Hoạt hình Mỹ thường không có chiều sâu về nội dung như hoạt hình Nhật Bản, cũng không bay bổng đầy mộng tưởng bằng nhưng hoạt hình Mỹ có phong cách khoáng đạt, hài hước đặc trưng của phương tây. Các bộ phim đa phần thể hiện tính giải trí cao nhưng vẫn đảm bảo được tính nhân văn bằng việc chuyển tải những thông điệp nhẹ nhàng và cởi mở về cuộc sống. Tôi đã xem khá nhiều phim hoạt hình của Mỹ, thật khó để có thể liệt kê một cách chi tiết. Trí nhớ của tôi có hạn và những bộ phim hoạt hình của Mỹ thường cũng không quá đặc sắc về nội dung nhưng lại luôn là lựa chọn hợp lý cho dù bạn đang mang một tâm trạng thế nào. Tôi kể ra đây những bộ phim mà tôi còn nhớ tương đối.
Phim 2D (hiểu nôm na là những bộ phim sử dụng công nghệ vẽ tay truyền thống – đến nay hầu như đã nhường chỗ cho phim hoạt hình 3D): Hoạt hình 2D thường là những bộ phim dựa trên các câu chuyện quen thuộc vì vậy có lẽ không cần giới thiệu nhiều về nội dung. Tuy rằng màn ảnh ngày nay tràn đầy các phim hoạt hình 3D đẹp mắt, sức hút của những phim 2D không hẳn đã suy giảm. Sự thực là so với tạo hình kỹ thuật số, những nét vẽ tay vẫn tỏ ra tinh tế, uyển chuyển và mang màu sắc thần tiên hơn. Âm nhạc trong các phim hoạt hình truyền thống cũng tỏ ra êm dịu, du dương và lãng mạn hơn.
(Các bộ phim hoạt hình 2D dưới đây đều của hãng Walt Disney – có lẽ xưa nay, thể loại này không có hãng nào qua mặt được “người khổng lồ” này?!)
* Người đẹp và quái vật: một chuyện tình lãng mạn cảm động xuất phát từ chính con tim… và là bộ phim hoạt hình duy nhất đến nay từng được đề cử ở hạng mục phim hay nhất của giải thưởng danh giá nhất hành tinh.
* Công chúa ngủ trong rừng: một phim kinh điển của hãng Walt Disney về một nàng công chúa chỉ có thể được đánh thức bằng một nụ hôn tình yêu dịu dàng...
* Cô bé lọ lem (Cinderella): một câu chuyện cổ tích ngọt ngào với một kết thúc thần tiên…
* Nàng tiên cá: câu chuyện cổ làm say đắm lòng người với một kết thúc đã vượt thoát khỏi bi kịch của Andersen…
* Bạch Tuyết và bảy chú lùn: một bộ phim của mọi thời đại…
* Aladdin và cây đèn thần: một tác phẩm quyến rũ từ Ngàn lẻ một đêm…
* Hoa mộc lan (Mulan): vừa hài hước vừa cuốn hút về một huyền thoại Trung Hoa…
* Chú bé người gỗ Pinocchio: giản đơn và ấm áp…
* 101 con chó đốm: thú vị, lãng mạn, đáng yêu là những gì có thể nói về bộ phim này.
* Vua sư tử (Lion King): tự do, kiêu hãnh và cũng đầy ắp tình cảm…Một trong những tác phẩm trứ danh của Walt Disney.
(nội dung về một nàng mèo có ba nhóc con rất đáng yêu và nghịch ngợm, được nâng niu và chăm sóc bởi một người đàn bà quý tộc độc thân và giàu sang. Khi người đàn bà cảm thấy đã già yếu, bà bèn lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho những chú mèo mà bà hết lòng yêu thương. Điều này làm nảy sinh sự ghanh tị trong lòng tên quản gia độc ác, và vì nếu những chú mèo chết đi, hắn sẽ là người thay thế hưởng toàn bộ tài sản nên hắn đã âm mưu bỏ rơi những chú mèo ở một vùng ngoại ô xa xăm. Đối diện với sự khốn khó của cuộc đời thực, nàng mèo và ba con rất hoảng sợ. Nhưng sự xuất hiện của một gã mèo lang thang không biết phép tắc nhưng có trái tim can đảm, chân thành và nồng nhiệt đã thay đổi số phận của gia đình nàng mèo. Và tình yêu đến như một điều rất tự nhiên… ).
* Công chúa và chàng ếch: bộ phim này được sản xuất năm 2009, khi công nghệ 2D không còn được Walt Disney sử dụng từ khá lâu. Câu chuyện vẫn mang màu sắc cổ tích với những thủ pháp dàn dựng quen thuộc của Walt Disney nhưng có thể thấy nhiều nét hiện đại đã xuất hiện từ tạo hình đến tính cách nhân vật cũng như sự phát triển của các tình tiết. Có thể xem bộ phim là một làn gió lạ tại thời điểm phát hành nhưng cũng là một làn gió rất gần gũi và quen thuộc, khiến người ta cảm thấy xao xuyến và thích thú. (Cái gọi là nàng công chúa trong phim thực chất chỉ là một cô gái hầu bàn sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng có bản tính cứng cỏi và tự lập. Nàng làm việc chăm chỉ và vất vả với mong muốn có được một nhà hàng của riêng mình. Trong khi đó, hoàng tử điển trai lại là một kẻ lười nhác, chỉ thích ăn chơi nên bị hoàng gia cắt nguồn trợ cấp. Để duy trì cuộc sống nhàn tản, chàng quyết định kết hôn với con gái một gia đình giàu có. Tuy nhiên, địa vị của chàng lại nằm trong tầm ngắm của một kẻ có ma thuật hắc ám. Hắn đã biến chàng trở thành một con ếch để tước đoạt thân phận hoàng tử của chàng. Nhầm tưởng cô hầu bàn là một công chúa, chàng ếch xin nàng một nụ hôn để biến mình trở lại thành người. Điều kỳ quặc là nụ hôn ấy lại biến ngược nàng thành một con ếch như chàng. Cả hai rơi vào một hành trình đầy mạo hiểm để rồi cuối cùng tìm thấy tình yêu đích thực của cuộc đời).
Phim 3D: tôi hiểu một cách cơ bản là dạng phim được thực hiện dựa trên kỹ thuật đồ họa vi tính. Điểm chung của những phim này là ở hiệu ứng kỹ xảo phong phú với những hình ảnh, âm thanh sống động đáng ngạc nhiên. Hai hãng phim rất thành công ở thể loại hoạt hình 3D là Pixar và Dreamworks tuy nhiên Pixar sau này đã được Walt Disney mua lại. Vì vậy, Walt Disney và Dreamworks trở thành hai đối thủ cạnh tranh chính và hầu hết những tác phẩm 3D của họ đều gây tiếng vang lớn.
(Các phim hoạt hình 3D khá nhiều, vì vậy để tránh lộn xộn, tôi đành phải chịu khó liệt kê theo năm sản xuất phim, đối với các phim tôi đã xem nhiều hơn 1 phần, tôi sẽ xếp theo năm sản xuất của phần đầu tiên).
Năm 1995
* Toy Story (3 phần – Pixar/Disney): phim này là phim 3D đầu tiên tôi xem. Câu chuyện về những đồ chơi của cậu bé Andy: chàng cao bồi gỗ Woody, cảnh sát vũ trụ Buzz… với những cung bậc cảm xúc giữa các đồ chơi với nhau và giữa đồ chơi với chủ nhân. Phần 1 kể về sự xuất hiện của cảnh sát vũ trụ Buzz gây nguy cơ “thất sủng” cho Woody dẫn đến một cuộc chiến thực sự giữa họ nhưng lại là khởi đầu của một tình bạn lớn về sau. Ở phần 2, Woody bị một tay buôn đồ chơi đánh cắp và Buzz cùng các đồ chơi khác lên đường giải cứu cậu. Phần 3, khi Andy vào đại học, số phận của các đồ chơi là bị quyên đến một vườn trẻ….Có thể thấy, càng về những phần sau, ý nghĩa nhân văn của phim càng sâu sắc.
Năm 1998
A bug’s life (Pixar): phim kể về một tổ kiến dưới sự cai trị hà khắc của một đám châu chấu, có một cậu kiến tuy hậu đậu nhưng thông minh nhân hậu tin rằng cần phải tìm sự hỗ trợ từ bên ngoài để chống lại đám châu chấu ấy. Không ai bị cậu thuyết phục nhưng cậu vẫn lên đường để đi tìm những chiến binh. Kết quả là cậu lại tìm về đám côn trùng vốn bị sa thải từ một gách xiếc rong. Họ tuy tốt bụng nhưng thật ra chỉ biết làm trò vui… Một phim với những diễn biến thú vị. Hình ảnh các loài côn trùng trong phim đặc biệt dễ thương.
Năm 2001:
* Shrek (4 phần - Dreamworks): một series hài hước và hấp dẫn, tạo nên sự đột phá về dòng phim cổ tích. Nhân vật chính không phải là một hoàng tử đẹp trai, tài năng, hoàn hảo mà là một gã chằng tinh màu xanh xấu xí, thô lỗ và sống ẩn mình cô độc trong một đầm lầy. Nhưng ẩn sau bề ngoài đáng sợ là một trái tim nhân hậu và quả cảm. Công chúa Fiona cũng là một nhân vật đáng yêu và phi thường. Nàng vốn bị lời nguyền vào ban đêm trở thành chằng tinh và luôn mong lấy lại diện mạo xinh đẹp vĩnh viễn nhưng khi yêu Shrek, dù phải mang vẻ chằng tinh suốt đời, nàng cũng bất chấp. Tổng thể 4 phần là những cuộc phiêu lưu trải dài từ những ngày đầu yêu nhau của Shrek với Fiona, quá trình họ bảo vệ tình yêu đến khi họ kết hôn, cùng nhau trải qua những thử thách, rồi có con và cuộc chiến bảo vệ gia đình. Bên cạnh tình tiết lôi cuốn, lời thoại dí dỏm, điều thu hút của bộ phim còn ở sự có mặt của hệ thống các nhân vật cổ tích vốn quen thuộc với mọi người nhưng được xây dựng với những nét tính cách hài hước hơn hẳn. Một phim không thể bỏ qua.
* Tổng công ty quái vật (Disney/Pixar): phim kể về một tập đoàn quái vật chuyên dọa trẻ con thông qua một cánh cửa dẫn từ thế giới quái vật đến phòng ngủ của những đứa trẻ trong thế giới con người nhằm thu điện năng từ tiếng thét của chúng để sản xuất điện cho cả thành phố quái vật. Một lần, một cô bé tình cờ lọt qua được cánh cửa ấy. Điều này gây kinh hãi cho cả thành phố quái vật. Nhưng ngôi sao đứng đầu trong những quái vật khiến trẻ con sợ nhất phát hiện ra sự đáng yêu của cô bé, cả hai trở nên quấn quýt nhau và vì vậy cậu quái vật màu xanh khổng lồ này đã chống lại chính ông chủ của mình để bảo vệ cô bé. Một phim với cốt truyện và nhân vật độc đáo.
Trả lờiXóaThe dark at 06/08/2011 04:55 am comment
Vẫn còn Up, Car, Kungfu Panda nữa chứ chị. Em mới xem có vài phim trong list mà chị vừa kể. Hic, có khi đợt thất nghiệp tiếp theo em sẽ mượn đĩa về xem theo list hoạt hình này. Có một vấn đề mà em muốn chia sẻ, đó là phim hoạt hình của Mỹ dạy cho trẻ em của họ rất nhiều thứ bổ ích chị ạ, sự tự tin, can đảm, dám ước mơ và sống với mơ ước ấy. Việt Nam mình vẫn còn thiếu những thứ ấy. Em vẫn thường có sự so sánh thế này: trong khi trẻ vị thành niên của Mỹ được "nghịch" ô tô, thì trẻ em Việt Nam đến vòng bi của xe đạp thế nào còn chưa biết. Vậy nên cũng bình thường khi họ đã làm được cả tàu vũ trụ mà đến cái động cơ xe máy mình còn phải đi nhập về. Nói chung là người Việt Nam vẫn giỏi nhiều thứ, chỉ là bao giờ cái giỏi ấy mới đi đúng vào miếng cơm manh áo cho toàn xã hội, cho thế hệ tiếp theo.... Hic, lạc đề!
XóaVi Phong at 06/08/2011 09:46 pm reply
À, những phim em nói đương nhiên sẽ không thiếu được. Chị nghĩ em có thể tùy thuộc vào thời gian và cảm hứng mà xem bất cứ bộ phim hoạt hình nào, không cần phải lên kế hoạch vào đợt thất nghiệp tiếp theo Ừm, chị nghĩ phim Mỹ thường hay ở chỗ, mặc dù đề cao tính giải trí nhưng vẫn không bỏ qua giá trị nhân văn. Phim hoạt hình càng thể hiện điều đó. Chị nghĩ tư tưởng giáo dục của phương Tây từ phim ảnh đến ngoài đời có sự khác biệt so với chúng ta. Họ có nhiều cái hay chúng ta chưa học được. Nhưng hễ chúng ta có gì xấu thì chúng ta đổ lỗi cho "lối sống tây". Tất nhiên họ có cái xấu của họ, và chúng ta có cái xấu của chính chúng ta, chẳng liên quan gì đến họ.
Trả lờiXóaĐóa Hoa Vô Thường at 06/08/2011 05:07 am comment
Mình hay xem Tom và jerry
Trả lờiXóaSuỵt!!! at 06/15/2011 08:39 pm comment
trong đây thích nhứt ng đẹp & quái vật ạ Từ cốt truyện - nhân vật cho đến nhạc film
Trả lờiXóaSuỵt!!! at 06/15/2011 08:41 pm comment
à, e k thích Bạch Tuyết - nàng ta có hòang tử thì quên 7 chú lùn, hi
XóaVi Phong at 06/20/2011 11:19 pm reply
khi yêu người ta thường quên bạn bè ^ . ^
Trả lờiXóaI am Azure... at 06/25/2011 06:16 pm comment
Những phim chị nói trên em hầu hết đã xem qua : ) Toy Story cũng là phim 3D đầu tiên mà em được xem ( tuy nhiên chỉ xem qua bản Vsub của Web dịch phim Việt chứ chưa được xem trên màn ảnh rộng). Em đặc biệt thích những bộ phim HH của Mỹ, em thích phong cách của họ. Khoáng đạt, thoải mái, không quá mang nặng triết lí nhưng cũng đọng lại trong lòng người xem không ít suy nghĩ đầy tính nhân văn ^.^ Cám ơn những chia sẻ của chị :)