Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Trên tay cuốn sách cũ

Có lần tôi nhắc đến một cuốn sách, rằng “mấy năm rồi tôi vẫn chưa đọc xong”. Lúc ấy trong tôi cũng không có suy nghĩ sẽ đọc nốt phần còn lại. Chỉ thi thoảng nghĩ về sự dang dở đó, tôi tần ngần đứng một chút nhìn lên kệ sách nhưng rồi như những khoảnh khắc chợt nhớ ra điều gì mà lại không kịp giữ nổi điều ấy trong tâm trí, tôi lại lặng lẽ quay đi. Có thể tựa đề cuốn sách này cũng giống như tôi những lúc ấy. Vô hồn. 

Tôi mua “Vô hồn” trong một nhà sách nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (nhà sách đó tên gì, giờ còn ở nơi ấy không, tôi không nhớ và cũng không biết). Thời điểm đó tôi gần ra trường, chắc còn chưa đi làm, chưa nhận bằng tốt nghiệp. Tôi chỉ nhớ điều gây ấn tượng cho tôi không phải ở nơi tựa đề hay cái dòng kèm theo “Chuyện về một người không chân chính” hé mở một cái gì đó có tính hấp dẫn ở ngay bìa trang sách mà ở cái mô tả về một ấn phẩm thuộc dạng Best Seller: “…trong vòng vài tuần đã được tiêu thụ hết 100 ngàn bản. Độc giả gần như “cướp” cuốn sách này khỏi kệ trong các cửa hàng bán sách”. Không hẳn vì bị tác động bởi những quảng cáo phù phiếm mà chủ yếu vì thật thà. Hồi đó thì tôi nghĩ đơn giản, một tác phẩm được tán thưởng thành công rực rỡ như vậy thì hẳn phải có gì đáng đọc. 

Sau đó, tôi háo hức lật giở từng trang, từng trang của cuốn sách. Và sau đó, sau đó, tôi rất nhanh chóng cảm thấy chán nản. Và sau đó, sau đó, sau đó tôi không đọc tiếp cuốn sách nữa. Tôi không nhớ nhiều về lý do trong thời điểm đó. Nhưng chắc chắn là tôi đã tìm thấy rất ít cảm xúc hay sự thú vị trong cuốn sách khô khan về lối sống thời thượng này (cái tôi ít thích nhất nghiêng về vế thứ hai). Có lẽ đây là cuốn sách khô khan đầu tiên mà tôi từng đọc (và vì vậy hoàn toàn khó tiếp nhận). 

Sau vài năm cầm lại cuốn sách trên tay, ngạc nhiên đầu tiên là tôi cảm thấy trọng lượng của nó khá dễ chịu và dường như cuốn sách cũng bớt dày như tôi từng nghĩ. Những trang giấy dường như đã vàng hơn và từ tay tôi tỏa ra cái mùi âm ẩm của sách cũ. Tôi thoáng xao động. Sáu năm và chúng tôi đã là “người cũ” của nhau (cười). 

Tác phẩm thuộc về nền văn học Nga. Văn học Nga – trong tôi thoáng hình dung về kiểu mệnh đề lớn lao này. Người ta cũng đã in một dòng tán thưởng về “Vô hồn”, rằng: “Duhless đã mang trở lại cho giới trẻ Nga tình yêu văn học”. Đây là kiểu nói dường như hé mở sự thật phũ phàng ở phía sau: vinh quang của nền văn học Nga đối với đất nước họ hay với thế giới đã nằm lại trong quá khứ. Tuy không phải kiểu người đọc có tính hệ thống, và do vậy không có khả năng và cũng không theo đuổi cái khả năng khái quát về một nền văn học của một đất nước thông qua việc đọc nhiều tác giả của họ (điều này cũng đúng với tôi trong sự đọc một tác giả nào đó, đọc nhiều, đọc tất cả để phải hiểu được cái cốt lõi trong lý tưởng sáng tác của họ), hầu hết những gì tôi biết về văn học Nga (những tác phẩm kinh điển, những tượng đài lịch sử văn chương của cả thế giới và nhất là những vần thơ bất tử) đều thuộc về một thời kỳ vàng son đã trôi qua. Văn chương Nga đương đại là miền đất xa lạ và tôi không biết gì về miền đất ấy. 

Có thể những nhà phê bình và nhà xuất bản không nói quá về “Vô hồn” nhưng với tư cách cá nhân, trong hơn 500 trang sách, tôi không sao thấy sự thích thú của mình đối với bản thân câu chuyện hay là văn phong của tác giả. Và tất nhiên, nếu mong muốn một cái gì “rất Nga” mà bạn từng cảm nhận thấy qua những tên tuổi lẫy lừng khác, bạn sẽ thất vọng. Có lẽ vì lịch sử đã trang sang, đất nước ấy đã thay đổi, người viết cũng phải đổi thay. 

Nhân vật trung tâm của “Vô hồn” là một con người sớm thành công dù tuổi đời còn rất trẻ, một thị dân Moskva sở hữu mức lương cao ngất ngưởng và những khoản tiền thưởng hậu hĩnh, nói chung là một tiềm lực tài chính lớn đủ để làm chủ đời mình. Thế nhưng anh ta cũng lại cũng là một cá nhân cùng cực chán đời. Trong khi sa đà trong vũ trường với rượu, ma túy, tình dục, anh ta đồng thời phỉ nhổ và nguyền rủa cái thế giới mà anh ta dự phần. Thật ra tôi không sao cảm nhận được sự cô độc của nhân vật Tôi hay sự bất lực của anh ta trong dòng chảy thời cuộc để đến nỗi anh ta phải sống như “xác ướp” trong sự thành công của mình. Ở khía cạnh này có lẽ bút lực của tác giả không đủ sâu để diễn đạt sự dằn vặt nội tâm của nhân vật hoặc điều nhà văn hướng đến là cái toàn cảnh hơn là chú trọng thế giới nội tâm của Tôi. Thế nhưng ở khía cạnh phơi bày hiện thực tàn nhẫn thì để cho thấy cái gọi là “kinh tởm và đê tiện” của xã hội, cái gọi là “không chân chính” của một con người hay bản chất xã hội Nga thời hiện đại thì tác phẩm lại không cho thấy một tình tiết nào thực sự “kinh tởm và đê tiện”. Hơn 500 trang sách, có lúc tôi chờ đợi một xung đột kịch tính nào đó, một cao trào đủ chấn động để dẫn đẩy đến một kết thúc triệt để, dù là theo hướng giải phóng toàn vẹn cá nhân hay xô đẩy mọi thứ vào con đường bế tắc tận cùng thì lướt qua mắt tôi cũng vẫn chỉ là những tình tiết được mô tả theo hướng dàn trải, lặp lại và rồi thì là một kết thúc theo hướng he hé một cái gì hy vọng nhưng rất đỗi mong manh, không đủ sức lay động lòng người và liệu như thế có thể trông chờ vào một sức mạnh thay đổi hiện trạng xã hội?! 

Tôi không biết “Vô hồn” sáng tác vào năm nào nhưng dường như nó được đặc biệt dành tặng cho thế hệ sinh năm 1970 – 1976 cho nên có thể dù là tác phẩm đương đại, bối cảnh của “Vô hồn” không hẳn là đang ngay ở những năm mà chúng ta đang sống. Khi nghĩ theo hướng này, tôi cho rằng có thể hiểu hơn cho cái gọi là “kinh tởm và đê tiện” của lối sống thời thượng mà tác giả khai thác. Bởi vì lối sống thời thượng ấy (ám chỉ lối sống sa đọa, trác táng chỉ xoay quanh tiền và dục vọng) của thời đại mà ta đang sống đây, chắc chắn sẽ “kinh tởm và đê tiện” hơn. Và cái kinh tởm và đê tiện của hiện tại đã làm nhòa cái kinh tởm và đê tiện của quá khứ…

1 nhận xét:

  1. Khi có nhiều tiền con người họ xem đồng tiền như vật xa xỉ, nhưng họ đâu biết đồng tiền nếu không dùng dúng cách thì họ sẽ bị đồng tiền lật ngược lại.

    Trả lờiXóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...