Cả cuốn sách hầu như không xuống dòng, ngoài những đoạn truyện
do nhân vật nữ viết được in bởi những dòng
nghiêng. Chinatown tạo ngay cho tôi một cảm giác kỳ lạ, hơi giống với cảm giác
khi tôi bắt đầu đọc Tình ơi là tình của Jelinek hay gần đây hơn, Những ngã tư
những cột đèn của Trần Dần. Có lẽ Thuận là một nhà văn thích sự phá cách và hẳn
có khuynh hướng làm mới mình qua mỗi tác phẩm. Nhận xét này có thể là vội vàng
khi tôi chưa đọc những cuốn sách khác của cô. Nhưng tôi linh cảm rằng người ta
khó mà viết đi viết lại theo cùng một cách như thế. Và họ sẽ thuộc về những người
viết không (không muốn/không thể) duy trì một phong cách. Họ thích thử thách và
có khả năng đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác; sẽ có thể
có nhiều độc giả, những nhà văn thông minh ấy, nhưng không hẳn là sẽ có những độc
giả trung thành (lại nhận xét vội vàng quá chăng?).
Trở lại với bản thân cuốn sách này, tôi mua trong khi cố gắng
đọc nhiều tác giả Việt Nam hơn, ý tôi là những tác giả đương đại, những người
có thể viết về những thứ gần với cuộc sống bây giờ. Có lẽ là một tín hiệu vui
khi bước chân vào nhà sách và bạn thấy mấy cái kệ dành cho tác giả Việt đã được
trưng bày khá “hoành tráng” và bắt mắt, có lẽ không kém kệ sách của tác giả
Trung Quốc là mấy. Tuy nhiên để chọn một cuốn sách đem về lại không dễ chút
nào. Tôi đã trở nên già quá chăng? Có lẽ chẳng có lúc nào tôi thấy mình già như
vậy khi đứng trước những cuốn sách Việt bán chạy nhất nước (lại lan man rồi...).
Chinatown bắt đầu với một chuyến tàu điện ngầm và khi kết
thúc, cũng vẫn là chuyến tàu điện ngầm đó. Giống như một hành trình không có điểm
kết thúc và có lẽ vì vậy, nó hợp với cách nhà văn chọn để kể. Không theo một trật
tự thông thường – điều rất có thể biến câu chuyện thành một bi kịch sến súa, hiện
tại và ký ức cứ thế tuôn trào, sít sao, đuổi bắt nhau – một màn độc thoại nội
tâm liên tục, liên tục tạo thành một nhịp điệu nhanh và bình tĩnh lạ thường. Không
có chỗ để người đọc xen vào những lâm li cảm động của chính mình. Mà người ta
có lẽ cũng sẽ không cảm động trước một con người - nhân vật nữ chính, người dường như bình tĩnh
khi đối mặt với mọi biến cố đời mình (người đời cần những bi kịch gào thét để
có cơ hội bày tỏ sự nhân từ). Nhưng dư âm đọng lại đâu đó, bởi cái hành trình không
có hồi kết đó, những chuyến tàu điện ngầm cứ thế tiếp diễn và người ta gần như
phỏng đoán rằng cuộc sống của cô và con trai sẽ kéo dài như thế mãi mãi, trong
những hồi tưởng xa xăm về quá khứ và sự vắng bóng tình yêu – cái người đã ám ảnh
toàn bộ thế giới tâm hồn của cả hai mẹ con ở thực tại…
Tôi cũng ghi nhớ ở Chinatown là thi thoảng nó lại đem đến
cho tôi chút cảm giác mờ ám của trinh thám, chút giễu nhại hài hước mà thường bắt
gặp ở nhà văn nam hơn nhà văn nữ và vài nét chấm phá về cuộc sống của người Hoa
ở Sài Gòn. Họ cũng là những người sống trong tâm thế xa lạ ở một đất nước không
phải quê hương. Và nó cũng khó khăn cho họ hơn là ta có thể hình dung…
Con chó nhỏ mang giỏ
hoa hồng (Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ,
2016)
Tôi vừa đọc xong cuốn này vào tuần trước, chỉ vài ngày sau
khi được tặng. Tôi chần chừ mua sách của Nguyễn Nhật Ánh - tôi ngờ những gì
đáng đọc nhất của ông là những gì tôi đã đọc trước năm mười tám tuổi - nhưng được
tặng thì dĩ nhiên là quá vui rồi. Sách là một tặng phẩm tuyệt vời dù bản thân
cuốn sách có thể khiến ta thất vọng sau đó. Như cuốn này.
Cái phần dễ tính trong tôi, với khuynh hướng không ưa chỉ
trích và vì thế trở nên ba phải, tự vỗ về mình rằng đây là cuốn sách dễ thương,
cho cả người lớn và trẻ con. Thì bọn cờ hó vốn là bạn của mọi lứa tuổi. Sách về
chúng có thể dành thiện cảm của tất cả độc giả, có khi của cả những người thích
ăn thịt chúng. Vấn đề là, làm sao Nguyễn Nhật Ánh đi đến giai đoạn này, nối dài
những câu chuyện về loài vật nhưng càng về sau càng như cạn kiệt ý tưởng và
ngôn từ? Người ta có quyền mong đợi nhiều hơn thế ở một nhà văn lão luyện hay
người ta không có quyền đòi hỏi nhiều hơn?
Một cuốn sách mà hẳn chỉ với khả năng “binh biến” của đội
ngũ xuất bản mới trở nên đầy đặn với hình ảnh minh họa, bố cục từng phần (tưởng
như) rõ ràng nhưng dễ thấy, thật buồn cười, những dòng chữ to đùng, những câu
văn xuống hàng liên tục và rồi đến lúc, cái tên của chương truyện chẳng hề gắn
với nội dung bên trong. Và chưa kể, tại sao trong một câu chuyện (nếu như) hoàn
chỉnh trong cùng một cuốn sách (nếu như) hoàn chỉnh lại chình ình một phần ngoại
truyện?
Không còn đó những đan cài tinh tế và duyên dáng về ý nghĩa
cuộc sống trong Tôi là Bê tô, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng là một nỗ lực thảm hại
để là kẻ kế thừa xứng đáng kế tiếp những câu chuyện về loài vật. Tôi thất vọng
và rú lên với bạn mình, “Trời ơi, 100 ngàn bản in lần đầu”. Thị hiếu độc giả và
truyền thông cuối cùng đang đưa Nguyễn Nhật Ánh đi đến đâu?
Cuốn sách này, có lẽ nên tồn tại dưới dạng sách tranh, in
màu, dành cho trẻ em mặc dù người trả tiền là cha mẹ chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét