Vừa mới hôm trước, còn rốt ráo lo phần báo cáo tập sự và chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm thì qua hôm sau, người ta bảo chúng tôi chưa đủ điều kiện thi lần này, rằng cái thời hạn 12 tháng phải kéo dài đủ đến 18 tháng. Tôi không biết mình buồn hay vui. Tôi chỉ cảm thấy, trước mắt tôi, cái lững lờ khó chịu của thời gian…
...
Lật vài trang ebook của tác phẩm “Bên cạnh thiên đường” (tác giả Quản Ngai) thấy có đoạn đối đáp này (hẳn giữa hai người bạn):
- Sống thật vô nghĩa.
- Chết càng vô nghĩa hơn.
- Cũng phải.
- Kiếp sau làm cây đi, chắc là hết phiền toái ...
Cảm giác hững hờ chán chường trong cuộc sống này có lẽ có thể gói gọn trong vài câu trao đổi ấy. Dĩ nhiên cuộc sống còn muôn vạn cảm xúc khác. Nhưng có khi người ta trống rỗng và uể oải như thế, sự vô nghĩa tràn ngập trong không khí, trong từng cử chỉ, lời nói, cái nhìn, điệu bộ, nét mặt… Người ta thu mình trong sự bất động, có lẽ đến nhìn bản mặt người yêu cũng thấy nhạt thếch.
Một lần tôi nằm mơ (mỗi lần tôi khởi đầu câu nói này đều có chút cảm giác ngại ngùng, cứ như là tôi chẳng có gì để kể ngoài cái việc nhảm nhất là ườn xác ngủ và rồi thì là lại nằm mơ). Có điều, nếu đúng như một nghiên cứu từng nói, rằng giấc mơ phản ánh mong muốn nội tâm của bạn, trong khi (hẳn là Osho) chỉ ra rằng giấc mơ thể hiện bạn đã tiêu hao quá nhiều năng lượng cho điều/người bạn mơ về, rằng có cái gì đó đang sai… thì một giấc mơ, dù mãi chỉ là mộng mị, hẳn cũng để lại trong bạn dư âm nào đó. Cũng thường là vô hại thôi.
Trong mơ, tôi thấy mình đang hát, dù đứt từng câu một: “Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ… Xin được làm gió dập dìu đưa điệu ca dao… Xin sống lại tình yêu đơn sơ, rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miếng dừa đường mòn xưa, dang nắng dầm mưa”. Sự đứt đoạn ấy cũng dễ hiểu, tôi chỉ biết có mấy câu trong bài hát mà lâu lắm rồi tôi không nghe, không nhớ, chưa từng thuộc hết lời ấy. Còn thương rau đắng mọc sau hè. Tôi hơi tần ngần nghĩ đến những lần thi thoảng trong mình lại trỗi dậy cái ham muốn đi công viên và chơi các trò chơi. Khi bạn còn nhỏ, một giấc mơ phi thường được thực hiện có lẽ chỉ đơn giản là việc được bố mẹ dẫn đi chơi công viên. Trong sự ngưỡng vọng của mình, hẳn tôi đã nhìn công viên như ước mơ trở thành sự thật của các bạn nhỏ, cũng có thể nơi ấy là cỗ máy thời gian giữa đời thực, ở đó, người ta được, một lần rồi lại một lần, sống lại những cảm xúc trẻ thơ. Còn nhớ lúc trước đọc một bài báo viết về một tài tử điện ảnh Mỹ, người ta bảo bất kể yêu ai, nơi chốn hẹn hò anh ta luôn thích dắt bạn gái đến chính là Disneyland. Tôi không rành tâm lý đàn ông (tôi không rành tâm lý ai cả, trừ bản thân tôi và với bản thân mình thì cũng chỉ trong chừng mực nào đó mà thôi). Nhưng trong suy nghĩ của tôi khi ấy thì anh chàng như ảnh thật dễ thương.
Có lần Còi Cọc hỏi tôi, nếu có kiếp sau tôi muốn làm gì. Khi đó tôi trả lời: làm một con chim hải âu, một cái cây, một cơn gió hay một áng mây… không hiểu sao lại không phải là làm người. Có lẽ giống như câu thoại ở trên: Kiếp sau làm cây đi, chắc là hết phiền toái...
...
Có lúc về sau này, tôi có cảm giác tình bạn giữa tôi và Còi Cọc dễ chừng hay ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Khi Còi Cọc nói rằng, tính bạn ấy kỳ thực không chơi được với người nghiêm túc, hoặc là người ta sẽ “đá” bạn ấy hoặc là bạn ấy “đá” người ta, ở trong lòng tôi cũng thoáng có một suy nghĩ. Và cũng không phải lần đầu tiên tôi có cái suy nghĩ ấy.
Mỗi tháng chúng tôi gặp nhau một lần, trung bình. Trong cái việc này, được thực hiện đều đặn, cố định, mang tính cam kết, và tôi giữ nguyên cái hăm hở như lúc đầu, có đôi khi chứa đựng một nỗi buồn thật khó nhọc. Ấy là thảng khi tôi tự hỏi mình, nếu không có những ràng buộc thuộc kiểu nợ nần, liệu tôi và bạn ấy có còn gặp nhau, liên lạc với nhau không? Tôi nghĩ…, và, nếu trong cuộc sống có những loại câu hỏi bạn không bao giờ muốn bị truy vấn thì ngược lại, cũng có những câu trả lời bạn muốn buông lơi.
Trong tình bạn này, của chúng tôi, đủ lòng tốt, sự trung thực và đáng tin hết mức có thể. Nhưng. Dường như giống với nhân vật chàng trai bong bóng trong một bộ phim nào đó, tôi hít thở không khí trong cái vỏ bong bóng của mình và bạn ấy sống trong cái vỏ bong bóng của bạn ấy. Chúng tôi có thể gặp nhau, nhìn thấy nhau nhưng ngăn cách nhau bởi lớp vỏ của mỗi người. Chúng tôi không/không thể bước vào không gian của đối phương. Đôi khi, nói chuyện với bạn ấy, khi những câu chuyện làm người ta xích lại gần nhau, thì thường tôi cảm thấy xa cách với bạn mình. Như thể chỉ trong một khắc, từ hai con người đang ở chung trong một căn phòng, tôi bỗng thấy mình đã ở trong một căn phòng khác, xung quanh tôi chỉ còn là bốn bức tường. Cùng sự im lặng mênh mông...
Tôi chẳng nhớ nổi lần đầu tiên gặp Còi Cọc. Trong tôi chỉ còn thoáng một hình ảnh mà tôi cũng ngờ không phải là lần đầu tiên. Tóc bạn ấy ngắn, hơi uốn lăn tăn như sợi mì (và hình như nhuộm nâu), bạn ấy vận sơ mi tay dài, sơ mi sọc nhỏ với cổ áo và tay áo viền trắng, tôi nhớ là bạn ấy không xắn tay áo và thắt vin sơ mi. Một cái gì cứng cỏi và nghiêm trang nơi bạn ấy. Và tôi nghĩ ít nhiều mình đã hiểu bạn ấy theo cách đó, theo cách mà như sau này tôi nghiệm ra, chính tôi đã hiểu rất ít về bạn ấy.
Nhưng bạn ấy đã ở đây, trong suốt những khoảng thời gian khó khăn của tôi, khi bên tôi chẳng còn mấy ai là bạn, đến bây giờ. Và tôi không bao giờ quên sự đáng quý ấy…
Như một tiếng thở dài. Tôi biết mình không cần phải làm gì cả. Không cần phải cố gắng vun đắp cái gì hay vứt bỏ cái gì. Tình bạn, 30 tuổi, lòng hăng hái của tôi vơi dần, và tôi hầu như hiểu: chỉ cần càng ít để tâm, người ta càng ít phải chống chọi với cảm giác thất vọng, và, càng ít coi trọng, càng thoải mái tự do. Vấn đề ở nơi tôi, lòng tự trọng, sự nhạy cảm, bản chất nghiêm túc, những nỗi muộn phiền…
Nếu biết từ hôm ấy/sẽ là biền biệt cách xa/ở giữa hai ta/sẽ là cuộc chiến tranh/sẽ chỉ rào gai và thù hận/ta sẽ nói với nhau khác hẳn… - tự dưng nhớ đến mấy câu thơ này của Lưu Quang Vũ. Không liên quan. Nhưng tôi thích giai điệu chúng gợi lên. Như một bản nhạc của ký ức…
…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét