Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

Kiếp nào có yêu nhau

Tôi vẫn ấp ủ viết lên những cảm xúc về bài hát quá đẹp từ giai điệu đến lời ca này. Thế nhưng mỗi lần định viết mới nhận ra so với phân tích một bài thơ, viết cảm nhận về âm nhạc xem ra khó ngàn lần hơn. Có lẽ vì khả năng cảm thụ âm nhạc của tôi quá kém. Và tình cảm tôi dành cho âm nhạc thực tình cũng không sâu nặng. Tuy thế, dạo gần đây bài hát này đột nhiên trở thành sự chọn lựa duy nhất của tôi khi tôi muốn có chút giai điệu vang lên xung quanh mình. Và cứ mỗi lần như vậy, tôi lại muốn viết một cái gì đó nên thôi thì mình chiều lòng mình, cho dù những cảm nhận sau đây có thể rất qua loa, tùy tiện…

Đầu tiên phải nói rằng, bài hát này đến với tôi qua giọng hát của nam ca sĩ Tuấn Ngọc. Bởi vì ông vốn là giọng ca nam tôi yêu thích hàng đầu cho nên việc giữa một rừng ca sĩ, tôi chọn giọng hát của ông để nghe cũng không có gì là lạ. Tuy thế với bài hát này, tôi đã tình cờ một cách có chủ đích nghe thêm bằng nhiều giọng ca khác nhau:

Đầu tiên là giọng hát Thái Thanh: tôi chắc ai đã nghe qua giọng hát của bà đều sẽ nhận thấy đó là một giọng ca có sắc thái riêng với sự cuốn hút mãnh liệt không thể lẫn với bất cứ một ai khác. Tuy nhiên tôi phải thú nhận rằng bởi tôi vốn ưa thích chất giọng trầm khàn, vừa lạnh vừa nồng ấm, không quá kỹ thuật (kiểu của ca sĩ Khánh Ly) cho nên tôi rất ít khoái nghe chất giọng nữ thanh, trong trẻo, điêu luyện, cao vút tới tận trời của Thái Thanh. Mặc dù vậy, bài hát đã được bà thể hiện rất tuyệt vời với một âm hưởng da diết nao lòng. Thậm chí khi tiếng hát đã ngừng rồi, tôi vẫn ngây người ra tưởng như giọng ca đó, giai điệu đó đã ăn sâu vào tâm hồn tôi và tôi mơ hồ không sao dứt ra được. Tạo ra một không gian nhạc mê hoặc như vậy có lẽ trước sau cũng chỉ có Thái Thanh.

Nghe tại đây: (bản trước 1975) http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=0mW9rdsTdO

Sau nữa là giọng hát Lệ Thu: một giọng hát khỏe, mạnh mẽ và nồng say. Cá nhân tôi thích chất giọng của bà. Với bài hát này, bà vẫn hát hết mình, vẫn nồng nàn, trọn vẹn, đong đầy cảm xúc. Từng lời hát xoáy sâu vào tim người nghe. Những gì để lại trong tôi từ giọng hát bà là cảm giác xúc động, buồn thương thật khó biểu đạt bằng lời.


Đến giọng hát Khánh Hà: một giọng hát giàu nữ tính, mềm mại, gợi cảm và có phần điệu đàng. Trước sau tôi vẫn không thích sự điều đàng này trong giọng hát Khánh Hà. Cho nên tôi thường có thể nghe nhưng ít khi để tâm. Nhưng giọng hát Khánh Hà có một cái hay là không bao giờ quá buồn và bi thương. Nghe cô hát thể như nghe những lời tình tự rất lãng mạn kiêu sa, vừa đủ để làm trái tim rung cảm. Với bài hát này cũng không ngoại lệ.


Giọng hát Diễm Liên: một giọng hát truyền cảm, ẩn chứa nhiều sức mạnh. Cô dạo đầu nhẹ nhàng, khắc khoải để rồi bùng nổ sau đó. Không gian nhạc trữ tĩnh cổ điển dường như bị cô thay thế bởi một không gian đương đại có phần hơi ồn ào. Có lẽ đó cũng là cái mới cô muốn mang đến trong một bài hát đã được thể hiển rất thành công bởi những người đi trước. Và để đón nhận cái mới này, có lẽ tôi cần thêm chút ít thời gian.


Đến giọng hát Mỹ Linh: một giọng hát có vẻ đẹp phức hợp, khi thầm thì, lúc rạo rực, lại có thể rộng và cao hơn tưởng tượng. Bản thân Mỹ Linh cũng là người thích tìm tòi và ít dừng lại ở một thể loại âm nhạc nhất định. Nhiều nhạc phẩm của Mỹ Linh nằm trong kho những bài hát yêu thích của tôi. Tuy nhiên nghe Mỹ Linh hát “Kiếp nào có yêu nhau” dường như cứ thiếu thiếu một cái gì đấy. Tình cảm, chiều sâu hay là chất tự sự?


Về phía nam, ngoài giọng hát Tuấn Ngọc, tôi chỉ nghe thêm giọng hát của Đức Tuấn. Thật ra, tôi gần như không có khái niệm nào về giọng hát Đức Tuấn. Chỉ bắt đầu chú ý đến khi tình cờ nghe được một đoạn nhạc do Đức Tuấn hát trong bài “Chỉ chừng đó thôi” (cũng là nhạc Phạm Duy) và cảm thấy khá hay. Cá nhân tôi cho là anh trình bày “Kiếp nào có yêu nhau” với một nỗ lực rất chân thành. Tôi thích sự chân thành đó.


Và bây giờ trở lại với Tuấn Ngọc – ông vua nhạc trữ tình trong lòng tôi. Cho phép tôi đến cuối cùng cũng vẫn yêu những bài tình ca ông hát, bao gồm cả bài hát tôi đang muốn nói đến. Có nhiều lý do khiến tôi yêu thích giọng hát của ông: chất cổ điển, nam tính, sự trữ tình sầu muộn, vẻ phớt đời cô lạnh, cái uể oải sang trọng. Tất cả hòa hợp kỳ lạ với chính con người ông. Và khi mang tất cả những điều đó vào bất cứ bản tình ca nào, tôi đều thấy tự nhiên như là không thể khác được. Với “Kiếp nào có yêu nhau”, điều đó tuyệt đối không sai.

Nghe tại đây: http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=rWEP1P0Juq

Kiếp nào có yêu nhau

Thơ: Minh Đức Hoài Trinh
Nhạc: Phạm Duy


Đừng nhìn anh nữa em ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn anh, đừng nhìn anh nữa em ơi
Đôi mi đã buông xuôi, môi răng đã quên cười.
Hẳn người thôi đã quên ta
Trăng Thu gẫy đôi bờ
Chim bay xứ xa mờ
Gặp người chăng, gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ đêm sâu gối ơ thờ.

Kiếp nào có yêu nhau
Thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở
Tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau
Thì xin gạt hết thương đau
Em đâu em đâu rồi?
Em đâu em đâu rồi?

Đừng nhìn nhau nữa em ơi
Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã (đã) quên rồi
Còn nhìn chi, còn nhìn chi nữa em ơi
Nước mắt đã buông rơi theo tiếng hát qua đời
Đừng nhìn nhau nữa... em ơi!

Đây là một bài hát về tình yêu, một tình yêu bất thành. Và bất thành bởi vì đôi bên đã gặp nhau quá muộn.

Nói về sự muộn màng trong tình yêu, tôi nhớ đến mấy câu thơ sau của Xuân Diệu:

“Anh biết yêu em đã muộn màng
Nhưng mà ai cưỡng được tình thương
Ngậm ngùi tặng trái tim lưu lạc
Anh chỉ xin về một chút hương”
(Muộn màng)


Xuân Diệu vốn là người si tình, cho nên dù tình yêu ấy dẫu muộn màng, trái tim ông cũng vẫn “chuồi theo dòng cảm xúc”, vẫn muốn “xin về một chút hương”. Về cơ bản, tình yêu trong thơ Xuân Diệu nghiêng về cảm xúc yêu đúng nghĩa, rằng sống chết vì tình yêu thì “ai lý luận với ân tình cho đáng?”.

Cũng muộn màng đấy, nhưng ở bài hát này, bên cạnh những nhớ nhung cảm xúc là những trăn trở của lý trí.

Mở đầu bài hát là tiếng kêu thảng thốt, như yêu cầu lại như van xin:

“Đừng nhìn anh nữa em ơi”

Tôi vẫn băn khoăn cái bổi cảnh xảy ra cuộc giãi bày tâm sự này. Là cõi thực, cõi mộng hay cả hai? Có một cuộc gặp gỡ thực sự giữa hai con người này chăng? Hay chẳng qua chỉ là sự thương tưởng của một người hay rốt cuộc họ có tình cờ gặp lại nhau, nhưng tất cả những cảm xúc chỉ có thể thầm lặng xảy ra trong lòng nhau?

Là gì thì giữa họ là cả một sự ngăn cách tàn nhẫn của thời gian. Tất cả những gì đẹp nhất của một đời người dường như đã mất đi. Chính thời gian, sự xa cách, nỗi đau thầm lặng, khát khao vô vọng đã làm tàn úa cả những gì trinh nguyên nhất, xanh tươi nhất. Duy chỉ có tình yêu dành cho nhau thì vẫn tồn tại ở cõi sâu tâm hồn.

 “Hẳn người thôi đã quên ta”

Có thể thấy bài hát chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn. Chính những mâu thuẫn này lại nói lên sâu sắc tình yêu thiết tha mà ít nhất của một người đã dành cho một người.

Đã đành bảo người: “Đừng nhìn nữa” nhưng lại đau buồn với ý nghĩ: “Hẳn người thôi đã quên ta”. Ý thức được sự tàn nhẫn của tháng năm, sự biền biệt của yêu thương, cũng hiểu rằng trong nhân thế này không có gì trường tồn. Chính vì vậy mà sự tiếc nuối, cảm giác đau thương xa cách càng dâng ngập lên trong trái tim.

Trong nỗi sợ quên nhớ, ta muốn nhờ cánh chim xa nhắn với người:

“Hoa xanh đã bơ vơ đêm sâu gối ơ thờ.”

Cũng là một cách khác để nói với người rằng, ta vẫn còn yêu người tha thiết. Bởi xa người, đời ta chỉ là những tháng năm dài cô đơn, chỉ là những chuỗi ngày lê thê mệt mỏi.

Trong nuối tiếc, dường như ta lại muốn cùng người hát tiếp bản tình ca. Nhưng đột nhiên từ những thang bậc cảm tính, lý trí bỗng dưng trở về và những suy tư luận lý xuất hiện thay thế cho những dằn vặt cảm xúc:

"Kiếp nào có yêu nhau
Thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở
Tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau
Thì xin gạt hết thương đau"


 Đoạn này có thể cho thấy cái tính chất “muộn” của cuộc tình này, cái mà vì nó ở kiếp này họ đã không thể đi chung một con đường. Cho nên xin hẹn nhau ở một kiếp nào đó. Yêu thương mà không lo sợ. Yêu thương khi hãy còn thanh xuân tự do. Cũng xin rằng, những đau thương (nếu đã từng có) sẽ được gạt bỏ hết, để chỉ còn lại tình yêu trong hai trái tim. Để tình yêu được trọn vẹn là đúng nó.

Nhưng đã đành hẹn nhau ở một kiếp khác, mà trái tim yêu vẫn không thể không ngừng thổn thức và hoang hoải kiếm tìm bóng dáng người yêu:

“Em đâu em đâu rồi
 Em đâu em đâu rồi?”


Nhạc lúc này chùng xuống. Những cảm xúc dồn nén nghẹn ngào.

"Đừng nhìn nhau nữa em ơi
Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã (đã) quên rồi
Còn nhìn chi, còn nhìn chi nữa em ơi
Nước mắt đã buông rơi theo tiếng hát qua đời
Đừng nhìn nhau nữa... em ơi!"


 Đoạn cuối tiết tấu chậm lại, rồi dâng lên từ từ, rất mãnh liệt, dứt khoát mà đầy bi ai. Bởi những gì đẹp nhất đều không còn nữa, hương đã phai, sắc đã tàn, còn gì để mà đợi mong...

Tình yêu, cuối cùng chỉ còn là những giọt nước mắt đắng cay “buông rơi theo tiếng hát qua đời”...

----------

Bài thơ Kiếp nào có yêu nhau (nữ thi sĩ: Minh Đức Hoài Trinh)

Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi

Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ
Trăng mùa thu gãy đôi
Chim nào bay về xứ

Chim ơi có gặp người
Nhắn giùm ta vẫn nhớ
Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở

Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ

Lệ nhòa trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi

2 nhận xét:


  1. Tuệ Tâm1978 at 08/20/2010 11:10 am comment

    Intrernet giống như một con dao hai lưỡi,nếu sử dụng đúng mục đích sẽ rất hữu dụng,nhưng nếu sử dụng sai hậu quả sẽ khó lường. Mình gởi bạn bài hát Ấn này ! Mình nghe tuy không hiểu gì ,nhưng tiết tấu lại rất nhẹ nhàng,vui nhộn, Ngày mới vui vẻ bạn nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Vi Phong at 08/21/2010 08:23 pm reply

      Cám ơn bạn đã chia sẻ ca khúc này. Mình rất thích xem phim Ấn Độ và nghe nhạc Ấn Độ đấy. Tiếc là thị trường VN ko du nhập nhiều lắm các sản phẩm điện ảnh và âm nhạc của Ấn Độ.

      Xóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...