
Nhớ lại lần đầu tiên mua sách online, chuyện
cách đây nhiều năm, là mua ở nhà sách S. Trong số sách nhận được có một cuốn
thiếu hẳn nhiều trang. Khi gọi điện phản hồi, nhận ra là họ sớm đã biết cái lỗi
này (hẳn ngay từ quá trình in ấn đã mắc phải sai sót ở một số cuốn) rồi hứa hẹn
sẽ đổi trả. Nhưng sau im ru. Từ đó, tôi tìm mua sách ở nơi khác, nơi cũng gắn
bó mua đến bây giờ. Ờ, tôi chỉ “vĩnh biệt” cái gì đó trong một kiểu trường hợp
tương tự như thế mà thôi.
2. 14 truyện viết rải rác trong những năm từ
1986 đến 2004. Truyện đầu tiên trong cuốn sách là Tướng về hưu viết năm 1986.
Tôi chắc mình nghe đến cụm từ “Tướng về
hưu” trước khi biết đến cái tên Nguyễn Huy Thiệp. Có lẽ một buổi học văn nào đó
trong những năm tháng học trò xa xưa, một cô giáo dạy văn đã thoáng nhắc qua, về
cái tình tiết “cô con dâu làm ở bệnh viện phụ sản, công việc là nạo phá thai và
hàng ngày các rau thai bỏ đi cô mang về cho chó, lợn ăn”. Trong ký ức lờ mờ,
tình tiết này hẳn tôi cũng đã từng đọc thấy trên báo, kiểu người ta phân tích về
nhân vật – cái sự vô cảm đó, cái hiện thực cuộc sống với những giá trị đảo lộn
khiến ông tướng về hưu thất kinh, sống dần chết, đại loại vậy. Tướng về hưu
cũng được dựng thành phim và hẳn điện ảnh cũng góp phần thêm vào sự nổi tiếng của
nó.
Tên tuổi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì mãi
sau này tôi mới biết, khi ông không còn sáng tác (một cách chính thức) nữa. Ông
bán tác quyền cho NXB Trẻ, chiều chiều đưa cháu nội đi học, cà phê hay dạo phố
- đó là những gì tôi nhớ được, từ một bài báo, về tuổi già của nhà văn. Với một
ngòi bút hiện thực, lạnh lùng và tỉnh táo ngần ấy, kể cũng khó hình dung về sự
“tận hưởng tuổi già nhàn nhã” ấy, khi mà cuộc sống dĩ nhiên vẫn cần nơi Nguyễn
Huy Thiệp khả năng “xông pha trận mạc” như “con ngựa bất kham” năm nào. Nhưng
có lẽ ai cũng già, và khi già thì người ta hay nghĩ là thời của mình đã qua.
Cũng có thể có lý do khác. Song tôi cứ nghĩ biết đâu, rất lâu sau này, hậu nhân
lại tìm thấy trong những di cảo của ông ấy, những thứ chưa được xuất bản khi
còn sống, viết trong chính những năm tuyên bố “nghỉ hưu” ấy. Biết đâu đấy!