Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

"Trong khi chờ đợi...


… hãy làm như mình đã chết”


Câu nói này nhặt được từ cuốn “Biên niên ký chim vặn dây cót” của ông nhà văn Nhật Bản, người mà rất có thể nêu tên tác phẩm thì ai cũng đã biết là ai đấy. Tôi bắt gặp bản điện tử của cuốn sách này trong khi rà soát lại những tài nguyên lưu trữ trên máy tính, nhằm xóa đi những thứ cần phải xóa. Biên niên ký chim vặn dây cót, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Istanbul – Hồi ức và Thành phố, Bốn mùa trời và đất, và mới đây nhất, Người cô độc là những cuốn sách tôi muốn đọc, ít nhất từ mấy tháng nay (tôi đồ rằng danh sách này sẽ không thể nào bị cắt ngắn chừng nào sự eo hẹp về tiền bạc vẫn ngăn tôi hết sức cần kiệm với sở thích cá nhân).

Mặc dù sách số hóa là một lựa chọn đem lại tiện lợi nhất định, tôi không thích đọc sách dưới hình thức này. Việc phải sử dụng một thiết bị công nghệ để đọc một tiểu thuyết dài đã được số hóa với tôi là việc gì đó không mang tính “thư thái nghỉ ngơi”. Giống như là bạn vẫn phải căng mắt làm việc và dưới tác động của ánh sáng màn hình, đôi mắt của bạn rất nhanh rơi vào trạng thái mỏi mệt. Tôi không phản ứng lại trào lưu. Chỉ một cái máy tính bảng nhỏ gọn cũng có thể chứa hàng ngàn đầu sách là một hình dung lấp lánh. Bạn có thể đi thong thả trên đường với hàng ngàn cuốn sách theo cách đó. Nhưng bạn sẽ đọc được mấy cuốn sách trong một ngày, tranh thủ vào những phút bạn rảnh rỗi? Bạn có thực sự cần hàng ngàn cuốn sách kè kè bên bạn trong một ngày hay không?


Cầm trên tay một cuốn sách in bằng giấy, cho dù là giấy cũ kỹ đã ngả màu, với tôi là một cái gì đó có tính chất thân thuộc, gần gũi và ấm áp hơn. Thời đại thương mại điện tử có thể bùng nổ toàn cầu và những nhân vật đam mê công nghệ có thể dự báo sự xóa sổ của sách in nhưng tôi tin điều này không bao giờ xảy ra. Chỉ là những hình thức khác nhau cùng tồn tại và độc giả có sự chọn lựa của họ. Tất nhiên, mọi sự chọn lựa gắn với tôn trọng bản quyền sẽ là một đảm bảo tốt đẹp cho mỗi một hình thức tồn tại đó.


Tôi thử đọc Biên niên ký chim vặn dây cót dưới dạng ebook. Và tôi đọc thấy câu nói này "Trong khi chờ đợi, hãy làm như mình đã chết". Câu nói của ông cụ Honda, nặng tai và hành nghề bói toán, nhắc nhở Toru - có lẽ ám chỉ cho anh ta biết trước một tình trạng tồi tệ nào đó có thể xảy ra trong tương lai và khi đó, cái anh ta phải làm là chờ đợi. Một đúc kết từ trải nghiệm thực tế của Honda – một trải nghiệm giữa lằn ranh sinh – tử. Tôi chưa biết trong tương lai Toru sẽ phải đối mặt với điều gì cũng như anh ta không biết vào thời điểm lắng nghe những gì ông Honda nói. Đọc dưới dạng ebook, tôi đọc rất chậm. Thảng mới đọc vài trang. Và bây giờ thì cuốn tiểu thuyết với tôi vẫn còn rất dài. Tôi chỉ suy nghĩ về câu nói của ông cụ Honda, bản thân sự chờ đợi để sống sót và trở về nhà của ông cụ.

Khi cần ngồi yên thì hãy ngồi yên, khi cần chờ đợi thì phải chờ đợi. Khi sự chờ đợi đó diễn ra trong nhiều tháng, thậm chí có thể tính bằng năm trong tình cảnh, hãy thử tưởng tượng, bạn bị mắc kẹt trong một căn phòng đóng kín nơi chỉ có một cái cửa thoát thân nhưng đã bị khóa chặt từ phía ngoài và bạn không có cách nào phá bỏ cái cửa đó được, và ngày lại ngày, bạn càng lúc càng phải đối mặt với tình trạng tồi tệ hơn: thiếu dưỡng khí, cái khát và cái đói lơ lửng ở trên đầu… Sinh lực của bạn tự nhiên sẽ bị bào mòn. Bạn có thể phát điên và hành động nông nổi, tự sát hoặc cố gắng phá vỡ cánh cửa hay những bức tường bằng cách dồn hết sức lực đâm đầu vào chúng, lần này rồi lần khác và cuối cùng chết theo cách đó. Hoặc nhẫn nại chờ đợi, một điều gì đó có thể diễn ra sau cánh cửa, rốt cuộc thì một ai đó còn lương tri sẽ mở cửa cho bạn. Để làm được điều thứ hai, “hãy làm như mình đã chết”. Thế ra, trong khi chờ đợi, cái bạn phải làm không phải là hy vọng, bởi vì đáp trả lại hy vọng của bạn sẽ lại là một bất hạnh khác làm bạn trở nên bi thảm hơn, đó là thất vọng. Nếu bạn bị thất vọng bởi điều căn bản và thiện lương nhất là hai chữ “tình người”, điều đó sẽ tổn thương bạn vĩnh viễn.

… hãy làm như mình đã chết”

Xả bỏ mọi ai oán trong tâm hồn bạn, chờ đợi chỉ vì chờ đợi, không vì bất kỳ hy vọng nào. Làm như bạn đã chết và mọi việc sẽ diễn ra theo cách của nó, có phải thế không? Cuối cùng thì bạn sống sót. Có thật là không có cái gì chết đi ở trong bạn không?

“Có nhiều cách sống, và nhiều cách chết. Nhưng có quan trọng gì đâu. Điều duy nhất còn lại là sa mạc”*



* Trong một cuốn sách khác của Haruki Murakami "Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời".


4 nhận xét:


  1. Ms NoOne at 11/29/2012 10:10 pm comment

    Trừ các tài liệu cần gấp ebook chứ mình vẫn thích đọc sách giấy hơn. Những cuốn sách cũ đôi khi cũng có cái thú vị là một vài dòng chữ đề tặng tên người nhận và cả lòng họ nữa, thấy như mình là người nhận vậy. Các tác phẩm của Haruki Murakami sâu sắc đến khó tả, nó là cũng là một dạng thiền cho tâm mà mình biết đến. Nhưng không dám đọc một mạch các tác phẩm của ông vì đọc xong văn phong và cách sống có thể bị nhiễm. Khi đã đi vào thế giới như vậy rồi dễ tách biệt với cuộc sống bên ngoài và cô lập bản thân. Nếu mình là nhà kiểm duyệt sách ông, mình sẽ viết lời đề "Không dành cho những người chưa tìm được cái Tôi bất định". Mình nuốt văn ông từ từ, không vội. Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Vi Phong at 12/02/2012 08:57 pm reply

      Chính thức thì mình chỉ mới đọc 2 tác phẩm của Haruki Murakami, 2 tác phẩm khác thì xem lướt qua. Có những thứ mình thích ở các tác phẩm của nhà văn này, cũng có thứ mình không thích. Có lẽ ông chỉ viết về một dạng nhân vật, một dạng đời sống, dù những câu chuyện thì khác nhau. Đôi khi đọc xong một câu chuyện nào đó lại có cảm giác như chưa đọc gì, có cảm giác biết rồi nhưng lại chẳng biết gì. Có lẽ đó chính là cái tài của Haruki Murakami chăng? [img]1[/img] Mình nghĩ mỗi người có một tâm thế đọc, có người dễ bị ám ảnh, có người không. Chung quy cũng bắt nguồn từ sự đồng điệu giữa người viết và người đọc. Có điều mình nghĩ nên chăng xem xét yếu tố tuổi tác của độc giả tiếp cận sách của Haruki Murakami [img]1[/img]

      Xóa

  2. • Gem • at 11/29/2012 11:46 pm comment

    Cách đây 1 khoảng thời gian, chẳng nhớ nữa, em đọc theo 1 dạng " trào lưu" khi bạn bè truyền tai nhau " hay lắm". Và em nhận ra, chẳng thể hấp thu được ngôn ngữ của Haruki Murakami ở lúc bấy giờ. Nó trừu tượng và trau chuốt đến rắc rối. Em đã bỏ dở cuốn "Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời" như vậy. Luôn là cảm giác hư hư ảo ảo, nhân vật lại như sống tách biệt vs cái gọi là đời sống tâm hồn bìh thường. Họ cô đơn, tổn thương, và méo mó. Rồi họ mải miết đi tìm cho mìh 1 thế giới mới. Hay chăng lại là cách họ nhốt mìh trong quá khứ. Đại khái là em ko hiểu [img]46[/img] Nhưng đúng là ông ấy có tài, rất tài c nhỉ ^^ . Hì. Nói điều đó nghe thật buồn cười, rõ ràng đó là sự thật hiển nhiên. Cái em thích là ông bắt đầu viết ở cái tuổi k còn trẻ, khi đã trải qua rất nhiều sóng gió trên đời này, và ông thành công. - Em bắt đầu có thể cảm nhận thêm 1 chút thôi về ngôn ngữ của ông từ cuốn "Người tình Sputnik". Chẳng hiểu sao, em đặc biệt thích tác phẩm này. Rất thích. Quá trình tìm kiếm tình yêu của mỗi người diễn ra nghiệt ngã và đầy ám ảnh. Và vô vọng. Em đã khóc khi nghĩ đến Miu cùng với việc vĩnh viễn mất đi cảm xúc yêu đương. Nhập nhoạng và mụ mị. Rõ là rất mệt mỗi lần đọc Harumi Murakami. :( .. Thế nên, sự thật là em chẳng còn đọc truyện của ông ấy, dù em vẫn luôn quan tâm đến các tác phẩm của ông qua đánh giá của thế giới. ^^ Có thể sau này, khi em lớn thêm 1 chút, em sẽ để cái tâm mình " lơ lửng" hơn, và tiếp thu từ từ. Có lẽ vậy. :) Như chị từng nói ấy, nó sẽ đến vs ta 1 cách tự nhiên nhất. :D .... Em vẫn luôn đọc entry c, và cảm giác mìh đc mở mang gián tiếp. ^^ 12h kém rồi, ngủ ngon nhé chị.! ( mà chắc giờ này c vẫn đọc 1 thứ j đó ) [img]6[/img]

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Vi Phong at 12/02/2012 09:22 pm reply

      Chị thì đọc Haruki Murakami khi bên tai chị không còn nghe ai gào thét cái trào lưu "Rừng Nauy" gì gì đó (chị là chị hay đi chậm thời đại lắm [img]1[/img]). Đến nay chị chỉ chính thức đọc được 2 tác phẩm của nhà văn này, trong đó có Phía Nam... Còn Người tình Sputnik chị chỉ có cơ hội xem lướt qua một lần. Có lẽ vì vậy mà với chị thì Phía Nam... hay hơn, cảm động hơn. Cuốn Người tình Sputnik có cái gì như còn thiếu, có thể vì tuy khai thác một đề tài mới nhưng những dòng nhân vật thì kỳ thực vẫn cũ, vậy nên khi sinh sau đẻ muộn so với các tác phẩm đồ sộ trước đó, người ta đã đánh giá nó là tác phẩm yếu ớt của Haruki chăng? Thực ra những tác giả Nhật Bản chị từng đọc, chị thấy văn phong của họ, câu chuyện của họ đều có cái gì đó mơ hồ, mơ hồ như bản thân đời sống vậy (dù mỗi người sẽ có nét khác biệt riêng). Có cái gì ở đất nước này đã tạo nên điều đó chăng? [img]1[/img] Một lần nữa, chị nghĩ tâm thế người đọc xác lập điều đi vào tâm hồn họ từ tác phẩm (em là người đọc nhạy cảm, nhỉ?!). À, chị nghĩ thức khuya đến 12h kém sẽ làm em hao mòn sức khỏe đấy. Đừng thường xuyên thế nhé.

      Xóa

From The Day with Love

Từ ngày 7.7 đến nay, tôi bán được 24 cuốn sách. Một con số cụ thể nhưng vô cùng trừu tượng. Tất cả những người mua đều là người que...