
Có lẽ bởi lối hành văn không
hấp dẫn (với tôi): mang phong vị miền Nam, tuy khá chân chất nhưng vì lẽ nào
đó, trong ngôn từ vẫn có sự trúc trắc đôi khi rất khó hiểu. Hoặc hiện thực khắc
nghiệt (khiến tôi không thể không nghĩ vùng Jeffferson trong truyện hẳn giống
với hoang mạc, bị thiêu đốt dưới ánh nắng mặt trời, chẳng có gì mọc nổi, khắp
nơi chỉ là cát nóng bỏng, khô nghiệt, y như tâm hồn của dân xứ này). Dường như
ít tìm thấy tình yêu trong Nắng tháng tám, dù hẳn là có chứ, ít ra với Byron và
Lena, dù có ít biểu lộ bằng ngôn từ chăng nữa. Hay do thủ pháp đảo thời gian,
đặc biệt khi càng về cuối tác phẩm, khiến vài tình tiết trở nên càng khó nắm
bắt. Tôi thấy mơ hồ về cái chết của những nhân vật. Và tôi cũng không nhìn thấy
thứ ánh sáng như lời bạt nhắc đến. Khi gấp cuốn sách lại, tôi chỉ nghĩ kết thúc
có một tia hy vọng nào đó. Nhưng cụ thể là gì thì tôi không biết. Đọc lời bạt,
tôi cứ liên tưởng đến một thứ ánh sáng choáng ngợp, lung linh và như là sẽ gột rửa tâm
hồn người – kiểu ánh sáng tái sinh, sẽ xuất hiện vào khoảnh khắc kết thúc cuốn
sách. Nhưng tôi đã lật qua hết những trang cuối tác phẩm mà chỉ bị những rối
rắm làm trĩu mày. Tôi chưa nhìn thấy ánh sáng của vầng hào quang.
Trong cuốn sách có in kèm
hai bài viết của tác giả Nhật Chiêu, hẳn để độc giả có cái nhìn rõ về Faulkner và
những sáng tác của ông . Tuy vậy, bài viết in ở phần đầu cuốn sách lại bất đồ
tóm tắt toàn bộ nội dung của tác phẩm, trong khi Nắng tháng tám hàm chứa nhiều
tình tiết mà độc giả nhẫn nại có thể từ từ khám phá theo từng trang sách. Cái
tóm tắt ấy như kẻ phá bĩnh, cái bất ngờ trong diễn biến câu chuyện nếu có thì
cũng đã mất đi rồi. Bài viết in ở phía cuối, điểm qua những nét chính trong
sáng tác và đồng thời tóm tắt hai tác phẩm khác trong sự nghiệp của Faulkner, nhìn
chung không liên quan gì đến Nắng tháng tám. Tôi nghĩ sẽ hợp lý hơn nếu người
ta bỏ qua cái đoạn tóm tắt ở phần đầu kia đi và thay vì viết tản mác về những
tác phẩm khác thì tập trung vào chính bản thân tác phẩm trong cuốn sách này,
ngõ hầu giúp độc giả hiểu sâu hơn qua lăng kính người khác. Việc khái quát những
tác phẩm còn lại trong sự nghiệp của tác giả, nếu muốn, có thể dành chúng cho
chính tác phẩm ấy trong cuốn sách thuộc về nó. Dù thật thà cho rằng đây là tác
phẩm khiến mình cảm thấy vất vả khi đọc thì chính mấy điểm này trong hai bài
viết in kèm mới là điểm khiến tôi thấy đáng tiếc nhất.
…đám đàn bà có thể tốt bụng mà không thực sự có lòng trắc ẩn. Đám đàn ông
bây giờ cũng vậy, có lẽ. Nhưng chỉ có những mụ đàn bà xấu tính mới có thể tỏ ra
tốt bụng với một người đàn bà khác đang cần lòng trắc ẩn – tr. 27.
Con người. Tất cả mọi người. Nó sẽ khước từ cả trăm cơ hội để làm điều
thiện chỉ cốt đổi lấy một cơ hội xía vào việc người khác mà không ai mở miệng
yêu cầu. Nó sẽ bỏ qua và quên thấy các cơ may, các thời cơ để làm ra tiền tài,
danh vọng và việc thiện, và đôi khi cả việc ác nữa. Nhưng nó sẽ không bao giờ
bỏ qua một dịp nào để xía vào việc người khác – tr.42.
Con người biết quá ít về đồng loại của mình ! Dưới mắt chúng ta, đàn
ông và đàn bà đều hành động dựa theo cùng những lý do thúc đẩy ngay chính chúng
ta, nếu chúng ta điên khùng tới mức làm những gì mà họ đang làm – tr.71.