêu và nỗi đau do nó gây ra, sau cùng dường như vẫn là nỗi đau đời – một thân phận quẩn quanh trong ý nghĩa nhân sinh, đánh mất rồi tìm kiếm, tìm kiếm rồi đánh mất, kỳ thực cũng chỉ là đi từ sự trống vắng đến sự trống vắng, từ hư vô đến hư vô – rốt cuộc chẳng thể hiểu cuộc đời là gì, tình yêu là gì, vì sao và vì sao... Bài hát nhiều phần khác so với bài thơ của nhà thơ Du Tử Lê. Bài thơ thì dài và nói nhiều hơn chủ đề tình yêu. Và khốc liệt hơn với bối cảnh chiến tranh. Tình yêu trong bài thơ được đẩy lên ngang bằng với cái chết, cái chết triệt để. Tình yêu trong bài hát hiển hiện nhẹ nhàng hơn, bóng dáng cái chết chỉ phảng phất trong ý nghĩ hay mang dáng dấp của một cái chết tâm hồn. Có thể nào nói cái nào rốt cuộc đau thương hơn.

Chỉ chọn khía cạnh tình yêu để phổ thành nhạc có lẽ cũng là sự chọn lựa thông minh. Không phải thời đại nào cũng có chiến tranh dù thời đại nào cũng có người bị giết. Nhưng thời đại nào cũng có những người yêu nhau và bị tình yêu dày vò. Trong thời bình, đôi khi nỗi đau tình yêu là nỗi đau đáng kể nhất trong đời người. Là chuyến đi dài nhất, đau khổ nhất mà con người có thể mãi đi trong hư vô…

Hãy nói về cuộc đời...
Khi tôi không còn nữa...

2 nhận xét:


  1. nỗi niềm at 11/18/2012 09:06 am comment

    Khúc thụy du được Tuấn Ngọc biểu diễn thì.... không còn gì để nói. ...... Nhưng với tác giả bài viết thì quả là cần nói rằng: bạn có một trải nghiệm về "cuộc đời" thật dễ thương. Chúc week-end vui nhiều nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Vi Phong at 11/18/2012 06:41 pm reply

      giá có thể nói đó là "dễ thương"... Tuần mới vui nha.

      Xóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...