Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

Tóm tắt 8 loại tính tình chuyên biệt của con người (tt và hết)

4. Người nhiệt tâm
:

- Có tham vọng và cương quyết thực hiện: biết hướng sinh lực vào những mục đích thực tế và hành động hữu hiệu. Bản chất ham thích uy quyền, người nhiệt tâm thường cứng cỏi, có bản lĩnh. Họ luôn vận dụng tất cả năng lực và những cơ hội để đạt được mục tiêu. Càng gặp khó khăn, thực chất và khả năng của họ càng được bộc lộ rõ rệt. Đối với họ, chịu thua là hủy hoại mình và là sự nhu nhược tột cùng không thể tha thứ.

- Khả năng làm việc cao: mục tiêu chính của đời họ là phải nhìn thấy kết quả và thành tựu của bản thân vì vậy người nhiệt tâm làm việc không biết mệt. Họ hiểu rõ mình muốn gì và cần phải làm gì để thực hiện ước muốn đó một cách tốt đẹp, có hiệu quả cao. Tuy nhiên, người nhiệt tâm làm việc không vì quyền lợi bản thân mà vì lợi ích cộng đồng. Họ biết sống vì người khác và vì lý tưởng phụng sự xã hội.

- Hòa mình với đời sống cộng đồng, xã hội: yêu gia đình, có tinh thần tương thân, tương trợ đối với tha nhân.

- Thích lịch sử, bảo thủ, luyến tiếc quá khứ: tìm kiếm trong quá khứ những chất liệu quý giá được gạn lọc bằng kinh nghiệm nhằm rút ra những bài học cho hiện tại. Họ bảo thủ bởi yêu quý những gì từng làm cho cuộc sống con người yên vui, tốt đẹp.

- Khuynh hướng sống khắc khổ: thích nếp sống giản dị, có tổ chức, trật tự. Họ nghiêm khắc với chính mình và với người khác vì muốn nâng giá trị con người đến một tầm cao hơn bản năng thấp kém của một sinh vật.

- Tình cảm bộc lộ chậm: tự chủ, luôn giữ được vẻ bình thản. Tình cảm của họ được nuôi dưỡng một cách thận trọng và lâu bền. Khi có chuyện bất bình, họ cố dồn nén tìm cách lý giải phân minh trước khi quyết định. Một khi đã dứt khoát, họ không bao giờ có thể thay đổi được. Mọi chuyện sẽ trở thành một vết hằn khó phai theo thời gian.


- Tự tôn, tự phụ: đây có thể coi là khuyết điểm của mẫu người này.

Giá trị định hướng: nghĩ tới việc phải làm.

5. Người thực tế
:

- Hình thể ít góc cạnh: có vẻ ngoài no đầy, sung mãn. Thích sống nơi đô hội nhưng ít náo động, bồng bột. Họ cũng thích tham gia vào sinh hoạt tập thể nhưng là để tìm cơ hội chứng tỏ mình là ai. Giữ lễ phép cư xử, lịch thiệp nhưng không nồng hậu, vồn vã. Thích ăn ngon mặc đẹp, “bằng chị bằng em” và biểu lộ điều đó bằng quần áo, trang sức đắt tiền. Thích trò chuyện nhưng lời nói ra không mang ý nghĩa sâu sắc. Họ cần biết bạn có gì và họ hơn, kém bạn những gì. Giọng nói thường bình tĩnh kèm với nụ cười mỉm có vẻ phơn phớt mỉa mai.

- Hướng ngoại: Tâm tư nhẹ nhàng gần như trống rỗng. Là mẫu người vô tâm, dễ quên mọi chuyện. Ít cảm xúc, không chủ quan, dễ thành công trong giao tế. Sẵn sàng tiếp xúc với mọi loại người dù có sự khác biệt trong tư tưởng hay cách sống bởi với họ điều quan trọng nhất là lợi ích của họ. Tóm lại, người thực tế là mẫu người sống cho mình, vì mình, ít quan tâm đến tha nhân.

- Óc thực tế: là mẫu người đứng đầu về óc nhanh trí và khả năng thích ứng hoàn cảnh, họ giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng bằng những giải pháp thực tiễn. Mau mắn dấn thân vào công việc, biết quan sát, phán đoán một cách khách quan. Lý luận vững chắc, không dễ bị khích động. Là người nhìn vào thực tế, không lệ thuộc vào thành kiến. Tuy nhiên, khuyết điểm của mẫu người này là tính ích kỷ, chỉ thiết lợi cho bản thân, thiếu lòng trắc ẩn và tinh thần độ lượng.

- Thiếu khả năng hệ thống hóa tư tưởng: hoài nghi tất cả những gì không thuộc phạm vi thực tại, tỏ ra hợp với thực nghiệm hơn lý thuyết.

- Khoảng trống nội tâm: tin vào “cái mà họ có” và “khả năng làm việc” của họ hơn bất cứ điều gì. Có khuynh hướng xem thường và chỉ trích những ai tin vào Trời, Phật, Thánh Thần… Hướng về ngoại giới, không tìm sự vỗ về an ủi trong tinh thần vì vậy đừng tốn công “thức tỉnh” tâm hồn của người thực tế.

- Thiếu lòng trắc ẩn, dễ nhớ mau quên: không giữ tình cảm lâu với ai. Vì về cơ bản, người thực tế đặt quyền lợi bản thân lên trên hết do đó điều gì không có lợi cho họ, họ không bao giờ làm. Ai đó không cần thiết đối với lợi ích riêng của họ, họ không bao giờ quan tâm.

Giá trị định hướng: thành công trong xã hội.

6. Người lãnh tĩnh
:

- Bình thản, khoan dung và cẩn thận: ít bị cảm xúc chi phối vì vậy họ luôn điềm nhiên, gần như lãnh đạm. Họ sáng suốt, không hấp tấp, không vội vàng phản ứng. Tính điềm tĩnh, không thích huyên náo, nói năng thường chậm rãi, từ tốn, ôn hòa. Là người thận trọng trong ngôn từ. Khi cần nói mới nói nhưng không dài dòng, quanh co. Phục sức chỉnh tề, đứng đắn, thích nếp sống giản dị, không chú trọng hình thức, không đua đòi quá sức, hài lòng với những gì mình có một cách hợp lẽ.

- Thâm trầm, không động lòng, không nao núng: điềm tĩnh trong đối nhân xử thế, tự chủ trong mọi tình huống bất ngờ. Hiếm khi cười đùa sôi nổi. Thái độ bình thản có thể khiến người khác hiểu lầm rằng họ ích kỷ, khinh người nhưng thực chất người lãnh tĩnh là mẫu người rất chân thành. Tình cảm của họ thiếu bề nổi nhưng bề sâu đã có thì khó lòng lay chuyển. Trong môi trường đặc biệt nào đó, họ sẽ có thái độ cởi mở, linh hoạt và rất thích hài hước, một lối hài hước thâm trầm, ý nhị nhưng không sâu cay, độc ác.

- Năng hoạt động và kiên trì: tuy không hăng say công việc như người Nhiệt tâm, người lãnh tĩnh vẫn có nhu cầu hoạt động. Họ xúc tiến công việc một cách đều đặn. Họ kiên tâm, bền chí hơn hẳn các dạng tính tình khác. Trở ngại của họ là tự giam mình trong khuôn khổ của thói quen. Họ chịu đựng được tính khó khăn của người khác, nhẫn nại trong những điều kiện khắc nghiệt của cuộc sống.

- Hệ thống hóa tư tưởng và đời sống: Giữ thói quen, nề nếp cũ một cách thuần thục tự nhiên và luôn giữ nguyên tắc, ít khi phá lệ. Suy luận mọi việc trên kinh nghiệm rút ra từ quá khứ, họ dự đoán và tính toán một cách hợp lý cho tương lai. Sống và làm việc theo một thời khóa biểu tự mình đặt ra, hạn chế những nông nổi, bất thường, biết điều gì nên, không nên làm. Thận trọng khi phải thay đổi thói quen hay sở thích nào đó. Với mẫu người này, bạn là ai, làm đến chức vụ gì không quan trọng bằng cách bạn sống với mọi người như thế nào. Người lãnh tĩnh còn những đức tính tốt khác như: thẳng thắn, đúng hẹn, trật tự ngăn nắp, cẩn thận phân minh và rất đáng tin cậy, nhất là trong vấn đề tiền bạc.

- Sáng suốt, khách quan trong mọi vấn đề: biết dành thời gian suy nghĩ thấu đáo mọi vấn đề trước khi quyết định làm hay không làm một điều gì đó, dù lớn hay nhỏ. Nhờ vậy, họ ít gặp rủi ro và cũng ít khi phải thay đổi quyết định của mình vì lý do nào đó.

Giá trị định hướng: tuân thủ luật lệ.

7. Người nhu nhược
:

- Lười biếng, vô tư lự: trước mọi biến cố, họ thờ ơ, chểnh mảng, trì trệ, tìm cách né tránh hoặc giả vờ không nhìn thấy trách nhiệm của mình. Ý thức của họ luôn hướng tới “an nhàn hưởng lợi”. Ít suy nghĩ xa xôi, không chú trọng bất cứ vấn đề gì.

- Sống ích kỷ, lệ thuộc nhu cầu thể xác: không có ước vọng cao xa, luôn dựa dẫm vào một ai đó như một loài chùm gửi không thể tự nuôi sống bản thân.

- Thiếu óc thực tế: thiếu nhạy bén đối với mọi tác động chung quanh. Với họ, cuộc đời uổng phí nếu không vui chơi. Không thích làm việc nhưng có thể vung tay quá trán, chơi bời quá độ…

 - Nghèo đức tính, nhận nhiều hơn là cho đi: thường né tránh bổn phận, chỉ làm những gì bất đắc dĩ phải làm vì lợi ích của bản thân. Không bao giờ can thiệp vào việc gì vì sợ bị quấy rầy. Nếu khoan dung với ai cũng là để được yên thân chứ không phải vì tình thương hay lòng độ lượng. Nếu thông minh sẽ dùng mọi lý lẽ để làm xiêu lòng người khác.

- Có năng khiếu diễn xuất, thiếu óc sáng tạo: sống cho bản năng nhiều hơn lý trí, không có bản lĩnh, khi ngã theo phía này, khi chiều theo phía nọ, thậm chí đớn hèn, mất hết năng lực, sinh khí trong cuộc sống.

Giá trị định hướng: thích hưởng thụ khoái lạc.

8. Người vô tình
:

- Thích biệt lập, tìm sự yên tĩnh riêng mình: Nghèo nàn tình cảm, thiếu vắng suy nghĩ trong mọi hoàn cảnh, sự việc. Thái độ lúc nào cũng trầm ngâm, xa cách và sự thật nội tâm cũng chỉ là một khoảng trống mờ mịt khó lường. Không có lòng trắc ẩn, sống vì mình, cho mình, có thể trở nên rất ích kỷ, độc đoán.

- Theo nguyên tắc, cố chấp, thù dai: sống theo các nguyên tắc, nội quy một cách rập khuôn, cứng nhắc vì vậy sinh cố chấp, giận lâu , khó làm hòa.

- Thiển cẩn, trí năng yếu kém, không có biệt tài: trí óc và năng lực không bén nhạy và linh hoạt. Khả năng suy luận cũng giới hạn, nhất là trong lĩnh vực siêu hình, trừu tượng.

Giá trị định hướng: cầu an.


Trên đây là những tóm tắt cơ bản về 8 loại tính tình của con người. Tuy nhiên, sẽ là những hiểu biết sâu hơn nếu bạn tìm đọc trọn vẹn cuốn sách: “Từ tính tình đến tính cách” – Thường Niên biên dịch, xuất bản năm 2004. Tuy nhiên những phác thảo trên đây cũng tương đối đầy đủ, hy vọng mang đến cho các bạn cái nhìn rõ ràng hơn về bản thân cũng như người xung quanh mình.

4 nhận xét:


  1. Flyingdance at 12/08/2010 10:31 pm comment

    Vi Phong xem giup Flying xem có tính tình chuyên biệt gì đi?

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Vi Phong at 12/09/2010 06:55 pm reply

      Nếu chỉ dựa vào các entry của bạn mà phán thì chỉ sợ phán tầm bậy tầm bạ thôi. Điều quan trọng là, chính bạn có nhận diện được bản thân không thôi hà!

      Xóa

  2. Flyingdance at 12/09/2010 07:09 pm comment

    Chẳng phải văn là nhân sao? Vì thế theo ý chủ quan của bạn thì Fly thế nào

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Vi Phong at 12/10/2010 07:39 pm reply

      Nhưng văn có thể hư cấu mà bạn. Và nhân thì như từ đầu bài viết này có nói, chỉ đưa ra khía cạnh tính tình mà không nói đến tính cách (là thứ được tạo ra từ thực tiễn cuộc sống của chính bạn). Vì vậy để có cái nhìn đầy đủ về bạn, mình không thể chỉ dừng lại những tâm sự trên blog. Mặc dù vậy, mình cũng có từng nói trong blog của bạn, rằng trong tính cách của bạn vừa có sự mạnh mẽ vừa có sự yếu đuối. Và bạn đã tự nhận thế nào? Mình nghĩ đó là câu trả lời. Còn cụ thể câu trả lời ấy ứng vào mẫu tính tình nào thì chắc là không có mẫu cụ thể nào. Đâu đó một ít, đâu đó rất nhiều chăng?!

      Xóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...