
Mặc dù chưa được đọc Istanbul
– Hồi ức và thành phố, thông qua Những
màu khác, tôi cảm nhận được sự ám ảnh của nhà văn đối quê hương của mình.
Istanbul vẫn là một chủ đề xuyên suốt và dường như luôn không khôn khuây trong
tâm trí nhà văn. Cũng như cái tính chất Phương Đông – Phương Tây, sự khác biệt
giữa hai nền văn hóa và giữa những con người đứng ở giữa lằn ranh và chưa/chưa
thể cảm thấy mình thuộc hẳn về phía bên nào. Tôi nghĩ rằng điểm đặc biệt của
văn Orhan Pamuk là ông giới thiệu được Istanbul đối với thế giới trong tư cách
một nhà văn Istanbul (và bây giờ nếu ai nói đến Istanbul, có lẽ tôi sẽ nghĩ đến
Orhan Pamul đầu tiên). Nhiều phần hay nhất trong tuyển tập còn thuộc về những
trang viết về tình yêu đối với văn chương, với sách và những tác giả yêu thích
của nhà văn (bằng cách viết của mình, ông thực sự khiến tôi muốn đọc Dostoyevsky – nhất là Anh em
nhà Karamazov của nhà văn này). Trong khi những bài viết về tiểu họa
và vài sự kiện chính trị lại không thực sự gây chú ý với tôi và càng về những
phần sau, các bài viết có khuynh hướng khô khan như những bài chính luận. Cho
đến câu chuyện Nhìn ra cửa sổ và bài
diễn văn cuối - Cái va li của cha tôi
– cái không khí gia đình vừa gần gũi vừa cô đơn, chất tự sự trầm tĩnh của nhà
văn trở lại và đây cũng là những phần cảm động nhất trong cả tuyển tập. Tôi
đoán rằng rất nhiều chi tiết trong những bài viết này, đặc biệt về Istanbul có
lẽ sẽ được nối dài sang Istanbul – Hồi
ức và thành phố và vẫn sẽ bằng lối hành văn phong phú, tỉnh táo nhưng giàu
sắc hoài niệm và nội tâm.
Điểm tôi hơi ngạc nhiên về Orhan Pamuk là – tôi vốn hình
dung đấy là một nhà văn hiền lành, trầm mặc, người cả đời sống ở Istanbul và
giam mình trong một căn phòng mỗi ngày 10 tiếng để viết văn, đôi khi ông có thể
có những khoảnh khắc vô cùng lạnh lùng. Như nhìn thấy một con hải âu hấp hối và
sau đó tiếp tục việc của mình và sau đó nhìn thấy nó chết và sau đó tiếp tục
việc của mình…
Quyển sách khá dày, có những bài viết dài và những bài
viết ngắn, rất ngắn. Nhưng tôi tin rằng tuyển tập này không phải để đọc liền
một mạch và thậm chí không cần thiết phải đọc từ đầu đến cuối mặc dù sự sắp xếp
của nhà văn là có chủ ý. Bởi lẽ khi đọc gắng sức theo kiểu trật tự một câu
chuyện có trước có sau, có lúc tôi đâm chán, nhất là ở những chủ đề xa lạ với
tôi lúc bình thường hoặc tại thời điểm đó. Thế nên nếu nhẩn nha đọc và đọc phần
nào đó khi bản thân đang tìm kiếm nó, người đọc sẽ cảm nhận phần viết đó trọn
vẹn hơn…
---
* Những màu khác - Orhan Pamuk, Lâm Vũ Thao dịch, NXB Văn
học và Nhã Nam, 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét