4.
“Này Y, em lấy anh đi!”
C, sau năm tháng nhìn Y héo mòn trong cửa hàng tạp hóa của cha mẹ cô, đề nghị cô lấy anh. Họ từng hẹn hò ăn tối với nhau vài lần, trong những dịp Y thoát được sự kiểm soát của ông bố hà khắc. Chưa thể gọi đó là tình yêu. Nhưng Y đã ba mươi tuổi và ở hầu khắp nơi trên đất nước này, phụ nữ ba mươi tuổi, chưa chồng, là đã quá già.
Bố mẹ Y phản đối khi C đưa bố mẹ anh đến thưa chuyện. Họ cho rằng như thế là quá vội vàng. Họ có một cô con gái đã ly dị chồng và không muốn có thêm một cô con gái ly dị chồng. Một là quá đủ. Y van nài. Nhưng không là không.
C buộc phải hủy tiệc cưới tại nhà hàng. Anh tiếc số tiền cọc, sự từ chối thẳng thừng của gia đình cô cũng khiến anh choáng váng và anh trút cả lên cô. “Nếu nó không thể đợi để được lấy mày, nó không phải là người dành cho mày”, bố Y nói, “Và chuyện cưới xin không chỉ là chuyện của hai đứa mày, nó là chuyện của hai gia đình”. Ông nhìn cô con gái út đe nẹt. Y hiểu bố cô có lý do để lo lắng nhưng cô mong muốn thoát khỏi bốn bức tường gia đình. “Cái cửa hàng tạp hóa quanh năm bốc mùi nhựa này đang giết mình”, ý nghĩ đó đeo đẳng Y và cô bám víu vào lời đề nghị của C như một lối thoát. “Nhưng giờ thì hết rồi”, cô tuyệt vọng và càng tuyệt vọng khi nhìn về quá khứ, cánh cửa cuộc sống dường như cứ đóng chặt trước cô vĩnh viễn. C đã tuyên bố không muốn gặp Y một thời gian. Một thời gian là bao lâu, cô hỏi và anh lạnh lùng quay đi.
Y nghĩ đến việc tự tử.
Cô nhắn tin cho bốn người chị gái, cùng một nội dung: “Em chẳng còn gì. Em quá mệt mỏi. Có lẽ cuộc sống không phải thứ dành cho em”. Trong lúc đi gom một lượng lớn thuốc ngủ từ những hiệu thuốc khác nhau, Y đợi điện thoại rung lên, cô nghĩ nó sẽ rung lên nhưng nó lại im lặng cả ngày dài. Y sũng trong nước mắt nhưng chẳng bao giờ cô đụng đến những viên thuốc ngủ.
Khi đó là tháng mười hai. Một năm lại mòn mỏi trôi đi. Thời gian mới quay về, ba năm trước, Y có thói quen nhắc đến Sài Gòn, như thể với cô, Sài Gòn đột nhiên trở thành ngọn lửa trong đêm tối. Rồi một ngày có người bảo cô đừng lải nhải mãi về Sài Gòn, rằng nếu yêu nó thì đừng quay về. Chị gái thứ hai của cô, kế thừa hoàn hảo sự khắc nghiệt của ông bố, vốn chẳng ưa thích cái việc cô quanh quẩn ở nhà – nó như dấu hiệu một ngày kia cô sẽ được thừa hưởng cửa hàng và thậm chí cả ngôi nhà. Lòng trắc ẩn đối với đứa con út lận đận bao giờ cũng trội hơn sự công bình cần phải có đối với những đứa con còn lại, có lẽ tất cả bọn họ đều nghĩ thế.
Y không còn nói về Sài Gòn. Cô đã chọn rời bỏ nó để hướng về cuộc sống ấm áp nơi quê nhà. Họ sẽ có một tổ ấm nho nhỏ - cô và T, người yêu cô ngày đó, chính anh cũng muốn quay về. Y không biết rồi chuyến trở về sẽ thành ra thế này. Cuộc sống sau đó chỉ là những ngõ cụt.
Những vết rạn bắt đầu từ bao giờ, đôi khi Y cố tìm kiếm. Có thể từ những năm cuối ở Sài Gòn, T ngày càng ít muốn gặp cô. Anh lấy lý do chạy xe từ Gò Vấp xuống quận 6 quá xa, việc học cùng việc làm thêm đã rút hết sức lực của anh. Vậy là điều ngược lại phải diễn ra, những ngày cuối tuần, Y chạy xe đến chỗ T, họ đi quanh thành phố, rồi cô trở về phòng trọ một mình. Việc đó kéo dài hơn hai năm, khi Y đã đi làm còn T phải học lại để được ra trường. Anh không còn chiều chuộng cô như trước và khô khan trong cả những câu nói. Y đã chẳng nhìn thấy gì như là dấu hiệu cảnh báo một tình yêu đang tàn lụi. Họ đã yêu nhau quá lâu, từ những năm cuối trung học. Và những ngọt ngào phải nhường chỗ cho sự thân quen, kèm theo nhàm chán, cô chỉ nghĩ đơn giản.
Sự thay đổi chỉ nhìn rõ được sau khi họ rời bỏ Sài Gòn.
Y không tìm được việc làm. Một thời gian dài như cả thế kỷ, cô cầm tấm bằng đại học đi khắp nơi và chính tấm bằng là vật đầu tiên sũng nước mắt của cô. Tương lai của Y bỗng thu hẹp trong cái cửa hàng tạp hóa chỉ lui tới bởi những bà nội trợ, những ông hàng xóm bụng phệ, đám trẻ vãng lai. Cô chỉ được an ủi với ý nghĩ cô vẫn còn có T, tương lai êm đềm cùng anh trong viễn cảnh hôn nhân. Nhưng T ngày càng xa lạ. Anh dường như phát chán với việc cô thất nghiệp.
“Bán tạp hóa không thể xem là công việc. Em là một cử nhân kinh tế, em từng làm việc ở ngân hàng, em có nhớ không?” T nói mãi, nói mãi với Y.
“Gia đình em từng sống tốt hơn hầu hết mọi người ở thị xã này nhờ cái cửa hàng tạp hóa đó. Trong khi gia đình anh chỉ vừa thoát nghèo, và chỉ về mặt giấy tờ.” Y bực bội nghĩ. Cô biết nếu cất lời sẽ làm T tổn thương nên tìm cách xoa dịu anh bằng những lời chính cô cũng chẳng mấy tin tưởng:
“Mọi thứ sẽ ổn thôi, một trong hồ sơ xin việc của em thể nào cũng đưa em đến với một công việc mới. Mà bố mẹ em cũng sẽ chẳng để em trắng tay khi chúng mình lấy nhau.”
Rồi sau đó, khi ấy với Y là đột ngột, một cú sốc trong đời, khi T bỏ rơi cô. Sự đau khổ của cô, trái tim tan nát, ý nghĩ muốn chết, những ngày dài lịm trong nước mắt – tất cả những buồn rầu đó, chẳng có ý nghĩa gì với anh.
…
Sau mùa xuân, Y tăng cân khá nhiều. Ban đầu cô nghĩ đó hậu quả của Tết âm lịch. Trong năm, người ta tổ chức ăn uống linh đình nhất trong dịp này. Từ sáng đến tối và từ nhà mình đến nhà họ hàng và bạn bè và láng giềng. Nhưng sự thiếu vắng những cơn đau bụng dưới nhắc cô nhớ rằng mình tắt kinh. Đã sang tháng thứ hai và bất giác Y lo sợ mình mắc phải chứng bệnh nghiêm trọng nào đó. Cô đã bước qua tuổi ba mươi và sau những mất mát, cô sợ hãi ý nghĩ đến sức khỏe cũng từ bỏ mình.
“Không có gì bất thường. Chỉ là em đã mang thai mà thôi.” Khi bác sĩ thông báo với Y, cô kinh ngạc thốt lên: “Không, không thể nào. Chỉ mới một lần mà thôi, không thể nào mang thai được”.
Chỉ một lần trong lúc hưng phấn khi cả hai cùng nhau vẽ lên cái kế hoạch về ngày thành hôn. Trong một nhà nghỉ rẻ tiền trên Phố cũ và lần đó, thảm hại, khi cả Y và C – hai con người không bị thiêu đốt bởi ngọn lửa tình yêu – cũng đã chẳng hiểu gì về cơ thể nhau. “Nếu đám cưới vẫn diễn ra thì đó quả là phép màu”, Y trộm nghĩ và quên phắt cái lần đầu tiên ấy của hai người. Bây giờ nó trở lại, dưới hình hài một đứa trẻ trong bụng cô.
“Chỉ một lần là đủ rồi”, bác sĩ nói, gắng mỉm cười.
Y cố giữ bình tĩnh. Nhưng những gì cô có thể làm là bấm số điện thoại của C. Anh đã không liên lạc với cô sau cái lần anh và bố mẹ mình gần như bị bố mẹ cô đuổi ra khỏi nhà.
Y mừng là C bắt máy. Và cô nói vội vàng, trong lo sợ.
“Em có thai rồi.”
Những giây im lặng trôi qua cho đến khi C buột tiếng “Ờ” không kèm theo cảm xúc nào đặc biệt.
“Bây giờ phải làm sao? Em, em… và chúng ta?”
Kịch bản tiếp theo sẽ thế nào, C sẽ mừng rỡ hay anh sẽ chối bỏ, Y không đoán nổi. Nhưng cô thở phào khi cuối cùng điều cô nghe được từ C, khô khốc nhưng đáng tin cậy, cái khả năng mà cô mong đợi hơn cái còn lại, ít ra là cô không phải bỏ đứa bé.
“Còn làm sao nữa, thì lấy nhau thôi.”
C lại lôi bố mẹ đến nhà cô. Và lần này, Y nép sau cánh cửa nhà trong, tự nhủ sẽ làm bẽ mặt bố mình bằng cái thai trong bụng nếu ông tiếp tục cư xử thô lỗ. Nhưng mọi chuyện bỗng tiến triển thuận lợi hơn cô tưởng. Chẳng còn ai phản đối. Mấy cô chị gái và đám anh rể còn tiếp thêm lời để Y sớm được gả đi.
Đám cưới diễn ra chớp nhoáng, như một thủ tục chỉ để trao tặng cha mẹ hợp pháp cho cái thai trong bụng. Không có chút thiêng liêng bẽn lẽn nào trong cái ngày trọng đại đó. Chỉ có nỗi mệt nhoài khiến Y và C lăn ngay ra ngủ sau khi đã đếm tiền và ghi lại trên giấy số tiền mừng của từng vị khách.
Sau đám cưới, Y dọn về nhà C. Bố mẹ anh nghỉ hưu đã lâu nhưng họ nhận trông mấy đứa trẻ hàng xóm để có thêm thu nhập. C làm việc trong một hãng giày. Công việc của anh là thiết kế khuôn mẫu. Anh không có anh chị em và việc làm dâu của Y chẳng gặp khó khăn nào đáng kể.
…
Khoảng hai năm sau, Y bận bịu với việc làm mẹ và giữ chân thư ký trong một công ty sản xuất nước ngoài; vào một buổi tối mùa hè, cô nhận được điện thoại của T. Tuy đã xóa khỏi danh bạ, cô chẳng bao giờ quên được dãy số cô đã từng bấm gọi nhiều lần trong nhiều năm. Ngày Y lấy chồng, mẹ cô đã dặn: “Con đã trở thành vợ người ta, đừng bao giờ dây dưa với quá khứ”. Nhưng rồi Y vẫn lướt vào nút trả lời.
T hỏi cô, với âm giọng trầm ấm của những năm đầu yêu nhau:
“Em có hạnh phúc không? Chồng em có làm em hạnh phúc không?”
Bảy tháng sau khi bỏ Y, T gặp một tai nạn bất ngờ khiến anh nằm bẹp suốt hai tháng trời. Chị gái T tìm gặp cô, nói với cô anh đang rất cô đơn và cần người chăm sóc, rằng nhà quá neo người và hy vọng cô có thể ở bên anh. “Chuyện của hai đứa sẽ khác đi. Chị vẫn mong hai đứa thành một đôi. Chị không hiểu tại sao nó làm việc ngu ngốc đó. Không có cô gái nào có thể tốt với nó hơn em”. Y bỏ mặc những lời can ngăn, cả ông bố độc đoán cũng không thể làm cô lung lay, cô phải ở bên T.
Trong những ngày đó, có lần T nắm tay Y và nhìn cô tha thiết.
“Có những thứ khi mất đi rồi mới biết quý trọng”, anh nói. Và có lẽ anh sẽ khóc nếu như Y không ngăn anh. Cô biết, trong thẳm sâu lòng mình, cô vẫn yêu anh. Chẳng có ai gần với định nghĩa về hạnh phúc với cô như anh. Anh thuộc về những năm mà trong Y, tình yêu là chẳng cần gì ngoài hai con người yêu nhau; những năm mà tình yêu là tất cả - can đảm, ngây thơ, đắm say, vô điều kiện.
Khi thương tích lành hẳn, T bỏ Y, một lần nữa. Anh nói nhà anh nghèo và anh không đủ giỏi. Y từng nghĩ mình đã cạn nước mắt nhưng nước mắt cô vẫn tuôn rơi, như những cơn mưa tràn trề tháng bảy.
“Anh ấy là người tốt”.
Y đáp gọn và cúp máy.
Tem cho chị nhé. Tối đầu tuần an nhiên ạ
Trả lờiXóa