Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Những ghi chép vụn

Về một số ebook mà hơn nửa năm nay tôi đã đọc. Đều là những tác phẩm có độ dài vừa phải hoặc ngắn. 

Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

Của Haruki Murakami. Thoát khỏi thế giới truyện của Haruki, thường là một thế giới đan xen giữa thực tại và hư ảo với kiểu nhân vật ám ảnh, bị chấn thương tâm hồn, ở giữa những cái đấy hoặc cuối cùng, tôi thấy khá thoải mái với cuốn sách dạng tự truyện giản dị này. Haruki viết về việc chạy bộ, môn thể thao mà ông chăm chỉ tập luyện suốt 25 năm qua. Dù không phải vận động viên chuyên nghiệp, cuốn sách cho thấy Haruki không phải người chạy bộ xoàng xĩnh. Ông có một sức bền đáng ngạc nhiên về ý chí và thể chất – cái này bổ sung cho cái kia và đó có lẽ là mục đích cuối cùng của ông khi quyết tâm gắn bó với môn thể thao vốn đòi hỏi tính kiên trì cao độ này. Vì vậy không chỉ chạy bộ như một người bình thường tập luyện thể thao, Haruki còn tìm cách vượt qua chính mình bằng cách tham gia vào những cuộc thi ba môn phối hợp hoặc marathon trên khắp thế giới. Có thể nói, tinh thần kiên trì bám riết của Haruki Murakami trong tư cách người chạy bộ cũng nói lên con người của ông trong tư cách một nhà văn. Dĩ nhiên, bản thân cuốn sách này không chỉ nói về việc chạy bộ. Bởi người viết là một nhà văn nên sau cùng thì cái ông ta hướng đến phải là tư cách nhà văn của mình thôi. 

Chạy bộ và viết văn dường như không liên quan đến nhau. Chắc chắn có những nhà văn không chỉ làm mỗi một việc trong đời là viết văn. Và cũng chắc chắn có những nhà văn yêu chuộng thể thao cũng như có những nhà văn không coi trọng việc rèn luyện thể chất. Vì vậy chạy bộ và viết văn, nếu liên quan đến nhau, thuộc về phạm trù kinh nghiệm riêng tư. Với Haruki, như ta thấy, viết văn là câu chuyện của tài năng và sự tập trung mang sức mạnh của sự kiên trì. Và chạy bộ rèn cho ông cái khía cạnh thứ hai ấy. 


Chân dung nhà văn của Haruki Murakami không gắn liền với những biến cố đau buồn hay phút thăng hoa xuất thần nào đó. Nghĩa là tính định mệnh hay thời khắc của cảm hứng hay một lối sống khác biệt với người bình thường không hoặc ít tồn tại trong cách ông đang viết về mình. Là nhà văn, ông viết đều đặn theo cách thức chăm chỉ và tập trung. Như khi ông chạy bộ. Với Haruki Murakami, có lẽ viết văn cũng giống như một nghề mà chúng ta bỏ ra ngày lao động 8 tiếng ở công sở. Tôi liên tưởng đến Orhan Pamuk trong một cuốn sách gần đây mình đọc. Họ có cùng một cách thức kỷ luật như thế với chính mình. Điều này có thể khiến cho viết văn hay đời sống của nhà văn ít hấp dẫn đối với những độc giả tò mò. Tuy nhiên, cùng với việc không nói nhiều về văn học, sự chịu ảnh hưởng thời đại hay của những tác giả, tác phẩm hay bản thân mình trong tư cách người đọc, Tôi nói gì khi nói về chạy bộ của Haruki Murakami giúp nhận diện một chân dung nhà văn gần gụi hơn với mỗi chúng ta: họ ở đây, ngay giữa cuộc sống thường nhật và có thể có cuộc sống lành mạnh bằng vào việc duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần như chạy bộ suốt 25 năm và viết đều đặn theo tôn chỉ “dừng lại mỗi ngày khi cảm giác bản thân còn có thể viết được nữa” chẳng hạn… 

Và môn chạy bộ, theo cách nào đó, đã gợi lên hình ảnh nhà văn cùng những nhân vật trong tác phẩm của ông. Trên những chặng đường marathon, người chạy bộ đơn độc, kiên trì và không mỏi mệt dù cái đích có xa xôi đến đâu…

Chú bé mang pyjama sọc 

Của John Boyne, một nhà văn Ireland. 

Tôi không biết làm sao để nói về tác phẩm này mà cho thấy hết sự trong sáng và khốc liệt của nó. 

Thoạt tiên, Chú bé mang pyjama sọc giống như một tác phẩm dành cho thiếu nhi nhưng càng về cuối, tôi càng hiểu rằng nó không đơn giản như thế. Và khi những dòng chữ cuối cùng qua đi, tôi tự hỏi liệu có nên liệt tác phẩm này vào những tác phẩm dành cho trẻ em ? Làm sao để một đứa trẻ đọc tác phẩm này, hiểu được tầng sâu ý nghĩa của nó mà không đau lòng ? Và nếu nó không hiểu, liệu chúng ta có nên giải thích trọn vẹn cho nó hiểu không ?

Tác phẩm không dùng từ ngữ nào để miêu tả chiến tranh, không nói về máu và nước mắt. Ừ thì đúng thế. Nhưng người đọc biết chiến tranh có ở đó và sự thật tàn bạo là đằng sau câu chuyện trong sáng về tình bạn và những tháng ngày tuổi thơ của cậu bé Bruno chính là nạn diệt chủng người Do Thái dưới thời Đức quốc xã. Những hàng rào mọc lên, như lằn ranh phân định giữa kẻ được sống và những kẻ phải bị chết dưới sự định đoạt của những kẻ tự cho mình cái quyền ban cái chết ấy. Nhưng Bruno không biết điều đó. Nói đúng hơn trong tâm hồn và trái tim thuần khiết của một đứa trẻ 9 tuổi không thể tồn tại bất cứ sự phân định nào giữa con người. Trong trái tim chúng chỉ có tình bạn, tình yêu thương vô điều kiện mà những hàng rào kẽm gai – được dựng lên bởi những mưu đồ toan tính của người lớn – cũng không thể nào ngăn cản. Cũng chính sự ngây thơ non nớt ấy của Bruno cho đến tận những giây cuối cùng đã để lại một dư âm đau đớn trong lòng độc giả và làm cho hình ảnh chiến tranh trở nên tàn nhẫn hơn mọi lời cáo buộc. Tôi không dám đưa ý nghĩ của mình đi xa hơn hình ảnh hai cậu bé nắm chặt tay nhau trong căn phòng tối om và chật ních người, mà tiếng kim loại từ bên ngoài cho thấy đã được khóa kín (Bruno không biết đó là nơi nào nhưng chúng ta thì biết, không phải không trong sự bàng hoàng). John Boyne tuyệt nhiên không viết tiếp lời nào về những giây cuối cùng ấy của Bruno. Nhưng chỉ bấy nhiêu là đủ để người đọc rúng động. Như người cha trong câu chuyện, ngài chỉ huy của quân đội Đức quốc xã, khi xâu chuỗi và mường tượng hành động của đứa con trai, ông kịp hiểu ra tất cả. Trong khoảnh khắc ấy, ngài chỉ huy không còn đứng vững nổi nữa. Ông ngồi bệt xuống. Và rồi hạnh phúc khi tin rằng cái giây phút báo ứng sẽ đến với mình khi bị áp giải đi ít lâu sau đó… Có điều gì khác biệt giữa một người Đức và người Do Thái khi nếm trải nổi đau mất người thân…

Một câu chuyện được kể lại một cách giản dị, nhẹ nhàng nhưng lại ẩn chứa một bi kịch nghẹn ngào thế này, liệu có nên đọc cho bọn trẻ nghe?

4 nhận xét:

  1. ghé thăm VP .nhớ căn nhà mầu tim laveder của VP quá

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. thế là sau này để được ai nhớ đến chốn này thì lại phải bỏ đi nhỉ : ))

      Xóa
    2. Thì thế .Cuộc sống vốn vậy. mà còn để từ "nhớ" và "nuối tiếc " có chỗ dùng chứ :P

      Xóa
    3. Tốt nhất là không phải dùng. Vì đó là khi ta làm được cái gọi là "trân trọng hiện tại" : D

      Xóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...