Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Có một Xóm vắng trong lòng tôi


Quỳnh Dao là nữ văn sĩ Đài Loan. Nhắc đến bà, gợi nghĩ trong tôi là ngoài cái tên hay (là bút danh mà tôi ngỡ là tên thật), cụm từ “tiểu thuyết diễm tình” ám chỉ dòng văn chương với những chuyện tình đẫm lệ mà bà theo đuổi, còn là tài năng làm phim. Và tôi cũng chủ yếu biết đến đồng thời tin rằng nhờ khả năng đưa tiểu thuyết của mình lên màn ảnh, Quỳnh Dao đã mở rộng tên tuổi của mình đến những biên giới mới. Một lượng khán giả của Quỳnh Dao có thể cũng như tôi, không đọc tiểu thuyết của bà nhưng ít nhiều đều biết đến và/hoặc yêu thích phiên bản điện ảnh của một hay nhiều tiểu thuyết của nữ văn sĩ và do vậy không thể hoàn toàn không biết đến tên tuổi của bà. Thật ra đọc hay không đọc, xem hay không xem phim của Quỳnh Dao đều không phải là chủ định của tôi. Mọi thứ có lẽ cũng chỉ là sự tình cờ.

Tôi nhớ trong các nhà sách tôi từng đến, bao gồm Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Miền Nam (tôi rất thích nhà sách này vì thường tập trung nhiều đầu sách văn học, đặc biệt là những tác phẩm kinh điển. Chừng hơn chục năm trước, nhà sách Miền Nam nằm đối diện với khu Đại Thế Giới, sau đột ngột chuyển đi. Nơi này từ lâu đã là một tòa nhà ngân hàng. Với tôi đây vẫn còn là một sự nuối tiếc) cùng vài nhà sách khác mà tôi không để ý tên, thường chỉ bán sách và hay có chương trình giảm giá, trên các kệ sách dù trải qua rất nhiều năm tháng vẫn luôn có chỗ đặt trang trọng các tác phẩm của Quỳnh Dao. Tuy không được ồn ào nhắc đến, việc xuất bản lặp lại nhiều lần các tác phẩm của bà cho thấy vị trí của chúng trong sự đọc Việt Nam. Thế nhưng, có thể vì lý do chuyển ngữ (dường như tồn tại khá nhiều dị bản của một tác phẩm và có khi được dịch “thuần Việt” tới mức thay đổi tên họ và địa danh trong tác phẩm theo kiểu mang cả một Đài Loan biến thành Việt Nam) khiến tôi không thể nào cảm được vẻ đẹp trong những dòng văn ấy, cũng có thể vì khuynh hướng đọc của tôi không thiên về yêu đương đơn thuần, cho đến nay, tôi vẫn không phải là một độc giả của Quỳnh Dao. Nhưng lại là một khán giả của bà. Dù không xem mọi bộ phim của Quỳnh Dao nhưng vì tình yêu dành cho một vài trong số chúng, tôi có thể nói như vậy về vị trí của mình trước Quỳnh Dao. Trong đó, để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi, cũng là một trong số ít những bộ phim tôi tin rằng mình có thể yêu thích trong cả cuộc đời, đó là Đình viện thâm thâm.

Đình viện thâm thâm khi phát hành tại Việt Nam được đặt lại là Xóm vắng. Sản xuất từ năm 1986 và trình chiếu tại Việt Nam khoảng giữa thập niên 90. Tôi còn khá nhỏ để nhớ chi tiết phim từ lần xem ấy. Nhưng thậm chí từ cách đó trở ngược lại vài năm, trong trí nhớ tôi đã có hình ảnh  Lưu Tuyết Hoa trong một phim khác của Quỳnh Dao (thật ra tôi đã có sự nhầm lẫn trong nỗi nhớ này, nhân vật mà tôi xem hoặc nhìn thấy là Y Y của Người vợ câm, nhưng tôi lại đã luôn nghĩ đó là Tuyết Kha của Sầu Lẻ Bóng – kể cả cách nhớ này hình như cũng chưa đúng về phương diện tác phẩm thế nhưng trong suốt thời gian dài tôi đã nghĩ như vậy). Có thể nói vào thời kỳ kỹ thuật làm phim còn thô sơ thì diễn viên, thực lực diễn xuất của họ và sự phù hợp với nhân vật theo kiểu “sinh ra để dành cho vai diễn đó” là động lực quan trọng nhất có thể biến một tác phẩm điện ảnh thành kinh điển. Rất nhiều phim cũ được làm lại và về hầu hết phương diện, phiên bản mới đều có khả năng làm tốt hơn phiên bản cũ, chỉ là nếu thiếu đi nhân tố này, cái gọi là một lớp diễn viên “sinh ra để dành cho vai diễn” thì rồi những cái mới lại nhanh chóng qua đi và người ta lại hoài nhớ về một cái cũ không còn tìm lại được. Lưu Tuyết Hoa có thể là một trong số những diễn viên có quyền năng như vậy dù thành công trong sự nghiệp diễn xuất của cô không dừng lại chỉ với một vai diễn để đời duy nhất. 

Tuyết Hoa không sở hữu vẻ đẹp hoàn hảo hay lộng lẫy. Cô gầy và vẫn mãi như thế qua thăng trầm cuộc đời. Trong lịch sử điện ảnh, tôi thấy hiếm có nữ diễn viên nào vóc hạc xương mai như cô. Nhưng điểm đặc biệt của cô còn nằm ở đôi mắt. Đôi mắt to, thanh khiết, phảng phất ưu buồn, lại có chút cương nghị. Đôi mắt như muốn nói cùng ta những vọng âm trong thẳm sâu tâm hồn. Gắn liền với đôi mắt ấy là những dòng lệ có thể trào tuôn bất kỳ lúc nào, chúng rơi ra tự nhiên như việc trong mỗi thời khắc còn đang thở, con người không phải băn khoăn về  lồng ngực đang phập phồng của mình. Báo chí thường nói rằng Quỳnh Dao tuyển chọn diễn viên nữ rất nghiêm ngặt, diễn viên phải đẹp và đặc biệt phải đẹp khi khóc. Hiển nhiên bà phải chọn như vậy vì những nhân vật nữ chính của bà phải rơi lệ rất nhiều. Tuyết Hoa là một nữ diễn viên có biệt tài khóc ấy. Vai diễn Hàm Yên của cô vẫn là vai diễn một người con gái chịu nhiều bất hạnh tuy nhiên không thể cho rằng đây là nhân vật yếu đuối và bi lụy. Có một sự mạnh mẽ trong người con gái này. Chính vì vậy hết lần này đến lần khác, nàng tìm cách vượt qua và chiến thắng số phận. Nàng không cam tâm để bị sắp đặt bởi người khác hay bị nhấn chìm bởi cuộc hôn nhân không còn là bờ bến hạnh phúc. Tất nhiên, trái tim của nàng bị tình yêu dày vò và nàng, dẫu có trở thành một Phương Tư Oanh thông tuệ và độc lập cũng không thoát ra khỏi tình yêu đó. Nhưng có lẽ ngay cả bản thân tôi, người xem, cũng không muốn Hàm Yên đánh mất tình yêu dành cho Bách Phối Văn, cho dù người đàn ông đó đôi khi cho thấy không xứng đáng với tình yêu của nàng. 

Lưu Tuyết Hoa đóng nhiều phim của Quỳnh Dao. Tần Hán cũng vậy. Nhưng sự kết hợp của họ trong Xóm Vắng thì hoàn hảo. Sự hoàn hảo bổ sung thêm cho điều xảy ra trong phim: rằng những nhân vật khác không tài nào chen được vào tình yêu giữa họ, dù giữa những hiểu lầm, thù hận, xa cách, người này vẫn là cái nửa đích thực của người kia. Họ khác nhau nhưng kỳ thực là cùng một loại người, sâu sắc trong tâm hồn và tận hiến trong tình yêu. Có lẽ cống hiến đáng ghi nhận nhất trong mọi tác phẩm của Quỳnh Dao nằm ở chữ “tình” này. Đó là những con người sống chết vì tình, đó là loại tình yêu khiến người ta “khắc cốt ghi tâm”, khiến người ta tình nguyện đứng trong giàn hỏa thiêu để được thiên trường địa cửu, để được đời đời kiếp kiếp… Loại tình yêu chỉ có trong tiểu thuyết Quỳnh Dao (cười).

Bởi sự kết hợp của Tuyết HoaTần Hán thật hoàn hảo, khó có thể nói rằng nếu có ai thay thế một trong số họ thì đó vẫn là Xóm Vắng khiến trái tim người xem rung động. Tần Hán trong phim này đặc biệt đẹp. Ông mặc chiếc áo dài cổ điển, đôi mắt không nhìn thấy nên phải cầm gậy để dò đường. Gương mặt u buồn, ánh mắt bàng bạc, trái tim mang nặng một vết thương lòng, một mối tình si. Xuất hiện như vậy trong bối cảnh Hàm Yên sơn trang đổ nát, có lúc miệng thảng thốt gọi “Hàm Yên, Hàm Yên…”. Một người đàn ông như vậy, sao có thể không một lần nữa, làm trái tim nàng Phương Tư Oanh run rẩy và giữ nàng ở lại bên ông mãi mãi?

Tôi không hoàn toàn đồng tình với người đàn ông ấy, Bách Phối Văn. Sự thiếu sáng suốt, mù quáng và khuynh hướng gia trưởng, nóng nảy của anh đẩy người con gái anh ta yêu thương nhất, tình yêu của họ, hôn nhân của họ vào chốn bất hạnh. Một Hàm Yên sơn trang xinh đẹp với cánh đồng hoa mai quế vàng rực rỡ cuối cùng chỉ còn trơ lại là những bức tường đổ nát, hoang phế như cùng cực của nỗi bất hạnh ấy. Nhưng mười năm sống trong dày vò đau khổ, mười năm cô độc, mười năm tự trừng phạt bản thân và mười năm và có lẽ là mãi mãi, vẫn tha thiết yêu thương người vợ đã mất, điểm này ở anh ta khiến người khác không nỡ rời bỏ. Những người vây quanh Bách Phối Văn từ người bạn Cao Lập Đức từng bị anh hiểu nhầm đến người vợ sau Ái Lâm không nhận được từ anh một chút yêu thương, đến người em trai cùng cha khác mẹ Giản Phi Phàm vốn có thù nghịch với anh, đến đứa trẻ Đình Đình không được anh quan tâm đầy đủ và quan trọng hơn cả, chịu tổn thương nhiều hơn cả nhưng yêu anh sâu sắc hơn cả, Hàm Yên vì anh mà chết và Phương Tư Oanh cũng vì anh mà trở về từ cõi chết ấy, sau rốt không ai quay lưng lại được với người đàn ông này. Đó là Bách Phối Văn của Tần Hán.

Khí chất của Tần Hán rất đặc biệt. Ông đẹp một cách ấm áp và đáng tin cậy, và dịu dàng và vẫn luôn giàu nam tính bất kể những lúc yếu đuối nhất. Có lúc tôi bắt gặp sự thân quen của khí chất ấy ở vài nam diễn viên khác. Là Phương Trung Tín của Hồng Kông hay Pierce Brosnan của Mỹ. Dĩ nhiên họ cũng khác ông và cả ba suy cho cùng là khác nhau. Nhưng đó cùng là những vẻ đẹp mà người ta cứ thấy đằng sau đó cũng là một chiều sâu tâm hồn và rồi những vẻ đẹp hòa trộn trong con người họ, và rồi tôi cứ ngây người nhìn họ với cảm giác rằng trái tim mình đang ấm lên (cười).

Một điểm son trong phim này, một dấu ấn khác không thể nào quên và cũng không thể nào tái hiện lại được, chính là Thúy San của Triệu Vĩnh Hinh. Sự yêu mến của tôi dành cho nhân vật này lớn lên nỗi mà sau này tôi không thể nào tiếp nhận được bộ phim Dòng sông ly biệt khi Như Bình của cô ở vào thế đối nghịch với Y Bình của Lưu Tuyết Hoa và kết cuộc dành cho Như Bình yếu đuối, hiền lành là cái chết. Và kể cả sau này, khi tình cờ xem Triệu Vĩnh Hinh trong những bộ phim khác, dù vai diễn của cô có không tốt thế nào, tôi cũng không ghét cô được. Thúy San chỉ là một nhân vật phụ và cô không tham gia vào rắc rối yêu đương của những tuyến nhân vật khác. Cô là một cô nhi, sau một cơn bạo bệnh khi còn nhỏ, trí tuệ bị giảm sút từ đó cô mãi mãi sống trong sự ngây ngốc của một đứa trẻ. Hàm Yên thương cô, nguyện ý chăm sóc, che chở cho cô suốt cuộc đời. Thúy San khờ khạo ngốc nghếch nhưng tốt bụng, yêu thương mọi người xung quanh. Khi Hàm Yên ra đi, cô bé vẫn sống để mà đợi chờ chị Hàm Yên. Mỗi buổi tối, Thúy San khoác trên người chiếc áo dài vàng của chị Hàm Yên, cô hát bài “Hoa phi hoa” ngày xưa chị Hàm Yên hay hát, cô chăm chút những bông hoa mai quế vàng mà chị Hàm Yên yêu thích còn sót lại trong căn nhà hoang, cô tin rằng chị của cô sẽ trở về… Cô là nhân vật dễ thương và tội nghiệp như vậy. Cùng với đứa trẻ Đình Đình, sự đáng thương của cả hai khiến người khác không thể nào cầm nước mắt. Cho dù Phương Tư Oanh có đủ bản lĩnh để rời xa Phối Văn thì cũng không đủ nhẫn tâm bỏ rơi hai đứa trẻ này. Sở hữu hai đứa trẻ này, Phối Văn kỳ thực từ đầu đã không có đối thủ trong trận chiến giành Phương Tư Oanh (cười).

Hóa thân vào nhân vật Thúy San, Triệu Vĩnh Hinh vẫn vô cùng xinh đẹp. Diễn xuất của cô sinh động, xuất thần, vừa làm cho ta cười đó, lại đã khiến ta ngậm ngùi thương cảm. Đôi khi tôi nghĩ nếu Vĩnh Hinh là nữ diễn viên của nền điện ảnh bây giờ, có lẽ cô sẽ có nhiều cơ hội hơn để khẳng định tên tuổi của mình. Tuy cũng là một trong những nữ diễn viên quen thuộc của phim Quỳnh Dao, cô thường chỉ đảm nhận vai thứ chính hay vai phụ và có lẽ vì vậy ít được nhắc đến bên cạnh những Lưu Tuyết Hoa, Lâm Thanh Hà… Tôi nghĩ đây cũng là một sự đáng tiếc.

Một trong những nguyên do khiến tôi có thể trọn vẹn yêu thích Xóm Vắng là kết cuộc đại đoàn viên của nó. Thật buồn và như thể đã tiêu tan hết sức lực và hy vọng nếu kết thúc của một tấn bi kịch là một bi kịch chung cuộc. Ngoài ra, bản lồng tiếng phim này tuy do đội ngũ hải ngoại thực hiện (thường không được yêu thích bằng đội ngũ lồng tiếng phim TVB của Việt Nam) nhưng khá hay vì sự đồng điệu với cảm xúc nhân vật tuy đôi chỗ từ ngữ sử dụng có phần quá trịch thượng. Đặc biệt, việc đệm thêm những bản nhạc nền (có lẽ có những bản do ê kíp hải ngoại thực hiện) làm tình tiết phim trở nên xúc động và day dứt hơn. Ngay đầu phim, giọng hát Tài Linh mở ra một khung trời đầy kỷ niệm. Xuyên suốt phim, đó đây là giai điệu tha thiết của bản nhạc bất hủ Koibito Yo như nỗi mong chờ khôn khuây một người yêu xa xăm…, là khúc nhạc Lòng mẹ rưng rưng trào nước mắt…, là bản Mười năm tình cũ da diết qua giọng ca nội lực Lệ Thu…, là những bản nhạc không lời đầy tâm trạng quyện vào từng chuyển động của mạch phim… 

Hai mươi bảy năm đã trôi qua, những diễn viên ngày ấy giờ đã già, mỗi người một thân phận. Xem lại một bộ phim cũ, cảm thức buồn về sự thay đổi của nhân gian, thời gian là điều khó tránh khỏi. Bạn nhớ ngày ấy mình còn là cô gái nhỏ và ngày ấy họ là những người trẻ trung, những người nổi tiếng… Và rồi từng ấy năm đã trôi qua… 

Lưu Tuyết Hoa vẫn tham gia đóng phim nhưng cô đã sớm nhường hào quang cho lớp diễn viên trẻ để lui về với những nhân vật phù hợp với tuổi tác. Thời trẻ cô kết hôn với nam diễn viên Lưu Đức Khải, cuộc hôn nhân kết thúc sau vài năm gắn bó. Sau này, ở tuổi trung niên, Tuyết Hoa kết duyên cùng một nhà biên kịch. Cô không có con. Một vài năm trước tôi đọc được thông tin nhà biên kịch này ngã từ căn hộ chung cư của họ xuống đất và tử vong. Xung quanh việc này có nhiều đồn đại ác ý nhắm vào cô. Người đàn bà khóc trên màn ảnh cũng phải khóc như vậy cả trong đời thực…

Về Tần Hán, bất luận đọc bài báo nào liên quan đến ông đều thấy trong đó sự cố gắng khai thác mối tình của ông với Lâm Thanh Hà. Có lẽ đó là một kiểu tình yêu có đủ sóng gió để dựng thành phim. Nhưng cũng giống như với cuộc hôn nhân đầu tiên và đến nay là duy  nhất, ông đã không giữ được tình yêu ấy bên mình. Từ lâu Tần Hán đã giã từ màn bạc. Tôi vẫn nghĩ về ông như một nam diễn viên có khí chất khó tìm thấy trong nền nghệ thuật thứ bảy.

Không có nhiều thông tin về Triệu Vĩnh Hinh, có lẽ sở hữu một vẻ đẹp ngây thơ, hiền lành, bản thân cô cũng sống trầm lặng trong dòng chảy ồn ào của thế giới giải trí tuy tôi cũng nghe được thông tin rằng nhiều năm nay cô sống độc thân sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ và vẫn cần mẫn trên phim trường với những vai phụ.

Bài viết này khởi đầu bằng Quỳnh Dao và có lẽ sẽ kết thúc ở Quỳnh Dao. Sau Xóm Vắng, Quỳnh Dao vẫn làm phim. Thế hệ diễn viên được bà phát hiện và lăng xê tiếp tục được nối dài thêm danh sách. Bà từng trải qua một cuộc hôn nhân tan vỡ, từng được đồn đoán là tác nhân gây nên sự đổ vỡ của cặp vợ chồng nghệ sĩ Trần Hồng Liệt – Phan Nghinh Tử, rồi bà kết hôn với một người đàn ông có thể tặng cho bà rất, rất nhiều hoa hồng cả khi họ đã về già… Đó là loáng thoáng những thông tin tôi đọc được rải rác qua năm tháng. Có lẽ nữ văn sĩ là người hạnh phúc nhất trong những người tôi đề cập đến trong bài viết này.

Đôi khi Quỳnh Dao cũng làm lại những bộ phim cũ của mình, Tân Dòng sông ly biệt hay Tân Hoàn Châu cách cách là những ví dụ. Xóm Vắng cũng từng có tên trong danh sách những tác phẩm được chọn lựa để chế tác lại. Nhưng sau rốt bà đã đã không chọn Xóm Vắng. Có lẽ vì bà không có điều gì phải hối tiếc để phải sửa chữa đối với bộ phim này. Và tôi cũng tin rằng Xóm Vắng là một kiểu hào quang không cần phải tìm lại, cũng không thể tìm lại. Bởi vì hào quang ấy vẫn rực sáng đến hôm nay… 

---

Xóm Vắng
Nguyên tác: Đình viện thâm thâm
Sản xuất: năm 1986
Số tập: 40

Phim mở đầu bằng hình ảnh một đám cháy. Đám cháy ấy xảy ra tại một sơn trang có tên gọi là Hàm Yên, vốn thuộc về gia đình họ Bách – một điền chủ chuyên trồng và sản xuất trà.

Bảy năm sau đám cháy ấy, tại Mỹ, cô dâu Phương Tư Oanh bất ngờ không đồng ý trở thành vợ của chú rể Trịnh Á Lực. Cô bỏ chạy ngay tại đám cưới với quyết tâm trở về Đài Loan. Cô nói cô phải trở về để đối mặt với quá khứ.

Hàm Yên sơn trang giờ chỉ còn là khu nhà hoang tàn, đổ nát, khắp nơi mọc đầy cỏ dại. Tư Oanh không hiểu điều gì đã xảy ra. Bất chợt cô nhìn thấy một người đàn ông đang tìm kiếm điều gì đó trong khu nhà hoang phế. Người đàn ông nghe tiếng động không ngừng gọi lên cái tên “Hàm Yên, Hàm Yên…”. Tư Oanh hoảng sợ nhưng cô phát hiện anh ta bị mù. Anh ta họ Bách, tên gọi là Phối Văn.

Nghe Phối Văn đi đón đứa con gái Đình Đình tan học, Tư Oanh mong muốn được theo cùng. Cô rất muốn gặp Đình Đình.

Đình Đình là đứa trẻ đáng thương, vì thương cha nên thường che giấu việc bị người mẹ kế Ái Lâm hành hạ. Cô bé còn hay nói dối mọi người xung quanh rằng gia đình của cô bé rất hạnh phúc và cô bé được cha mẹ hết mực yêu thương. 

Khi nhận lời dạy học tại trường tiểu học nơi Đình Đình đang học, được nhắc nhở về tật nói dối của Đình Đình và có lời đồn rằng Đình Đình không phải là con ruột của Bách Phối Văn mà là hậu quả của một mối tình vụng trộm của người mẹ đã chết, Phương Tư Oanh cảm thấy rất đau lòng.

Gia đình họ Bách là một gia đình phức tạp. Cậu chủ Bách Phối Văn từng có một người vợ trước khi tái giá với người vợ hiện tại. Cách đây mười năm, Chương Hàm Yên -  người vợ cũ của Bách Phối Văn đã gieo mình xuống sông tự vẫn trong một đêm đầy giông bão. Từ đó người ta đồn đãi nhà họ Bách có ma. Ba năm sau đó, Hàm Yên Sơn Trang bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn càng làm cho lời đồn đãi kia trở thành nỗi ám ảnh. Bách Phối Văn bị mù sau trận hỏa hoạn này. Bách lão phu nhân thì sợ hãi phải dời lên núi sống một mình, ngày đêm ăn chay niệm Phật…Đến nay, đêm đêm, người ta vẫn thi thoảng thấy bóng ma Chương Hàm Yên trong chiếc áo dài vàng, tóc xõa ngang vai, tay cầm những chùm hoa mai quế, vừa đi vừa hát...

Âu Ái Lâm vốn là một cô y tá có lòng tốt, gả cho Bách Phối Văn trong những ngày tháng anh đang đau khổ và Đình Đình cần bàn tay chăm sóc của một người mẹ. Nhưng sống bên cạnh người chồng không có một chút tình cảm dành cho cô, lại chứng kiến cảnh anh ngày đêm tưởng mong người vợ cũ, Ái Lâm dần trở thành một người đàn bà hung ác. Cô trút mọi hờn tủi lên đôi vai bé nhỏ của Đình Đình và Thúy San, cô em nuôi của Hàm Yên – vốn là người có vấn đề về trí tuệ. Sống trong Bách viên còn có Quán Trung, em trai của Ái Lâm nhưng anh ta cũng không có cách nào ngăn cản những cơn thịnh nộ của người chị. Gia đình họ Bách không ngày nào không có mâu thuẫn. Có thể nói gia đình ấy giống như một nhà thương điên.

Phương Tư Oanh vì lòng yêu thương đối với Đình Đình đã nhận lời Bách Phối Văn đến ở Bách viên để làm gia sư riêng cho cô bé. Từ ngày Phương Tư Oanh dọn đến, ngôi nhà này trở nên ấm áp. Đình Đình và Thúy San được sống trong tình yêu thương của Tư Oanh, ngày càng trở nên gắn kết với cô, bản thân cô cũng không thể nào xa rời chúng. Điều kỳ lạ hơn là Thúy San từ ngày đầu gặp Tư Oanh đã gọi cô là “chị hai”, “chị Hàm Yên”… Bản thân Bách Phối Văn cũng có một cảm giác kỳ lạ. Anh như gặp lại hình bóng người vợ mà anh tha thiết nhớ thương…

Cũng trong thời gian này, hai anh em họ Giản là Giản Phi Phàm và Giản Mộng Kha dọn đến thị trấn và mở một quán trà. Họ rất có hứng thú tìm hiểu gia tộc họ Bách. Ban đêm Phi Phàm dõi tìm trong khu sơn trang Hàm Yên như để tìm kiếm điều gì đó cho anh… Dần dà anh khám phá ra một bí mật. Trong khi đó, Quán Trung và Mộng Kha cũng đem lòng yêu nhau…

Trịnh Á Lực buộc Diệp Sương, người bạn thân thiết của Tư Oanh đưa anh từ Mỹ về Đài Loan để thúc ép Tư Oanh trở về Mỹ kết hôn. Phi Phàm cũng không ngần ngại bày tỏ tình yêu với cô. Riêng Bách Phối Văn, nghi ngờ trong lòng anh ngày càng lớn. Anh nhờ người bạn thân Cao Lập Đức từ phương xa trở về để làm đôi mắt thay cho anh.

Rốt cuộc Phương Tư Oanh là ai? Câu chuyện của mười năm trước và mười năm sau ra sao? Những bí mật nào sẽ được hé lộ? Và số phận của các nhân vật đã và sẽ đi về đâu?

Tất cả những câu hỏi này, lời giải đáp nằm trong phim…

5 nhận xét:

  1. Vi Phong à, theo Kun, VP dù vô tình hay cố ý mà song hành với nghề Luật có lẽ đó là duyên phận cả. Kun nghĩ mình sẽ không bao giờ dính dán tới tác phẩm nào nữa của Quỳnh Dao vì chúng lại gợi cho Kun nhớ tới Tiêu Y Vân trong "Bích Vân Thiên", thế nhưng có lẽ VP đã hoàn toàn thuyết phục Kun coi phim này ( trong đó cũng có lý do là " kết cục có hậu", nhưng không hẳn là lý do chính).
    Coi tới tập 10 rồi nhưng giờ thời gian không cho phép nên tạm gác lại. Nhờ đọc entry này mà cảm nhận của mình về nhân vật khá hơn trước. Kun sẽ đọc lại entry này vào một ngày chủ nhật bình lặng vì có nhiều chỗ chưa nắm bắt được .
    Vui tươi nhé Cơn gió nhỏ vu vi ♥

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừm, mình cũng không đọc sách của Quỳnh Dao. Xem phim gọi là thực sự trọn vẹn có lẽ cũng chỉ có Xóm vắng và Hoàn Châu Cách Cách 1 (có lẽ là cả phần 2 nữa nhưng vì không ấn tượng bằng phần 1 nên đến nay cũng không còn nhớ rõ) . Những phim khác đa phần chỉ xem qua loa, chủ yếu vì tính chất rắc rối và bi kịch của chúng.

      Cũng hy vọng DN sẽ thích phim này.

      Xóa
    2. K coi xong phim XÓM VẮNG rồi. Gam màu của phim và bối cảnh thật sự khó quên.
      Diễn viên trong phim ai cũng định hình cho mình nét riêng thật rõ ràng.

      Xóa
  2. Bài viết hay quá, mình coi phim này từ ngày còn bé, lớn lên coi lại cảm giác y như bạn... về từng nhân vật.. Và mình nghĩ nhân vật nào cũng tròn vai, ngay cả cô bé con như Đình Đình... Còn diễn xuất của 2 nhân vật chính thì ... như thể họ sinh ra để đóng vai này vậy, ... Mình coi vài phim khác của Tần Hán và Lưu Tuyết Hoa nhưng đều không thích bằng phim này. Đây là bộ phim không bao giờ nên làm lại nữa, cho dù kĩ thuật làm phim, bối cảnh, kịch bản có cải tiến thế nào cũng không tìm đâu ra được Tần Hán và Lưu Tuyết Hoa để thể hiện lại cái tình yêu tha thiết ấy...

    Trả lờiXóa
  3. Tôi đồng cảm với bạn.Sẽ không có ai thay thế được TẦN HÁN và LƯU TUYẾT HOA!

    Trả lờiXóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...