Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Chút suy ngẫm trong ngày

Có lần tiếp chuyện một khách hàng trong một quán cà phê cũng có thể nói là ở trung tâm thành phố. Quán này có khá đông người nước ngoài lui tới. Vì ngồi gần cửa ra vào nên tôi có thể bắt gặp họ đi ngang qua. Có người da trắng và cả người da đen. Ít khi một lúc lại nhìn thấy nhiều người nước ngoài như thế. Còn cả hai cô gái người Nhật đi cùng một người Việt Nam dường như đang làm nhiệm vụ hướng dẫn viên. Ngoại trừ hai cô gái này (có lẽ vì họ nhỏ nhắn và cùng là người Châu Á, tôi thấy họ không quá xa lạ với dân mình), những người đàn ông da trắng và da đen trong quán cà phê ấy đều gợi lên cho tôi cảm giác đường bệ đến kinh ngạc. Nhất là nhóm ba người đàn ông đủ sắc tộc bước vào quán cùng một lúc (trong số họ có người nhìn như người Ấn). Họ rất to lớn, phục sức trịnh trọng (vest, cà vạt, cặp da), ánh mắt nhìn quanh tự phụ. Bạn nghĩ họ hẳn đến đây để thương thảo và đi đến ký kết một phi vụ quan trọng nào đó. Một cuộc họp với đối tác, những bộ vest chỉn chu, quán cà phê Sài Gòn, giữa trời trưa nắng, tất cả những thứ ấy bỗng dưng gợi lên cho tôi một cái gì đó thật gượng gạo. 

Có những lúc nhìn người nước ngoài ở Sài Gòn, tôi lại có cảm giác họ không phải đang ở trên một xứ sở xa lạ. Ngược lại, chính tôi – dân bản xứ mới là khách lạ nơi này. Rồi tôi nhủ lòng, nếu từng có người Việt treo biển miễn tiếp người Việt tại đất nước Việt Nam thì cảm giác ấy của tôi hẳn cũng dễ hiểu. Tôi cũng nhớ vài năm trước, có ông anh đang dạy ở một trường đại học than vãn với tôi một câu nghe chừng rất hài hước: ở trường anh giờ chỉ muốn tiến sĩ, đặc biệt là tiến sĩ ở nước ngoài về, không cần biết là cái nước gì, cứ miễn nước ngoài thì nhận hết…Cái sự sùng bái nước ngoài ăn sâu vào dân xứ mình như vậy, đến mức trở thành vô thức, trong đủ mọi lĩnh vực và vì vậy không phải không có lúc như mù quáng, làm tổn thương tinh thần chính dân tộc mình. Nhưng rốt cuộc là cái gì đã dẫn đến sự sùng bái ấy?

Tôi nhớ khi đọc tác phẩm Vô hồn của Sergey Minaev, có một đoạn viết khiến tôi chú ý. Nó cung cấp cho tôi một cách nhìn, về những người nước ngoài làm việc tại những công ty trong nước, ở đây là Nga. Với tôi, đó là một khía cạnh hiện thực đáng để suy ngẫm. Và đương nhiên là không chỉ cho dân Nga thuở ấy...

"Những expat (từ chỉ những người nước ngoài đang làm việc tại các công ty trong nước)… không kể đến một số chuyên gia cao cấp người nước ngoài đang làm việc tại những công ty tên tuổi… - những người được trả lương rất cao để nâng công ty lên tầm cỡ quốc tế. Thường thì chi phí đó thực sự đáng đồng tiền bát gạo. 

Với tôi, expat là một đám ngoại quốc thường đảm nhận những công việc như quản lý khách sạn, giám đốc nhà hàng, chuyên viên tư vấn đủ loại, chuyên gia quảng cáo, tiếp thị, giám đốc điều hành, giám đốc bán hàng v.v… Đa số đều là những tên láu cá hoặc là những kẻ không thành đạt ngay ở quê nhà và tới đây từ đầu hoặc giữa những năm chín mươi, lập nghiệp ở một đất nước gần như còn mông muội với ý định làm giàu bằng việc "đổi giày thủy tinh lấy vàng" cho những kẻ nhẹ dạ…

Dễ thấy rằng, người đang có công ăn việc làm tử tế không dễ gì bỏ ra nước ngoài làm ăn, nếu không phải là để mở rộng hoạt động kinh doanh lên tầm quốc tế hoặc là hoán đổi vị trí làm việc trong một công ty đa quốc gia. Tất cả những xê-ri phân bua kiểu như "Đơn giản là tôi thích đi du lịch" hay là "Phụ nữ nước bạn đẹp thế" chỉ là những câu sáo rỗng không hơn không kém. Và thế là trong một thời gian ngắn, những kẻ thất bại trong cuộc cạnh tranh ở nước mình bỗng dưng trở thành những người thầy dẫn dắt chúng ta làm thương mại. Họ được trả lương cao kinh hoàng… giúp họ chứng tỏ sự thành đạt của mình cho dân Nga ta, những người còn chưa kịp trở thành ông chủ của họ. Cứ thế hình thành một nếp nghĩ như thế này: dân ngoại quốc thì dứt khoát phải có giá hơn và luôn làm việc tốt hơn các đồng nghiệp bản địa…" *.

---

* Bản dịch của Nhật An và Trương Hồng Hạnh, NXB Trẻ và Tinh Văn, 2007.

3 nhận xét:

  1. vấn đề này em chưa từng nghĩ đến...
    đất nước của mình càng lúc càng theo xu thế ngoại để phát triển, với cách phát triển như thế nó cũng có lợi làm mình từng bước tiến sâu vào mục đích hơn nhưng mất đi bản chất chính mình, đó là của người khác, học hỏi họ và mãi mãi theo sau họ. nếu không tiếp thu họ mình sẽ lạc hậu vậy vấn đề này nên giải quyết thế nào ạ ? học chọn lọc sao ? nói thì dễ chứ mình học kiểu nào mà có kết quả tối ưu nhất ?

    p/s: em xin lỗi =_= em nói nhảm tùm lum òi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị cũng chưa hiểu rõ điều em muốn nói lắm ^ ^. Có điều, trong việc nhìn nhận, tiếp cận người nước ngoài, em có thể lưu ý điểm này (chị đọc thấy ở trong Giết con chim nhại, và chị nghĩ tư tưởng này rất đúng):

      "…sự thật là điều này : một số người Da đen nói dối, một số người Da đen đồi bại, một số đàn ông Da đen không được phép đến gần phụ nữ - đen hoặc trắng. Nhưng đây là một sự thật đúng với cả loài người chứ không với riêng một chủng tộc cụ thể nào" (điều này cũng đúng ở khía cạnh ngược lại, nghĩa là sự tốt đẹp cũng tìm thấy ở những con người nào đó thuộc bất kỳ dân tộc, đất nước nào).

      Ngoài ra thì còn điểm này nữa:

      “Nếu ra nước ngoài để thù ghét đồng bào của mình, thì con sẽ chả có gì ngoài sự thù ghét của chính đồng bào"

      Xóa
    2. em hiểu ý chị nói ở trên và cả ở dưới nhưng em có thắc mắc mà không biết hỏi như thế nào cho chị hiểu ạ ="=
      em cám ơn chị nhé ^o^

      Xóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...