Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Tình yêu hay ám ảnh dục tính?


Câu chuyện có lẽ bắt đầu vào mùa hè năm 1923. Vào mùa hè năm 1923, Humbert và Annabel gặp nhau, gần như lập tức “mê nhau điên cuồng, vụng về, đau đớn, không còn biết xấu hổ” và “một cách vô vọng”. Vô vọng vì Humbert mới 13 tuổi và Annabel trong cùng độ tuổi, chỉ kém cậu vài tháng và do vậy, khát vọng chiếm hữu nhau của đôi tình nhân nhỏ không thể không bị các yếu tố khách quan ngăn cản. Càng vô vọng khi bốn tháng sau, Annabel chết vì bệnh sốt chấy rận. Cái chết của cô bé đặt dấu chấm hết cho cuộc đời cô, cho tình cảm si mê đầu đời vừa mới bột phát giữa cô và cậu bé trai 13 tuổi. Nhưng lại khởi đầu định mệnh nghiệt ngã cho cuộc đời cậu bé trai ấy. Đó là nói theo cách nghĩ của Humbert. Trong một chuỗi những biện minh, Humbert tin là vậy. Rằng những ám ảnh si mê của chàng thanh niên Humbert, của người đàn ông trung niên Humbert dành cho các “tiểu nữ thần” xuất phát bởi những rung động đầu đời chưa được thỏa mãn với cô bé Annabel ấy. Rằng, Humbert chưa bao giờ lớn lên. Ông ta ở mãi độ tuổi 13 để mải miết đi tìm lại tình yêu đã mất. Dĩ nhiên, phải với các bé gái trong cái ngưỡng tuổi còn mang dáng dấp trẻ con ấy. Một Annabel khác. Và vào năm 1947, Humbert tìm thấy Lolita, một “tiểu nữ thần” 12 tuổi, cao chưa đầy một mét rưỡi.

---

Phải thừa nhận, với một cuốn sách đã gây nhiều tranh cãi về phương diện đạo đức, tôi có chút chần chừ khi chọn đọc. Không phải tôi lo ngại một chi tiết tội lỗi nào đó trong những cuốn sách khai thác những đề tài mang tính chất cấm kị đối với trật tự đạo đức xã hội thông thường có thể ám ảnh tâm trí mình và gây những hoang mang không đâu. Hay cuối cùng vì được viết bằng một ngôn ngữ tài tình, tôi lại đâm ra đồng cảm với mọi tội lỗi mà đã được văn chương may mắn khoác lên mình một vẻ đẹp nên thơ đến mức điều đáng phê phán lại trở thành thứ được ngợi ca và tôi không còn nhận ra, đâu là giá trị đích thực cần phải hướng tới. Đó là đặt giả định với trường hợp của những tác phẩm mà có vẻ lịch sử chưa có dịp kiểm nghiệm chất lượng của nó. Với LOLITA*, nó đã quá nổi tiếng. Và rác rưởi hẳn không có sức sống lâu bền đến vậy.



Tuy thế, sự phân vân của tôi là có thật. Bởi chỉ loáng thoáng những gì nghe qua về nội dung tác phẩm: câu chuyện của một người đàn ông trung niên đem lòng si mê một cô bé 12 tuổi và để được gần gũi cô bé ấy, ông ta đã cưới mẹ cô bé làm vợ cũng đã đủ làm tôi “nhăn mày nhíu trán”. Tôi đã bỏ qua cuốn sách này một lần. Tôi e ngại bất kỳ một thành kiến nào đó đã kịp len lỏi vào cái nhìn của tôi dành cho tác phẩm, trước cả khi tôi thực sự biết rõ, ngăn cản tôi cảm nhận về nó một cách khách quan, trung thực. Rõ ràng, có những tội lỗi, cho dù động cơ được viện dẫn là những khát khao tột cùng chân thực trong trái tim người, cũng không thể nào được cảm thông. Tuy nhiên, mang gánh nặng đạo đức chất lên một tác phẩm, cho dù đúng, cũng phải là việc sau khi bạn đã đọc, ít nhất một phần nội dung mà khi đến đó, cái phần tốt đẹp trong con người bạn không thể nào còn chấp nhận nổi.

Dẫu sao, tôi dặn bản thân giữ tâm thế khách quan khi đọc LOLITA. Một tiểu thuyết dày chữ. Với những câu văn rất dài. Và chú dẫn thì rất nhiều và chi tiết đôi khi làm tôi phân tâm và mất kiên nhẫn (song, phải thấy rằng dịch giả hẳn đã làm việc vô cùng nghiêm túc). Nội dung tiểu thuyết là một câu chuyện được kể lại dưới góc nhìn của Humbert Humbert, những ký ức trải dài từ tuổi niên thiếu đến khi ông ta trở thành một tên tội phạm giết người. Trong đó, sự khởi đầu với Annabel chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đời của Humbert. Lolita, tất nhiên, có vẻ chiếm toàn bộ phần còn lại và với cái tựa đề được đặt theo tên cô bé, người ta có thể nghĩ rằng Lolita là toàn bộ cuộc đời Humbert và từ đầu đến cuối, ông ta kỳ thực chỉ nói về Lolita. Song, tôi tin rằng, thứ chính xác xuyên suốt cuộc đời Humbert, thứ thắp sáng ông ta và đồng thời cũng thiêu hủy ông ta là khát vọng cuồng khấu dành cho các “tiểu nữ thần” – cách Humbert gọi những bé gái trong độ tuổi 9 – 14 tuổi mà bằng cách nào đó, khác với các cô bé trong cùng độ tuổi, sớm bộc lộ nét quyến rũ chết người trong sự kết hợp giữa một bên là sự ngây thơ tột cùng và một bên là sự xảo trá đầy ma mị (tôi có phần liên tưởng đến các nhân vật hồ ly tinh trong mấy bộ phim cổ trang). Mặc dù vào cái thuở 13, Humbert còn chưa nhìn Annabel như một tiểu nữ thần. Chỉ khi mất đi cô bé với cùng lúc mất đi tình cảm si mê vĩnh viễn không thể nào được đắp bù, Humbert bắt đầu đặt toàn bộ trọng tâm cuộc đời trong một cuộc kiếm tìm mà đồng thời trốn chạy. Humbert kiếm tìm ngọn lửa si mê của Humbert 13 tuổi, dẫu sao là có thể được nhìn nhận là bình thường với các bé gái khi trong cùng độ tuổi và đồng thời trốn chạy cái dục vọng cá nhân oái ăm bất bình thường, khi vẫn hoàn toàn ý thức được nền tảng đạo đức và pháp lý xã hội không cho phép mình, gã đàn ông bước vào độ tuổi thanh niên và trung niên đem lòng khát khao những cô bé vị thành niên. Humbert, trong lúc dường như vẫn cố gắng yêu đương những người đàn bà trưởng thành, lại tìm kiếm dấu vết tiểu nữ thần nơi chính những người đàn bà này và sớm muộn nhận ra trong hiện thực đau đớn, sự tàn lụi của họ so với cái rực rỡ của tiểu nữ thần trong ảo tưởng của ông. Những năm tháng không Annabel, không Lolita, Humbert chỉ di chuyển từ sự kiếm tìm này sang sự kiếm tìm khác, từ sự trốn chạy này sang sự trốn chạy khác và đời sống của ông ta chỉ là cái gì đó quanh co với tất cả những màu sắc nhợt nhạt và ảm đạm nhất. Nếu, giả sử như, Humbert dẫu sao cứ sống với bề nổi đạo đức và để cho những dục vọng cá nhân chỉ tồn tại trong sâu thẳm nội tâm thì cuối cùng có lẽ ông ta chỉ ra đi như một cá nhân bất hạnh với một bi kịch riêng tư. Nhưng, Humbert, giữa những vô vàn lý lẽ biện minh đầy khéo léo, vẫn cho thấy sự chọn lựa của ông ta là chấp nhận thiêu hủy mình trong tội lỗi. Và do vậy, cùng lúc thực hiện một tội ác, hủy diệt cuộc đời Lolita.

Có thứ gọi là tình yêu trong Humbert? Có thứ gọi là tình yêu giữa Humbert và Annabel, giữa Humbert và Lolita? Đầu tiên, phải thừa nhận rằng, tôi hầu như chỉ nhìn thấy những ám ảnh dục vọng trong con người Humbert. Mối tình với Annabel không trong sáng, thơ mộng như có thể hy vọng ở lứa tuổi này. Và giả sử, nếu như hoàn toàn chiếm đoạt được Annabel trên cái dải cát vắng vẻ dưới bóng râm một ngọn cây ấy, phải chăng ngọn lửa đam mê đã và đang bén rễ trong con người Humbert đã không bị cắt ngang và do vậy không thể vĩnh viễn trở thành một nỗi ám ảnh chết người? Và nếu Lolita hoàn toàn không đóng góp một chút nào vào việc hiện thực hóa những dục vọng của Humbert, bởi những bản năng giới tính đã quá sớm bị đánh thức của em mà ở lứa tuổi còn non nớt cộng với bản tính phóng khoáng, có phần hoang dại của mình, em đã bình thản đón nhận như kiểu tham gia một trò chơi, Humbert có thể mãi mãi, trong tận cùng phần còn nhân tính của mình, đóng vai trò một người cha kế để chăm sóc cho em đến lứa tuổi trưởng thành? Những toan tính của Humbert trong cuộc hôn nhân với bà Haze, làm cách nào để được ở bên cạnh Lolita và việc, từng bước, từng bước gần gũi cô bé và dù thừa nhận hay không, mừng rỡ trước cái chết đúng lúc của bà Haze (nếu bà không chết, phải chăng Humbert cũng sẵn sàng thực hiện một âm mưu ám sát?) và cái rắp tâm chiếm đoạt Lolita cho riêng mình khiến tôi ghê sợ. Dẫu Lolita, hoàn toàn không thể cho là một bé gái ngoan hiền và trong sáng, vẫn là hiện thân của một cái gì ngây thơ đến đau lòng. Cứ tưởng tượng những bé gái ngây thơ ngày ngày ở trong tầm mắt của những kẻ mà nhìn các em với con mắt của kẻ săn mồi, dễ chừng các em thà đừng bao giờ được sinh ra. 
Như vậy, vào cái giây phút Humbert nhìn thấy Lolita, trong cái khoảnh khắc lóa nắng đó, mọi trống rỗng nội tâm của Humbert như được lấp đầy. Ông  nhìn thấy người tình nhỏ bên bờ biển dạo nào và cùng lúc, người tình nhỏ ấy cũng biến mất. Kể từ đây, cuộc tìm kiếm của Humbert, sự trốn chạy của Humbert dừng lại. Lolita khởi đầu một cuộc tìm kiếm mới, một cuộc trốn chạy mới và lần này là cuối cùng. Hai chuyến đi, những tháng ngày rong ruổi như con thiêu thân, với ban ngày sống trong vỏ bọc một người cha kế và ban đêm trong lốt người tình, Humbert ngây dại tưởng như rằng mình đã có được Lolita. Liệu đó có phải là những tháng ngày hạnh phúc nhất của Humbert? Trong sâu thẳm lòng mình, liệu giáo sư văn học Humbert có ý thức được tất cả chỉ là một quá trình tự hủy. Ông vẫn hoàn toàn là một kẻ cô đơn điên dại. Lolita không hề yêu Humbert. Cô bé cùng Humbert tham gia một trò chơi chỉ với sự hứng thú nhất thời của một đứa trẻ và chấp nhận bám víu vào Humbert chẳng qua vì không còn nơi để tựa nương. Khi sự hứng thú ấy qua đi và Lolita, trên thực tế vẫn ý thức được Humbert là cha kế của mình, kẻ mà rất có thể đã giết chết người mẹ hòng chiếm đoạt đứa con, sự căm ghét đã bắt rễ trong lòng cô bé. Humbert không nhận ra hoặc không muốn nhận ra, trong lúc ông đang dệt giấc mộng yêu đương ngây dại bằng những chuyến đi vô định thì ông đã đồng thời tàn phá tâm hồn cô. Lolita thậm chí có thể bắt đầu lại với Clare Quilty – kẻ là hiện thân của những gì xấu xa nhất nơi con người Humbert, tồn tại như một loại tội ác nhởn nhơ ẩn mình – mà không thể với Humbert, người cha – người tình. 

Như một hệ quả, Lolita trốn chạy khỏi Humbert, trốn chạy khỏi người cha kế đã lôi cô đi, từ nơi này đến nơi khác khắp nước Mỹ để tránh xa mọi nổi hoài nghi, để được ấp ủ cô trong vòng tay của một người tình. Điều Humbert không ngờ đến. Mất Lolita, cuộc đời Humbert rơi lại cái điểm khởi đầu, cái hố sâu thăm thẳm mà trong đó, bản chất đáng nguyền rủa của ông ta tiếp tục vẫy vùng. Dù cái viễn tưởng được hưởng lạc thú cùng với một tiểu nữ thần đã chấm hết mãi mãi trong con người trống rỗng, cô đơn cùng cực Humbert. Đến đây, tôi vẫn tin rằng với Humbert, Lolita chỉ là một cơn khát được thỏa trong một lúc và việc bị mất đi cô bé chỉ vì vẫn vào cái thời điểm cô còn là một tiểu nữ thần, và lại là mất vào tay kẻ khác mới đặt một nỗi thống khổ vô biên lên người Humbert. Tuy nhiên, ở vào tuổi 17, Lolita không còn chút dấu vết nào của một tiểu nữ thần. Nàng, giờ là bà Richard F. Schiller cần tiền và cầu viện “papa”. Nàng đã già, ở tuổi 17, sau những thời khắc buồn rầu và khó khăn, cùng với đứa con trong bụng. Humbert lập tức lên xe và tìm đến. Ở trong căn nhà tồi tàn, nhếch nhác, ông muốn Lolita đi theo ông. Nhưng bà Shiller nói không. Humbert để lại tất cả tiền cho Lolita để nàng có thể cùng chồng xây dựng một tương lai an ổn. Trong một phút không kiềm được, vị giáo sư văn học đưa tay lên che mặt và òa khóc. Ôi chao, cái cuộc gặp gỡ cuối cùng này và nhất là cái chi tiết này, sao có thể gây ra một sự xúc động đến mức mà những nhận định chắc chắn nêu trên đây giờ bỗng trở thành những ngôn từ đang run rẩy. Và tôi tự hỏi cuối cùng, sau tất cả những đam mê vô luân, phải chăng điều đọng lại nơi trái tim Humbert, vẫn tột cùng là một khát vọng yêu và được yêu một cách chân thành, đắm say? Và nỗi si mê mà Humbert dành cho Lolita từ năm cô bé 12 tuổi liệu có thể nào là tình yêu, thứ tình yêu như ông ta nói, “từ cái nhìn đầu tiên, cho đến phút cuối giao mắt nhau, thứ tình yêu mãi mãi vĩnh cửu”? Tôi nhớ tình yêu giữa Franz và Clara trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của Philippe Labro, tất nhiên không phải với ý so sánh hai tác phẩm với nhau, khởi đầu từ những năm Franz mới lên tám, xuất hiện trong cuộc đời Clara khi nàng đã 20 tuổi giữa những ngày tháng mà trái tim nàng lần thứ hai tan vỡ trong đời. Tình yêu của cậu bé 8 tuổi sẽ không thành nếu như Clara không bằng lý trí của một người trưởng thành, dừng nó lại vào khoảnh khắc đẹp nhất để rồi 10 năm sau, nàng đón nhận nó cũng bằng một tình yêu thực sự. Bạn biết đó, người ta có thể yêu nhau bất chấp những khoảng cách về tuổi tác nhưng vấn đề chính là thời khắc và cái cách mà tình yêu diễn ra. Không phải là để hủy hoại cuộc đời nhau.

LOLITA kết thúc với những cái chết. Với khẩu súng, Humbert đã làm nốt phần việc còn lại của cuộc đời. Giết Clare Quilty, kẻ đáng kinh tởm hơn bản thân ông nhưng trong một chừng mực nào đó, đều cùng góp phần hủy hoại cuộc đời Lolita với cùng một ngọn nguồn dục vọng. Humbert chết bệnh trong tù, trước khi bị đưa ra xét xử. Và trong cùng năm (1952), Lotita cũng qua đời cùng với đứa con trên bàn sinh. Người đàn bà trẻ con đã không sống sót qua tuổi trưởng thành. Nàng đã già và đã chết trong độ tuổi 17.

Một cuốn tiểu thuyết với một nhân vật đầy nội tâm cùng những diễn biến tâm lý phức tạp. Sự yếu đuối và đáng sợ trong bản năng con người. Những ngây dại tột cùng. Nỗi cô đơn đồi bại. Và dẫu sao, một ngọn lửa si mê không bao giờ tàn. Một bi kịch cháy mãi.

---

* Một tiểu thuyết của Vladimir Nabokov, Dương Tường dịch.

... Trích từ tác phẩm.

12 nhận xét:


  1. Hồ Điệp at 08/26/2012 12:21 pm comment

    Chào bạn ! Mình không đọc nhiều tiểu thuyết , nhưng qua bài viết của bạn mình nhận thấy nhân vật " bệnh hoạn " đấy , vừa ngu muội tối tăm , hại chính mình và cũng đã hại biết bao người , động thời lấy sự cảm xúc nhục dục ngộ nhận là tình yêu ... Tác giả muốn nói lên sự vô minh của con người nhìn nhận sai lầm về thế giới cảm giác của bản thân...đã làm tổn thương cho cả một cộng đồng , xã hội ... Ghé thăm bạn ngày chủ nhật hanh nắng . Thân mến

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Vi Phong at 08/27/2012 04:33 pm reply

      Tất nhiên, ko có gì phải phân vân về sự bất bình thường của nhân vật này. Song, sẽ là khách quan nếu bạn nhận xét trên cơ sở đọc tác phẩm mà không phải thông qua cái nhìn và quan điểm của mình.

      Xóa

  2. • Gem • at 08/26/2012 06:15 pm comment

    Đọc xong ntry chị, e nghĩ mình sẽ k đọc cuốn tiểu thuyết này. Không phải vì nó không hay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Vi Phong at 09/09/2012 06:13 pm reply

      Chị rất vui được nói chuyện với người thích đọc như em. Chị thì không sớm đọc các tác phẩm tạm gọi là viết cho người lớn đi như em. Các quyển sách đến với chị cũng tự nhiên như là tuổi tác đến với chị vậy [img]1[/img](như hồi còn tiểu học thì đọc truyện tranh như Doremon hay truyện cổ tích, những năm cấp 2 thì bắt đầu đọc truyện chữ cho thanh thiếu niên như Tứ quái TKKG, các tác phẩm cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh...). Có lẽ tác phẩm người lớn chị bắt đầu đọc vào khoảng giữa đến cuối năm cấp 3, chủ yếu là tác phẩm văn học kinh điển như Đồi gió hú, Trà hoa nữ... Nói chung, với chị việc đọc cơ bản là một việc nhẹ nhàng (nếu không thì không thể nào là sở thích nữa). Tất nhiên, bất kỳ điều gì ta đọc cũng có khả năng tác động đến suy nghĩ, tình cảm của ta. Do vậy, việc em cảm thấy thời kì này tâm trạng em phù hợp với điều gì và không hợp với điều gì cũng dễ hiểu. Có điều, đừng lúc nào em quên là em cũng tự do y như cái người viết ra một tác phẩm nào đó vậy. Do đó, người ta viết gì thì cuối cùng đón nhận thế nào, em hoàn toàn làm chủ. (À, chị cũng từng nghe về tác phẩm Mùi hương, về nội dung của nó song chị chưa đọc. Có dịp sẽ đọc thử).

      Xóa

  3. • Gem • at 08/28/2012 01:45 pm reply

    - Năm 11 e đọc truyện của Sidney Sheldon. đọc nhiều, nhiều đến nỗi trong 1 thời gian dài tâm trạng e bị ám ảnh bởi con người, xã hội, và nhiều nỗi đau thể xác mà có lẽ ở độ tuổi đó e chưa đủ để hình dung và cảm nhận hết được. Có nhiều đêm đọc xong và mất luôn 1 giấc ngủ, hàng loạt thứ đáng sợ vẫn nằm trong đầu. Nhưng e vẫn đọc, đọc hết những cuốn sách đc xuất bản ở VN, Chỉ đơn giản là nó quá hay và k thể chối bỏ. E nhớ lần đọc tiểu thuyết " Mùi hương" của Patrick Süskind , đó là năm 12, cũng là 1 trong những tác phẩm làm e nhớ lâu nhất....Nó cũng " bệnh hoạn" và " kì dị" ko kém :P Mất 1 khoảng thời gian kha khá để tâm trạng e thoát ra khỏi những ám ảnh về nhân vật Jean và cuộc đời như vậy. E vậy đấy, cứ hay để tâm trạng quá sâu vào những câu chữ và ngôn ngữ tiểu thuyết đọc đc....Thế nên, k phải e sợ cuốn tiểu thuyết này, cũng k phải vì nó k hay hay ko phù hợp, chỉ tại là k hợp vs con người hiện tại đang cần sống của e thôi...Nghe có vẻ trẻ con quá, c nhỉ. Hỳ. - Dù sao, cũng cảm ơn c nhiều về cái comment nhé , e rất vui khi đọc nó :D

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Vi Phong at 08/27/2012 04:50 pm reply

      Chị nghĩ: - Em đọc 1 quyển sách ko nên chỉ vì thông qua đánh giá của ai đó. Điều này chỉ dẫn việc hoặc em bỏ qua 1 quyển sách hay, hoặc em mất thời gian/tốn tiền vì 1 quyển sách dở. Vả lại hay hay ko thì hoàn toàn do cảm nhận chủ quan của mình. - Với tác phẩm này, được ví là "hiện tượng bất thường bậc nhất của văn chương thế kỷ XX", chị thấy ngoài sức nặng do cái đề tài khai thác mang đến, nó ko có gì là thô tục,bẩn thỉu và kỳ thực cũngko gây ám ảnh tâm lý em đâu. Em sẽ ngạc nhiên/khâm phục về cách vận dụng từ ngữ vô cùng tài tình trong những câu văn rất dài và tất nhiên, sức hấp dẫn của nó nằm ở những diễn biến nội tâm phức tạp của nhân vật. Tất nhiên, nếu em ưa thích những tác phẩm hiện đại nhẹ nhàng, đọc dễ chịu thì quyển sách này ko nên là chọn lựa của em. Và cũng sẽ thích hợp hơn nếu em đã trong độ tuổi trưởng thành.

      Xóa

  4. Diệu Thủy at 08/30/2012 09:38 am comment

    ghe tham vp thay ban khoe la ok rui . m cung hay doc truyen nhung lai chua doc tac pham nay gio phai tim doc thoi .nhung chang hieu sao thoi gian nay minh ko lam dc viec j (ko muon hay ko the ban than m cung ko phan biet dc nua ) chan qua hinh nhu thinh thoang con gai bon m co nhung thoi diem nhu the thi phai .HN nang va oi a khung kiep.hi vong noi VP song se mat me hon

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Vi Phong at 09/09/2012 06:20 pm reply

      Có lẽ con người, nhất là con người thời đại này, ai cũng có lúc (nhiều lúc) như vậy cả. Trong này thì mưa suốt, thường từ chiều về tối.

      Xóa

  5. Cỏ Hồng at 08/31/2012 05:20 pm comment

    ghé thăm chị chiều bình yên nè.... Humbert, em ko biết nên thương hay ghét nhân vật này, đúng là khó diễn tả chị nhỉ. Rốt cuộc đó là tình yêu hay là nhục dục ?

    Trả lờiXóa

  6. dang at 09/16/2012 02:53 pm comment

    "Trong một phút không kiềm được, vị giáo sư văn học đưa tay lên che mặt và òa khóc. Ôi chao, cái cuộc gặp gỡ cuối cùng này và nhất là cái chi tiết này, sao có thể gây ra một sự xúc động đến mức mà những nhận định chắc chắn nêu trên đây giờ bỗng trở thành những ngôn từ đang run rẩy. Và tôi tự hỏi cuối cùng, sau tất cả những đam mê vô luân, phải chăng điều đọng lại nơi trái tim Humbert, vẫn tột cùng là một khát vọng yêu và được yêu một cách chân thành, đắm say?" (Đoạn này phân tích tác phẩm hay lắm nhé. Xứng đáng được đưa ra làm mẫu đấy!). Còn khát vọng tình yêu của H.H thì khỏi bàn rồi, cho dù H.H rõ ràng là một kẻ phạm tội, bệnh hoạn đến điên rồ. Đọc cái chi tiết ngay từ đầu khi H.H bị cô vợ cắm sừng, bỏ đi với giai ngay trước mắt, dù H.H chẳng yêu nhưng lại không "động thủ" để bảo vệ danh dự, mình đã biết ngay rằng người như H.H sẽ không bao giờ đủ can đảm để nã súng vào Lolita, cho dù tác giả cứ dẫn ra những chi tiết kích động trí tưởng tượng của độc giả nghĩ đến điều ấy đi nữa. Và quả đúng thế!

    Trả lờiXóa
  7. Ôi! Từ lúc nào tôi rất thích đọc những mẩu trong blog của bạn. xin lỗi chứ nhiều khi sao tôi thấy tôi có nhiều điểm chung, nhiều suy nghĩ giống bạn đến lạ.

    Trả lờiXóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...