Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Trên kệ sách (3)


Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng (Monique Brinson  Demery, Mai Sơn dịch, NXB Hội nhà văn & Phương Nam Book, 2016)

Viết theo kiểu hồi kí về một nhân vật chính trị nhưng cách viết cũng như phương thức tiếp cận của tác giả gây cho tôi cảm giác mình đang được đọc một tiểu thuyết văn học. Tôi theo dõi suốt mấy kì trên vnexpress nhưng một lần nữa, tôi vẫn không cởi bỏ được sự thận trọng dành cho những cuốn sách phi hư cấu do người ta tự viết về mình hay được người khác viết về. Thế nên nếu không phải vì được tặng thì khả năng là tôi chẳng bao giờ đọc trọn vẹn tác phẩm này.

Những chương đầu hấp dẫn với tôi hơn. Càng về sau thì những chi tiết càng trở nên mập mờ khó hiểu. Có lẽ đó là bóng đen lịch sử mà ở góc độ tác giả, viết về bà Nhu thông qua những cuộc điện đàm với chính bà, cuốn nhật kí riêng tư của bà Nhu cũng như những tư liệu của những nhân vật liên quan, mà sự rõ ràng trắng đen là bất khả. Có cảm giác cuốn sách được bọc trong một lớp màng an toàn. Nhiệm vụ của nó không phải là truy tầm sự thật lịch sử mà dường như mang tính cá nhân nhiều hơn: tác giả cất giọng nói của riêng mình, một giọng nói phụ nữ - nghĩa là hàm chứa trong đó sự dịu dàng, sự cảm thông, về một nhân vật khét tiếng trong lịch sử miền Nam Việt Nam: Madam Nhu Trần Lệ Xuân.

Ngoài ra, còn một sự thật đáng xấu hổ khác là tôi không mấy rành rọt về lịch sử của chính quốc gia mình, ngoài những cột mốc và sự kiện nhất định – những cuộc chiến tranh, những trận đánh. Một cách tổng quát, có thể nói thêm như vậy, từ thời còn đi học (mà giờ đây tôi cũng chẳng thể nhớ hết nổi). Sâu xa vào từng ngóc ngách của mỗi sự kiện hay mỗi nhân vật lịch sử thì sự hiểu biết của tôi càng bập bõm. Với chế độ Ngô Đình Diệm, với những nhân vật trọng yếu của nó: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân cũng thế. Chính cái khoảng trống đó cũng khiến cho việc đọc hiểu những trang viết, với những sự kiện và con người được nhắc đến, với tôi càng chẳng dễ dàng chút nào.

Điều tôi có thể tạm rút ra là, với cuốn sách này, cho phép tôi cảm nhận Ngô Đình Diệm vẫn là một người yêu nước. Quan điểm và đường lối chính trị của ông ta chỉ là khác với những nhà cầm quyền cách mạng – có thể hiểu đơn giản như vậy. Dĩ nhiên, chế độ họ Ngô hàm chứa trong nó những sai lầm – sự tập trung quyền lực vào một gia đình, chẳng hạn. Chế độ đó làm xuất hiện cũng cuộc bạo động, đảo chính nhưng ở phía ngược lại, tôi lại cảm nhận được tinh thần tự do của miền Nam Việt Nam giai đoạn đó – sự đối kháng diễn ra công khai và người dân dường như không khiếp sợ điều gì.

Cuối cùng, thật kỳ lạ, có một nỗi hoài buồn khi tôi những dòng viết về cuộc đời bà Nhu hay cũng chính là số phận gia tộc bà. Những con người đi từ tột đỉnh quyền quý đến sự suy vong, với những bi kịch tiếp nối bi kịch. Như một câu được trích trong cuốn sách, là lời của chính chị gái bà Nhu: “Bạn càng kể lể về những vinh quang của quá khứ, cái kết cục càng trở nên kinh khủng.” Những cuộc đời ấy rồi cũng phải khép lại, dù công tội ra sao…

Giấc mơ Mỹ (An Lâm, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2016)

Giữa một rừng văn chương về cơ bản là khai phá nỗi buồn của con người, tập truyện ngắn này sáng lên như một cuốn sách self-help (dĩ nhiên không mang quá tinh thần “cải tiến con người” như thể loại sách này). Nó khiến tôi nghĩ tác giả hẳn phải là người thành công trong cuộc sống, ít nhất ở nghĩa là một người có lối tư duy tích cực và một đời sống lành mạnh - lành mạnh trong đời sống riêng cũng như được thụ hưởng sự lành mạnh ở môi trường sống xung quanh. 

Đọc Giấc mơ Mỹ theo đó đem lại cho tôi cảm giác khoan khoái, cứ như vừa ngủ dậy, mở cửa sổ và bắt gặp một bình minh trong trẻo. Tôi cũng đặc biệt thích lối hành văn ngắn gọn, hiện đại của tác giả. Nó làm người ta đọc mà không cảm thấy chán.

Nếu có chút gì đó băn khoăn thì hẳn là đây: những truyện ngắn trong Giấc mơ Mỹ mang phong cách gần gũi, tuồng như những ghi chép thật về đời sống của chính tác giả. Nếu để đi sâu vào địa hạt văn chương thì hẳn là tác giả sẽ cần nhiều hơn thế…

Trăm năm cô đơn (Gabriel Garcia Marquez, Nguyễn Trung Đức – Phạm Đình Lợi – Nguyễn Quốc Dũng dịch, NXB Văn học & Huy Hoàng, 2015)

Tôi nghĩ sẽ đọc cuốn sách này khi tác giả của nó còn sống. Nhưng sự thực động lực để tôi đọc là điều ngược lại. Có nên tự trách mình không, khi mà sau khi Marquez qua đời, sách của ông đúng là tái xuất ồ ạt hơn trên thị trường…

Tôi không mất nhiều thời gian với Trăm năm cô đơn. Tiết tấu câu chuyện khá nhanh, bạn cảm thấy bị cuốn hút và bạn sẽ đọc không rời mắt. Dẫu vậy, tôi không nghĩ mình thực sự thích tác phẩm. Hoặc là chưa thích. Nó rối rắm, đặc biệt ở những cái tên. Một dòng họ mà gia phả chia làm hai nhánh, với những cái tên hệt như nhau. Mặc dù bạn vẫn có thể phân biệt, bởi hai cái nhánh đó mang đặc điểm riêng và rồi từng nhân vật cũng có những đặc tính riêng của mình, tôi thấy bị bấn loạn giữa cái rừng gia phả ấy. 

Tôi cũng thấy mình ít bị thuyết phục bởi những chi tiết huyền ảo. Tôi nghĩ “hiện thực huyền ảo” là phải khác cơ, là dẫu biết nó phi lý, người ta vẫn cứ tin, hay chí ít là nửa tin nửa ngờ. Nhưng trong Trăm năm cô đơn, những chi tiết kiểu như người đẹp Remedios bay lên trời là kiểu huyền ảo mà tôi, nếu chẳng phải vì cố nhét những bài phân tích của giới chuyên môn vào đầu, ở góc độ độc giả, sẽ chỉ nghĩ được chúng đơn thuần phục vụ cho mục đích duy nhất là tăng tính độc đáo cho câu chuyện, nghĩa là gần với yếu tố “câu khách”.

Sự phóng khoáng Nam Mỹ cũng khiến tôi không tiếp nhận được tác phẩm như mình mong muốn. Tôi đã bị một ý niệm ràng buộc, rằng tác phẩm này thấm đẫm sự cô đơn. Nhưng khi đọc nó, có lẽ đây hoàn toàn là sự cô đơn khác với tôi hình dung. Sự cô đơn mang màu sắc dục vọng. Gia tộc Buendía, dường như ngoại trừ cụ Úrsula giữ được sự tỉnh táo, là những con người đam mê tình yêu, tình dục hoặc quyền lực hoặc theo đuổi những lý tưởng siêu nhiên, bí ẩn nào đó. Và vì sao (bảo) họ vẫn cô đơn, kể cả khi đã được thỏa mãn, kể cả khi chẳng ai ngăn được họ sống chết với những khao khát riêng của mình?

Nếu bây giờ bảo rằng tôi chưa đọc Trăm năm cô đơn, điều này có thể vẫn đúng…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...