Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

Trên kệ sách (4)


Zazie trong tàu điện ngầm (Raymond Queneau, Cẩm Thơ dịch, NXB Trẻ, 2012)

Dường như NXB Trẻ có một tủ sách gọi là “Cánh cửa mở rộng”. Thật ra tôi không hiểu sự phân loại đó, cũng sẽ thường không mặn mà với những gì được dán nhãn theo cách định hướng người đọc. Chưa kể chúng khá mắc mỏ (tôi nhớ cuốn tôi cảm thấy muốn đọc nhất trong tủ sách này là Gia đình Buddenbrook nhưng dạo đó vì thường ở vào tình trạng rỗng túi nên cái giá của nó với tôi quá khủng khiếp).

Riêng cuốn này, sau nhiều lần lữa, vào khoảng tháng ba, tư năm nay, khi tình cờ thấy trên trang Vinabook ghi dòng chữ: “Chỉ còn 02 quyển”, tôi mới chẳng suy nghĩ thêm, mua luôn cả hai, một cho mình, một gửi tặng bạn. Sách xuất bản từ năm 2012, khi nhận các trang giấy đã kịp tỏa mùi cũ kĩ. 

Đọc cuốn này là một trải nghiệm lạ lùng. Không giống một tác phẩm văn học, nhất là văn học theo lối kinh điển, Zazie trong tàu điện ngầm giống một kịch bản phim và nó sẽ hoàn toàn dễ hiểu nếu tồn tại ở dạng phim ảnh. Khi là một cuốn sách, nó làm tôi thỉnh thoảng rơi vào vùng khó hiểu khi giữa các đoạn hội thoại và tình tiết không có phân đoạn nào cho thấy sự chuyển tiếp. Các nhân vật xuất hiện khá ồ ạt và dường như chẳng với trọng điểm nào. Hơn nửa cuốn, tôi đọc một cách nỗ lực. Vì không muốn bỏ dở giữa chừng, cũng vì vẫn hy vọng vào một cái gì sáng chói như đã được mặc định ở phía sau.

Cho đến khi đọc hết cuốn sách, tôi không dám chắc về sự xuất sắc của nó. Nhưng sự thú vị thì có. Zazie trong tàu điện ngầm có sự thú vị của một bộ phim hài châm biếm, với một vài tình tiết mang chất trinh thám hành động, đôi khi hơi cường điệu. Có lúc tôi thấy cuốn sách hài kinh khủng đến mức phải phá lên cười. Dĩ nhiên, bạn đồng thời cũng cảm nhận được vị mặn đằng sau bức tranh toàn thể tưởng chừng hài hước đó. Như sẽ hiểu Zazie sau khi cùng cô bé trải quá mấy ngày ở Paris, rằng sau dáng vẻ ngông nghênh, lối ăn nói sống sượng kiểu người lớn, Zazie vẫn chỉ là một đứa trẻ với những mộng ước rất trẻ thơ, bất chấp cái tuổi thơ đầy bi kịch có thể khiến bất kỳ ai gục ngã. 

Như lời dẫn ở phần đầu tác phẩm, Zazie trong tàu điện ngầm có thể viết theo lối bi lụy nhưng Raymond Queneau đã làm ngược lại. Và độc giả nhấm nháp tấn trò đời bi kịch sau chính những tràng cười của mình. 

Về cô gái này (Nguyễn Ngọc Thuần, NXB Trẻ, 2015)

Như cân nặng của cô gái ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời cô trong câu chuyện, cuốn sách này nặng hơn nghìn lần khối lượng cơ học của nó và may mắn là nó khá mỏng. Nếu không đọc nó sẽ là một trải nghiệm rất, rất nặng nề.

Cuộc đời một cô gái béo phì có gì vui? Một vài cô tôi biết, chưa ở mức béo phì nhưng cân nặng quá khổ dường như không ảnh hưởng đến niềm vui sống của họ. Bất chấp một vòng eo vượt giới hạn, một thân hình mà giới mỹ học không gọi là đẹp, thậm chí dễ bị cười chê, thậm chí bị cảnh báo về bệnh tật, họ vẫn rất vui vẻ. Và một trong những thứ giữ cho họ vui vẻ, là họ sẽ ăn bất cứ thứ gì họ thích. Họ cười nhạo cái ý nghĩ sống là phải kiêng khem món này, món nọ của người khác. Dĩ nhiên, với tôi, chẳng có vấn đề gì nếu người ta không chú ý đến cân nặng của họ. Cũng như chẳng có vấn đề gì nếu người ta chú ý đến cân nặng của họ. Suy cho cùng đó là tự do cá nhân (tôi chỉ sợ thứ gọi là bệnh tật gây ra nếu bạn quá béo hay quá gầy).

Vậy thì cô gái trong câu chuyện này phải chăng là đã tỏ ra quá bi kịch? Tất nhiên, không thể kết luận kiểu đó cũng như không thể nói với một con người đau khổ là anh, chị đang làm quá, là có những người cũng như anh, chị nhưng họ sống vui vẻ biết bao. Chúng ta sở hữu những trái tim khác nhau và cách mà chúng ta đối mặt với cuộc đời này cũng chẳng giống nhau. Tôi chỉ trộm nghĩ, nếu Nguyễn Ngọc Thuần chọn một điểm nhìn khác, một điểm nhìn hài hước hơn, thì khả dĩ câu chuyện có dễ tiếp nhận hơn? Cũng có thể, nhà văn đã tiếp cận đề tài này – rằng cân nặng của một người phụ nữ không phải thứ để châm biếm, đùa cợt – theo cách nghiêm túc và trân trọng nhất có thể. Và độc giả đã có một câu chuyện, từ những dòng đầu cho đến dòng cuối, về cuộc đời u buồn của một cô gái mắc chứng béo phì. Cuộc đời đó, những dòng tâm sự khép kín, khiến người ta não nề và nhận ra có những nỗi đau vô hình chẳng được ai đếm xỉa, bởi người ta không thể hiểu, bởi người ta tiếp cận vấn đề cân nặng của người khác chỉ với thái độ chê bai…

Đây cũng là lần đầu tiên tôi đọc văn của Nguyễn Ngọc Thuần. Tôi thích lối hành văn nghiêm túc và chuẩn mực trong cuốn này. Tuy rằng tôi cũng thấy giọng văn khá trung tính, mặc dù là tự sự của một phụ nữ, nếu đổi là nhân vật nam, có thể vẫn cứ phù hợp...

Những người đàn ông không có đàn bà (Haruki Murakami, Trương Thùy Lan dịch, NXB Hội nhà văn & Nhã Nam, 2015)

Tôi có một chút tiếc nuối, khi mấy tập truyện ngắn của Haruki Murakami, cái hồi xuất bản của Việt Nam, tôi đều không biết và không đọc. Tôi đọc Haruki Murakami bắt đầu từ tiểu thuyết. Và mãi sau này tôi mới biết thật ra ông có viết truyện ngắn.

Vài truyện ngắn của Haruki Murakami tôi đọc trên mạng, do những người yêu thích ông tự dịch. Cũng có vài truyện trên vnthuquan, nhưng không nhớ có phải bản dịch đã được xuất bản hay không. Có ai đó nói rằng truyện ngắn của Haruki Murakami hay hơn tiểu thuyết của ông, và tài năng của ông thật ra nằm ở thể loại truyện ngắn. Tôi thấy cũng có lý. Kỳ thực thì trước đó tôi cũng thích đọc mấy cuốn tiểu thuyết mỏng của nhà văn hơn. Tôi cũng thấy từ truyện ngắn mà ông ấy phát triển thành tiểu thuyết.

Tôi mua cuốn Những người đàn ông không có đàn bà như một lẽ dĩ nhiên thôi. Tôi hơi ghét vì sách không có phần mục lục (nhiều tập truyện ngắn bây giờ dường như bỏ phần mục lục, mặc dù đáng lẽ nên có). Tôi phát hiện trong cuốn này có vài truyện tôi đã đọc rồi, là mấy bản dịch trôi nổi trên mạng: Yesterday, Kino,  Scheherazade. Trôi nổi trên mạng, do bạn đọc tự dịch nhưng tôi lại thấy mềm mại và nhẹ nhàng hơn bản dịch lần này tôi đọc trong sách. Cùng với Samsa đang yêu, có lẽ đây cũng là những truyện nổi bật hơn cả. Nhưng nhìn chung thì truyện nào trong tập truyện này cũng dễ và đáng đọc. Chúng gần với cuộc sống hiện đại và cũng chẳng có gì quá kì dị hay nặng nề khiến người ta mỏi mệt. Mặc dù khi tập hợp lại, chúng không có khả năng gây bất ngờ bởi cùng viết về nỗi cô đơn của mấy người đàn ông – và còn hầu như là cùng một kiểu đàn ông. 

Đó là vấn đề của truyện ngắn. Bạn nhận ra điều mà bạn dễ quên khi đọc tiểu thuyết, hết cuốn này rồi mới đến cuốn khác…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...