Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Tiến sĩ của tương lai


Cách đây khá lâu, cậu ấy nói với tôi: hy vọng tôi vẫn tiếp tục học, học lên tiến sĩ. Lúc bấy giờ tôi đã cảm nhận sâu sắc việc học lên cao không phù hợp với mình. Tôi lặng lẽ nói không. Cậu ấy thì rất hăm hở. Quá trình của chúng tôi khác nhau, mục đích động cơ cũng khác nhau. Tôi đơn thuần hơn nhưng cũng quyết liệt hơn. Sau đó luôn cảm thấy buồn phiền mỗi khi nghĩ về. Kết quả là không muốn đi lại con đường trước đây.

Chúng tôi không gặp nhau. Cậu ấy sống và làm việc ở Cần Thơ, nơi cậu ấy cho rằng người ta sống chan hòa tình cảm hơn thành phố này. Tôi thì vẫn ở chỗ của mình, vật vã với đời sống trì trệ. Thi thoảng cậu ấy gọi điện. Có những cuộc nói chuyện dài. Cậu ấy vẫn vậy. Là một thanh niên tương đối hiền lành. Luôn tập tành thích nghi với đời sống, thường nói về hiện thực thối nát – từ mà cậu dùng -  trong ngành nghề của mình với thái độ chấp nhận, và xây dựng tôn chỉ sống làm sao để không ai ghét mình. Tôi không có gì bất mãn với cậu. Khi có thể, vẫn khuyến khích, động viên cậu trong ý nghĩa mong cậu đạt được thành công mà cậu mong đợi. Chỉ là tôi không sống theo cách của cậu được. Có lẽ đến hôm nay tôi có thể chốt hạ là tôi cũng chẳng biết phải sống thế nào. Chỉ là cứ sống thôi, và không theo cách của cậu được.

Chúng tôi gặp nhau khi theo học cao học nên từ đầu đã là hai con người đi những con đường khác nhau, tôi cũng không nghĩ sau này có cơ hội gặp lại dù giữa những lần liên lạc, có lúc chúng tôi vẫn hẹn nhau một dịp nào đó. Tôi cũng hiểu, dù trong lòng cậu giữ những suy nghĩ tốt đẹp về mình, không phải không có lần tôi khiến cậu sượng vì những suy nghĩ thẳng thắn không giấu được. Cậu cũng từng nói với tôi, rằng tôi phải bỏ đi tính cố chấp của mình và biết sống “thích nghi”, rằng người ta được thì mình được…  Những lần nói chuyện, lần hồi mọi âm thanh trong con người tôi đều vụt tắt hết cả. Dù tôi buộc tôi phải hiểu, với tôi, cậu tràn đầy thiện chí.

Bẵng đi rất lâu, khi đời sống trôi theo cách tôi ngày càng chìm lấp trong đời sống ấy, tôi nhận được điện thoại của cậu. Cậu chuẩn bị nộp hồ sơ nghiên cứu sinh và hỏi tôi đôi điều về một người cậu cần liên hệ. Cậu xin tôi số điện thoại của người đó. Tôi nghe ở đầu dây bên kia tiếng cậu kêu “trời” khi tôi nói rằng tôi đã xóa số điện thoại ấy từ lâu rồi. Cậu kể cho tôi nghe vài chi tiết về lời khuyên cậu nhận được và phải làm theo nếu muốn đeo đuổi việc học lên tiến sĩ. Tôi chẳng thể làm gì ngoài động viên cậu. Rằng cậu khác với tôi, cậu sẽ ổn với con người đó.


Một buổi chiều cậu ấy ngồi ở trước mặt tôi. Tôi bất ngờ khi nhìn thấy cậu, vì cách cậu xuất hiện, vì cậu đen và gầy hơn trước, vai mang một ba lô to quá khổ, nhìn vô cùng vất vả. Rất lâu, chúng tôi có dịp trò chuyện trực diện. Tôi nghe cậu kể đôi điều về dự định học hành của cậu. Những bước khởi đầu dường như thuận lợi nhưng cũng chưa dám chắc điều gì. Bởi…Trong lúc im lặng lắng nghe, tôi vẫn mường tượng ra được phong cách mà tôi từng biết đấy, vẫn những lời nói suông, vẫn kiểu cách thật giả khó lẫn được với ai… Tôi thở dài và rồi lại động viên cậu. Dẫu sao có những tín hiệu đáng lạc quan. Rằng cậu được tiếp đón niềm nở… Khi nói với cậu, trong lòng tôi nghĩ đến những bông hoa. Những bông hoa trong trái tim người, nở rộ thuần khiết khi con người trao nhau những tình cảm chân thành. Nhưng rồi tôi cũng hiểu, có những trái tim trong một kiểu quan hệ nào đó như quan hệ thầy trò, chỉ cần duy nhất một loài hoa. Hoa đồng tiền.

Tôi cũng ngạc nhiên về những gì một giáo sư đã khuyên nhủ  và căn dặn cậu. Nhưng chỉ trong tích tắc, tôi quyết định rằng mình chẳng nên ngạc nhiên về điều này. Ở tuổi 28, tôi có thể bị cho là giả bộ ngây thơ khi không hiểu điều đang diễn ra trong xã hội bình thường của chúng ta. Vấn đề là cậu đã chọn lựa. Và bởi cậu đã tỏ ra thích hợp thì tôi tin là cậu sẽ được chấp nhận. Như bao nhiêu người khác.

Khi ngồi trong buổi chiều ấy, lắng nghe người bạn học cũ nói về việc học và việc nghề của cậu ấy, tôi không tránh được suy nghĩ, rằng cậu đại diện cho một số đông trí thức nào đó, những người muốn đi lên trong xã hội bằng bằng cấp và để có bằng cấp, chấp nhận cách mà xã hội ấy mong đợi ở anh ta. Trong cách thức cậu làm việc, có thể tìm thấy cùng phong cách ấy nơi rất nhiều người sống trên đất nước này. Cậu bảo rằng không nên chăm chỉ và nhiệt tình trong công việc, chỉ nên chăm chỉ và nhiệt tình đối với những công việc có ghi nhận thành tích cuối năm và/hoặc ở trước mặt sếp. Lúc bình thường nên giữ một tốc độ làm việc bình thường, có thể “trốn” được thì “trốn”, đừng cố gắng bởi vì làm nhiều, làm ít lương cũng như nhau... Và trong cách cậu đang kiếm thêm cho mình một tấm bằng khác, rằng cậu trong tâm thế chuẩn bị hầu bao sẵn trong mọi dịp… Tôi nhớ lại những dịp tôi tụ họp bạn học trong quãng thời gian chúng tôi viết luận văn, điều được mọi người đem ra thảo luận nhiều nhất là sở thích của thầy cô…

Tôi biết rằng tôi không sống theo cách của cậu ấy được. Nhưng tôi cũng không mong cậu ấy sẽ khác đi. Thực trong thâm tâm, tôi tin rằng cậu ấy có điểm cốt lõi giống như tôi, chỉ là một người cố gắng để có được một đời sống tốt hơn. Và theo cách mà chúng tôi biết, bởi không thể dựa vào bất kỳ sự trợ giúp nào, chúng tôi đã chọn học vấn làm phương tiện. Tất nhiên, bên trong sự chọn lựa ấy, bao điều khó nói và hệ quả của nó, điều thi thoảng gặm nhắm tâm hồn tôi buộc tôi phải đánh giá lại sự chọn lựa của mình. Câu trả lời cho tôi có lẽ đơn giản rằng tôi đã sai lầm. Nhưng hoặc là sự cố chấp ăn sâu vào trong máu, hoặc là vì với tôi, nhìn lại quá khứ chỉ là một nỗ lực hủy hoại bản thân, điều tôi muốn làm chỉ là nhìn vào hiện tại và tương lai, nếu có ở đâu đó. Nhưng cậu ấy nhắc cho tôi nhớ đến. Có lẽ cũng giống tôi, cậu ấy nhanh chóng nhận ra rằng tấm bằng thạc sĩ chẳng là gì. Khác chăng, điều đó và nhiều điều khác thôi thúc cậu tiếp tục. Còn tôi đã ngừng lại. Ngừng hẳn.

Khi nhìn theo cậu, gầy gò trong chiếc ba lô quá khổ, tôi cũng không biết rằng hành trình của cậu sẽ dẫn cậu đến đâu. Và rồi khi có được cho mình tấm bằng tiến sĩ danh giá, cậu sẽ là một vị tiến sĩ như thế nào trong xã hội này. Nhưng tôi chúc cậu may mắn, tiến sĩ tương lai!

6 nhận xét:

  1. DN nhiều lúc cũng chán nản những cảnh đó ở các trường đại học . Cũng vì thế mà DN lại xem thường.
    Mấy đứa trong lớp đứa nào cũng đua nhau điểm chát, mà thực ra cái điểm đó quan trọng ko xứng đáng.
    DN học Y Huế.
    Năm đầu tiên vào học , tụi nó rủ nhau mỗi đứa đóng 50k để lấy đề thi . Còn búa xua chiện nực cười .

    DN thích VP lắm .
    Cậu bạn đó cũng là đang phấn đấu và phấn đấu để thoát khỏi " con người gầy gò và đen " ấy . Mỗi người một cách suy nghĩ VP nhỉ .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ, chẳng thể nào nói cho hết, cho rõ cái sự học ở nước mình. Có thể là hơi muộn khi chúng ta nhận ra thực tế ở cái tuổi như là "sự đã rồi". Cũng không biết thế hệ sau này sẽ thế nào. Chắc là VP chỉ biết chúc may mắn mà thôi, cho cả DN nữa : )

      Học không sai. Chỉ người học hoặc người dạy hoặc cả hai sai...

      Xóa
  2. VP dạo này công việc có thuận lợi ko? Hình như bạn đã đổi sang 1 công ty khác thì phải?! Thật sự cám ơn bạn đã luôn thăm mình nhé, dạo này mình ko thuận lợi mấy trong công việc, và cũng ít khi lên blogspot nữa. Chúc VP luôn vui vẻ nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình cũng thường. Cuộc sống vẫn vậy. Có lúc mong một tín hiệu tươi sáng nào đó. Nhưng, hì, thôi, cứ sống Cát à. Hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn...

      Xóa
  3. Tinh cờ vào tìm Hương Trầm của Nguyễn Tường Bách, và bản dịch Đối diện cuộc đời- Krishmamrti. Chi thấy được blog của em- Chi đã đọc được trích dẫn cuốn Đối diện cuộc đời và Tiến sỹ tương lai, chi rất thích vì đã tìm thấy đâu đó suy nghĩ của mình trong bài viết của em. Cảm ơn em nhiều.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu rồi em không thấy ai xưng "chị" trong blog này. Và thật tình là em thấy hơi vui : )

      Tuy không biết chị, nhưng mong chị bình yên và vui tươi!

      Xóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...