Về những cuốn sách tôi
đã đọc từ khoảng tháng 9 năm ngoái đến nay. Đã thấy được là tôi quá lười để có
thể viết dài dòng về mấy cuốn sách mà tôi đã đọc. Thế nên tôi hạ quyết tâm là:
không từ bỏ nhưng viết thật ngắn thôi, chỉ cần vừa đủ để mình không quên.
Những đứa con của nửa
đêm (Salman Rushdie, Nham Hoa dịch,
NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2014)
Nên bắt đầu từ cuốn này. Tôi đang đọc trong những ngày tháng
9/2015 và hẳn là lê lết sau đó. Một cuốn dày bự, nhìn lại thì thấy mình khá phi
thường (vì là một độc giả kiên nhẫn, thế thôi). Tôi không nghĩ mình thích cuốn
sách theo cách mà nó đã quyến rũ tôi mang về. Nhưng nhìn chung thì tâm thế đọc
sách của tôi không còn ở giai đoạn tuần tự kiểu mong ngóng – háo hức – nín thở – òa vỡ vui sướng hay ngược lại, ở bước cuối
cùng này: hụt hẫng thất vọng. Tôi rất bình tĩnh. Vì không hy vọng nên cũng
không thất vọng.
Cuốn sách không tệ chút nào, dĩ nhiên. Nếu nó tệ thì hẳn tôi
chẳng bao giờ đọc xong. Nó chỉ kỳ lạ. Kể chuyện một cách khoa trương, màu mè và
hài hước. Có lẽ đó một dạng tài năng. Bạn sẽ hiểu có cả một lịch sử quốc gia
trong cuốn sách này, một câu chuyện nghiêm túc và vĩ mô. Đồng thời, cuộc đời những
con người đã được kể lại không thể ít màu sắc truyền kỳ hơn. Giống với thần thoại
mặc dù tính hiện thực vẫn vẹn nguyên.
Điều may mắn là, cuốn sách rất nặng trên tay nhưng tôi đã đọc
một cách khá hăm hở. Cũng nhờ cách kể chuyện ít nhàm chán của nhà văn
vậy.
Cánh cửa (Sazbó Magda, Giáp Văn Chung dịch, NXB Văn học
& Nhã Nam, 2015)
Đọc vào những tháng cuối của năm ngoài, nếu tôi nhớ không lầm.
Và có thể nói đây là một trong những cuốn hay nhất tôi đọc trong năm rồi.
Trong năm rồi, tôi vẫn nhớ Bóng hình của gió là một tác phẩm
hay tuyệt. Nhưng nếu cuốn tiểu thuyết của Carlos Ruiz Zofón thi thoảng vẫn gây cho tôi cảm giác mỏi mệt bởi sự
tham lam của nó, thì Cánh cửa tuyệt không có điểm phàn nàn. Cần có tài năng thế
nào để viết về cuộc đời một người giúp việc nhà – một nghề nghiệp dường như chỉ
hé mở một cuộc đời bình thường, tẻ nhạt mà gây sửng sốt, khiến người đọc rúng động,
bâng khuâng và không thể không luôn tìm thấy sự hấp dẫn ẩn nấp nơi sự khép kín dị thường, trong một chân dung
văn học hết sức độc đáo, giữa sự bình lặng của những dòng văn?
Cánh cửa khiến tôi có cảm giác tất cả những gì tôi đọc sau
này sẽ đều rơi vào tình cảnh nhàm chán, không thể nào hay hơn. Điều đó vừa đúng
lại vừa không đúng. Quả thực tôi ít tìm thấy tác phẩm hay độ sau này (mặc dù mấy
cái hội sách ngày càng lớn và doanh thu ngày càng khủng). Nhưng dĩ nhiên, vẫn
còn đó những tác giả khiến bạn thán phục, ví như, may quá mà đời còn Alice
Munro…
Cuộc đời yêu dấu (Alice
Munro, Nguyễn Đức Tùng dịch, NXB Trẻ, 2015)
Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới (Alice Munro, Trần Hạnh-Đặng Xuân Thảo-Hạnh Mai dịch, NXB Văn học & Nhã Nam, 2016)
Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới (Alice Munro, Trần Hạnh-Đặng Xuân Thảo-Hạnh Mai dịch, NXB Văn học & Nhã Nam, 2016)
Tôi ít đọc truyện ngắn.
Và khi cố gắng khám phá địa hạt này, tôi nhận ra đọc truyện ngắn cực kỳ vất vả.
Luôn có thể bắt gặp sự giống nhau trong một tập truyện (dĩ nhiên rồi, khi chúng
cùng một mẹ sinh ra) – điều này cũng có thể bắt gặp ở những tiểu thuyết khác
nhau của cùng một nhà văn nhưng vì không in chung trong một tập sách, khả năng
người đọc cảm thấy nản ít hơn hẳn. Vả chăng, dõi theo một tuyến truyện dù dài
lê thê suy cho cùng vẫn dễ hơn là đi từ tuyến truyện này đến tuyến truyện khác,
trong một quỹ thời gian nhất định mà bạn dành cho một cuốn sách. Mấy cái ấn tượng
là đọc và viết truyện ngắn dễ hơn kỳ thực sai lầm dễ sợ.
Tôi thích tập truyện Cuộc
đời yêu dấu hơn. Có thể vì đó là lần đầu tiên tôi tiếp cận truyện ngắn của
Alice Munro mặc dù tên tuổi của nhà văn đã đến với tôi cách đây vài năm. Cũng
có thể vì những bản dịch trong tập truyện này mượt mà hơn. Nhưng còn một nguyên
nhân khác. Tôi đã đọc được vị của Alice Munro rồi và với tôi nó vừa phải ở tập
truyện của NXB Trẻ. Ngược lại vị của Alice Munro trong cuốn của Nhã Nam quá dày
đặc khiến tôi có cảm giác ngột ngạt. Ở quãng nửa đời người, nghĩa là cũng còn
khá tre trẻ, bạn thấy hơi khó thở khi phải đối diện với quá nhiều bệnh tật và
tuổi già – hai vị hết sức thường trực trong văn Alice Munro.
Phải nói là tôi
thán phục những truyện ngắn của nữ nhà văn. Bà không viết cái gì to tát hay huyễn
hoặc. Những câu chuyện của bà gần gụi đến gây ngạc nhiên về khả năng khám phá
và kể lại. Bằng giọng văn điềm tĩnh nhưng không phải là không trìu mến, bà
khiến người ta tiếc nuối. Tôi có thể thiết lập một công thức chung khi bạn đọc Alice
Munro, một công thức áp dụng được cho mọi câu chuyện của bà: bạn có thể bắt đầu
hết sức bình tĩnh, hoặc háo hức đôi khi, rồi trong tâm thế đọc truyện ngắn đột
nhiên bạn thấy chúng dường như quá dài, bạn thấy nản và tự hỏi chừng nào mới kết
thúc. Rồi thì cái kết thúc ấy hiện ra. Bạn hụt hẫng bởi vì bạn nhận ra bạn muốn
câu chuyện tiếp tục, bạn lật đi lật lại những trang giấy nhưng tất cả đã hết rồi.
Trong bạn là cảm giác chơi vơi, sự tiếc nuối chẳng bao giờ được lấp đầy…
Đó là lý do mà dù thế nào
tôi còn mong nữa, được tiếp tục đọc Alice Munro…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét