Tôi nhuộm tóc, màu xanh lá cây. Đùa đấy, í tôi là màu vàng. Ha ha, vẫn đùa thôi, như vẻ mặt người thợ tóc khi hỏi: “Em tính nhuộm màu gì? Màu vàng à?” Khi đó cô thợ phụ giãy nảy “Làm sao chị ấy có thể nhuộm màu vàng được”. Và rồi mấy người họ không ngừng tranh luận về việc đó, cứ như đang nhuộm tóc của chính mình. Mãi tôi mới nói được, tựa hồ một người không liên quan, tôi thường nhuộm tóc màu nâu hạt dẻ và tối đến mức không ai phát hiện tôi nhuộm tóc; bây giờ tôi muốn một màu nâu sáng hơn, làm sao che được mớ tóc bạc của tôi, nhưng đừng biến tôi thành một bà già. À à, giải thích một chút, kẻo mọi người hình dung tôi lụ khụ như bà cụ đã trải tám mươi mùa xuân. Tóc tôi bạc từ những năm tôi còn rất nhỏ, mới có mười mấy tuổi đầu. Theo thời gian, tóc bạc nhiều lên chứ không ít đi, như những nếp nhăn trên vỏ não, như nỗi buồn. Nếu tôi có thể sống đến tuổi già thì đây là may mắn của tôi, tôi sẽ không thấy sốc khi nhìn thấy mớ tóc bạc trên đầu mình. Tôi có đủ sốc rồi, tôi còn chẳng đếm nổi.
Bây giờ tóc tôi có màu nâu nhưng không biết nên gọi cụ tỉ là màu gì. Người ta bảo nam giới nhận diện màu sắc dở hơn nữ giới. Ví dụ với màu xanh, có đủ loại màu xanh, phụ nữ phân biệt chúng, nào là xanh da trời, xanh nước biển, xanh ngọc, xanh cô ban..vv..; đàn ông sẽ gọi tất cả chúng là màu xanh, hết. Ở góc độ này, ấy thế, tôi nghĩ tôi không có được cái nhìn của phụ nữ, như đáng lẽ phải có. Màu nâu, hẳn cũng có đủ loại màu nâu, nhưng tôi chỉ biết gọi là màu nâu. Nếu phải mô tả nhiều hơn để có thể phân biệt, tôi chịu thua. Tôi nghĩ màu tóc mới nhuộm, tôi không chắc là đẹp, mang đến một vẻ mới mới, kiểu tóc tôi muôn đời như một. Cũng tốt. Cuộc sống đôi khi cần cái mới hơn là cái đẹp. Con người vẫn thế.
Sài Gòn có những ngày nắng chói chang, cái nắng điên rồ như muốn nung chảy mạng lưới những bức tường bê tông trong thành phố và lại có những ngày mưa như trút, vào sáng sớm hay cuối chiều, hạt mưa rơi thẳng đứng, ken dày trắng xóa. Bây giờ là tháng 9, thời tiết không đẹp hơn. Việc trông coi sạp hàng ở chợ khiến da dẻ Mỹ Mỹ đen hơn. Nhưng tinh thần cô khá tốt và cô tăng cân trở lại. Mười một hay mười hai năm trước, có lẽ tôi không hình dung Mỹ Mỹ sẽ gắn với sạp hàng này, như mẹ cô đã gắn với nó suốt đời. Hẳn Mỹ Mỹ cũng không nghĩ thế. Có lần cô kể, cô tình cờ nối lại liên lạc với một người bạn học chung hồi cấp hai. Anh ta tỏ ra thích cô. Nhưng khi anh ta biết, cô hiện làm gì, không một lần anh ta gọi cho cô nữa. Tôi im lặng. “Bạn phải cám ơn hắn vì đã làm thế”, Mỹ Mỹ nói. Tôi gật đầu. Chúng tôi ăn ốc và tán chuyện. Thi thoảng phá lên cười. Gió thổi từ hướng sông mát rượi.
Nghe lại mấy bài hát Việt, phát hiện những bản nhạc về mùa đông tôi có rất ít. Hình như mùa thu được ưu ái hơn, trong âm nhạc cũng như trong thơ ca. Thử nhớ xem mình nhớ được bao nhiêu bài hát có mùa thu trong đó:
1. “Mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ/Trời chiều man mác buồn nát con tim…” Bài này là Thu Sầu, ca sĩ Ngọc Lan hát. Giọng cổ mỏng, thanh; mỗi lần nghe, tôi thường sợ giọng hát đó, như sợi tơ, có thể đứt bất cứ lúc nào, nhưng trái với hình dung, nó ngân vang, ngân vang mãi. Một lần ở chương trình Gương mặt thân quen, ca sĩ Vy Oanh hóa thân thành Ngọc Lan, hát bài Mưa trên biển vắng. Máy quay lướt hình về phía khán giả. Có ai đó khóc.
2. “Mùa thu về đây mưa phùn rơi ướt đôi vai gầy/Mùa thu về đây riêng mình ta cùng với trời mây…” Một tình khúc của Ngô Thụy Miên, tôi nhớ không lầm, Một Cõi Tình Phai. Tôi ít thích sự điệu đàng trong giọng ca Khánh Hà (với tôi, nó chỉ dễ chịu hơn so với Ý Lan) nhưng Khánh Hà hát Một Cõi Tình Phai tiết chế vừa phải sự nữ tính của mình. Bản nhạc rất bay bổng, với khung nền không thể lãng mạn hơn: Paris, nước Pháp.
3. “Chiều mưa không có em bờ đá công viên âm thầm/Chiều mưa không có em giăng mắc mây không buồn trôi/Gọi mùa thu lãng quên vào tiếng mưa rơi êm đềm/Trời còn mưa ướt thêm cho dài ngày tháng không tên” Mùa Thu Trong Mưa, Lệ Thu hát. Tôi còn nghe cô hát nhiều bài có mùa thu trong đó. Bài nào cũng hay. “Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng/Chiều đong đưa những bước chân đau mòn/Chợt nghe mùa thu bay trên trời không/Còn ai giữa mênh mông đời mình…” (Xin Còn Gọi Tên Nhau). “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa" (Thu Hát Cho Người). “Phương trời mình đi xa thêm xa/Nghe vạn mùa thu sau lưng ta/Em ơi, em ơi, thu thiết tha...” (Tình Lỡ). Bài nào cũng buồn. Lệ Thu, trong cách hát, thường có lúc gằn giọng, bộc lộ sự giằng xé, đau xót ở những đoạn, những từ nào đó rất riêng. Bạn có cảm giác như mình đột nhiên rơi từ trên cao xuống, tựa một cơn co thắt dạ dày, buồn ghê lắm.
4. “Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng/Và lá rụng ngoài hiên, nghe tên mình vào quên lãng, nghe tháng ngày chết trong thu vàng…” Một bản nhạc của Trịnh, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Khánh Ly hát. Dạo gần đây cô có ra hồi ký. Tôi chưa đọc tuy trong quá khứ, từng biết vài bài viết của cô, và mến mộ chất văn đó. Từ ngày cô đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam, báo chí hay đăng tản mác những bài phỏng vấn cô, chủ yếu về các cuộc tình. Tôi nghĩ khi dõi nhìn vào đời ai, tôi có cái nỗi sợ là mình sẽ thích họ hơn một chút hoặc ít thích họ hơn một chút. Một chút đó, với tôi, có khi là rất nhiều.
5. “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo/Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi…” Mùa Thu Chết, không thể quên bản này, với giọng ca Bằng Kiều.
6. “Một mai em nhé có nghe thu về, trên hàng lá khô/Ngàn sao lấp lánh, hát câu mong chờ, em về lối xưa…” Riêng Một Góc Trời. Bản này đúng ra hội đủ bốn mùa. Và bốn mùa đều hiu hắt, lạnh lẽo, cô đơn. Phong thái và chất giọng Tuấn Ngọc có cái mỏi mệt, ông giống như sinh ra để hát tình khúc này.
7. “Chỉ còn một chiếc lá cuối thu mỏng manh/Chỉ còn một mình em xót xa chờ anh… Và rồi mùa thu qua trống tênh buồn vui…” Khoảnh Khắc, bản này nghe quá lâu đến nỗi tôi không còn nhớ lần đầu nghe là lúc nào và như thế nào…
8. …
Đôi khi đi trên đường, dưới lớp khẩu trang, tôi khe khẽ hát. Những câu đứt đoạn, vì tôi ít thuộc hết lời. Và tôi hát dở, nên kể cả không ai nghe, tôi vẫn hát thật nhỏ. Tôi nghĩ việc này có chút nguy hiểm. Khi để tâm vào bài hát hay bất kỳ điều gì khác ngoài việc điều khiển xe, bạn có thể gây tai nạn như chơi. Nhưng đi trên đường thì chán lắm. Những ngã tư, tín hiệu đèn giao thông, và nườm nượp những dòng xe. Mỗi ngày tiêu tốn chừng đó thời gian vào cái việc không có vẻ gì truyền cảm hứng – di chuyển từ nơi này sang nơi khác, với nón bảo hiểm trên đầu, mồ hôi mướt người hoặc gặp mưa thì phố xá càng là nỗi ám ảnh. Có lần dừng đèn đỏ, tôi nghe thấy giọng hát một người đàn ông. “Chỉ còn gần em một giây phút thôi. Một giây phút thôi là xa nhau rồi…” Quay sang thấy người bên cạnh, đeo tai nghe, và hẳn đang hát theo chính bản nhạc đang nghe, không ý thức được là giọng của mình mỗi lúc một to. Anh ta ngồi trên chiếc xe gắn máy cũ, loại dùng để chở hàng, và cũng đang chở lỉnh kỉnh những thùng hàng, có lẽ là rau củ hay phế phẩm. Cả cái xe và con người toát ra sự vất vả, nhưng hai tai nghe nhét nơi lỗ tai và sự thả mình theo âm nhạc lại đem đến một cảm giác trái ngược hẳn. Anh ta yêu đời hơn mọi người đứng chờ đèn đỏ khi đó, kể cả khi giai điệu anh ta hát là một bản Bolero buồn. Có thể nơi anh ta cũng tiềm ẩn nguy hại, thói lơ đãng là mầm mống của rủi ro. Nhưng sự di chuyển trở nên dễ chịu theo cách đó. Có lẽ để sống và để chết, con người cũng cần sự lãng mạn, tôi nghĩ. Và tôi khe khẽ hát...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét