Thư gửi mẹ - Exenin (Bản dịch của Anh Ngọc) Mẹ có còn đó chăng, thưa mẹ? Con vẫn còn đây, xin chào mẹ của con Ánh sáng diệu kỳ vào lúc hoàng hôn Xin cứ toả trên mái nhà của mẹ. Người ta viết cho con rằng mẹ Phiền muộn lo âu quá đỗi về con Rằng mẹ thường đi đi lại lại trên đường Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát Trong bóng tối chiều hôm xanh ngắt Mẹ mãi hình dung một cảnh hãi hùng Có kẻ nào vừa đâm trúng tim con Giữa quán rượu ồn ào loạn đả Mẹ thân yêu! Xin mẹ cứ yên lòng Đó chỉ là cơn nặng nề mộng mị Con có đâu be bét rượu chè Đến nỗi chết mà không nhìn thấy mẹ | Con vẫn như xưa đằm thắm dịu dàng Vẫn như xưa chỉ một niềm mong ước Sớm thoát khỏi nỗi buồn đau trĩu nặng Để trở về với mái nhà xưa Con sẽ về vào độ xuân sang Mảnh vườn ta trắng cây cành nảy lộc Chỉ có điều, mẹ nhé, mỗi ban mai Đừng gọi con như tám năm về trước Đừng thức dậy những ước mơ đã mất Đừng gợi chi những mộng đẹp không thành Đời con nay đã thấm nỗi nhọc nhằn Đã sớm chịu bao điều mất mát Cũng đừng dạy con cầu nguyện, vô ích! Với cái cũ xưa không quay lại làm chi Chỉ mẹ là nguồn vui, ánh sáng diệu kỳ Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước Hãy quên đi những lo âu, mẹ nhé. Đừng buồn phiền quá đỗi về con Mẹ chớ đi đi, lại lại trên đường Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát. |
Bài thơ này được viết một năm trước khi nhà thơ qua đời. Hẳn ai yêu
thích thơ Exenin đều biết nhà thơ đã
chọn giải pháp nào để giải quyết những giằng xé trong tâm hồn mình. Trong lịch
sử, không hiếm chuyện thi sĩ, văn sĩ trong đỉnh điểm mâu thuẫn nội tâm, chọn
cái chết là đáp án triệt để và cuối cùng.
“Trên đời này sống là điều chẳng mới
Nhưng thật tình chết cũng chẳng mới gì hơn”
“Tâm hồn Nga” nói về cái chết với một thái độ bình thản, bởi nó chính
là điều phải xảy ra, và hoàn toàn cũ kĩ. Dù sao tôi sẽ không sa đà tự vấn lương
tâm về cái chết của “cánh hoa không lặp lại bao giờ” ấy. Mỗi một sự ra đi đều
có một nguyên nhân. Và nguyên tắc của tôi luôn là: bởi vì không ai trong chúng
ta biết đích xác nguyên nhân ấy nên hãy tôn trọng nó như một bí mật không bao
giờ hé răng.
Trở lại với bài thơ, có một tâm
sự xuyên suốt của người con khiến tôi ngậm ngùi:
“Con vẫn như xưa đằm thắm dịu dàng
Vẫn như xưa chỉ một niềm mong ước
Sớm thoát khỏi nỗi buồn đau trĩu nặng
Để trở về với mái nhà xưa”
Hóa ra con của mẹ, bất luận đã
trải qua thăng trầm nào, đã biến đổi đến mức khiến cho cả mẹ cũng phải tưởng
nghĩ rằng con đang “be bét rượu chè” “đến nỗi chết mà không nhìn thấy mẹ” bởi
trong cái quán rượu “ồn ào loạn đả” nơi phố thị vàng son kia, con đã bị kẻ nào
đó “vừa đâm trúng tim”; thì thật ra con vẫn là người con mà mẹ từng biết, từng
yêu thương, ôm ấp suốt thời nhỏ dại: con vẫn là con, đằm thắm dịu dàng. Chỉ bởi
đời con có quá nhiều đau thương, bất hạnh nên con đã không thể còn là chính mình,
đứa con yếu đuối, mộng mơ, giàu tình cảm của mẹ. Nhưng tâm hồn con vẫn khát
khao cái ngày, con được trở lại là chính mình, được trở về với mái nhà xưa, để làm
đứa con dịu dàng đằm thắm của mẹ.
Nhưng mẹ ơi, cuộc đời vẫn đã kịp
lưu dấu lên tâm hồn con, vẫn đã kịp lấy đi niềm tin, mơ ước của con vào cuộc
sống. Nhiều thứ trong con đã mất đi. Những ước mơ, những mộng đẹp đều đã tan
theo mây khói. Và mẹ làm ơn đừng tìm
cách khơi dậy. Cũng đừng bảo con tin vào đấng tối cao thiêng liêng. Mất mát,
đau thương con đã đủ. Cuộc đời của con giờ chỉ còn là hố sâu tuyệt vọng. Với
con, chỉ còn có mẹ là niềm an ủi, là nguồn sáng duy nhất soi đường con bước.
Chỉ có mẹ mà thôi.
Và vì
sao đến phút cuối mẹ cũng không đủ làm lý do cho con sống tiếp?
Năm
1925, Exenin treo cổ tự sát, giải phóng bản thân khỏi tất cả những bế tắc,
tuyệt vọng, khổ đau.
Nếu ai đã trót yêu những vần thơ của “Tâm hồn Nga”, hãy yêu lấy cả bi
kịch trái ngang của cuộc đời ông. Sự bi quan như từ trong máu ấy, xin đừng phán
xét….
“Cuộc
chia ly tự bao giờ định sẵn
Hẹn một ngày tái ngộ chờ mong”
Hẹn một ngày tái ngộ chờ mong”
……………..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét