Thứ Năm, 8 tháng 7, 2010

Rót cho đầy hồn nhau, đắp cho đầy đời nhau

Đôi khi lang thang trên mạng, không mục đích, thể nào cũng gặp được những thứ rất hay, rất không ngờ tới, làm cho bản thân cảm động. Tỉ như đọc được một ý thơ hay, nghe được một giai điệu đẹp, hoặc tìm được một tiện nghi mình đang cần, cũng có khi may mắn bắt gặp một tâm hồn đẹp, dõi theo tâm sự của họ, cho dù chỉ là âm thầm sẻ chia…

Thế giới mạng rất kì ảo, vì tự do mà rất đẹp, cũng vì tự do mà rất phức tạp. Tóm lại, chúng ta phải biết tự chủ. Có tự chủ mới có thể không ôm hận (nếu phải ôm hận thì hãy chắc chắn đó là vì chính mình đã muốn xả thân…).

Ngày hôm qua, tôi tìm thấy bài hát này, bài hát “Như chiếc que diêm”. Tôi có từng nhắc, thói quen nghe nhạc khá lạ của tôi. Không bao giờ chủ định, và có thể nghe đi nghe lại một bài hát trong một thời gian dài. Theo cách đó, tôi đã yêu rất nhiều bài hát, cho dù chưa bao giờ và không bao giờ là tín đồ của âm nhạc. Tôi vốn thích thơ, còn rất hứng thứ với từ ngữ đẹp cho nên rất tự nhiên, tôi yêu những bài hát có ca từ đẹp, nội dung sâu. Bản tính tôi trầm lặng vậy nên tôi dễ động lòng trước cái buồn trong nghệ thuật, đặc biệt là trong âm nhạc. Bài hát nào khiến trái tim phải nhỏ lệ, với tôi, đó đều là tuyệt phẩm.

Khi tôi nghe “Như chiếc que diêm” bỗng nhận ra bản thân rất nhớ “Tưởng niệm” của Trầm Tử Thiêng. Từ lâu tôi không nghe “Tưởng niệm”, mỗi lần nghe đều cảm thấy bản thân như đã già lắm, đến cả trái tim dường như cũng không còn nhịp trẻ nữa. Cảm giác trái tim cũng muốn già đi thật khiến người ta đau xót. Nhưng “Tưởng niệm” cho dù là một bài hát đau đớn, vẫn là một bài hát có một ý tình sâu đẹp “Mang ơn em trao tình một lần, là kỷ niệm dù không đầm ấm. Mang ơn em đau khổ thật đầy, là nắng vàng dù nhốt trong mây. Mang ơn trên cho cuộc đời ta, vài vạn ngày gió cuồng mưa lũ…”. Cho dù “đời là bể khổ, tình là dây oan”, đến cuối cùng con người khốn khổ vẫn mang ơn nhau và mang ơn đời – điểm này quả thực rất đáng trân quý – là hạt ngọc dưới đáy đại dương sâu thẳm, tối đen.

Bài hát của nhạc sĩ họ Từ nghe buồn – nỗi buồn như sương giăng, như mây phủ, bàng bạc sắc hương được – mất. Con người, cho dù dự đoán được kết cuộc không đoàn viên, cái họ có thể làm là gì? Những kẻ đã/đang yêu, cho dù biết phía trước là vực thẳm, cái họ có thể làm là gì?

Rót cho đầy hồn nhau, đắp cho đầy đời nhau

Tôi rất thích câu hát này, có lẽ đã vì nó mà yêu cả bản nhạc (cũng như người khác, có thể chỉ vì một nụ cười, một ánh mắt mà nhớ thương nhau suốt đời). Tôi đã rất vội, đưa ngay bài hát vào một module trên blog, như thói quen vốn có của tôi, chỉ để bản thân được nghe thường xuyên hơn. Dù cô bạn của tôi từng nói, chỉ khi nào bốn mươi tuổi, đã có chồng và hai con, cô ta mới có thể sờ tới loại nhạc như thế nhưng tôi vẫn nghĩ âm nhạc vốn không định phân ranh giới. Bạn nghe thứ có thể đi vào hồn bạn, đơn giản thế thôi. Cho dù cái bạn chọn lựa là niềm vui hay nỗi buồn, chỉ cần bạn tình nguyện cam tâm, có phải vì nó mà trả giá cũng không nên đa nghi, hối tiếc…

Thôi cũng đành một kiếp trăm năm đời người sẽ qua
Cũng đành một thoáng chiêm bao tình người cũng xa
Cũng phôi pha những điêu ngoa, theo vết môi cười tàn tạ…

Thôi cũng đành như chiếc que diêm một lần lóe lên
Thắp đời em sáng lung linh, buồn một cõi riêng…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...