Hai cuốn này được tặng vào năm rồi. Dẫu Hãy chăm sóc mẹ hứa hẹn một câu chuyện xúc động hơn, trên thực tế tôi đã chọn đọc Chàng trai vườn nho trước. Có những nỗi xúc động trên đời mà việc tiếp nhận nó kỳ thực rất khó nhọc, trong đó dứt khoát có nỗi xúc động gây ra bởi tình mẫu tử. Luôn luôn, tình yêu với người mẹ hòa trộn trong đó cảm giác ân hận, sự day dứt – ta yêu mẹ mình bao nhiêu, cuối cùng trước mẹ, một người con vẫn vẹn nguyên mặc cảm tội lỗi.
Một cảm giác thực nặng nề khi tôi đọc Hãy chăm sóc mẹ, tôi có thể hình dung rằng hẳn mình sẽ giống như cô nhà văn trong truyện, nhảy bổ vào sở cảnh sát và gào toáng lên tuyệt vọng "Hãy tìm mẹ tôi". Hoặc tôi sẽ phát điên trước khi làm thế. Ai có thể chịu đựng nổi, khi không biết mẹ mình đang ở đâu, trong một thế giới đã trở nên xa lạ với bà, giữa những ngày đông hay ngày hè; và mọi bất trắc đều có thể xảy ra… Tôi lật nhanh đến những trang cuối và mong đọc được một kết thúc có hậu. Song có lẽ câu chuyện cần một thông điệp đầy sức mạnh, mà cái kết có hậu có thể phá hỏng nó. Tôi không khóc. Nhưng nước mắt dường như thấm tim tôi…
Với cuốn sách đọc trước đó, Chàng trai vườn nho, có thể khái quát trong vài
chữ: giống một kịch bản phim hơn là một tác phẩm văn học, ít dư âm nhưng cũng đủ
dễ thương và thuần giải trí lành mạnh.
Hãy chăm sóc mẹ - Shin Hyung
Sook
Mối quan hệ giữa mẹ và con gái sẽ thuộc một trong hai dạng, hoặc là biết
rất rõ về nhau hoặc là giống như người xa lạ - tr. 24.
Người ta thường nói rằng khi đứa trẻ khóc, bà nội sẽ bảo, "Con khóc
kìa, mau cho con bú đi", còn bà ngoại thì sẽ bảo, "Cái đứa trẻ này,
mẹ thì đang mệt sao cứ khóc mãi vậy?" - tr. 239.
… tất cả những việc đã xảy ra thực chất đều hòa mình vào trong hiện tại,
những việc ngày xưa đều trộn lẫn vào những việc hôm nay và những việc hôm nay
lại trộn lẫn vào những việc trong tương lai và những việc trong tương lai lại
trộn lẫn với những việc ngày xưa, chỉ là chúng ta không thể cảm nhận được mà
thôi… - tr. 267.
Ngôi nhà là một thứ thật kỳ lạ. Tất cả mọi thứ đều hỏng hóc đi khi con
người tác động đến, đôi khi ta có thể cảm nhận được chất độc của con người nếu
ta tới gần người đó, nhưng nhà cửa lại không như vậy. Cho dù một ngôi nhà bền
đẹp bao nhiêu mà không có người qua lại thì chẳng mấy chốc cũng sẽ bị phá hủy. Một
ngôi nhà chỉ tồn tại khi có người sống trong đó, quét dọn lau chùi, chăm sóc nó
– tr. 270-271.
(Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê
dịch, NXB Hà Nội và Nhã Nam, 2013)
Chàng trai vườn nho – Kim Rang
"Sao anh lại yêu em?"
"Em hỏi tại sao lại yêu à?"
"Vâng."
"Ai lại hỏi thế chứ? Người nói ra được lý do mình yêu thương
người khác, chứng tỏ người đó không hề biết yêu."
…
…
"Đúng là như vậy. Khi yêu một ai đó, ta chẳng cần biết lý do vì sao
ta yêu họ, ta chỉ có cảm giác đó như một sự mang ơn."
"Mang ơn ạ?"
"Ừ."
"Sao lại là mang ơn?"
"Nghĩa là ta cảm ơn người đã cho mình được nhìn thấy gương mặt mình
nhớ nhung mỗi sáng thức dậy, ta cảm ơn vì người đó đã cùng mình ăn những món ăn
mình thích, cảm ơn vì đã cùng chia sẻ thời gian hữu ích cho nhau, cảm ơn vì có
thể được cùng nhau nhìn thấy gương mặt già nua khi về già, và cảm ơn vì người
đó coi gương mặt già nua của mình là một vẻ đẹp, chứ không nghĩ nó nhăn nheo
xấu xí."
(tr. 355 – 356)
(Khánh Lan dịch, NXB Lao
Động và Nhã Nam, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét