Nhớ Trịnh Công Sơn những năm cuối đời rất gầy. Ông xuất hiện trong một chương trình trực tiếp ca nhạc trên ti vi, có trả lời phỏng vấn, còn tự hát ca khúc Một cõi đi về của chính mình. Tôi vẫn không quên cảm giác kinh ngạc của mình khi đó, nom ông - như ca sĩ Khánh Ly có lần viết - “gầy như chẳng thể gầy hơn nữa”. Tôi còn là một nữ sinh, có lẽ chỉ tầm 14, 15 tuổi hoặc ít hơn, không biết nhiều đến Trịnh và âm nhạc của ông. Một cõi đi về khó hiểu và buồn, kết hợp với cái gầy guộc của ông càng gia tăng thêm sự mênh mông, xa vắng. Mẹ tôi cảm thán, cho rằng ông sẽ sống không được bao lâu. Ít năm sau, quả nhiên, ông đã bỏ trần gian mà đi…một ngày đầu tháng tư năm 2001…
Sau đó, hát nhạc Trịnh bỗng trở thành trào lưu, nhiều ca sĩ hát nhạc của ông, mỗi người một vẻ. Nhưng tôi không nghe hoặc có nghe qua mà không nhớ. Với tôi, nhạc Trịnh vẫn là còn là một miền đất bí ẩn, mà tôi thì bản tính không tò mò, tôi nghĩ cả đời tôi cũng không ham khai phá. Nhưng rồi tôi tình cờ nghe Khánh Ly hát Diễm xưa. Giọng hát hay như thế sao có thể bỏ lọt ngoài tai? Tôi tiếp cận dần âm nhạc Trịnh Công Sơn … Tôi nghĩ nếu tôi không nghe được giọng hát Khánh Ly, tôi sẽ không buồn biết đến nhạc Trịnh. Tuy nhiên cũng không thể cho rằng tự thân nhạc Trịnh không có sức thu hút (có điều sức thu hút này do ai diễn đạt và có đủ làm bạn say mê không? Tôi nghe Khánh Ly hát thì ít còn thích nghe ai khác, trong khi bạn tôi thì nghe được rất nhiều người, nhưng lại ít nghe được Khánh Ly – cũng là điều dễ hiểu). Thêm rằng, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, hễ nghĩ về hai con người này, đã có nhau trong tình yêu âm nhạc của họ, tôi cảm nhận được tính duyên phận ở đây, như người đời thường nói, cho nên vì giọng hát của người này mà yêu sáng tác của người kia hay ngược lại, thật ra cũng không quan trọng để phân biệt.
Tôi nghe nhạc Trịnh thì lờ mờ khám phá ra cõi âm nhạc “gầy” của ông, gầy như ông thưở nào hát Một cõi đi về.
Đầu tiên là “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, dài tay em mấy thưở mắt xanh xao…”
Ngay từ lời ca này đã gợi tưởng trong tâm trí tôi hình ảnh một người con gái có vẻ đẹp yếu đuối, xanh xao. Cộng với không gian liêu trai của bài hát, người con gái càng mong manh, như giọt mưa đọng trên nhành lá, mau chóng tan biến vào hư vô, chỉ có thể nhìn thấy một lần rồi vĩnh viễn không gặp lại, khiến cho người ta nhớ thương suốt đời. Đó chính là “Diễm của những ngày xưa”…
Một người khác, gầy hơn và buồn hơn, là vai chính trong một cuộc tiễn biệt đẫm lệ , ấy là người thơ của Như cánh vạc bay.
“Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em…
...Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi ...”
Tôi cứ hình dung rằng đây là một cuộc tình muộn, cho nên dù đôi bên thấu hiểu nhau sâu sắc, cảm động lòng nhau tha thiết, họ cũng không thể ở bên nhau. “Ta” đưa em về, “vai em gầy guộc nhỏ” …không gian u ám…từng giọt lệ, từng giọt lệ… “ta” khóc, nước mắt ướt đẫm cuộc đời “ta”…
Sau này có dịp nghe Hạ trắng và Tuổi đá buồn gần như cùng lúc, tôi cũng bắt gặp chữ “gầy” trong hai bài hát này:
“Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn , lòng hoa bướm say…
Gọi nắng cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay
Cho tay em dài gầy thêm nắng mai…”
“Từng ngón tay buồn
Em mang em mang…
…Ôi đường phố dài
Lời ru miệt mài…
Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi
Em gầy ngón dài…”
Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi
Em gầy ngón dài…”
Cả trong Ru em từng ngón xuân nồng, và Thương một người trước đó tôi nghe, cũng thấp thoáng một bóng dáng gầy:
“Ru mãi ngàn năm dòng tóc em buồn
Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm
Trên mùa lá xanh ngón tay em gầy
Nên mãi ru thêm ngàn năm…”
“Thương ai về xóm vắng
Đêm nay thiếu ánh trăng
Đôi vai gầy ướt mềm
Người lạnh lắm hay không…”
Dường như Trịnh Công Sơn bị ám ảnh bởi những gì gầy gò, thiếu khuyết – tính không toàn vẹn của đời sống. Có lẽ vì trái tim ông đa cảm, nên khi đứng trước một bức tranh buồn, trái tim đa cảm ấy không thể không rung lên. Và khi rung lên rồi, nó trở thành tiếng nói đẹp nhất ông dâng cho đời, dâng cho người. Khi ai đó nói, nàng thơ trong âm nhạc của Trịnh có vấn đề, rằng người gầy guộc, xanh xao thì không thể nào cho là đẹp được thì tôi cho rằng con mắt của người này chỉ dừng lại trước vẻ đẹp thực thể mà không nghĩ, không cảm ra được được cái ẩn sâu trong một tâm hồn, trong một sinh mệnh. Cái dáng vẻ hao gầy, xanh xao mà Trịnh đã nhìn thấy ấy, phải đâu chỉ là hình dáng bề ngoài của một người phụ nữ, cái ông thực sự nhìn ra là những ẩn tiềm bất hạnh, những hư hao, sầu muộn trong tình yêu hay sâu hơn, xa hơn là trong kiếp con người. Lẽ đó, cõi âm nhạc “gầy” của ông cảm động biết bao, đến nỗi thấy thương vô cùng một bóng dáng gầy hao để chỉ muốn mặc lòng cuốn theo một Đóa hoa vô thường trong mỗi lần nghe Trịnh.
"Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai"
……………..
"Thân bỗng nhẹ như bọt bèo trên cạn
Thả theo dòng hờ hững chuyện hợp, tan
Mây cứ bay, gió cứ thổi ngút ngàn
....
Bao nhiêu năm gấp lại - những nếp nhầu
Thời gian đủ phai màu bao chiếc áo
Có thể gặp nhau rồi mà chẳng nhận ra nhau"
(Thơ trích từ blog bacsingan)
Trả lờiXóaTuệ Tâm1978 at 10/16/2010 03:41 pm comment
Mình chẳng bao giờ nghe nhạc Trịnh. Nhưng qua bài viết của Vi Phong, qua cái nhìn, qua cách đánh giá thấu đáo và sâu sắc của bạn, mới biết vì sao nhiều người mê nhạc Trịnh. Trước giờ mình chẳng mấy khi nghe nhạc, ngoài mấy bài hát cách mạng, và nhạc Hoa... Ngày xưa nhạc sĩ luôn sáng tác nhiều bài hát khiến ta mang nhiều cảm xúc và tâm trạng. Tùy từng đề tài mà cảm xúc khác nhau, nhưng nói chung là luôn làm lay động lòng người; Bởi những tâm tư, tình cảm và tình yêu mà nhạc sĩ gởi trao trong các ca khúc của mình luôn dồi dào và sống động... Vi Phong đừng phiền, nếu mình có bình hơi lạc đề bài viết của bạn nhé !
XóaVi Phong at 10/16/2010 08:08 pm reply
Lớp người ngày xưa thường có nhiều nỗi đau (đau riêng, đau chung nhưng tựu trung là nỗi đau thân phận) bởi vậy họ mẫn cảm với nỗi đau người khác hay nói chung là nỗi đau đời, sáng tác của họ vì vậy thẩm thấu lòng người, còn có tính chất đại diện nhân thế. Bây giờ thì... nói chung bối cảnh thời đại đã khác... nghệ sĩ cũng phải khác đi... không phải chỉ riêng trong âm nhạc, cả trong văn học cũng thế... Một câu chuyện dài, nói không có đoạn kết...
Trả lờiXóaĐóa Hoa Vô Thường at 10/21/2010 09:39 pm comment [hidden]
Đóa Hoa Vô Thường có lẽ là mẫu người phụ nữ của TCS... Đúng là cái gầy trong những bản nhạc Trịnh không phải đơn thuần là chỉ hình dạng bên ngoài... phần nhiều là gợi đến những mong manh đến vô thường của những con người này.... Vô Thường lại thích từ "vô thường" trong nhạc Trịnh...
XóaVi Phong at 10/22/2010 07:20 pm reply [hidden]
Với nick Đóa hoa vô thường, mình hiểu rằng bạn đương nhiên phải thích hai từ "vô thường" nhiều lắm? Và nhạc Trịnh? Chia sẻ với mình nhé! Cám ơn bạn!