Tôi không nhớ đó là ngày nào của một hay hai tuần trước. Tôi đã ở trong một nhà sách. Và mặc dù có một mục đích khác, tôi đã nhìn thấy quyển sách đó. Một quyển sách nhẹ nhàng với bìa màu trắng và số trang không quá dày. Một quyển sách của Osho. Tôi không biết lúc này có thích hợp. Nhưng cũng không biết lúc nào sẽ thích hợp. Tôi lưỡng lự. Lật giở vài trang để xem bên trong chứa đựng điều gì. Tôi nghĩ đó là những dòng chữ không có vẻ gì là giáo điều, là mị chúng. Vậy là tôi không cần phải suy nghĩ nữa.
Tôi đã đọc những trang đầu và nghĩ rằng tôi có thể đọc lại quyển sách này, ít nhất là một lần. Điều đó rất lâu không xảy ra khi tôi đọc những trang đầu của những quyển sách khác. Tôi thậm chí tin rằng có thể tôi đã đọc quyển sách này hơi trễ. Tôi đoán là có nhiều người như tôi. Osho là một vị thiền sư quá nổi tiếng!
Tôi đang không khen quyển sách. Tôi vẫn phải suy nghĩ thêm về những gì đã đọc. Bởi chưa hiểu hết nên tôi không thể vội nói gì. Nhưng tôi cũng không muốn để cho cảm nhận ban sơ của mình về những gì đã đọc trôi tuột đi trong im lặng. Những thứ có ý nghĩa vẫn cần được nói ra.
Có những chiêm nghiệm về hạnh phúc mới mẻ, cũng đồng thời không hề xa lạ mở ra khi tôi đọc được tư tưởng của Osho thông qua quyển sách này. Một thế giới hỗn độn dường như đã được Osho phanh phui và lột trần. Thế giới của tâm trí, của cái phần sâu thẳm nhất trong nội tâm của con người. Tôi cũng đã cảm thấy bản thân bị lột trần. Tôi đã mỉm cười vì điều đó, với một chút tổn thương lướt qua trong tim.
Cũng cần nói rằng, khi tôi dùng từ “hạnh phúc” là ý muốn dùng một từ gần gụi với tất cả chúng ta. Osho không dùng từ “hạnh phúc” theo cách hiểu thông thường. Ông đã chỉ ra rằng hạnh phúc và đau khổ thực chất là hai mặt của một đồng xu. Và như vậy đeo đuổi hạnh phúc cũng có nghĩa là đeo đuổi khổ đau. Bởi vì nỗi đau bao giờ cũng vẫn ở đó, song hành với hạnh phúc. Có vẻ như đó không phải là một điều quá mới, nhưng tôi nghĩ con người chúng ta đều tin rằng có thể vượt qua nỗi đau để đạt tới hạnh phúc. Cũng có khi chúng ta không tin vào hạnh phúc. Chúng ta biết phía cuối của con đường chỉ có tuổi già và cái chết. Không có gì khác cả. Nghĩa là, cho dù tin hay không tin hay có thể dự cảm về những bất hạnh trên con đường hạnh phúc, chúng ta vẫn nghĩ hạnh phúc cao hơn khổ đau. Nhưng Osho đã nói, theo cách hiểu của tôi, hạnh phúc và khổ đau chỉ là một.
Tôi chợt nghĩ đến loài thiêu thân. Tôi vẫn thường tự hỏi, tại sao chúng cứ đâm đầu vào nơi có ánh đèn hay ánh lửa để rồi bị sức nóng tước đi sinh mạng? Hẳn đây là một vấn đề thuộc về tự nhiên, như cá thì ở dưới nước, chim thì bay trên trời… Hành vi của loài thiêu thân không nằm ngoài quy luật ấy. Chúng hoạt động nhờ chùm sáng song song của mặt trời và bởi lầm tưởng mọi thứ ánh sáng đều là mặt trời, chúng đã lao đầu về phía có ánh sáng, bất chấp đó là loại ánh sáng gì. Tôi không có ý so sánh. Nhưng có thể con người cũng giống như loài thiêu thân. Chúng ta cũng lầm tưởng về “ánh sáng”.
Có một thứ ở đằng sau, vượt lên trên hạnh phúc, cái đích cuối cùng ấy. Theo cách gọi của Osho thì đó là an lạc, là sự thanh thản, là bình an thực sự. Ở đó không có hạnh phúc, cũng không có khổ đau. Con người đơn giản là chính mình với những phần tốt đẹp nhất mà ngay tại thời điểm sinh ra, chúng ta đã có và rồi mất dần đi qua tháng năm cuộc đời. Những đứa trẻ thì gần với Phật nhất. Tôi nghĩ đến “Hoàng tử bé” của Saint Exupery – một tác phẩm văn học có nỗi cô đơn trong trẻo nhất mà tôi từng biết. Có gì đó trong những lời thuyết giảng của Osho khiến tôi nhớ về tác phẩm đó. Có lẽ là vì thiền định – thực chất cũng không gì khác ngoài quá trình từ một người lớn trở về một đứa trẻ. Tôi nhớ thông điệp của “Hoàng tử bé”: mọi người lớn đều đã từng là một đứa trẻ... Một thông điệp có thể khiến người ta đau lòng vào một khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống…
Tôi đã gấp quyển sách lại vào ngày hôm nay. Đó là một quyển sách nhẹ nhàng với gam màu trắng và không quá dày. “Hạnh phúc tại tâm” là tên của nó…
-------
Ghi chú: tên của bài viết được lấy ra từ quyển sách.
Trả lờiXóaĐóa Hoa Vô Thường at 03/25/2011 08:42 am comment
Mình còn nhớ một câu nói của Đức Phật, cũng lâu lắm rồi: "nếu nhà ngươi đem đổ hết nước đục, thì lấy đâu ra nước trong"... Hạnh Phúc Tại Tâm mà thiền sư Osho dùng, đó chính là khái niệm "vô trụ xứ niết-bàn"...
XóaVi Phong at 03/31/2011 09:27 pm reply
Mình thấy Osho hấp thu tư tưởng của Phật, của Chúa và của những triết gia... nhưng ông không đi theo tôn giáo nào mà vận dụng chúng dựa trên tư tưởng của bản thân. Có lẽ vì vậy mà những gì ông nói ra tương đối dễ hiểu. Và mình có thể hiểu được. Còn khi Vô Thường sử dụng những khái niệm của Phật thì mình thấy khó hiểu quá
Trả lờiXóaĐoàn Huyền at 03/25/2011 11:35 am comment
Xa nhớ hồi nhỏ đọc Đôremon có câu: "Cuộc đời của con người giống như sợi dây thừng luôn có sợ hạnh phúc và khổ đau bện chặt vào nhau". Tới giờ Xa vẫn luôn mang câu đó bên mình và luôn nhắc với đám học trò nhỏ. Cần có những phút tĩnh lặng và lắng nghe!
XóaVi Phong at 03/31/2011 09:34 pm reply
Cô giáo cũng dự phòng cho học sinh sau này đỡ ngỡ ngàng bước ra đời nhỉ? Mình thấy câu nói đó trong Doremon thật hay đó! Nên không phải mọi truyện tranh đều nhảm nhí, Xa nhỉ!
Trả lờiXóaNắng at 03/25/2011 01:06 pm comment
Vâng, dường như trở lại như trẻ thơ luôn là cái đích cần vươn tới để có thể đến với Phật, hay đến với Chúa - điều mà chúng ta dường như chưa thể làm được. Niềm vui hay nỗi buồn, hạnh phúc hay khổ đau đều từ tâm hồn đang dần trưởng thành/già cỗi của chúng ta mà ra. Em luôn thấy mình già đi theo năm tháng. Không cần buồn, và cũng chẳng nên vui vì điều đó.
XóaVi Phong at 03/31/2011 09:42 pm reply
Thật ra trẻ thơ có sẵn trong mình, bởi vì sinh ra mình là trẻ thơ. Cho nên thật ra không thể nói vươn tới mà là trở lại. Theo cách đó thì, hạnh phúc chỉ là trở lại chính mình mà thôi. À, dù sao em cũng trẻ hơn chị. Cho nên em đừng có cảm thấy già đi nhanh như thế, kẻo chị phải nói với em là hóa ra chị trẻ đẹp hơn em ^ ^
Trả lờiXóaThe dark at 03/25/2011 03:44 pm comment
The dark sẽ chia sẻ 1 quan điểm hơi phiến diện: "Người ta khao khát những gì người ta không có". Ai đó đi tìm thanh thản thì rất có thể là họ đang không thanh thản. Ai đó đi tìm sóng gió thì có lẽ là cuộc sống của họ quá nhàm chán. Còn The dark cần một mục đích sống. Chúc Vi Phong luôn vui!
XóaVi Phong at 03/31/2011 10:02 pm reply
The Dark nói đúng, vì đó là lý do con người không thể vươn tới hạnh phúc. Bởi họ đi tìm. Trong sách của Osho đưa ra tình cảnh thế này, một người phụ nữ mất cây kim trong nhà nhưng bà ấy lại tìm ngoài cửa. Mọi người cười bà ấy không ngớt. Cuối cùng bà bảo rằng, con người cũng đang làm điều tương tự như bà thôi. Nghĩa là, sự thanh thản hay mục đích sống, hay hạnh phúc, ở ngay bên trong chúng ta. Cái chúng ta cần chỉ là hãy nhìn sâu vào chính mình.
Trả lờiXóaTuệ Tâm1978 at 03/25/2011 07:44 pm comment
Cũng cần nói rằng, khi tôi dùng từ “hạnh phúc” là ý muốn dùng một từ gần gụi với tất cả chúng ta. Osho không dùng từ “hạnh phúc” theo cách hiểu thông thường. Ông đã chỉ ra rằng hạnh phúc và đau khổ thực chất là hai mặt của một đồng xu. Và như vậy đeo đuổi hạnh phúc cũng có nghĩa là đeo đuổi khổ đau. Bởi vì nỗi đau bao giờ cũng vẫn ở đó, song hành với hạnh phúc.. Đây là điều mà bất cứ ai thật sự hướng về tôn giáo đều biết rất rõ. Thế nên ! Người hướng đạo thường không mưu cầu hạnh phúc. vì họ hiểu " mưu cầu hạnh phúc chính là mưu cầu đau khổ " Sách Osho không quá khó hiểu phải không bạn ? Chính vì ông lột tả quá rõ ràng nội tâm cũng như ham muốn của con người mà nhiều người không chấp nhận được. Hãy luôn là chính mình, đừng bao giờ là chiếc bóng của ai cả. Chính là thông điệp mà Osho thường nhắn gửi đến mọi người trong các buổi diễn thuyết của mình.
XóaVi Phong at 03/31/2011 10:37 pm reply
Mình chỉ mới đọc một quyển của Osho, chưa thể khái quát được hết tư tưởng của ông bằng cảm nhận của riêng mình. Nhưng từ những gì mình đọc được thì mình nghĩ mình có thể kết nối tinh thần với những lời thuyết giảng của Osho. Đó là điều kiện đầu tiên để người ta xác định niềm tin vào những lời thuyết giảng ấy. Mình nghĩ vậy.
Trả lờiXóababy_sweet_love_ at 03/26/2011 11:51 am comment
Hạnh phúc là gì đó mà ta cảm nhận được trong cuộc sống khi ta vui. Nhưng hp đôi khi cũng là những khổ đau. Mà khi đau ta mới thấu hiểu được hết. Vui chị nhé
Trả lờiXóasinglestar at 03/27/2011 09:49 pm comment
Hạnh phúc là an lạc, sự thanh thản, là bình an thực sự. Ở đó không có hạnh phúc, cũng không có khổ đau. Nhiều người muốn đạt đến 1 nơi như thế vĩnh viễn thì thật khó, khi mà mọi thứ luôn tác động vào ta ko ngừng. theo mình thì chỉ có những phút giây thanh thản cũng đủ quý. Chúc bạn luôn vui nhe!
XóaVi Phong at 03/31/2011 11:09 pm reply
Nói ở đó thật ra là ở trong cõi lòng mình thôi. Nó thanh thản rồi thì không bị tác động nữa.
Trả lờiXóaNhư Tâm at 03/29/2011 11:37 am comment
Những đứa trẻ thì gần với Phật nhất Nhu Tam thich va hieu duoc dieu nay. Dung.
Trả lờiXóaTuệ Tâm1978 at 03/31/2011 11:19 pm comment
Vi Phong Cách đây 36 phút Mình chỉ mới đọc một quyển của Osho, chưa thể khái quát được hết tư tưởng của ông bằng cảm nhận của riêng mình. Nhưng từ những gì mình đọc được thì mình nghĩ mình có thể kết nối tinh thần với những lời thuyết giảng của Osho. Đó là điều kiện đầu tiên để người ta xác định niềm tin vào những lời thuyết giảng ấy. Mình nghĩ vậy. Uh ! Một quyển thì không thể khái quát được hết tư tưởng của ông đâu; Nhưng nó cũng có thể khiến mình nhận ra được đôi chút điều ông muốn nhắn gửi, phải không Bạn đã có thể kết nối được với những lời giảng của ông, quả là 1 tín hiệu quá tốt. Hầu như những ai đọc và mê sách Osho đều cảm nhận được 1 luồng năng lượng rất mạnh từ những lời giảng. Không biết với bạn thì thế nào ?
XóaVi Phong at 04/03/2011 09:18 pm reply
Mình cảm thấy lòng dịu lại khi đọc Osho, bởi vì có khá nhiều suy nghĩ của mình đã được Osho làm rõ, theo cách đó, mình như được ủng hộ điều mình tin tưởng. Mình cũng khám phá được nhiều điều mới mẻ, gọi được thành tên những thứ mà mình không/không dám gọi trước đây.
Trả lờiXóaHồ Điệp at 08/08/2012 09:14 pm comment
Chào bạn ! Đã lâu không gặp ...Bài viết của bạn thật ấn tượng cho nhận thức của một kiếp người ... Chúng ta luôn mưu cầu hạnh phúc , điều ấy chẳng có gì sai ...nhưng hạnh phúc và khổ đau vốn là 2 mặt của một chiếc áo . Điều tai hại nhất của ta là luôn muốn mình là một thứ gì đó ...nhưng ta là ai mà cao trọng thế ? Là ai mà luôn được phải tôn trọng ? Là ai mà phải được yêu thương thật nồng nàn ? Là ai là ai mà luôn đòi hỏi ??? Khi ta chẳng có gì để trao cho người ..dù là một chút bé mọn và đơn sơ... Ghé thăm bạn , chút bạn an lạc tâm tư... Thân mến
XóaVi Phong at 08/16/2012 10:55 pm reply
Cảm ơn bạn. Bạn cũng vẫn trăn trở nhiều nhỉ. Bài viết này mình viết khá lâu rồi, dạo đọc quyển sách của Hạnh phúc tại tâm của Osho. Đến nay đó vẫn là một quyển sách mà mình thích.