Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Đọc là niềm cô đơn…



Mua “Người đua diều” sau nhưng cuối cùng tôi lại đọc xong trước “Trò chuyện trong quán La Catedral”. Và sau khi đọc xong “Trò chuyện trong quán La Catedral”, tự hỏi lý do gì tôi không nỗ lực đọc hết “Nếu một đêm đông có người lữ khách” cùng một vài quyển khác, có chung số phận bị gấp lại ở những trang nào đó giữa chừng. Tuy đọc sách là việc có thể rèn luyện nhưng cũng có tính tự nhiên giống như duyên phận. Những thứ không dung nạp được vào lúc này thì tôi thường để lúc khác. Tuy không biết đó là lúc nào nhưng nếu không xảy ra thì tôi quy chụp đơn giản là vô duyên vô phận. Kiểu suy nghĩ biếng lười này dần trở nên ăn sâu trong tôi. Trong việc đọc sách, có lẽ cũng là biểu hiện không trách nhiệm nhưng có lẽ bạn sẽ ít nhiều hiểu được nếu cùng là người chú trọng cảm xúc nội tâm. Thường tôi vẫn không quên những gì đang bỏ dở. Và đến cuối cùng, theo một thúc giục tự nhiên nào đó, tôi sẽ tiếp tục. 

Trò chuyện trong quán La Catedral” là quyển sách được tặng. Tôi không đọc trọn vẹn thì có cảm giác có lỗi, như là đã không trân trọng tấm lòng người tặng. Thế nên sau một thời gian ngừng lại ở giữa phần hai, giữa cơ man những đoạn đối thoại không hình dung hết được ai đang nói với ai, tất nhiên, bản thân quyển sách đã gợi mở sức hấp dẫn ở phần đầu, tôi dành những khoảng thời gian nhất định trong mỗi buổi tối để đọc nốt hai phần ba còn lại. Đôi khi đọc lướt nhanh, đôi khi chập chờn ngúc ngắc, đôi khi dừng lại vì không “nuốt” tiếp được, và đôi khi ngừng lại vào lúc xao động nhất. Lúc trước đọc “Lời bộc bạch của một thị dân”, tôi thấy mình cũng phải hơi nỗ lực để đi hết tác phẩm. Suy cho cùng thì đọc những quyển sách có độ dày về số trang, khô khan và/hoặc có sức nặng về tư tưởng thật khó khăn. Với quyển sách này, tôi phải nỗ lực hơn nữa, chủ yếu làm sao sống sót qua được phần hai và sau đó thì hai phần còn lại được tiếp nhận dễ dàng hơn. Phần thưởng của việc này không chỉ giúp tôi đi đến trang cuối của quyển sách mà còn giúp tôi trở lại với những quyển sách khác. Như kiểu đã là sinh viên đại học rồi thì thấy thi đậu vào đại học cũng chẳng lấy làm khó (cái hồi bạn ôn thi và/hoặc nếu bạn thi rớt thì hẳn nhiên là bạn không thấy thế). 

Như tôi nghĩ, cần đọc hết “Trò chuyện trong quán La Catedral” để hình dung được toàn bộ câu chuyện và số phận các nhân vật. Không có nghĩa đã hiểu toàn bộ. Mọi chi tiết rời rạc chỉ dần hiển hiện rõ nét đối với những nhân vật mà đời sống của họ đã chấm dứt, với cái chết ở cuối con đường. Những người còn lại vẫn tiếp tục sống. Và tiếp tục sống theo kiểu gì thì tôi – người đọc không thể biết chính xác. Có lẽ họ vẫn lang bạt thế thôi. Vẫn lang bạt cho đến khi “ôi dào, sau đó gã sẽ chết, chẳng phải như thế sao” như những dòng chữ cuối cùng của tiểu thuyết. Có lẽ vì vậy mà cuộc nói chuyện đã dừng lại khi cánh cửa quá khứ khép lại mà không có cánh cửa tương lai nào mở ra. Tôi hơi không thích tác giả, ngay từ khi nhìn thấy hình ảnh của ông ở nếp gấp trang bìa. Bức ảnh cho thấy ông đẹp, dù luống tuổi nhưng vẫn đẹp, một vẻ đẹp đàn ông có phần kiêu bạc. Vì lẽ nào đó tôi cảm thấy đó là một nhà văn nhưng ẩn chứa tham vọng chính trị và là người hơi khắc nghiệt. Tôi chắc tôi không quan tâm nhiều đến đời tư của tác giả. Sự thực là tôi chỉ ưa đọc sách mà không thấy cần phải bận tâm về người viết. Tất nhiên đây là một tác phẩm hiện thực và vì vậy, việc mong mỏi một cái gì ngọt ngào, một kết thúc như mơ và tình yêu ở khắp mọi nơi và hạnh phúc là mãi mãi là điều bất khả. Khi gấp quyển sách lại, tôi cảm thấy nếu cuộc đời là một tên khốn thì nó sẽ vẫn thế thôi. Mãi thế thôi…

… 

Có những buổi tối nằm dài để cố đọc cho hết “Nếu một đêm đông có người lữ khách”. Tôi nhớ mua quyển sách này hoàn toàn vì bị quyến rũ bởi hình thức và tên gọi của nó. Mặc dù ý thức điều này luôn có thể dẫn đến sai lầm thì tôi vẫn một lần nữa, tự nguyện rơi vào bẫy. Thật khó cưỡng lại một tên gọi như thế, một trang bìa như thế và dĩ nhiên, tôi đã thảng nghe đâu đó cái tên Italo Calvino để biết rằng ông là một nhà văn lớn của Ý. Tuy nhiên nếu bạn cũng như tôi, tưởng tượng một cái gì lãng mạn, trữ tình đằng sau quyển sách thì chúng ta đều là những người đọc thất vọng. Không có câu chuyện nào về một người lữ khách, một kẻ xa quê hương, trong một đêm mùa đông, lạc bước đến một thị trấn nhỏ buồn tênh nhưng nên thơ… một buổi tối nào đó, gặp gỡ ai đó, và nỗi cô đơn, và tình yêu... 

Với “Nếu một đêm đông có người lữ khách”, Italo Calvino viết về sự phiêu lưu của một tác phẩm, qua đó là toàn bộ quá trình đọc của độc giả xen lẫn những quan niệm về sáng tác. Toàn bộ quyển sách là những mẩu truyện, những mẩu truyện kết thúc ngay vào lúc cao trào mà mỗi chúng ta khi đọc đến, cũng như nhân vật người đọc trong tác phẩm, đều mong muốn được đọc phần còn lại. Như thể nhà văn đang đùa với chúng ta, và ngay khi chúng ta tưởng ông đùa thì ông trở nên nghiêm túc, rất nghiêm túc và tưởng vậy, chúng ta lại rơi vào một cái bẫy đùa nghịch khác. Chúng ta cứ rốt ráo tìm kiếm, như nhân vật người đọc, để rồi đi lạc từ mẩu truyện này đến mẩu truyện khác. Và cứ thế, không có phần còn lại cho bất cứ câu chuyện nào, và chúng ta bị cuốn xa khỏi điểm ban đầu nhưng lại chẳng hề đi được tới đâu. Đó cũng là lý do tôi sớm bực mình và buông bỏ quyển sách này sang một bên. Cho đến dạo gần đây. 

Tôi nghĩ “Nếu một đêm đông có người lữ khách” có thể gây thất vọng cho những trí tưởng tượng đã mơ khác về nó nhưng một cách công bằng thì đây là một tác phẩm độc đáo bởi vì chính bạn, người đọc, có thể cảm thấy bản thân mình đang là nhân vật chính khi theo dõi tác phẩm. Và dẫu muốn phát điên vì ma trận tác giả bày ra thì bạn cũng sẽ phải phục ông ấy thôi, bạn tự hỏi làm sao ông có thể tạo ra những dị bản khác nhau của cùng một tác phẩm mà với bất kỳ mẩu truyện nào thì bạn, người đọc, cũng tìm thấy trong đó cái ham muốn được đọc đến tận cùng. Tôi nhìn thấy ở bìa trang sách hình ảnh một nhà văn có dáng dấp nhỏ bé, và ông có một vẻ nhẹ nhõm dễ chịu cùng một nụ cười và ánh nhìn hóm hỉnh. Khi gấp trang sách cuối cùng, với cái kết chẳng hề liên quan đến phần lớn câu chuyện, tôi thấy mình cũng chẳng nỡ bực một người như thế.

Và dẫu sao thì tên sách vẫn hay, bìa sách vẫn đẹp. Với riêng tác phẩm này, tôi thấy thế cũng đủ. 

… 

Có một lần cách đây lâu lâu, Còi Cọc gọi điện cho tôi. Một buổi tối nào đấy, tầm bảy, tám giờ và thường thì cô hay hỏi tôi đã ngủ chưa (và đôi khi vào một ngày cuối tuần nào đó, tầm mười, mười một giờ trưa, cô nhắn tin cho tôi, bảo tôi hãy dậy đi __ __ !!! ). Lần gọi đó cũng liên quan đến một việc của chị sếp cô ấy – tôi vẫn nghĩ nếu Còi Cọc cần tôi cho những vấn đề của chính cô có lẽ tôi sẽ vui nhiều hơn nhưng hẳn cô đã quen sống tự lập đến nỗi dường như cô chẳng có vấn đề cá nhân nào. Trước khi vào chuyện, lần này cô không hỏi tôi đã ngủ chưa hay đã dậy chưa mà hỏi tôi đang làm gì. Và tôi bảo tôi đang đọc, đọc vài thứ linh tinh. Và tôi nghe tiếng Còi Cọc qua đường dây điện thoại “ừ, ừ, cứ đọc đi” với giọng điệu như kiểu phụ huynh nói với con cái họ “ừ, ừ, cứ làm thế đi” nhưng là với ý ngược lại, nghĩa là cứ làm đi và “sẽ biết mặt”. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng đoán chừng ý Còi Cọc không hẳn là vậy, mà dường như là cô không biết phải nói gì. Và tại sao cô không biết phải nói gì khi tôi nói là tôi đang đọc thì tôi cũng không hiểu. Chỉ là trong khoảnh khắc đó, tôi bỗng cảm thấy rất có lẽ Còi Cọc không còn giữ thói quen đọc sách nữa. Cô từng đọc, đọc nhiều và khi mua sách, thậm chí cô có thể mua nhiều hơn một quyển cho cùng một tác phẩm. Nhưng cũng lâu rồi, tôi nhớ Còi Cọc từng nói, cô không còn đọc nhiều như trước. Nếu nay điều đó có nghĩa là rất ít, là chẳng mấy khi đọc thì có lẽ cũng là điều dễ hiểu. 

Tôi cũng đọc ít hơn xưa, và kiểu đọc sách điện tử đôi khi cũng được tôi chọn lựa nhiều hơn. Và tôi cũng hiếm khi đọc lại những quyển sách từng đọc. Những quyển sách ấy được đặt trên kệ, ngó chừng được trân trọng nhưng có lúc sững nhìn lại, nhận ra chúng rất cô đơn. Là bởi quá lặng lẽ nên dần bị lãng quên…

2 nhận xét:

  1. DN thì thích “Trò chuyện trong quán La Catedral” , lần trước nghe VP giới thiệu về nó đã thôi thúc DN rồi, có lẽ nó thích hợp với con người khô cằn như mình.
    Có những câu chuyện không thích hợp với ta ở thời điểm này nhưng lại cần cho ta ở một hoàn cảnh khác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sao DN nghĩ mình "khô cằn" ?

      Về tác phẩm đó thì, cứ đọc đi rồi hiểu (cười mỉm chi).

      Xóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...