Thứ Năm, 29 tháng 4, 2010

Đám cưới

Khi tôi hai mươi ba tuổi, tôi bắt đầu nhận được rất nhiều thiệp cưới, của người thân, bạn bè và đồng nghiệp; thậm chí của bạn của bạn và của người thân của đồng nghiệp. 

Rất khó để thoái thác. 

Tôi nhớ những màn hài kịch trước đây tôi từng xem trên ti vi. Cảnh những người vào mùa cưới, vì sợ làm khách mời mà phải xin nghỉ phép dài hạn, lý do là đi du lịch cùng gia đình. Nhưng sự thực là họ đóng cửa nằm nhà, chờ cho qua đợt cao điểm cưới xin.

Tôi khi đó cảm thấy rất buồn cười, không hiểu vì sao người lớn phải tính toán một cách khổ sở như vậy. Đám cưới là một chuyện đáng vui mừng, theo đó con người có tình cảm với nhau thì chắc chắc sẽ đến mừng cho nhau. Nhược bằng đối với nhau chỉ là loại xã giao thông thường, thì thật ra, ngay từ đầu, thiệp cưới không nên trao tay để không khiến người nhận cảm thấy khó xử.
Nên những màn kịch đó chẳng qua chỉ là chuyện của sân khấu.

Nhưng sân khấu đôi khi đúng là rất đời.

Tôi có lúc trong một ngày có thể phải đi dự đến hai cái đám cưới.

Không phải tất cả xuất phát đều là vì tình cảm.

Vậy rốt cuộc là vì lý do gì, một chuyện vui lớn nhất của đời người, đôi khi lại có thể biến thành nỗi ám ảnh khó chịu với người khác?

Câu trả lời thật ra đơn giản, chỉ có điều nói ra thì chừng nghe rất thiếu tình cảm. Và cũng chẳng một ai có thể lấy nó ra làm lý do chối từ nhận thiệp mời, dù trong lòng đều âm thầm thấu hiểu.

Ấy là vì những đám cưới ngày nay, đều quá nặng về tính thương mại.

Rằng một đám cưới, không chỉ đơn thuần là sự thể hiện công khai tình cảm của hai con người đã đến thời điểm gắn kết với nhau bằng một “hiệp ước” hôn nhân chân thành và thủy chung, mà còn có thể là một “phi vụ làm ăn” lớn đối với những người trong cuộc.

Tôi nhớ có một đám cưới thế này.


Anh con trai là con một trong gia đình. Anh học giỏi, du học nước ngoài và được mời ở lại làm việc. Họ tạo điều kiện cho anh đưa người thân qua sinh sống, vì họ rất muốn nhân tài như anh định cư ở đất nước họ. Nên anh trở về Việt Nam và kết hôn cùng một cô gái anh yêu từ hồi còn ở quê nhà. Sau đám cưới, vợ chồng họ sẽ rời Việt Nam.

Đám cưới hứa hẹn là một đám cưới lớn.

Rất nhiều người đã đến dự vì họ muốn thành tâm chúc mừng hạnh phúc của anh. Nhưng tất cả họ đều ra về với nụ cười thất vọng có phần mỉa mai.

Tất cả các món ăn trong bàn tiệc nếu không là cơm xào dừa, thì cũng là cơm chiên trứng. Thêm một món sườn xào chua ngọt. Nếu bạn đang thưởng thức một bữa ăn tại gia, có lẽ sẽ không có gì đáng để phàn nàn. Nhưng đây là một bữa tiệc cưới, tổ chức trong một nhà hàng khá bề thế.

Người ta sau cùng cũng hiểu ra, bố của chú rể vì chỉ có mình anh là con, nên ông không lo phải tố chức thêm một đám cưới nào nữa. Và như vậy, ông có bẽ mặt thì cũng chỉ bẽ mặt một lần, bù lại ông thu về một số tiền lớn.

Sự kinh doanh này đương nhiên không có sự tham dự của đôi tân lang – tân giai nhân. Nhưng đám cưới đánh dấu kỷ niệm cuối của họ ở Việt Nam không để lại một ấn tượng đẹp trong lòng khách tham dự. 

Khách tham dự chỉ cảm thấy một cách khôi hài là mình đã bị lừa dối.

Tôi lại nhớ tới hai người bạn.

Họ đi làm mấy tháng thì nhận được thiếp cưới của sếp, tổ chức cùng một ngày với đám cưới bạn thân.

Đương nhiên họ không thể “thân này ví xẻ làm đôi”

Giải pháp duy nhất là gởi thiệp mừng bạn và đi đám cưới sếp. Dù họ chỉ muốn tham dự tiệc cưới bạn thân.

Tiền mừng cũng khác nhau.

Tình bạn bè trong năm năm đương nhiên thắm thiết hơn tình đồng nghiệp trong vài ba tháng.

Nhưng sếp là một nhân vật mà dù yêu hay ghét bạn cũng không dám xem thường. 

Tôi hỏi họ: bỏ một số tiền lớn cho một tình cảm vốn thường tình nhạt nhẽo, trong khi với tình cảm đậm sâu lại tính toán chút một, đó gọi là gì?

Đó gọi là cuộc đời.
 
Tôi cho rằng, tính thương mại của đám cưới, cũng đã ăn sâu vào tâm trí của khách mời.

Rằng chính chúng ta, trong tư thế một người đến chúc mừng, cũng đã tự nhiên cho rằng, chung quy đối tượng thuộc trường hợp phải đưa tiền mừng nhiều hay ít.

Cách đây ít lâu, tôi tham dự một đám cưới mà tôi thậm chí không biết mặt cô dâu – chú rể. Có vài người trong đám cưới cũng giống như tôi.

Kể ra cũng không hề gì, vì rồi chúng tôi cũng không khác bao nhiêu so với người quen thân của gia đình hai họ.

Chúng tôi cũng đưa tiền mừng, theo dõi lễ chào ra mắt của hai bên, và chờ đợi giây phút chính thức nhập tiệc.

Ăn như thể là lâu lắm không ăn.

Cho đến khi cô dâu chú rể tới bàn cảm ơn, thì dừng ăn, nâng ly chúc mừng, đồng thời cố nhe răng cười để có một khung hình đẹp.

Tôi có cảm giác rất tốt rằng, chúng tôi nhuần nhuyễn cảnh diễn này. 

Ở đám cưới người thân, bạn bè,  mọi thứ diễn ra hầu như cũng không khác bao nhiêu.

Đó là điều tôi không sao lý giải nổi.

Tất cả đều rất giống một vở kịch.

Bạn có thể đã từng tham gia rất nhiều những vở kịch như thế. Có bao giờ bạn cảm thấy ngán ngẩm?

Có một ngày, tôi thực tình muốn ôm bạn thân vào lòng, và nói lời chúc phúc cô ấy với người đàn ông cô ấy đã chọn cùng chung bước trên mọi nẻo đường.

Nhưng tiệc cưới tàn tôi mới sực nhớ ra, câu “răng long đầu bạc” thậm chí tôi cũng đã quên không nói.

Tôi cũng đã quen với kịch bản mọi khi, và cô dâu chú rể cũng đã mệt với phần trình diễn của mình. Chẳng có gì khác biệt như khi đi dự đám cưới một người xa lạ, khác chăng cuối cùng cũng chỉ là tiền mừng, là vui vẻ đi hay miễn cưỡng đến.

Thật ra đám cưới vốn là nơi của hạnh phúc thăng hoa, tại sao ẩn sau nó lại lắm đường lắt léo đến vậy?
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...