1Q84 (Haruki Murakami, Lục Hương dịch, NXB Hội Nhà Văn & Nhã Nam, 2012-2013)
Tôi khá vất vả với bộ tiểu thuyết này.
Tập 1 khá hấp dẫn, tôi đọc nhanh hơn một tẹo. Tập 2 tương đối, dẫu sao ta còn muốn đọc. Đến tập 3 thì gần như phải rất nỗ lực, chỉ vì không nỡ bỏ dở thứ đã bắt đầu.
Một vài người đọc bộ 1Q84 tôi biết cũng có nhận định tương tự. Họ cảm thấy câu chuyện mỗi lúc một dài và gây chán nản, thậm chí có người không thể theo hết. Và sở dĩ tôi nhận được bộ này vì nhờ một người không đọc nổi đến cuốn thứ ba của nó.
Thật ra điều khiến tôi khó chịu hơn cả với bộ tiểu thuyết 1Q84 không hẳn là độ dài hay kiểu lề mề của Haruki Murakami, vì vốn tôi có thể hình dung với một tiểu thuyết đồ sộ như thế, thể nào ông ấy cũng sẽ nhẩn nha trong những chi tiết đời thường và tất nhiên, chớ mong chờ một chi tiết bùng nổ. Mọi thứ đến khi phải đến, theo cách cứ thế mà biết với nhau trong lặng lẽ. Và nếu có gì ta thấy hơi chán về tình tiết thì mấy cái nhân vật tưởng chừng ghê ghớm lại “ngỏm” một cách quá dễ dàng..
Điều khiến tôi khó chịu xảy ra sau vài trang của tập đầu, khi tôi cứ thấy mình như đang đọc văn học Trung Quốc thì đúng hơn là văn học Nhật Bản và của Haruki Murakami. Và rồi nhanh chóng tôi nhận ra bản dịch cả ba tập 1Q84 đều được dịch từ bản tiếng Trung với dịch giả dường như cũng là người hay dịch văn học Trung Quốc.
Tôi không nghĩ mình hiểu đúng về văn phong của tác giả ngoại quốc hay một nền văn học. Nhưng ít nhiều quá trình đọc sách này sách kia mang đến cho ta những cảm nhận riêng, trở thành một cái gì có tính trực giác. Nó không dễ để diễn đạt nhưng nó tồn tại, vì nó là cảm giác chân chực của bạn.
Tôi thấy hơi tiếc về điều đó.
Tôi còn một cuốn khác của Haruki Murakami mua từ hội sách mùa xuân năm ngoái, Kafka bên bờ biển, một tác phẩm cũ hơn và được ca ngợi nhiều hơn. Tôi không vội đọc vì cảm thấy mình đọc Haruki Murakami đã hơi quá nhiều.
Nhưng cái suy nghĩ mình sẽ không đọc nhiều tác phẩm của cùng một tác giả, thật ra theo thời gian, tôi cũng đã tự phá vỡ. Đôi khi bạn không biết phải chọn gì giữa một rừng sách. Và bạn, theo thói quen, tìm đến thứ bạn từng biết, một cái tên khả dĩ vẫn gây niềm tin, một cuốn sách vẫn hứa hẹn khả năng gây đắm chìm.. tuy chúng ngày càng ít đi mà nguyên nhân của việc này một phần nằm ở nơi bạn.
Tù nhân của thiên đường (Carlos Ruiz Zafón, Võ Hồng Long dịch, NXB Văn học & Nhã Nam, 2017)
Khi cuốn sách này ra mắt, tôi đặt mua ngay và gạt những cuốn khác sang một bên để dành cho nó vài buổi tối. Tôi nghĩ trong cái năm nay thì đây là cuốn đem đến cho tôi cảm giác chờ đợi khi đặt mua. Tôi đã rất thích cuốn đầu tiên trong bộ tứ của nó, cuốn Bóng hình của gió mà tôi được Còi Cọc tặng (xem lại thời gian đọc, thì đó là vào năm 2015). Dĩ nhiên không phải là khoảng thời gian quá ngắn để tôi có thể hệ thống lại từng chi tiết nữa, có cái tôi đã quên rồi, thứ còn nhớ được thì chưa hẳn đã chính xác.