Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Báo chí không phải là một nghề, mà là thất vọng…



Khi gần bước vào độ tuổi 18, tôi cũng như hầu hết những học sinh ngồi trên ghế nhà trường, phải đối diện với sự lựa chọn cho tương lai. Chủ yếu là chọn thi vào trường đại học nào, sâu xa là chọn một nghề để làm sau này. Tôi là một học sinh nghiêm túc nhưng kỳ thực tôi không ý thức được tầm quan trọng của sự chọn lựa đầu đời này. Tôi hồ nghi rằng đa số chúng ta đều như thế. Khi nhận ra dễ thường thì đã muộn rồi. Cuộc đời đã lăn bánh, chúng ta đã ở trên tàu.

Tôi có được hai nguyện vọng, theo quy chế thi cử năm đó. Và tuy không tách rời mong muốn cá nhân, sự chọn lựa của tôi vẫn dựa nhiều vào sức học của mình đồng thời là điểm tuyển sinh của các trường qua các năm để áng chừng khả năng đậu, rớt. Tôi nghĩ thế đã là nghiêm túc và chín chắn lắm rồi. 

Nguyện vọng thứ nhất của tôi năm đó là Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn, khoa báo chí. Kế đến mới là Trường ĐH Luật. Thật ra tôi thích hai ngôi trường này ngang nhau. Và thích ở đây có nghĩa là thích mà chưa biết gì về cái mình thích. Nhưng thời điểm đó, ngành báo chí “hot” hơn và vì vậy suốt mấy năm liền, điểm tuyển sinh vào trường này luôn cao hơn trường luật. Cái gọi thứ tự nguyện vọng đơn giản được xác lập dựa vào điều này.

Kỳ thi năm đó, tôi đối diện với áp lực tâm lý mà khi nhìn lại tôi hiểu mình đã không vượt qua được. Giai đoạn gần kỳ thi, tôi đổ bệnh và càng nặng hơn khi ngày thi gần kề. Chính những triệu chứng sức khỏe tố cáo sự căng thẳng, sợ hãi của tôi và rồi cứ thế, tôi tự mình làm hỏng chuyện vào những thời khắc quyết định. Dẫu sao lần ấy môn Văn đã cứu tôi. Một khoảnh khắc tình yêu được đáp trả bằng tình yêu như thế thật hiếm hoi trong đời tôi (cười). 

Không vào được Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn, trong tôi ít nhiều có một sự thất vọng. Tôi thích viết lách và ngỡ rằng trở thành một phóng viên sẽ phù hợp hơn với mình. Vả lại, khi không nhìn thấy tên mình trong danh sách trúng tuyển theo nguyện vọng một, cảm xúc của bạn tự nhiên sẽ vô cùng lo lắng và hụt hẫng. Thông báo của ngôi trường theo nguyện vọng hai sẽ đến chậm hơn. Và bởi vì gia đình bạn cũng sẽ ngóng trông ngôi trường thứ nhất, thế nên, cái đến sau cuối cùng chỉ còn là cái để thở phào nhẹ nhõm. Không có niềm vui nào đáng kể sau đó. 

Đôi khi tôi hình dung, nếu tôi vào được ngôi trường thứ nhất hoặc tôi cùng lúc rớt cả hai trường, và phải chọn lựa giữa việc tiếp tục ôn luyện để thi vào năm sau hay theo học một nghề nào đó, tôi của bây giờ sẽ ra sao. Và nếu hình dung theo cách này, có lẽ tôi lại phải đặt ra giả thiết, nếu tôi chọn lựa ngành học khác đi thì sự thể bây giờ thế nào. Những giả thiết có thể kéo dài ra mãi  mà không bao giờ có đáp án. Mọi thứ đã xảy ra rồi và tôi không thay đổi được quá khứ. Quá khứ là một cánh cửa đã khép lại. Nhưng có những kẽ hở ở đâu đó. Và từ những kẽ hở ấy, thảng tôi nghĩ về sự chọn lựa đầu tiên quan trọng nhất trong cuộc đời của một con người ấy. Nếu chọn khác đi, hoặc đơn giản là con tạo xoay theo một cách khác, đời tôi có thể không tốt hơn nhưng sẽ hoàn toàn khác, sẽ hoàn toàn khác với bây giờ…

Nếu học báo chí, tôi sẽ ở trong một tòa soạn, là một biên tập viên cần mẫn và đầy chăm chút (hẳn nếu là một biên tập của một nhà xuất bản văn học, người có thể trao cho những bản thảo sáng tạo một sức mạnh hoàn toàn mới, thì càng thật vinh dự, thật hạnh phúc). Nhưng có lẽ một biên tập viên nào đó trên đất nước này có thể đang gào lên đầy cay đắng và bất hạnh về công việc của mình. Đời vốn như vậy, cỏ nhà khác luôn xanh hơn

Khi những tiếng nói của thực tế này len lỏi vào trong cả cách mà tôi đang tưởng tượng, tôi nhận ra: với những giấc mơ, tôi đã sống đủ lâu để không còn chỉ nhìn thấy ánh hồng trong mọi thứ…

Cũng xin đừng hiểu nhầm, nếu như tôi có vẻ đang cho thấy mình hối tiếc với chọn lựa đầu tiên của mình - cái cách mà nó đã xảy ra. Tôi không tiếc đã học luật. Trong hàng trăm ngàn nghề nghiệp, luật sư đã là nghề hiện diện sớm nhất trong trí óc của tôi. Và dẫu có thế nào thì tôi vẫn tin, ngay cả khi bạn không chọn luật là một nghề để theo đuổi thì việc trang bị kiến thức pháp lý là điều hữu ích đối với mỗi người. Tuy không nhất thiết phải theo học đại học nếu cuối cùng bạn không cần đến tấm bằng này. Có nhiều cách để học và cũng có nhiều sự chọn lựa bên cạnh một chương trình học kéo dài bốn, năm năm. 

(Nhưng cái việc vào được đại học ấy mà, nếu ngày nay vẫn được cho là rất cần thiết thì ngày đó còn là yêu cầu bức thiết thế nào. Khi có người dùng từ “mùa tử tự” để ám chỉ mùa thi đại học hẳn bạn sẽ hiểu tầm quan trọng của việc vào được đại học).

Với báo chí, tôi vẫn là độc giả chú tâm và cũng sẵn mến yêu nghề này, một nghề gần với nghiệp viết. Từng khá chăm chỉ đọc báo giấy cho đến khi các tờ báo được phát hành đều đặn hàng ngày, thay vì hai – ba lần trong tuần, dẫn đến các tin bài không còn hay như trước và nhất là kể từ sau khi Internet bùng nổ, tôi hầu như không còn đụng đến báo giấy. Tin tức trên mạng phong phú và được cập nhật từng giờ phút, điểm này những tờ báo giấy không thể nào bắt kịp. Nhưng báo chí trên mạng giống như chợ trời tự do. Điều phối hữu hiệu của nó là sự tự chủ, kiểm soát, trách nhiệm và tính đạo đức của mỗi cá nhân trong việc đưa ra những sản phẩm văn hóa của mình thì sớm trở thành mong đợi hão huyền. Ở đây, người ta khai thác đủ kiểu thông tin và nhào nặn mọi thông tin theo đủ kiểu. Những áng lửa nhỏ thành vụ cháy lớn, đời sống cá nhân thành tâm điểm công cộng, người ta nói về đủ thứ, đủ thứ nhưng đôi khi và nhiều khi, ngoại trừ lương tâm và sự thật…
Khi nhìn vào thực trạng này, có lúc tôi thở phào vì mình không phải là một phóng viên. Trong guồng máy của những người làm báo, ít nhất là báo mạng, kiểu người như tôi dễ dàng bị đẩy sang bên lề. 

“Báo chí không phải là một nghề, mà là thất vọng… Anh dính vào rồi là không thể bước ra, nó là bãi sa lầy… Anh cứ lún dần, lún dần. Anh ghét nó nhưng anh không tự mình thoát ra được. Anh ghét nó và anh sẵn sàng làm bất cứ điều gì chỉ để có một tin sốt dẻo. Thức suốt đêm, tới những chỗ không thể tưởng tượng. Nó là một chứng nghiện.”*

Khi đọc mấy dòng này, tôi không thể ngừng việc ghi lại. Tôi không hiểu toàn bộ điều bên trong những câu nói ấy cũng như không thể hiểu tận tường ngóc ngách của nghề báo, một nghề mà tôi không làm. Tôi chỉ cảm nhận được sự thất vọng từ trong sâu thẳm. Và tôi ghi lại. Bởi tôi cũng cảm thấy nó trong trái tim mình…

Báo chí không phải là một nghề, mà là thất vọng…

---



*Trích Trò chuyện trong quán La Catedral – Mario Vargas Llosa

5 nhận xét:

  1. Vậy ra " Trò chuyện trong quán La Catedral " đã mang lại nhiều suy ngẫm cho VP như vậy.
    Lúc DN học lớp 10, ông Ngoại của DN từng nói : Muốn biết sự thật của lịch sử thì đừng chỉ tìm đến những ghi chép của chính quyền đang cầm quyền. Lịch sử còn chưa tin nổi huống chi là báo chí.
    Theo DN thì muốn làm một nhà báo thực sự cần phải hội tụ nhiều yếu tố vững vàng . VP cũng đừng vì những tiêu cực mà thất vọng với ước mơ tuổi 18 của mình, vì ước mơ của VP thật đẹp và DN ngưỡng mộ điều ấy bởi thật sự DN không có bản lĩnh để mà nghĩ tới nghề nhà báo. .
    VP đang gặp khó khăn gì ở nghề Luật sư sao ? Đó là duyên của VP với nghề ấy mà .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, không nhiều suy ngẫm đâu. Chẳng qua những đoạn hội thoại ấy giúp mình hoàn thiện những suy tư liên quan đến báo chí mà mình đang viết ra mà thôi...
      Ừm, VP cũng nghĩ không nên chỉ tìm hiểu sự thật qua những ghi chép lịch sử bởi đằng sau những ghi chép ấy là ý chí của nhà cầm quyền. Thật ra mình luôn thích văn học hơn. Nhiều khi chúng ta có thể tìm kiếm sự thật trong văn học, mỗi một cá nhân viết, đặc biệt là những người có tài, có tâm đều sẽ có thiên hướng cất lên tiếng nói tự do về thời đại họ sinh sống. Tất nhiên đây cũng không phải là cách thức đáng tin tuyệt đối, bởi lăng kính cá nhân không dại diện được cho tất cả...
      Thật ra bài viết này mình bày tỏ sự suy tư của bản thân ở tư cách độc giả của báo chí hơn là sự thất vọng của một người không theo đuổi được nghề báo. Nói rằng đó là ước mơ của mình thì không hẳn. Có lẽ mình không phải người sống có ước mơ, chẳng qua có một số việc muốn làm hơn một số việc khác và có vẻ như danh sách những điều dở dang của đời mình sẽ ngày một dài thêm (cười). Và nghề luật hay cuộc sống hiện tại thì... đôi khi mình nghĩ lần này mình sẽ chẳng vượt qua được khó khăn...
      À, học y và trở thành bác sĩ với mình là điều dũng cảm và đáng ngưỡng mộ hơn. Đừng nói rằng có lẽ sức học của DN phải rất tốt, đó là một nghề DN phải đối diện với sự sống-cái chết hàng ngày và nhiều khi chính Dn góp phần tạo nên sự sống hay cái chết. Với mình thì kỳ thực bác sĩ là một công việc đáng sợ.

      Xóa
    2. Nhiều khi chúng ta có thể tìm kiếm sự thật trong văn học, mỗi một cá nhân viết, đặc biệt là những người có tài, có tâm đều sẽ có thiên hướng cất lên tiếng nói tự do về thời đại họ sinh sống. Đúng
      Văn học nhiều khi chứa sự thật sống động hơn lịch sử
      Khi tôi Hoa Bươm Bướm và Trầm Mặc Cây Rừng của Võ Hồng mới thấy thực kháng chiến ở Nam Trung Bộ là thế nào và trùng lặp với nhiều điều người già kể lại nhưng không trùng với lịch sử

      Xóa
    3. "Thế giới xanh xao những sự thật gày gò...". Thật ra có rất nhiều việc đến cuối cùng cũng không biết đâu là thực, đâu là giả nữa...

      Xóa
  2. vi phong ơi, vi phong à, có khỏe k, có fb k ?

    Trả lờiXóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...