Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Những ghi chép vụn (2)

Về một số ebook mà hơn nửa năm nay tôi đã đọc. Đều là những tác phẩm có độ dài vừa phải hoặc ngắn. 

Mưa ở kiếp sau

 Của Đoàn Minh Phượng.


Cần có một khoảng lặng trước khi viết đôi điều về tác phẩm và về bản thân tác giả, người mà chỉ sau một tác phẩm, tôi thấy hết sức trân trọng. Nói đúng hơn thì cần nhiều hơn một khoảng lặng. Bởi tôi nhận thấy sự lúng túng rõ rệt của mình. Tôi không biết bắt đầu từ đâu. Dường như những suy nghĩ đều rời rạc và lộn xộn. Để sắp xếp chúng lại, như đang làm, tôi phải hít một hơi dài để lấy dũng khí. Thực vậy.

Lần đầu tiên tôi nghe đến cái tên Đoàn Minh Phượng là từ một blogger hồi còn ở blog yahoo. Tôi không nhớ đó chính xác là thời điểm nào. Nhưng từ đó đến khi đọc tác phẩm này của cô, đó  là một khoảng thời gian không ngắn. Bởi tôi không thể tìm được xuất bản phẩm dưới dạng in ấn ở các nhà sách nữa nên tôi không thể đọc ngay những tác phẩm của Đoàn Minh Phượng vào thời điểm ấy cũng như sau này. Tôi có ý định đợi sách được tái bản. Tuy nhiên, khi tìm vài đầu sách dưới dạng ebook để đọc, ngẫu nhiên thì tôi bắt gặp Mưa ở kiếp sau.

Tôi đọc Mưa ở kiếp sau sau khi đọc Venise và những cuộc tình gondola mà tôi sẽ nói đến dưới đây. Điều này đem đến cho tôi một cảm xúc khá cảm động mà có thể lúc bình thường tôi không để ý lắm. Mưa ở kiếp sau mà tôi đang đọc là một tác phẩm văn chương và được viết bởi một nhà văn. Tôi không nghi ngờ điều này từ những dòng đầu tiên cho đến những dòng cuối cùng. Nhưng thật hoài công khi tìm kiếm nhiều hơn thông tin về Đoàn Minh Phượng. Là một đạo diễn trước khi viết sách, sống ở hải ngoại nhiều năm trước khi về Việt Nam. Cho đến nay, dường như cô chỉ có hai tác phẩm văn học : Và khi tro bụi (xuất bản năm 2006) cùng Mưa ở kiếp sau (xuất bản năm 2007). Nếu so sánh với những tác giả chỉ có duy nhất một tác phẩm trong đời nhưng đủ để lưu danh như Emily Bronte hay Harper Lee, thì Đoàn Minh Phượng với hai tác phẩm tính đến nay cũng không hẳn là con số quá ít ỏi. Nhưng như nhiều độc giả khác, tôi vẫn mong đợi sự trở lại của cô trong tư cách nhà văn. Tôi cơ hồ có niềm tin về sự nặng lòng của cô với nghiệp viết. Chỉ có điều, sự im lặng suốt một thời gian dài cũng cho tôi linh cảm về một sự bế tắc, ít nhất trong bối cảnh hiện tại. Tôi hy vọng là, như thường thấy, linh cảm của tôi chỉ toàn vớ vẩn.

Trở lại với Mưa ở kiếp sau, sự thực nó không phải là viên ngọc toàn bích. Không phải là vì đem so sánh với Và khi tro bụi, như mọi người thường làm, có lẽ vì tác phẩm đầu tay này đã nhận giải thưởng ngay sau đó. Tôi chưa đọc Và khi tro bụi để có dịp so sánh như thế. Đối với tôi, Mưa ở kiếp sau giống như một cơn mưa đặc trưng xứ Huế, bao gồm những cơn mưa xối xả và những con mưa dầm dề từ ngày này sang ngày khác. Cái tính chất dữ dội và lê thê ấy dường như hội tụ trong tác phẩm này, vốn cũng có nhan đề của một cơn mưa và có bối cảnh liên quan đến Huế. Sự dữ dội ở trong những tình tiết, trong cách mà theo những dòng suy tư đầy giằng xé, như nhân vật chính, người đọc lần ra những bí mật đằng sau câu chuyện, nhận diện một tấn trò đời bi kịch, không phải không thảng thốt. Và sự dữ dội là khi tác giả cho thấy ở cô không có sự thỏa hiệp, sự cảm thông dễ dãi hay thậm chí là sự dịu dàng. Cái kết đầy nghiệt ngã. Nhưng lửng lơ. Người đọc buộc phải tự mình chứng kiến. Thế nhưng dù dữ dội là thế, suốt tác phẩm không có cao trào nào cả. Những trang viết đầy dồn nén tưởng như để đưa đến những cơn địa chấn, những sự bùng nổ - điều đã không xảy ra. Thấm đẫm tác phẩm là một nỗi buồn sâu sắc. Kiểu nỗi buồn được tiết chế, kìm nén, ẩn đằng sau khuôn mặt lạnh, trong dáng dấp của sự cam chịu và nhẫn nhịn. Và là kiểu nỗi buồn mang theo suốt cuộc đời, đến tận khi nhắm mắt xuôi tai vẫn còn đằng đẵng tiếp nối (khi viết thế, hẳn bạn thấy được cái tôi nói đến phải là nỗi đau). Tất cả được biểu đạt bằng một văn phong đậm chất triết lý, suy tưởng, pha trộn giữa vẻ đẹp của sự phiền muộn và sự lạnh lẽo. Tôi nghĩ điều này thuộc về phong cách riêng, cũng đồng thời phù hợp với lối kể trần thuật từ ngôi thứ nhất của Đoàn Minh Phượng cùng với kiểu nhân vật cô đơn câm lặng mà cô xây dựng. Tuy nhiên, dù tác phẩm không dài, đôi chỗ vẫn đem lại cảm giác lê thê, tôi nghĩ hẳn cũng là vì vậy.

Venise và những cuộc tình gondola
 
Của Dương Thụy.

Tuy ít hứng thú với dòng văn du lịch – tôi cứ tạm gọi vậy bởi số lượng tác phẩm viết về những chuyến đi nước ngoài của những tác giả Việt Nam bây giờ không phải hiếm, nhưng tôi cũng muốn đọc thử như một cách tiếp nhận cái mới. Dương Thụy không phải là một cái tên xa lạ trên văn đàn Việt Nam nhưng có thể là một sai lầm khi trong số những tác phẩm của Dương Thụy, tôi lại đọc cuốn này đầu tiên. Sự thực là tôi đã không thể kiên nhẫn nhiều hơn để đọc đến những dòng cuối cùng. Và cảm thấy như cánh cửa mở đến những tác phẩm khác của Dương Thụy đã bị khép lại vô thời hạn. 

Tác phẩm giống như một cuốn sổ ghi chú lại những chi tiết đáng nhớ tại những nơi chốn tác giả đã đi qua và vì vậy có thể là một tham khảo dành cho những người có ý định đi đến, nghĩa là cũng hơi giống một cuốn cẩm nang du lịch, dù tác giả khẳng định Venise và những cuộc tình gondola không phải là một cuốn cẩm nang du lịch (điều này cũng đương nhiên thôi vì khi chọn những chi tiết ghi nhớ lại, chúng thậm chí còn không được mô tả kỹ lưỡng và đặc sắc bằng – như khi mô tả Paris về đêm, ngoài những danh lam thắng cảnh cô liệt kê vốn thuộc về Paris - Pháp, tôi không thể hình dung sự khác biệt của thủ đô nước Pháp và Sài Gòn trong ánh sáng rực rỡ của những ngọn đèn thông qua những dòng mô tả qua loa ấy). Có thể nói, Venise và những cuộc tình gondola chỉ như những nét phác họa bên lề kiểu đính kèm với tác phẩm chính nào đó, nhưng kể cả là vậy, một khi đã được Dương Thụy xác nhận đó là những tình tiết người thật việc thật mà cô chưa có dịp triển khai trong những tác phẩm hư cấu của mình, lý ra cô phải thuật lại rất hay và tràn đầy cảm xúc. Tuy thế, tôi không rõ ở những sáng tạo văn học khác, Dương Thụy có tỏ ra xuất sắc hơn về mặt văn phong không. Ở cuốn này, lối kể chuyện của cô rất bình thường, thậm chí có phần nghèo nàn và nhạt nhẽo đến nỗi đem lại cho tôi cảm giác tác giả chỉ có những thông tin của một người bình thường đi du lịch mà không có cái tài biến hóa về ngôn ngữ cũng như khả năng kể chuyện mang dấu ấn riêng của một nhà văn. Đây là một điểm vô cùng đáng tiếc bởi với một nhà văn đi nhiều, sự trải nghiệm ấy khi được kể lại phải là vô cùng độc đáo. Dù sao, có lẽ Dương Thụy lại là người rất có tài trong việc đặt nhan đề.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...