Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Thời gian trắng



Những ngày chưa lớn tôi đã có suy nghĩ: đời người có hai nơi chốn không nên đến (nghĩa là chẳng thích và muốn và vì vậy tránh được càng nhiều càng tốt): cửa quan và bệnh viện. Dù theo thời gian, tôi hiểu rằng, đó là hai nơi con người chẳng thể nào từ khước. Chúng ta không có nhiều lựa chọn khi đứng trước hai cánh cửa ấy. Kỳ thực khi phải trình diện thì nghĩa là không còn lựa chọn rồi. Tôi chỉ lấy làm tiếc, đôi khi, là cái hồi quyết định đi theo ngành luật, tôi quên bẵng ý niệm ban đầu của mình về cái gọi là nơi chốn không nên đến ấy. Nếu nhớ và con đường rẽ theo một hướng khác, ít nhất tôi có thể kiểm soát số lần gõ cửa các cơ quan quyền lực. Cuộc sống liệu có vui vẻ hơn chăng? Tôi không chắc. Nhưng bạn biết đấy, nếu một trong những nghề nghiệp có mức độ hạnh phúc nhất thuộc về lĩnh vực tạo mẫu tóc, trang điểm làm đẹp, thì một trong những nghề nghiệp ít hạnh phúc nhất lại thuộc về giới luật sư. 

Với bệnh viện, như là “trời kêu ai nấy dạ”, có lúc bạn phải đến vì người khác, có lúc phải đến vì mình. Và ngoại trừ đi thăm đứa trẻ nào đó vừa chào đời – một sinh mệnh mới, hiện thân tươi tắn của sự sống, tôi có thể nhìn thấy ở nó còn dài một tương lai rộng mở phía trước hay ít ra hẵng còn rất lâu, rất lâu, sinh linh bé nhỏ ấy mới nếm trải buồn vui của cuộc đời – những lần khác, đều đem đến cho tôi một tâm trạng nặng nề. Kể cả không có gì chắc chắc là nghiêm trọng, khía cạnh u ám nhất của tôi gần như phát huy tối đa trong mỗi lần đến bệnh viện. Tôi như lê mình trong dãy hành lang, trong các phòng bệnh. Căng thẳng khi chờ đợi, gồng mình khi thăm khám và một lần nữa cảm thấy sự căng thẳng trong trí óc khi nghe kết quả. Đến nỗi có lúc tôi như chẳng nhìn thấy ai và nghe được điều gì. Ngoại trừ dường như tôi lại tìm thấy trong mọi nét mặt, mọi lời nói ngụ ý về một tình trạng đáng lo ngại nào đó. Ở bệnh viện tôi không cười nổi. Giống như một sinh vật bị chọn làm vật thí nghiệm. Tôi đang đối diện với thời khắc cuối cùng của sinh mạng.

Tôi bắt đầu cảm nhận được mùi của bệnh viện ở tuổi lên 9. Cái ký ức của lần đó thì rõ rệt và do vậy có thể được đánh dấu như lần đầu tiên nhớ đời. Ở Hà Nội. Khi bố tôi là một trong những bệnh nhân. Ngay lập tức tôi ghét mùi của bệnh viện, ghét tiếng còi hụ từ những xe cấp cứu và tôi thậm chí cũng không nhìn thấy vẻ đẹp nào trong màu áo trắng tinh của y bác sĩ. Có lẽ từ hồi đó, tôi đã chẳng tìm thích niềm yêu thích nào trong mọi thứ thuộc về bệnh viện. Mà đúng, trong mọi kiểu mơ mộng của mình, chưa từng có sợi chỉ nào dẫn dắt hay gợi nhớ tôi về một mộng tưởng gắn với cái nghề thuộc vào hàng danh giá bậc nhất ấy, kiểu như sẽ trở thành một thiên thần áo trắng hay là lấy được một tấm chồng là bác sĩ. Không có, chưa bao giờ có cái gì thuộc về niềm rung động sâu xa trong tôi gắn với nghề nghiệp đó. Thậm chí trong tôi còn có một mối ác cảm riêng tư. Nhưng dù thế, khi bệnh viện ngày nay mỗi lúc lại trở nên quá tải và chất lượng y tế bị ta thán nhiều vô kể thì đâu đó trong tôi vẫn có sự cảm phục những con người đã có dũng khí theo đuổi nghề y. Đối diện thường xuyên với bệnh tật, đau đớn và chết chóc, hiện trạng thường ngày đó nếu là tôi chắc chắn sẽ không thể nào chịu nổi. Cũng như tôi không thể nào cảm thấy thoải mái mỗi khi đến bệnh viện trong tư cách bệnh nhân hay người thăm bệnh. Đời người có hai nơi chốn không nên đến: cửa quan và bệnh viện. Với tôi vẫn luôn là vậy. Ấy thế mà… 

Bắt đầu từ cuối mùa xuân năm 2012, từ một sự tình cờ sau đó phải trở thành những lần thăm khám định kì. Trong đó có lần vào khoảng hơn 5 tháng trước, trong lúc chờ kết quả chụp, tôi cảm thấy mệt nhoài. Và tự hỏi nếu là kết quả tệ nhất, mọi sự sẽ diễn ra như thế nào. Lúc đấy, mẹ tôi rất lạc quan, bảo đơn giản rằng có bệnh thì chữa. Thật ra bấy giờ không hẳn tôi lo sợ. Nỗi lo sợ đã nhường bước cho cơn mệt nhoài chợt đến và xâm chiếm toàn bộ cơ thể tôi. Quãng thời gian trước đó với tôi rất vất vả và cùng với nó và điều đang xảy ra, tôi chỉ nhìn thấy sương khói phủ kín tương lai mình. Tôi giống như chiếc đồng hồ hết pin, bếp lửa hết gas, chiếc xe hết nhiên liệu, hoàn toàn không còn năng lượng để chiến đấu. Ngạc nhiên là mẹ tôi rất bình tĩnh. Sự bình tĩnh ít nhiều dẹp tan những suy nghĩ đang theo chiều sa sút của tôi. Thời gian chờ đợi cứ trôi đi. Tôi thoáng nhìn cô gái trẻ ngồi đối diện. Tôi cảm nhận được cô vừa quét ánh nhìn về phía chúng tôi. Cô nửa ngờ ngợ tình trạng bất an của tôi, nửa dường như ác cảm cái dáng vẻ của đứa trẻ bám váy mẹ là tôi lúc bấy giờ. Hẳn vậy. Tôi bắt đầu khẽ dựa đầu vào vai mẹ tôi. Tôi không biết liệu chỉ giây lát nữa đây, nhịp sống vốn trì trệ của chúng tôi có bước vào một giai đoạn khốn cùng hơn. Tôi biết rất nhiều người trên đất nước này vì chạy chữa bệnh cho người thân mà tài sản dần tiêu tán cả, cuối cùng thì người cũng không giữ được mà tài sản cũng mất. Chúng ta bao giờ cũng sẵn sàng tiêu đến đồng xu cuối cùng để bảo toàn cho người mà mình yêu thương. Nhưng mỗi chúng ta lại đều mang suy nghĩ, nếu đổi ngược lại là mình, mình sẽ tự hủy trước khi lôi người thân vào cái hố không đáy của một căn bệnh nan y. Tờ kết quả chụp thì dài mà nhận định của bác sĩ chỉ một dòng ngắn gọn: chưa phát hiện bất kỳ bất thường nào. Mãi lâu sau đó, mẹ bảo tôi rằng, chân của mẹ run đến mức không đứng lên được… 

Vừa rồi tôi trở lại bệnh viện, vẫn là một đợt khám định kì khác và kết quả cũng như lần trước. Tôi biết rằng mình không cần lo lắng và nên có lối tư duy tích cực đối với các vấn đề sức khỏe. Tôi cũng rất dễ dàng nói với bạn, bất kể là bệnh tật gì, sự phát hiện sớm và kịp thời bao giờ cũng mang lại kết quả tốt nhất cho bạn. Nhưng mà thú thực, từ trong thâm tâm tôi, tôi vẫn thường hằng cái nỗi e ngại bệnh viện từ thuở còn thơ ấy. Và không hẳn vì tôi sợ chết đâu. Chỉ là mỗi lần bước qua cánh cửa bệnh viện, tôi lại cảm thấy mình đang bước vào một thế giới khác. Nơi ấy tách lìa với sự sống đang trôi chảy ngoài kia, ở ngay phía bên ngoài cánh cử có dòng chảy ào ạt tiếp diễn của mọi hình thức vận động. Nhưng bên trong này, ngay đằng sau cánh cửa, là dòng ngưng tụ của đớn đau, bệnh tật, chết chóc. Phần còn lại của thế giới, phần không cần có, phần bị bỏ rơi… 

Cửa bệnh viện, ngoài kia là quá khứ…

2 nhận xét:

  1. Làm một luật sư hẳn là phải cân não dữ lắm mới trụ vững trên chính lương tâm mình, áp lực, chờ đợi cũng không hề nhỏ phải không VP ?
    Lúc nhỏ cũng từng ngưỡng mộ nghề Luật lắm, tuy không biết thực tế chúng khốc liệt, bí bách như thế nào những giờ nghĩ lại những bộ phim đã từng coi cũng còn rung động nào đó.

    Còn ở bệnh viện, thật sự K đã chứng kiến bao cảnh, nhiều lúc im lặng nhìn họ mà cứ hỏi tại sao con người sinh ra để phải sống cảnh như vậy, ý nghĩa của cuộc đời họ là gì khi mà từ khi chào đời phải dãi nắng dầm mưa, một ngày sống sung túc còn chưa có. Những người có tiền thì còn đỡ hơn chút nhưng còn có những người từ trên núi xuống nữa, chồng thì lo chăm sóc vợ thì lấy tiền đâu mà chống chọi, nhìn cảnh họ ăn uống lê lết ở hành lang bệnh viện thật sự kêu trời trời không thấu. Giờ có lẽ họ cũng không còn được nghĩ như chúng ta đâu nàng ạ, mà chỉ đơn giản họ phải chống chọi với bệnh tật , qua được cơn đau nào thì cảm thấy vui lúc đó. Họ kiên cường lắm nàng ạ .

    Lúc trước, K đem thiên sứ tới tặng cho một chị nhưng người ta thông báo chị ấy bỏ về nhà được 1 tuần rồi vì không còn tiền chạy thận, chắc đã ra đi rồi , tay cầm thiên sứ quay về mà chẳng thể nói được gì.

    Trước mắt cứ sống vui vẻ trước đã.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phim ảnh đôi khi có hại lắm, vì chúng vẽ ra những thứ chả bao giờ có trong đời thực làm cho người ta mơ mộng (nhưng đấy cũng lại là ích lợi của chúng). Ai cũng hy vọng đâu giấc mơ thành thật mà.

      Lúc bệnh, thường có hai thái cực: cố gắng theo kiểu cứ còn nước thì còn tát hoặc buông xuôi (thật ra khi mệt mỏi, kiệt quệ thì người ta cũng rơi vào điều này thôi). Tất nhiên là với dạng bệnh nan y. Có một câu nói này: nghèo cộng với bệnh tật là một bất hạnh lớn. Bản thân DN cũng chứng kiến rồi, cũng hiểu "có tiền thì còn đỡ hơn". Con người khi rơi vào cái bất hạnh đó thì cũng cạn kiệt sức đấu tranh.

      "Trước mắt cứ sống vui vẻ trước đã" - Vi Phong cũng nghĩ vậy. Chuyện gì đến sẽ đến.

      Xóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...