Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Chúc một ngày tốt lành


Những ngày tháng ba, tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dường như tình cờ mở màn cho một cuộc chiến kỳ lạ của những nhà sách có lẽ đang gầm gừ cạnh tranh nhau. Cuộc chiến mang màu sắc kim tiền. Tôi phải thừa nhận là điều này gây chú ý cho tôi nhiều hơn cái lý do vốn dĩ chính đáng (và là lý do ban đầu) của nó: Tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh. Tôi cũng tự hỏi liệu khi nhắc đến một ấn phẩm văn học nào đó mà điều đề cập đầu tiên lại là giá cả, thì có phải là một hình thức xúc phạm văn chương? Dù sao tôi cũng có thể tự an ủi mình rằng bản thân chỉ là một người đọc bình thường, thường hay dành tiền mua sách nhiều hơn bất cứ thứ gì. Không tiếc rẻ nhưng cũng không thuộc dạng không cân nhắc. Trước đây tôi thường không mua sách giảm giá vì những nhà sách hay mua là những nhà sách không có chính sách này. Mãi sau tôi biết được khá nhiều nhà sách trên mạng có chiết khấu rất tốt cho độc giả, trong khi nhà sách mình mua luôn bán đúng giá bìa, tôi bắt đầu lưỡng lự. Thử đặt mua sách ở một nhà sách giảm giá nọ. Và họ thậm chí giao sách ngay trong ngày. Đó là một ấn tượng tốt đẹp. Tôi tiếp tục mua ở đó thêm một lần nữa. Nhưng rồi nhà sách tôi thường mua bất ngờ khuấy động thị trường bằng cuộc chiến giảm giá khá gay gắt và ầm ĩ. Vì điều này chưa bao giờ là tác phong của họ, tôi đoán rằng có thể họ đã mất đi nhiều khách hàng. Tôi không nghĩ văn chương là thứ người ta nên bán theo kiểu đại hạ giá. Thế nên kể cả khi tôi chọn một nhà sách khác để mua, đó vẫn là một nhà sách có mức chiết khấu thông thường tối đa chỉ ở mức 20%. Và dĩ nhiên trong việc mua sách, đôi khi bạn phải mua ở những nhà sách khác nhau vì không phải nhà sách nào cũng có tất cả mọi quyển sách được xuất bản. Do vậy việc mua sách ở nhà sách này không có nghĩa bạn sẽ không tiếp tục mua những ấn phẩm khác ở nhà sách khác. Nhưng khi có những nhà sách theo đuổi chính sách bán dưới giá bìa và độc giả kỳ thực cũng là những người mua hàng thông thường mang tâm lý tự nhiên là chọn điều có lợi nhất cho mình thì việc chiết khấu dường như cũng phải trở thành mặt trận chung. Vấn đề là những đơn vị kinh doanh có nên gây ra cảm giác văn chương đang bị bán thốc bán tháo hay kỳ thực người mua sách lâu nay vẫn chịu thiệt bao gồm cả khi họ bán đúng hay với mức giảm giá tương đối? Dù sao một cuộc chiến giảm giá “kịch trần” đã xảy ra và khơi mào cho nó là tác phẩm có cái tên và đề tài dễ chịu này “Chúc một ngày tốt lành”*.

Sách được phát hành bởi NXB trẻ. Điều này cộng với một câu nói tình cờ của Còi Cọc trước đây giúp tôi nhận ra hầu hết sách tôi mua mấy năm nay được phát hành bởi công ty Nhã Nam (liên kết với NXB nào đó). Kỳ thực đây không phải là một điều đáng bận tâm. Chỉ có điều khi cầm trên tay sách của NXB Trẻ (sau này có thêm quyển Khởi sinh của cô độc của cùng NXB với chất lượng in như nhau) tôi nhận ra điều vụn vặt này: cùng một khổ, sách của NXB Trẻ sẽ dày hơn dù số trang ít hơn (ví dụ quyền sách gần 280 trang sẽ dày hơn hẳn quyển sách 323 trang). Giấy in của Nhã Nam trắng tinh trong khi giấy in của NXB Trẻ mang màu trắng ngà. Thực ra tôi không nghĩ ngày nay người ta còn sử dụng loại giấy ấy. Tôi không biết phải diễn tả thế nào nhưng chất liệu giấy in này đem đến cho tôi một cảm giác rất cổ điển. Giống như là mấy quyển sách từ thời xa xưa nào đó. Và tôi không thể nói là loại nào thì đẹp hơn. Vì dù đã quen với những trang giấy trắng tinh với độ mịn cao, loại giấy trắng ngà khi sờ vào có cảm giác nham nhám lại đem đến cho tôi cảm giác loại giấy này gần gụi với sách hơn. Một ưu điểm không thể bàn cãi của loại này là mặc dù sự dày dặn của nó khiến tổng thể quyển sách cũng dày hơn nhưng trọng lượng khi cầm lên lại hoàn toàn nhẹ tênh. Tuy thế cũng phải nói rằng sách do Nhã Nam phát hành có giá bìa (gốc) dễ chịu hơn sách của NXB Trẻ rất nhiều. Và nếu ai đó có khuynh hướng mua sách vì nhà phát hành thì mấy điểm linh tinh kể trên có thể là điều đáng để cân nhắc (bên cạnh mảng sách họ hướng đến, phong cách thiết kế bìa, biên dịch, biên tập vv…). 


Việc tôi chọn đọc Chúc một ngày tốt lành phần nhiều vì tác giả của nó (phần còn lại là vì sự cảm mến đối với những tác phẩm lấy con vật làm trung tâm). Trong số những tác giả Việt Nam, tôi không đọc ai nhiều như đã đọc Nguyễn Nhật Ánh. Dù phong cách của ông không tạo ra kiểu độc giả bị ám ảnh, Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn có thể có những lớp độc giả lớn lên cùng với tác phẩm của mình. Tôi bắt đầu với bộ Kính vạn hoa rồi sau đó đến với các tác phẩm lãng mạn hơn viết cho tuổi mới lớn như Mắt biếc, Còn chút gì để nhớ, Cô gái đến từ hôm qua, Buổi chiều Windows, Thằng quỷ nhỏ… Tôi đã đọc những tác phẩm ấy từ lâu và dù không còn nhớ được chi tiết từng tác phẩm, tất cả chúng ở trong tâm trí tôi như hình ảnh của tuổi mới lớn, đại diện cho những xúc cảm đơn thuần nhất và trong cái cách mà ở quãng thời gian đó, người ta có thể yêu đời sống này một cách tự nhiên và hiền hòa biết mấy… Viết những đề tài nhẹ nhàng, đôi khi dường như phân khúc cho những lứa tuổi nhất định nhưng tôi lại tin rằng đối tượng Nguyễn Nhật Ánh tha thiết hướng đến là người lớn. Những người lớn từng là trẻ con và thông điệp rõ ràng của nhà văn là muốn họ nhớ lại điều đó. Dĩ nhiên trẻ con là đối tượng sớm làm bạn với tác phẩm của nhà văn. Chúng lớn lên trở thành người lớn và rồi dần có những chọn lựa khác. Nguyễn Nhật Ánh trở thành kỷ niệm. Một ngày nào đó bạn chợt nhớ về kỷ niệm. Bạn – người lớn cô đơn, mệt mỏi. Thông điệp của ông trở nên rõ ràng với bạn. Tôi nghĩ khi nhiều tuổi hơn thì tôi hiểu rõ dụng tâm này của nhà văn hơn.   

Khi đọc những tác phẩm vừa kể trên, tôi vẫn là cô bé đang ở tuổi ăn tuổi học. Nếu có thể gọi đó là lần đầu tiên tiếp xúc với Nguyễn Nhật Ánh thì lần thứ hai xảy ra khá lâu sau đó, với Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Tác phẩm này có cái tựa đề đã nổi tiếng hơn cả bản thân nó – dần trở thành câu nói thường hằng trên môi mọi người. Cái tựa đề ấy phản ánh niềm mơ ước giản dị nhưng bất khả của hầu hết chúng ta: trở lại tuổi thơ khi mình càng ngày càng đi xa khỏi đó. Tôi bắt gặp trong chuyến trở về của nhà văn sự trong sáng, hồn nhiên, nét hóm hỉnh và cả sự hiền lành với người, với đời quen thuộc của ông. Nhưng đồng thời tôi cũng không tránh được sự so sánh. Dường như với tôi, cái âm vang của lần đầu ấy vẫn còn vang vọng. Tôi hoài nhớ những Mắt biếc, Còn chút gì để nhớ, Cô gái đến từ hôm qua... Tôi thấy Nguyễn Nhật Ánh của ngày ấy sâu sắc hơn, lãng mạn hơn và cũng nhiều tính mới mẻ hơn qua mỗi tác phẩm. Bất chấp sự thật là càng những tác phẩm về sau, Nguyễn Nhật Ánh càng được ngợi ca và chào đón nồng nhiệt hơn với số lượng phát hành luôn ở mức kỷ lục. Và còn thường xuyên được tái bản qua các năm. Tên tuổi của nhà văn đã trở thành một dạng bảo chứng sách bán chạy.

Tôi tạm thời xếp Chúc một ngày tốt lành cùng với Tôi là Bê Tô và Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ vào một nhóm riêng trong số lượng tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Cùng lấy nhân vật chính là những con vật, nhóm tác phẩm khiến ta liên tưởng đến độc giả thiếu nhi, điểm này cơ bản đã gợi lên ấn tượng đáng yêu, dễ đọc. Trẻ con đọc chúng không phải suy nghĩ. Chỉ cần tiếp nhận nét đẹp trong sáng và nhân văn từ câu chuyện. Người lớn đọc có thể mang tâm thế của trẻ nhỏ hoặc với nhận thức và sự phức tạp của lứa tuổi tìm thấy trong đó những chiêm nghiệm sâu sắc hơn. Một lần nữa, tôi tin rằng Nguyễn Nhật Ánh không chỉ viết cho độc giả nhỏ tuổi, ngay cả khi nội dung câu chuyện và những nhân vật vẻ như cho thấy điều đó. Tôi là Bê Tô xuất sắc ở những quan điểm nhân sinh được nhà văn lồng ghép khéo léo trong câu chuyện của một chú chó. Hiếm khi tôi thấy quyển sách nào giàu triết lý mà lại tự nhiên và dễ chịu đến thế. Có lẽ cũng chưa bao giờ nhà văn thể hiện một cách rõ ràng nhiều quan điểm về đời sống của mình trong tác phẩm như thế. Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ mang hơi hướng cổ tích và nếu không có cái kết đọng lại nhiều vương vấn, phản ánh cái trúc trắc của cuộc đời, rất có thể tác phẩm chỉ là một câu chuyện tuyệt đối dễ thương kể cho bọn trẻ nghe trước khi đi ngủ. Sau một giấc ngủ, câu chuyện sẽ bị lãng quên. Với Chúc một ngày tốt lành, lần này câu chuyện liên quan đến những chú heo, nỗ lực của nhà văn dường như nhằm thể hiện một chút lưu ý đến chính trị. Tôi phải dùng từ “dường như” vì bản thân suy nghĩ này đã khiến tôi băn khoăn. Trong các tác phẩm tôi đã đọc của ông, Nguyễn Nhật Ánh chưa bao giờ thể hiện là nhà văn ưa thích khai thác những chủ đề liên quan đến thời cuộc chính trị-xã hội. Và tôi cũng nghĩ rằng ông sẽ mãi mãi viết một cách nhẹ nhàng, gần gũi như tâm tình của một cậu học trò hiền lành. Ít nhiều thấy đâu đó những lối mòn quen thuộc. Và với Chúc một ngày tốt lành, cách hành văn kể chuyện, ít trau chuốt ngôn từ, thậm chí cũng ít chất ngộ nghĩnh thi vị so với Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, đối với tôi là tác phẩm kém hay so với hai tác phẩm trong nhóm này. Dù vậy, Nguyễn Nhật Ánh, theo cách riêng của mình, vẫn kịp gửi gắm vào câu chuyện dung dị này những ẩn ý nho nhỏ liên quan đến quyền tự do ngôn luận, một phần hiện trạng nào đó đã và đang xảy ra chỉ bởi những con mắt nhìn hoàn toàn thiếu vắng sự rộng mở, hồn nhiên. Chỉ đáng tiếc với một quyển sách dễ cho thấy được dành cho thiếu nhi, dù đem đến lợi ích số lượng độc giả tiếp cận được với sách là không giới hạn, thì có lẽ những người lớn cần đọc câu chuyện này của Nguyễn Nhật Ánh nhất lại sẽ không đọc. 

“Nếu ông an ninh có được một tâm thế hồn nhiên như vậy, có lẽ hôm nay ông đã có một ngày tốt lành trọn vẹn.

Chỉ tiếc ông đã là người lớn mất rồi”*

Chúc một ngày tốt lành.

--
* Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ, 2014.
**Trích từ tác phẩm.

2 nhận xét:

  1. :) tôi thích đọc sách... và thú thực là mới chỉ đọc một vài cuốn của Nguyễn Nhật Ánh thôi và cũng không có ham muốn đọc tiếp. lý do có thể rất buồn cười là vì ai ai cũng đọc mà tôi lại thích hưởng thụ một mình :) và "Ít nhiều thấy đâu đó những lối mòn quen thuộc". có cần phải xem xét lại mình không nhỉ ???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi nghĩ trong đời mình, ta có thể đọc rất nhiều quyển sách. Nhưng số lượng tác phẩm ta thích có khi sẽ chỉ chiếm một vài quyển. Dẫu vậy thì ta vẫn đọc. Điều này cho tôi suy nghĩ là rốt cuộc cái ta thích là bản thân việc đọc sách, chứ không đơn thuần là vì tác phẩm nào đó. Dĩ nhiên, ta chọn quyển sách nào cũng ít nhiều xuất phát từ ý thích kèm chút gì đó như là cái "duyên". Với tôi thì Nguyễn Nhật Ánh mang tính chất cái duyên nhiều hơn.

      Xóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...