Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Thời gian...


Tôi đang đọc cuốn Những đứa con của nửa đêm, cuốn sách dày cộm được đặt đầu giường cả tháng nay. Chỉ đang ở những trang 50-51, và có thể nói là nó có một khởi đầu, tuy hơi rối rắm nhưng đan xen những dòng văn khá hài hước.

Trước cuốn này, tôi đọc Từ thăm thẳm lãng quên, và tôi nghĩ cần phải ghi lại đôi dòng về tiểu thuyết của nhà văn Pháp đoạt giải Nobel văn chương năm 2014 – Patrick Modiano (chả hiểu sao tôi hay nhầm thành Mobiado, nếu không lầm, là một nhãn hiệu điện thoại hạng sang). Cái tin nhà văn đoạt giải Nobel tôi đọc thấy khi đang nghiền ngẫm cuốn Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối. Một sự trùng hợp (rồi sau đó Nhã Nam phát hành liền thêm hai cuốn tiểu thuyết của ông). Có lẽ cần có thêm Phố của những cửa hiệu u tối rồi ghi lại cảm nhận một thể  - bộ ba này được nhắc đến cạnh nhau, cùng là những tiểu thuyết ngắn với cảm thức về quá khứ, sự trôi giạt, sự mất mát. Nhưng thời điểm này có thể mua Phố của những cửa hiệu u tối nữa không thì tôi không chắc. Xuất bản sách giấy rơi vào một nghịch lý lạ lùng: ở mặt bên này, bạn thấy người ta than van nó gặp khó bởi sách điện tử (trên hết là tình trạng xâm phạm bản quyền trên mạng cũng như từ mấy lò sách in lậu); nhưng ở mặt bên kia, lượng sách phát hành vẫn bán hết veo (và tôi nghe rằng, lượng phát hành trên thực tế luôn nhiều hơn so với số bản thống kê chính thức in ở trang đầu hay cuối cuốn sách - có thể chỉ là lời đồn nhưng là một lời đồn kỳ lạ, ta không biết phải cười hay khóc khi nghĩ đến nó, cái phần trăm mà lời đồn đó có thể là sự thật).

Tôi gặp khó khăn với cuốn Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, ở những cái tên và địa danh tiếng Pháp. Tôi luôn sẵn có một câu trả lời, đơn giản thôi “Paris, Pháp” khi ai đó hỏi tôi muốn được đặt chân đến đâu. Mười mấy năm trước hay mười mấy năm sau, cái từ đó vẫn phun ra mà chủ nhân của tiếng nói vẫn chẳng biết tại sao và thậm chí chẳng mảy may bận tâm đến việc tìm hiểu về cái mình đang nhắc đến. Để rồi khi phố xá, quảng trường, những nơi chốn, những con đường giăng mắc trong cuốn sách mỏng của Patrick Modiano, tôi choáng váng. Tôi sẽ lạc mất thôi. Tôi thậm chí còn không thể phát âm cho ra hồn, đừng nói đến việc tôi sẽ nhớ. Dĩ nhiên, ở khía cạnh này, cuốn tiểu thuyết của Patrick Modiano thật dễ nể. Như một tấm bản đồ được phả vào sự sống, những nơi chốn được tỉ mỉ gọi tên, trong sự gắn kết xúc cảm của những con người đã đến, đã đi qua, đã trốn chạy: nếu Paris trong thực tế chẳng biết từ đâu và từ bao giờ đã vốn được khoác tấm áo huyền thoại, rất có khi đẹp hơn chính nó thì Paris của Patrick Modiano cũng chân thực, rắc rối, không ít bí hiểm, nơi mà dường như cứ khiến người ta phải buông mình vào ký ức. Tôi sẽ lạc, tôi nghĩ, nếu quả thật có ngày tôi đặt chân đến Paris.

Từ thăm thẳm lãng quên là một câu chuyện liền mạch hơn, dẫu những mảng ký ức được cắt lát ở những đoạn thời gian khác nhau. Câu chuyện không bị chia cắt bởi những tuyến nhân vật, những giọng kể và cũng ít làm phiền tôi bởi sự rắc rối về ngôn ngữ (một phần câu chuyện diễn ra trên đất Anh, và những nơi chốn, dù vẫn được tỉ mỉ gọi tên, cái phông nền Paris hẳn là nơi thân thuộc với nhà văn, lần này lại ít gây phân tán tâm trí người đọc). Tôi có chút ý nghĩ là tôi thích cuốn này hơn cuốn kia. Lý do hoàn toàn dễ hiểu: như gặp lại người bạn cũ, và lần này bạn ít rối rắm hơn, dù vẫn buồn như thế. Tôi cũng cảm thấy khá thú vị khi nhân vật tôi, ở quãng tuổi trẻ của mình, cậu bán dạo sách để kiếm sống (chính xác là cậu mua những cuốn sách ở hiệu này rồi bán cho những hiệu khác) – đôi khi tôi cũng tưởng tượng mình như thế (hị hị). Tôi đã đọc một cuốn sách có cái nghề bán sách cũ và thậm chí có một nghĩa trang của những cuốn sách bị lãng quên, và giờ tôi có một cậu trai bán sách dạo. Không có gì minh định về cậu, cậu trống rỗng và dường như phiêu bạt suốt cuộc đời. Không có lý do cho sự trốn chạy của cậu, như thể đó là bản tính tự nhiên. Và những nhân vật của Modiano, ít nhất trong hai cuốn tiểu thuyết này, có cùng đặc tính: dường như không có lịch sử, cũng không có tương lai, ở những khúc quanh, họ bước vào đời người khác với những cái tên mà không chắc là tên thật, rồi bỏ đi một lúc nào đó, không danh tính, không địa chỉ, thứ còn lại chỉ là ký ức, những kỷ niệm, vừa sắc nét vừa mờ mịt.

Có lẽ có sự liên quan giữa hai cuốn tiểu thuyết với nhau, vài cái tên lặp lại (và tôi tự hỏi có phải cùng một nhân vật không?). Rất có thể Từ thăm thẳm lãng quên được viết trước và tôi cũng cho rằng bạn nên đọc cuốn này trước cuốn kia. Theo trình tự này, biết đâu tôi đã hiểu Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối tốt hơn. Một điều tôi đặc biệt ưa thích ở Patrick Modiano, ngoài bản chất văn chương, là cách nhà văn đặt nhan đề cho sách của mình. Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, Phố của những cửa hiệu u tối, Từ thăm thẳm lãng quên. Chúng đều rất giàu sức gợi. Và Modiano là tiểu thuyết gia có thể viết những tiểu thuyết không quá dài, thậm chí rất ngắn. Ông là một minh chứng, tiểu thuyết hay không cứ phải đồ sộ.


Sau cùng thì không phải phim ảnh hay bất kỳ điều gì có thể làm tôi bình tâm. Tôi ở trong một khoảng thời gian không dễ chịu. Một tháng 9 của nỗi buồn, trong ngày dài, trong buổi chiều, trong bóng đêm. Tôi nghĩ tôi phải bỏ đi, tôi có thể sống ở bất cứ đâu, nghĩa là chết ở bất cứ đâu, trừ nơi tôi gọi là nhà. Nhưng. Tất nhiên rồi, như tôi biết hoặc dặn mình phải biết, mọi thứ đều qua đi. Tôi đọc sách. Vài cuốn nữa khác nữa, có tập truyện ngắn của Trevor. Tôi luôn muốn đọc nhiều tập truyện ngắn hơn. Một tập truyện ngắn khó đọc gấp nhiều lần so với một tiểu thuyết dày, vào cái ngày nhận ra điều đó, tôi quyết định là tôi sẽ phải đọc nhiều tập truyện ngắn hơn. Rồi hệ quả của việc đọc, tôi biết, viết. Viết bất cứ điều gì, như đang viết. Để tôi có thể trút bỏ hơi thở muộn phiền, cùng với nó...

"Nỗi đau ngày hôm nay mang lại sẽ không dễ qua đi... Và họ đau đớn bởi nỗi đau cũng là một phần của cuộc đời."*

...

* Từ một truyện ngắn của William Trevor

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...