Liệu đó có phải là một câu thơ, trong hầm bà lằng những câu
thơ tôi đã đọc, đã quên, còn mang máng nhớ? Tôi không chắc lắm. Nó thiếu nhạc
điệu, và trước và sau nó, không có câu nào vang lên nữa cả. Mà thơ thì có tính
nhạc, và thơ thì ít khi chỉ một câu đã đủ. Ấy thế, mỗi lần đi trong sân trường luật, đặc biệt là khi về, trong tôi
vang lên câu ấy, như kiểu một câu thơ.
Tôi một mình đi trên
con đường nhỏ…
Trường Nguyễn Hữu Thọ xây xong từ bao giờ, và con đường vòng
từ bảo tàng chạy sang trường luật hoàn thiện từ lúc nào, tôi không biết. Khi
theo đường cũ đến trường luật, tôi thấy mọi thứ đều xa lạ.
Buổi phổ biến quy chế thi diễn ra vào chiều thứ sáu. Và
trong khi xem danh sách phòng thi, tôi thoáng chút ngại ngùng. Dò tên mình
trong danh sách, tôi ghi lại bằng bút và giấy. Xung quanh tôi những chiếc điện
thoại màn hình to không ngừng chớp lóe. Hội trường đã đông như nêm và tôi ngồi
trên mấy cái ghế nhựa được xếp thêm dưới cùng. Cho đến khi một chị nào đó xuất
hiện, như thể đã quen tôi từ trước, rủ tôi lên ngồi cùng hàng ghế phía trên. Chị
làm tôi thoáng nhớ đến chị Th, cùng một kiểu thân thiện ấy. Chị Th bỏ luận văn
cao học ở những giai đoạn cuối. Chị bảo chị muốn làm “nghiên cứu sanh”. Và chị
sinh thêm bé con thứ ba.
Tôi và chị gái kia không thi chung phòng, tên chị và tên tôi
cách nhau như buổi sáng cách buổi chiều. Chị rủ tôi đi mua thêm sách luật, sau
khi nói với tôi mấy cái văn bản pháp luật in ra trên giấy không được phép sử dụng.
Tôi thấy vô lý nhưng tôi hốt hoảng.
Ở nhà sách Chính trị Quốc gia, trong lúc tôi với tay lần lữa
giữa các loại luật, nhiều quá, một anh nhìn tôi cười cười hỏi: “Mai thi hả?”.
Tôi gật đầu. Và tất cả những người có mặt ở nhà sách, trừ nhân viên, tất cả nhận
ra nhau là thí sinh của cùng một cuộc thi. Trong vòng độ tiếng, sách luật, bao gồm
cả luật đã và sắp hết hiệu lực, được tiêu thụ hẳn nhiều hơn trong cả tháng gộp
lại.
Buổi sáng của ngày thi đầu tiên, tôi quyết định đi taxi. Tôi
đeo balo và xách theo một túi giấy. Tôi đến trường khi đồng hồ nhích sau sáu giờ
vài phút. Đã có những người đến sớm hơn tôi. Và trên sân trường không hiếm những
người vừa kéo vali vừa tay xách nách mang. “Hành lí” của tôi vẫn là gọn nhẹ vô
cùng.
Chúng tôi phải chờ khá lâu. Không có gương mặt nào gợi trong tôi cảm giác quen thuộc. Có lúc tôi thử bắt chuyện với vài người, tôi đoán được là nhỏ tuổi hơn tôi. Nhưng họ ít thân thiện, thích chúi mũi vào điện thoại của mình hơn là trò chuyện với người khác. Trong lúc đứng lặng lẽ, dù không cố tình, tôi nhận ra cơ số người không thực đi tập sự. Khi nói điều đó, tỉ như 12 tháng hay 18 tháng cũng chẳng sao bởi chỉ gửi hồ sơ để đó, tôi thậm chí không thể nhìn thấy nét bối rối hay ngại ngùng nơi dáng vẻ người nói.
Môn thi đầu tiên mãi đến 8 giờ mới bắt đầu. Và đề thi không
khó, nếu xét những kiểu đề thi mang nhiều tính học thuật tôi từng biết. Cái
chính là phải có luật cần thiết. Việc mang quá nhiều tài liệu dễ thấy đã trở
nên thừa thãi. Nhưng năm này qua năm khác, bài thi được sử dụng văn bản pháp luật
vẫn diễn ra như vậy. Thí sinh luôn mang tất cả những gì có thể. Và trong lúc chờ
thi, tôi chứng kiến nhiều người chụp ảnh những vali kéo, những túi xách lớn có
bánh xe như thể đó là một kỳ quan vừa được khám phá. Và tài xế taxi của lượt về
hỏi tôi, ở trường có đoàn du lịch hả em? Tôi cười bảo, chúng tôi đi thi.
Tôi không ở thêm giây phút nào trong trường luật. Kết thúc mỗi
môn thi, dù nhiều người nán lại để bình luận, để hỏi thăm nhau, tôi về.
Buổi chiều cùng ngày là bài thi thứ hai, bài thi không sử dụng tài
liệu. Năm nay đề thi hầu như là mang tính thuộc lòng. Và tôi, hẳn nhiên đã qua
thời điểm có thể học thuộc làu làu một cái gì đó. Dù có cẩn thận “gạo bài”, cơ
bản là tôi không nhớ được. Khi đọc đề thi, làm bài, tôi nghĩ mình sẽ rớt ở bài
thi này.
Hôm sau, thi hồ sơ thực hành. Cái tên của tôi rơi vào cuối
chiều, dẫu tôi vẫn có mặt vào đầu giờ. Điều này sau đó cho thấy là nên thế bởi ngay
từ đầu giờ, người ta đã bắt đầu điểm danh và tách thí sinh ngồi đợi trong những
phòng riêng. Trước khi ghi tên tôi vào danh sách, một giám thị hỏi tôi: “Thi lần
thứ mấy vậy em”. Tôi trả lời: “Dạ, lần đầu”. Và hẳn trông tôi căng thẳng, họ dặn
tôi bình tĩnh, nói to và nhớ phải nhìn
vào mặt giám khảo để còn xem giám khảo đẹp hay xấu. Những người đàn ông, trong
mấy cái tình huống này, họ nói những điều khiến bạn cười.
Rất lâu, hơn ba giờ tôi cùng vài thí sinh còn lại mới bước
vào phòng thi của mình. Trong đó, vẫn còn người đang đợi đến lượt. Tôi lại ngồi
chờ. Và nhận ra là mình không biết chính xác thi ở bàn vấn đáp nào, bàn hai thầy
hỏi hay bàn của một thầy một cô. Ấy thế tôi đã ngồi ở dãy ghế đối diện với bàn
một thầy một cô. Và thoáng tự hỏi, có phải cô luật sư đang ngồi chấm thi là người
đã đóng trong phim Mẹ con đậu đũa. Gương mặt cô ấy, so với nữ diễn viên năm
nào, làn da có chùng hơn, và kiểu trang điểm với những đường kẻ mắt đen lạ lẫm,
nhưng tất cả vẫn những nét quen thuộc xa xưa (liệu có thể không, một luật sư?).
Tôi thậm chí đã nghĩ sẽ hỏi cô ấy, nếu tôi thi ở cái bàn đó, sau khi kết thúc
phần thi vấn đáp của mình. Dĩ nhiên tôi đã không làm thế, dù quả tình đó là bàn
thi của tôi. Một câu hỏi không liên quan và tôi tránh mọi sự sượng sùng. Vả
chăng, sau những căng thẳng tâm lý, tôi như con chim nhìn thấy cái lồng được mở
chốt cửa, lập tức vỗ cánh bay đi. Quá trình
thi không khó như tôi hình dung. Song lại diễn ra theo một cách khác, một cách
khiến tôi nghĩ, giả sử không rớt ở bài thi viết thứ hai, thì tôi sẽ rớt ở bài
thi này.
Tôi một mình đi trên
con đường nhỏ…
Sau bốn giờ chiều và tôi rời khỏi trường luật. Buổi chiều giữa
tháng sáu, lác đác hạt mưa, không như những ngày về cuối tháng bây giờ, trời đã
mưa nhiều từng cơn. Ở cái đài phun nước gần cổng, ai đó và vài đứa con nít ướt
sũng người. Họ nghịch hoặc vô tình trong lúc nghịch ngợm, rơi tõm vào cái hồ nước.
Dù người sũng nước, họ cười sảng khoái. Và bảo vệ trường đã tỏ ra dễ chịu hơn
tôi từng biết.
---
Là chuyện của hai tuần trước. Sáng nay tôi nhìn thấy thông
báo về kết quả kỳ thi. Và tôi lọt qua cánh cửa hẹp. Cho ngày hôm nay, tôi thấy
thế cũng vui.
Tôi một mình đi trên con đường nhỏ…
Tôi một mình đi trên con đường nhỏ…
Vi Phong đang hướng đến điều gì trong cuộc đời này... qua một kì thi?
Trả lờiXóaBài nhạc có vẻ ít liên quan... nhưng tôi thích giai điệu này :)
Việc qua một kỳ thi cũng chỉ là một việc bình thường (nhưng qua được thì hay hơn, không thì lại phải thi lại, cũng khá mệt..) Còn hướng tới điều gì ư, khó trả lời nhỉ! Thì mình cứ sống thôi, và làm những gì có thể...
XóaLiên quan hay không, thích là được ^ . ^