Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Đừng đánh mất bản thân



Trong số các cuốn sách thuộc thể loại tâm lý/nghệ thuật sống tôi từng đọc, có một quyển tôi thực sự yêu thích hơn cả, bởi nó mang đến cho tôi những nhận định tương đối mới mẻ so với các quyển sách tôi đã đọc trước đó (và cả sau này). Mặc dù như nhiều quyển sách tương tự khác, việc đọc có thể không mang lại giá trị thực tiễn cho cuộc sống nhưng không thể phủ nhận những giá trị tinh thần mà những quyển sách đó mang lại vẫn thật lớn lao. Một thời gian dài trước đây, tôi gần như chỉ chuyên tâm đọc những quyển sách thuộc thể loại này. Cho đến khi đọc nhiều và nhận ra những tác phẩm có khuynh hướng na ná giống nhau; lý do cơ bản hơn, tôi vốn ưa thích những miền xúc cảm, sự trăn trở, ưu tư không giới hạn mà một tác phẩm văn học có thể cho phép người đọc tự do trải nghiệm hơn là những khoảng nhận thức rõ rệt (và vì vậy hữu hạn) về những điều người viết muốn nói trong những quyển sách nghiêng về khoa học xã hội này (vấn đề chỉ là nhận thức được rồi nhưng liệu có làm được không – một câu hỏi gây nhức nhối đây!); vì vậy sau này tôi gần như trở về với truyện, tiểu thuyết và đôi khi là thơ (vâng, tất nhiên!). Nói thế không có nghĩa là tôi không bao giờ mua một quyển sách học làm người nữa. Tôi biết rằng đọc sách cũng là một việc người ta phải làm cả đời. Và bất cứ quyển sách nào gây hứng thú cho bạn trên cơ sở làm giàu tri thức và tâm hồn của bạn, thì đều đáng để bạn bỏ thời gian tìm hiểu, suy ngẫm. Tôi muốn nói đến quyển sách mà từ đầu tôi đã nhắc đến, mà tôi đã quyết định đọc lại để trải nghiệm một lần nữa những tư tưởng mà quyển sách đã mang đến cho tôi. Đó là một quyển sách chưa đầy 200 trang, khổ cũng nhỏ thôi, xuất bản từ năm 2003, tựa đề: Đừng đánh mất bản thân, tác giả: Dr. Laura Schlessinger.


Quyển sách này, từ những dòng đầu tiên, cho thấy nó đề cao đạo đức, phẩm chất đời sống của một con người thông qua đi sâu vào bộ ba chủ đạo: Cá tính, Can đảmLương tâm trên nền tảng trao cho ta ý nghĩ rằng “con người” – tự thân hai từ này đã biểu hiện “một cái gì thật tuyệt vời”. Và vì vậy quyển sách luôn luôn tỏ rõ quan điểm: rằng bạn có thể va vấp, có thể sai lầm những đừng bao giờ bao biện bằng lý do: vì tôi cũng chỉ là một con người (một kiểu phủ nhận trách nhiệm và biến mình thành nạn nhân đây). Quyển sách cũng phủ nhận yếu tố nhân quả trong việc nhìn nhận lối hành xử của một con người. Chúng ta có thể hiểu quan điểm này như sau: mỗi chúng ta ai cũng có thể ở vào một hoàn cảnh tồi tệ, nhưng vẫn hoàn toàn có thể chọn lựa cho mình một cách xử sự, nói rộng ra là cách sống, có đạo đức, lương tri và trách nhiệm. Chúng ta không và không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh hay nhân danh sự tổn thương của mình để gây tổn thương cho người khác. Tôi đồng ý với suy nghĩ này, mặc dù không dễ dàng chút nào để thực hành. Phần lớn nào đó trong con người chúng ta luôn có khuynh hướng bào chữa cho mọi va vấp hay lỗi lầm của mình bằng cách đổ thừa cho một điều gì đó nằm ngoài bản thân chúng ta. Làm như thế, chúng ta cảm thấy mình ít tồi tệ hơn và với thái độ của một nạn nhân, chúng ta mong cầu nhận được sự cảm thông từ phía cộng đồng. Tất nhiên, tôi không phủ nhận hoàn toàn những tồn tại khách quan, tuy nhiên tôi cho rằng tác giả quyển sách đã bắt đúng bệnh của phần lớn loài người: chúng ta ít có can đảm nhìn vào chính mình, để thẳng thừng mà thừa nhận với bản thân và với người khác: là tôi không có cá tính, là tôi thiếu can đảm, là lương tâm của tôi đi vắng. Lý do vì sao con người thích đưa ra lý do và ưa chuộng những lời giải thích, thay cho một sự thật ngắn gọn: tôi sai, tôi xin lỗi. Điều nực cười ở đây là, rất nhiều người phê phán hành vi của người khác cho đến khi chính họ cũng mắc phải sai lầm tương tự và rồi thay vì tự hổ thẹn, họ bắt đầu kêu gọi sự cảm thông. Cái gì làm cho sai lầm của người khác thì đáng bị lên án, còn sai lầm của bạn thì đáng được cảm thông khi cả bạn và người khác và sai lầm của cả hai là giống nhau? Chẳng phải chỉ có sự tự nuông chiều bản thân và thái độ vô trách nhiệm là tạo ra sự khác biệt ấy?!

(có thể sẽ viết tiếp sau...)

6 nhận xét:


  1. Tuệ Tâm1978 at 12/06/2010 12:41 pm comment [hidden]

    Mỗi chúng ta ai cũng có thể ở vào một hoàn cảnh tồi tệ, nhưng vẫn hoàn toàn có thể chọn lựa cho mình một cách xử sự, nói rộng ra là cách sống, có đạo đức, lương tri và trách nhiệm. Chúng ta không và không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh hay nhân danh sự tổn thương của mình để gây tổn thương cho người khác. Chúng ta ai ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một lối sống, và phải tự chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Thông thường rất ít người đủ can đảm nhận trách nhiệm khi công việc thất bại, hay có sự cố không hay xảy ra; Bằng cách này hay cách khác họ phải phân bua, hay viện lí do này khác để bào chữa cho việc đã xảy ra Trách người thì dễ, nhưng để nhìn lại bản thân và qua đó sửa đổi, là việc chẳng dễ chút nào ? Vì nó luôn khiến người ta đau, khi thấy mình là kẻ chẳng ra gì... Trong mỗi một cuốn sách dạy làm người, đều hàm chứa rất nhiều thông điệp để ta nhìn lại mình. Tuy không chứa nhiều cảm xúc, nhưng những gì tác giả gửi gắm, đều giúp ta rất nhiều trong lối sống và cách nhìn nhận vấn đề theo hướng khách quan hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Vi Phong at 12/08/2010 09:10 pm reply [hidden]

      Ừm, sách học làm người luôn nhìn sự việc sáng suốt, ít có sự thiên lệch. Bản thân mình vẫn hấp thụ tự nhiên để tạo cho bản thân cái nhìn đúng đắn về sự việc, con người. Trong chừng mực nào đó thì những quyển sách này cũng giúp vực dậy tinh thần của mình rất nhiều. Có thể nói, nếu không có sách vở, có thể bản thân mình sẽ thất vọng, chán nản hơn nữa.

      Xóa

  2. Nắng at 12/06/2010 01:13 pm comment

    Em dạo này sống nhẹ nhàng vì cứ đổ vấy trách nhiệm lên chữ duyên. Lỡ mất một cơ hội tốt, chép miệng: không có duyên với nó! Không biết em có đang bỏ quên mình ở đâu đó ko nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Vi Phong at 12/08/2010 09:19 pm reply

      Nếu em quả thực sống nhẹ nhàng khi cái duyên ấy ra đi, chị nghĩ em nhủ lòng như thế cũng không sao. Và hình như chưa chi em cũng có cảm giác đã bỏ quên bản thân. Điều này có tốt không, chị không thể trả lời em. Vì biết đâu thật ra em có điều gì cần nhớ hơn chính bản thân thì sao?!

      Xóa

  3. Tuệ Tâm1978 at 12/08/2010 10:44 pm comment [hidden]

    Đúng vậy đấy bạn ạ ! Khi mình suy sụp tinh thần, thì những cuốn sách này vừa là bạn lại vừa là thầy của mình.Và nếu không nhờ những cuốn sách này, mình sẽ biết nhiều vấn đề phải giải quyết như thế nào ? Sách chính là tinh hoa, là những đúc kết mà tác giả đã trãi nghiệm qua quá trình sống mới có thể viết lên. Trớ trêu thay, nhiều người lại cho đó là lí thuyết và chẳng có gì đáng đọc..

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Vi Phong at 12/09/2010 07:09 pm reply [hidden]

      Sách thì thật ra sẽ chỉ là lý thuyết nếu không đem vào thực tiễn. Có nhiều người chỉ quan trọng thực hành, hoàn toàn xem nhẹ lý thuyết. Mình thì tin rằng lý thuyết có thể đúng mà thực hành vẫn sai nhưng lý thuyết đã sai thì thực hành không thể nào đúng. Vì vậy, đọc sách để tạo cho mình một nền tảng lý thuyết tốt là điều rất đáng hoan nghênh. CHưa kể, sách cũng như bạn bè, dù không có mục đích gì, vẫn ta khiến ta vui, phải không?!

      Xóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...