Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Điều duy nhất tôi hiểu rõ, đó là tôi tuyệt không hiểu gì hết


Tôi bắt đầu đọc Biên niên ký chim vặn dây cót vào khoảng tháng 11 năm 2012. Đọc bản điện tử. Những gì tôi đã đọc khá thu hút tôi vào thời điểm bấy giờ. Tuy thế độ dài của tác phẩm khiến việc đọc bằng máy tính trở nên khó khăn. Vì vậy rất, rất lâu sau thời điểm đó, khi có điều kiện, tôi mới tiếp tục đọc Biên niên ký chim vặn dây cót bằng bản in giấy. Tôi đọc lại từ đầu. Không nhanh nhưng từ cuối năm ngoái tôi quyết tâm rằng sẽ tăng tốc độ đọc sách của mình. Đôi khi tôi vẫn bị thu hút bởi những hình thức giải trí khác nhưng không có gì đem lại cho tôi sự thanh tĩnh hơn là khi cầm một quyển sách trên tay, ẩn mình trong những trang giấy, dõi theo những tâm tư và những cuộc đời khác. Trong lúc đó không còn nghĩ gì đến mình. Chỉ đọc sách. Tôi thấy đó là việc thư thái vô cùng. 

Tôi cũng mong muốn viết lại nhiều hơn những cảm nhận của mình về những quyển sách. Giống như tôi nói với Còi Cọc, việc ấy để ghi nhớ lại, vì tôi thấy rằng thời gian trôi đi, ghi nhớ của tôi dành cho một tác phẩm nào đó từng đọc sẽ rơi vào vùng quên lãng của ký ức (và việc đọc như thế thì phí phạm quá). Và để chia sẻ (như tôi vẫn thường tìm kiếm cảm nhận của độc giả về một quyển sách nào đó trước khi mua, tôi thích sự chất phác trong tâm thế người đọc hơn là phải khổ sở tiếp thu những đánh giá mang tính phê bình chuyên nghiệp, mặc dù kỳ thực thì việc này không hoàn toàn quyết định được tôi sẽ mua quyển sách nào). Tôi cũng từng khuyến dụ Còi Cọc viết lại những cảm nhận của cô về những gì cô đã đọc (để cho tôi xem). Trong số bạn bè ít ỏi của tôi, cô là người ưa đọc sách hơn cả. Và cô có một cách hành văn thú vị, cái kiểu ngạo đời tưng tửng mà tôi không bao giờ có. Nhưng Còi Cọc không viết (dài) nữa rồi. Cô đã trở thành tín đồ của facebook. Và vừa mới hôm qua, cô nói với tôi, bây giờ cô chỉ thích đọc truyện cấp ba. Thực là khi nghe thế tôi tưởng bạn mình nói về truyện dành cho học sinh phổ thông trung học. Nhưng vì không thường thấy ghi chú về những quyển sách nào đó chỉ dành riêng cho học sinh phổ thông, tôi hỏi cô : truyện cấp ba là truyện gì. Và sau đó là đôi ba câu nói mà tôi cũng không chắc là bông đùa hay nghiêm chỉnh. Nếu nhìn cô, Còi Cọc ấy, bạn chả thế nghĩ cô là mẫu phụ nữ một ngày đẹp trời có thể nói với cậu bạn thân của mình: tớ chỉ quan tâm đến cái phần từ thắt lưng của cậu trở xuống mà thôi…

Tôi lại rơi vào vòng lan man rồi. Tôi đang muốn nói đến việc là từ cuối năm ngoái, tôi muốn cố gắng ghi lại càng nhiều càng tốt những cảm nhận của mình về những quyển sách đã đọc. Và cả những quyển sách nhiều năm trước, từ cái hồi tôi chưa biết blog hoặc là không cảm thấy việc này sẽ có ý nghĩa với mình. Khi bạn đọc sách nhiều hơn (tính theo năm tháng) thì nhìn lại, bạn thấy rõ hơn cái sự quên quên nhớ nhớ của mình. Như tôi vậy. Thế nên là mặc dù không có nhiều suy nghĩ hay cảm xúc đối với Biên niên ký chim vặn dây cót, tôi cố gắng để ghi lại vài dòng về tác phẩm mà phần mở đầu khi đọc bản điện tử đã thôi thúc tôi mong muốn được cầm sách in trên tay.

Quyển sách tôi mua là sách tái bản. Vài năm trước thì sách đã có mặt trên thị trường rồi, chắc là trước cả Phía nam biên giới, phía tây mặt trời. Và là một tác phẩm được đánh giá là đồ sộ trong sự nghiệp của Haruki Murakami (cùng với Kafka bên bờ biển từng là hai tác phẩm được đánh giá là đồ sộ nhất nhưng nay với 1Q84 thì chắc sự đồ sộ nhất ấy đang được xem xét lại). Mà tôi chưa đọc mấy cái đồ sộ này đâu đấy (nên đừng hỏi). Dường như tôi không đọc những tác phẩm gây sóng gió nhất tại Việt Nam của Haruki Murakami. Tác phẩm Cuộc săn cừu hoang mà tôi đọc được xuất bản sau những tác phẩm gây tiếng vang nhất nhưng lại là tác phẩm đầu tay của nhà văn (hẳn chưa được đánh giá cao bằng mấy tác phẩm sau này và phần tiếp theo của nó, tôi còn hờ hững chưa tìm mua). Và Phía nam biên giới, phía tây mặt trời là quyển sách mỏng kể một câu chuyện giản dị hơn cả (cũng không được gọi là "đồ sộ"). Dù vậy, nếu cứ xem mỗi tác phẩm của Haruki Murakami là một bản nhạc (ông ấy luôn có vẻ yêu âm nhạc) thì khi ở giữa những bản nhạc khác, câu chuyện trong Phía nam biên giới, phía tây mặt trời là bản nhạc jazz say đắm và khuấy động nhiều cảm xúc hơn cả. Tôi có thể nói rằng thích tác phẩm này nhất trong số các tác phẩm của Haruki Murakami. Với tôi, mọi thứ trong đó đều vừa vặn : hiện thực vừa vặn, siêu thực vừa vặn, yêu đương với tất cả những cung bậc cảm xúc của nó, từ hoài nhớ, tiếc thương đến ngọt ngào, đắm say hay trống rỗng, vô cảm, đớn đau… cũng vừa vặn. Và tất cả cứ thế vừa vặn trong một quyển sách vừa vặn của một bút lực cũng vừa vặn làm sao. Thế nhưng quyển sách tôi đang nói đến là Biên niên ký chim vặn dây cót mà nhỉ ?!

Đầu tiên thì cái tựa đề và hình bìa từng khiến tôi nghĩ đây đại loại có lẽ là một dạng sử ký về chim chóc (và cái hình ảnh con chim sao mà giống con quạ dường ấy). Thế thì tay nhà văn nào lại dành hơn 700 trang sách để ghi lại suy nghĩ, cảm xúc, hồi tưởng về cuộc đời một loài chim? Nhưng chim vặn dây cót có phải là một loài chim hay là một cái đồng hồ gỗ tạc hình con chim được lên dây cót vào những khung giờ cố định nào đó? Và như vậy câu chuyện có lẽ là về một thị dân thường thường bậc trung có một thời gian biểu lặp đi lặp lại mỗi ngày ở một đất nước đã từng có những bước chuyển mình vĩ đại về kinh tế? Mỗi lần quyển sách này đập vào mắt tôi, tôi liền nghĩ ngay mấy điều vớ vẩn ấy. Thế nhưng dù hơi tò mò nhưng mãi sau này tôi mới tiếp cận tác phẩm và bằng bản điện tử trước. 

Câu chuyện về một người chồng tìm kiếm người vợ đột nhiên mất tích, Kumiko. Toru cố gắng tìm lại người vợ bỏ đi không lời từ biệt. Anh ta không đi đâu xa cả (nếu đi ra khỏi nhà thì anh ta cũng tìm đến một băng ghế nào đó tại nơi đông người qua kẻ lại nhất để ngồi nhìn dòng người qua lại và đợi ai đó tìm ra anh ta). Hành trình của anh ta rốt cuộc là cái hành trình đào sâu vào bản thể, lật lại những mảnh ký ức, đấu tranh với từng loại cảm xúc để tìm thấy trong đó những dấu hiệu giải quyết vấn đề hiện tại. Và để đâm thủng thành lũy sâu thăm thẳm của cõi nội tâm, anh ta tìm đến cái giếng ở một ngôi nhà hàng xóm bỏ hoang. Anh ta ngồi ở dưới đáy giếng, có khi mấy ngày liền, nơi tách biệt với thế giới loài người, để nghiền ngẫm và lý giải cuộc đời. Và tóm lại thì là cứ ngồi ở dưới đáy giếng, vấn đề được giải quyết (có vẻ như thế)… Dĩ nhiên đây là những dòng hết sức tóm lược của tôi. Câu chuyện thực chất dài hơn và ăm ắp những tình tiết siêu thực. Chủ đề chiến tranh được điểm xuyết bởi những câu chuyện được mô tả tỉ mỉ có phần man rợ (nếu không được nhắc nhở đây là hư cấu, tôi có thể tin đó là những gì đã xảy ra và bị lịch sử che đậy). Nhưng tôi không chắc về chủ ý chính trị của nhà văn. Tôi chỉ dõi theo hành trình của Toru và những người mà anh gặp gỡ. Hệ thống các nhân vật trong truyện được xây dựng tương đối chi tiết, đời sống của họ không hoàn toàn là một bức màn bí mật (trừ Wataya Nobura, chúng ta cảm thấy hắn đại diện cho một sức mạnh mờ ám, cái phần xấu xa nhất trong mỗi con người khi lờ mờ nhận thấy sức mạnh ấy lan tỏa và có khả năng chi phối dữ dội tinh thần của những nhân vật khác, kể cả Toru nhưng đời sống cá nhân của hắn thì không có gì rõ ràng, mọi thứ về hắn là điều được mô tả lại nhưng không ai thực sự hiểu hắn, những động cơ ở bên trong hay nguyên lý của sự mờ ám ấy). Tiến triển của truyện được đẩy nhanh hơn sau hai phần ba tác phẩm với những chương viết tách biệt nhau hơn (tôi vẫn chưa rõ những lá thư của Kasahara May đóng vai trò gì trong hành trình của Toru hay chỉ đơn giản là sự hoàn thiện một số phận bằng những lá thư). Kết thúc truyện tương đối đột ngột và theo một kiểu cũng hơn cả siêu thực. Nhưng cái ác đã bị diệt trừ và hẳn Kumiko sẽ trở về với Toru. Những Kana Malta, Kano Creta, Kasahara May, mẹ con Nhục đậu khấu và trung úy Mamiya hẳn đã tìm thấy những góc yên bình của họ. Họ là những người đã giúp Toru đi hết đoạn đường cần đi để đến lượt mình, bằng cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội và triệt để, Toru đã giải phóng họ khỏi sự nô dịch tinh thần. Những con người kỳ lạ trong một câu chuyện kỳ lạ, đã gặp gỡ nhau và rồi tạm biệt, ai đi đường nấy. 

Tôi thích phần mở đầu của quyển sách. Những nhân vật lần hồi xuất hiện, với nhiều nét lập dị trong những gì thuộc về con người bình thường nhất của họ, như đại đa phần những nhân vật của Haruki Murakami. Và bởi quyển sách khá dày, như tôi nói, chúng ta có những câu chuyện cụ thể về mỗi số phận. Rất nhiều tình tiết hơn cả siêu thực (vì ông ấy thì cũng vốn siêu thực rồi). Nhưng đại để là càng đọc quyển sách càng mất dần sức hấp dẫn đối với tôi. Những phân đoạn dưới giếng của Toru khó chịu hơn cả. Nếu tôi là Kasahara May, tôi sẽ không thể đừng được cái việc gào lên : anh làm cái quái gì ở dưới cái giếng tối tăm ẩm mốc ấy thế ? Lên ngay đi đồ dở hơi. Thế nhưng cái cô gái đó thì bình thản vô cùng. Như kiểu đa phần các nhân vật trong văn chương Nhật (thì xin nói thêm là trong số những tác phẩm tôi đã đọc để tránh là phiến diện, hồ đồ), họ tiếp nhận những gì kỳ lạ nhất với cái kiểu : à ra vậy ; ừ thế nhỉ ; đúng thế thật… Có những lúc điều này thật là tinh tế, thật là dễ thương (với tất cả sự hài hước và xúc động đi kèm của tôi, như là khi tôi đang được chiêm ngưỡng những tâm hồn hồn hậu, chất phác nhất trên đời) nhưng không phải trong trường hợp này (với tôi). Rồi câu chuyện về cái bớt cùng cái chuyện xuyên qua tường… Toàn bộ công cuộc khám phá và giải quyết vấn đề trong cái hành trình riêng tư bí ẩn ở trong não bộ của một con người…Ôi trời ơi… Tôi nói mọi thứ hơn cả siêu thực là vì vậy. Và điều đó khiến tác phẩm trở nên không vừa vặn đối với tôi. Một phần vì tôi bắt đầu thấy khó hiểu (dĩ nhiên tôi có thể hiểu nếu đọc những ý kiến uyên bác của người khác nhưng như vậy nghĩa là tôi bị ép phải hiểu – và việc bị ép phải hiểu một tác phẩm văn chương là điều chẳng hay ho gì), một phần vì tôi không thấy thích văn phong của Haruki Murakami trong tác phẩm (hay bản dịch) này so với những tác phẩm tôi đã đọc. Có cái gì như thiếu đi. Nếu sự siêu thực là cà phê thì cái thổi vào tác phẩm ấy làn hơi làm cho nó hư ảo, mông lung, tinh tế hơn là thành phần sữa – những dòng sữa ngọt ngào, tự nhiên (để tạo nên ly cà phê sữa mà tôi thích uống). Và nếu trong Phía nam biên giới, phía tây mặt trời hay Cuộc săn cừu hoang hai thành phần này quyện vào nhau – mỗi thứ có thể khác đi về dung lượng và mặc dù cái thành phần cà phê có vẻ ít hơn nhưng nó vẫn tạo ra được đúng ly cà phê sữa. Thì với Biên niên ký chim vặn, cái tôi đang uống là một ly cà phê thô. Có thể bạn sẽ thích sự đậm đặc, đăng đắng của một ly cà phê đen (thế mới đúng là uống cà phê nhỉ), nhưng với tác phẩm của Haruki Murakami mà nói, vì ông ấy chỉ kể một câu chuyện khác, trên nền của một hệ thống những tính cách và tình tiết suy cho cùng chả mấy khi khác đi (thế mới là Haruki Murakami) nên cái thành phần sữa trong ly cà phê ấy với tôi quan trọng lắm. Có nó, tôi nhận ra nhà văn ấy và có nó, tác phẩm của ông đi vào lòng tôi một cách tự nhiên hơn. 

Điều cuối cùng, đọc truyện của Haruki Murakami đại thể giống như trải qua một giấc mơ. Mọi thứ đều kỳ lạ và chẳng thể lý giải nguyên nhân, kể cả khi đã đi đến cuối đường biên của giấc mơ rồi. Dường như cái ta có thể làm là chấp nhận sự vốn dĩ là như thế của nó mà thôi. Đây là có lẽ là một cách để tiếp cận thế giới văn chương của Haruki Murakami. "Điều duy nhất tôi hiểu rõ, đó là tôi tuyệt không hiểu gì hết" - câu nói của Toru. Với tôi, nó cũng thật thích hợp để thốt lên khi hành trình siêu thực của Biên niên ký chim vặn dây cót kết thúc. Điều duy nhất tôi hiểu rõ, đó là tôi tuyệt không hiểu gì hết.

3 nhận xét:

  1. Khi bản nhạc cất lên, tôi giật mình. Thời gian này tôi thường nghe Yao Si Ting và cũng đang đọc tới chương 4 tiểu thuyết Biên niên kí chim vặn dây cót. :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi nghe Yao Si Ting cũng khá tình cờ. Trước tôi có nghe Chen Xi (cũng tình cờ nốt). Tuy tôi không rành về các thể loại nhạc nhưng đó có lẽ là cùng một kiểu, ít nghe lẫn âm thanh từ các thiết bị mà chủ yếu là giọng hát thật của các ca sĩ. Với tôi là rất dễ cảm.

      Chương 4 là phần 4 thuộc Quyển 1 chăng? Nếu thế thì còn dài lắm đấy...

      Xóa
  2. Vâng, còn dài... :)
    Cuộc sống là một chuỗi những sự tình cờ như tình cờ tôi gặp những trang viết của bạn vậy. Chúc bạn ngày càng thành công với những trang viết của mình. Tôi sẽ hay ghé qua đấy, rất âm thầm. :)

    Trả lờiXóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...