Cuối cùng cũng đọc xong. Dài quá, tôi nghĩ, cả trong quá trình đọc lẫn khi đọc xong. Nửa năm, và giữa chừng là mấy cuốn khác, chủ nhật rồi tôi mới đi đến trang cuối cùng. Một ngày cuối tuần nhiều mưa, và chẳng có cách nào chống chọi sự buồn chán bằng cách đọc một cuốn sách… Dẫu đó là một cuốn sách, khi đọc xong, tôi phát hiện nó buồn quá thể…
Tôi nhớ bộ phim cùng tên, tuy không hẳn là fan của phim này, khi ấy tôi còn quá nhỏ, song những ấn tượng đọng lại chưa phai mờ: Mecghi rực rỡ, đầy quyết liệt và cứng cỏi – như một con chim sẵn sàng chịu chết; và ở thế đối lập, cha Ralph trầm tĩnh, chừng mực và đầy lảng tránh – một con chim ẩn mình chờ chết. Điện ảnh đã chọn những gì đắt nhắt, điều này không hẳn không có lý. Người xem muốn một câu chuyện tình yêu đầy ám ảnh thì họ đã có nó. Tiểu thuyết kể một câu chuyện rộng hơn, một lịch sử về gia đình Kliri. Có lẽ vì vậy mà tình yêu của Mecghi và cha Ralph dường như ít đau đớn hơn so với phiên bản điện ảnh, nhưng tình yêu ấy buồn, nỗi buồn dai dẳng, đậm sâu như chính số phận mỗi con người trong gia đình Kliri ở vùng đất khô nghiệt Đrôghêđa, như màu tro của hoa hồng, cái màu áo Mecghi mặc khi nàng đã về già…
Colleen McCulough xây dựng một cha Ralph quá hoàn mỹ, mà vẻ điển trai đĩnh đạc của diễn viên Richard Chamberlain năm nào hóa ra cũng chưa đủ. Không chỉ thế, cha có tài năng của một nhà ngoại giao, một người thông minh, bản lĩnh, tự chủ và đầy lý trí. Và cha sẽ mãi như vậy, nếu không có Mecghi. Mecghi phá vỡ sự cân bằng tỉnh táo trong Ralph. Chỉ với Mecghi, người ta thấy Ralph vẫn là một con người mà trước sự rung động, ông đầu hàng, dù chỉ trong những khoảnh khắc. Trong trí nhớ của tôi, cha Ralph trong phim “nhát gan” hơn. Trong tiểu thuyết, Ralph không phủ nhận tình cảm của mình. Ông chỉ không chọn tình yêu với Mecghi, và không phải vì ông “nhát gan” hay vì tình yêu với Chúa quá lớn, mà vì ông không muốn đánh mất những gì mình đã có, sẽ có nếu chọn Mecghi, thay vì chức phận của mình (vả chăng, nếu chọn Mecghi, ông chỉ có nàng, nhưng chọn danh vọng, trên thực tế Ralph có cả hai). Mecghi trong tiểu thuyết, ngược lại, dường như ít rực rỡ hơn so với hình ảnh Mecghi của nữ diễn viên Rachel Ward, cũng ngây thơ và dịu dàng hơn. Tôi nhớ sự ngoan cường của Mecghi trong phiên bản điện ảnh, nàng làm chủ số phận mình, đấu tranh cho tình yêu, thứ tình yêu mãnh liệt, pha trộn giữa đắm say và thù hận. Mecghi dưới ngòi bút của Colleen McCulough da diết, tha thiết không kém, song ở những khúc quanh nào đó, nàng xuôi theo dòng chảy định mệnh. Nàng mang trong mình nỗi buồn nhiều hơn là sự đau đớn phẫn nộ và kể cả khi nàng căm thù thì nỗi căm thù ấy cũng mang dáng dấp của một nỗi buồn lặng yên. Và nàng cuối cùng đã chọn sống bằng cách ngắm nhìn nỗi buồn của mình, chấp nhận suy tàn cùng nó trong đời sống cô quạnh ở Đrôghêđa…
Tiểu thuyết, như giới thiệu, thực chất là một Saga về gia đình Kliri, một Saga buồn. Đúng dịp Tết thì tôi đọc đến đoạn Petxđi và Xtiua chết. Tôi đã dừng đọc cuốn sách lúc đó một thời gian. Đến khi đọc xong, tôi đã nói là cuốn sách này buồn quá thể, nghĩa là hầu như chẳng có mấy ai trong số những nhân vật hạnh phúc. Colleen dựng nên những thế giới tâm hồn rất riêng, mà dường như chỉ có duy nhất mỗi người tự hiểu được mình. Và xuyên suốt tiểu thuyết là những số phận mà người đọc thấy buồn đến không thốt nổi nên lời. Duy có Jaxtina, nhân vật nhiều sức sống hơn cả, kế thừa những đặc tính của cả mẹ và bà ngoại, cô hẳn từ đầu đã ý thức được nỗi buồn thấm sâu trong từng mạch đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Ngay khi có thể, cô tung cánh khỏi vùng trời Đrôghêđa. Và may mắn hơn, cô có Liôn yêu cô bằng một tình yêu kiên trì, quả quyết. Jaxtina là hy vọng. Trong cô, ánh sáng của Mecghi, của Fiona sẽ không bao giờ tắt… Còn Đrôghêđa, Đrôghêđa mãi còn đó những con người đã yêu và yêu đậm sâu. Dẫu là những tình yêu dang dở và những cuộc đời dở dang…
---
P/s: Đang đọc sách thì được tin tác giả của nó qua đời, một ngày của tháng 01 năm 2015. Thú nhận là trước đây tôi vẫn ngỡ Colleen McCulough là một trường hợp như Margaret Mitchell. Mãi đến lúc đó tôi mới biết sau Tiếng chim hót trong bụi mận gai, bà vẫn đeo đuổi sự nghiệp sáng tác và còn viết nhiều tác phẩm khác. Tôi có thoáng nghĩ đến Nguyễn Tất Nhiên, trước và sau khi thơ ông được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, Nguyễn Tất Nhiên vẫn làm thơ, nhưng dường như người ta chỉ biết đến những bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy. Điều này hẳn đọng thành nỗi buồn sâu sắc đối với ông. Dĩ nhiên, Colleen McCulough là một văn sĩ Úc và sẽ có lớp độc giả của riêng mình. Ở góc độ cá nhân, tôi chỉ lấy làm hổ thẹn là suốt một thời gian, tôi đã ngỡ nữ văn sĩ là một Margaret Mitchell phiên bản Úc… Thật lầm lạc và tội lỗi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét